Thái độ hoài cổ khá thời thượng ở nhiều lĩnh vực, nhưng với văn học thì không. Thế nên, những trang văn của Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam…, vốn khiến nhiều thế hệ độc giả Việt say mê, ngày càng xa lạ với giới trẻ ngày nay.

Là cố vấn văn bản, làm văn bản và viết lời tựa cho vài cuốn trong bộ Việt Nam danh tác, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tin rằng bộ sách mang những tác phẩm “cũ” (giai đoạn 1930-1945) đến với những thế hệ không hề cũ.

Tinh hoa không chỉ là ký ức

Là học giả hiếm hoi ở Việt Nam theo ngành văn bản học, nôm na là tìm đọc và đối chiếu văn bản các tác phẩm, Lại Nguyên Ân được trong Nam ngoài Bắc kính trọng bởi ông theo đuổi một công việc ít ai làm với thái độ khoa học. Nếu rà soát một lượt trong giới nghiên cứu, chữ “hiếm hoi” ở trên nhiều khả năng có thể đổi thành “duy nhất”. Hơn nữa, các công trình của ông (về văn bản tiểu thuyết Giông tố, bộ tuyển tác phẩm đăng báo của Phan Khôi…) có giá trị tham khảo rất lớn.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và cuốn Số đỏ do ông chỉnh lý từ 3 bản in khác nhau và viết lời giới thiệu.

Từng gọi công việc của mình là “trục vớt quá khứ”, Lại Nguyên Ân là một trong những học giả đầu tiên góp công vào bộ sách Việt Nam danh tác. Những Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Vũ Bằng có thể hiện diện trong sách giáo khoa, nhưng văn của họ phần lớn đã được coi là thuộc về ký ức.

Có thể gọi đó là những tác phẩm của ký ức, nằm trong ký ức của nhiều thế hệ. Nhưng nhà làm sách hôm nay không muốn dừng lại ở đó. Còn nhiều thế hệ độc giả tiếp theo của Việt Nam, trong đó có nhóm trẻ đang say sưa truyện ngôn tình Trung Quốc, cần biết đến những tinh hoa văn hoa văn học dân tộc. Đơn vị làm sách gần như nhắm thẳng đến đối tượng học sinh THCS, THPT, chứ không phải những độc giả đã có hiểu biết dày dặn về văn học dân tộc.


6 cuốn ra trong đợt đầu của Việt Nam danh tác.

Chưa đọc không có nghĩa là không đọc

Mỗi năm, lượng sách tái bản các tác phẩm cũ bao giờ cũng nhiều hơn các tác phẩm mới, dù sách cũ lặng lẽ hơn về mặt quảng bá. Các đầu sách trong bộ Việt Nam danh tác vẫn được bán trên thị trường dưới dạng in lẻ, không thành hệ thống. Một bài viết trên Thể thao & Văn hóatuần trước có đặt câu hỏi về nhu cầu của độc giả đối với bộ sách. Cụ thể: “Ai thích thì đã tìm đọc hết rồi”, có thể suy luận thêm: “Ai đã không thích thì cũng chẳng tìm đọc đâu”.

Bình luận về góp ý này, Lại Nguyên Ân đặt câu hỏi ngược: “Vậy, những thế hệ đang lớn lên thì sao? Những bạn trẻ chưa từng biết đến các tác phẩm đó thì sao? Cuộc sống không dừng lại ở một thế hệ. Ai đã đọc rồi thì vẫn đang lớn lên và chết đi, nhưng những thế hệ sau phải biết đến những tác phẩm lớn của văn học Việt Nam chứ. Chưa đọc không có nghĩa là sẽ không đọc”.

Theo ông, những tập hợp như bộ Việt Nam danh tác cung cấp cho độc giả một bộ sưu tập có sẵn, giúp họ lập thành một tủ sách không chỉ cho bản thân mà còn cho con em họ.

Cũng chính Lại Nguyên Ân là người đặt vấn đề “chuẩn về văn bản” cho bộ sách Việt Nam danh tác. Chẳng hạn, tiểu thuyết Số đỏ – cuốn sách “làm vinh dự cho mọi nền văn học” (theo lời nhà văn Nguyễn Khải), có hơn 50 bản in từng xuất bản. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân kể, riêng nhà báo Yên Ba đã sưu tập được 55 bản in Số đỏ khác nhau. Bản in trong Việt Nam danh tác được chỉnh lý từ các bản năm 1937, 1946 và 1952, được coi là đầy đủ và chính xác nhất.


Vì sao vắng Nam Cao?

Việt Nam danh tác đợt đầu in 6 cuốn, gồm: Số đỏ, Vang bóng một thời, Miếng ngon Hà Nội, Việc làng, Gió đầu mùa, Hà Nội băm sáu phố phường lần lượt của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Ngô Tất Tố, Thạch Lam (2 cuốn).

Về việc còn vắng tác gia Nam Cao, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết: “Các đầu sách trong bộ Việt Nam danh tác không phải tuyển tập, mà là in lại sách gốc. Nam Cao có nhiều truyện ngắn đăng báo nhưng chưa ra sách, nếu tự làm tuyển tập lấy tên Chí Phèo và những truyện ngắn khác thì không đúng tính chất của bộ sách”.

Mi Ly
Nguồn: Thể thao & Văn hóa
Exit mobile version