“Hoang Tâm” là cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Nguyễn Đình Tú do Công ty VH&TT Phương Đông liên kết với NXB Hội Nhà văn xuất bản và ấn hành. Sách sẽ ra mắt độc giả từ ngày 10/4/2013


Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng câu chuyện của một nhân vật được gọi bằng “Anh” tìm đến khu du lịch Cửa Núi ở huyện Nguyên Thủy xa xôi. Tại đây Anh gặp một cô gái được tạm đặt bằng cái tên “Son Phấn”. Hai người thực hiện một cuộc hành trình bí ẩn và kỳ thú. Họ đã lọt qua trận đồ đá để bước vào hẻm núi của tộc người Mã, những hậu duệ của một binh đoàn thất trận năm xưa với những ngôi làng đá rùng rợn và ám ảnh. Rồi họ lại vượt qua một trảng cỏ tranh với sự truy đuổi của trăn hoa và cọp xám để lạc vào vùng đất của tộc người Khi, một tộc người có lịch sử ra đời gắn liền với truyền thuyết ăn não người của bậc đế vương, chứng kiến một lễ hội dâng óc kinh hoàng tại dinh thự ẩn sâu trong lòng đất. Cuộc hành trình lại tiếp tục đưa họ đến với tộc người Mụ với vô vàn những tập tục kỳ lạ để cuối cùng cả hai bước vào một biệt điện nguy nga dành cho nữ tộc trưởng hoang dâm và quyền lực.

Nếu việc thám hiếm Cửa Núi là chiều dọc của cuốn tiếu thuyết thì ở chiều ngang của nó là ngồn ngộn những chi tiết hãi hùng gợi lại cuộc chiến của đất nước K đắm chìm trong nạn diệt chủng, là những cảnh đời u buồn, hoảng loạn bởi những chấn thương tâm lý khủng khiếp, là những cảnh đời, cảnh người nghiệt ngã, cảm động, bi thương, là những cật vấn về cái chết và sự sống, là tình yêu và những khúc hoan ca xác thịt kêu gọi mầm dục thiêng liêng, là sự kiệt quệ của thể xác chứa những rối bời nhân tính trước dòng thác xói mòn tâm hồn mà nếu không có một bản ngã mạnh mẽ được nâng đỡ bởi những trầm tích văn hóa thì không đủ nội lực vươn lên và đứng vững.

Cuối cùng thì câu hỏi Cửa Núi là gì, câu chuyện được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết có thật hay chỉ là một thế giới khác, không hiện hữu dưới ánh mặt trời, cũng lóe ra ở cuối cuốn sách, nhưng câu trả lời chính xác nhất lại nằm ở chính độc giả, những người dõi theo số phận của nhân vật ngay từ những trang đầu tiên.

Anh là ai? Son Phấn là ai? Hai nhân vật chính không tên, không tuổi, không lý lịch xuất thân, chỉ được hé lộ thân phận vào những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, đủ để hấp dẫn độc giả đi hết gần 300 trang sách, đưa bạn đọc vào một cuộc thám hiểm có một không hai, cho đến khi cái đích hiện ra, và nó không nằm ở đâu khác mà nằm ngay trong chính tâm hồn bạn.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét, “Hoang tâm” lôi kéo người đọc bằng hàng loạt tiểu tiết mộng, ảo, kỳ bí, dựa trên những huyền sử về một vài tộc người đã từng tồn tại, và rồi đã dần mất tích trên mặt đất. Để rồi lại dựng người ta tỉnh lại bằng hiện thực, một góc hiện thực quá hiếm hoi trong văn học Việt: chiến tranh biên giới Tây Nam. “Hoang tâm” là sự kết hợp cùng lúc: giọng văn truyền thống, cách dẫn chuyện hiện đại, cốt truyện hiện thực huyền ảo, nhịp và ngữ hậu hiện đại.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Đôi nét về nhà văn Nguyễn Đình Tú:

Nhà văn Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974 tại Kiến An, Hải Phòng. Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội (1996). Từng tu nghiệp sĩ quan tại Trường Quân chính Quân khu 3 (1996 – 1997). Từ năm 2001 công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội. Hiện là Trưởng Ban Văn xuôi tạp chí Văn nghệ quân đội. Phó Ban nhà văn trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam. Anh được độc giả biết đến qua các tác phẩm: “Hồ sơ một tử tù” (2002); “Bên dòng Sầu Diện” (2006); “Nháp” (2008); “Phiên bản” (2009), Kín (2010), Hoang tâm (2013).

Nguyễn Đình Tú đã từng đoạt các Giải thưởng văn học: Giải thưởng truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội, 1999. Giải thưởng tiểu thuyết NXB Công an nhân dân phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, 2002. Giải thưởng văn học 10 năm Bộ Công an. Giải thưởng văn học 5 năm Bộ Quốc phòng.

Nguồn: HNMO

Exit mobile version