Có thể nói, tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết đều là những “lạc thể”. Hầu như họ là những người không “tương thích” với xã hội kỹ trị, xã hội tiêu dùng. Có hai cuộc sống bên lề cuộc sống ấy hiện diện như một tham chiếu nhưng cũng không trở thành lối thoát cho những con người ở trung tâm xã hội.
“Câu chuyện này, tôi đã muốn quên đi, hay chí ít cũng đã từng tỏ ra như vậy. Bởi nó là một kịch bản tồi, hình thức cũ kĩ, nội dung quá u sầu, tiêu cực – dưới cái nhìn của những nhà giáo dục. Cái chết của em, những người lên án thì vẫn hoài lên án, những người thấu hiểu vẫn không còn đủ ẩn ức, để đứng ra gào lên những đồng cảm của mình. Nhưng trong số sách từng kẹp nách lên chùa, tôi đã gặp nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Mượn cách ông, tôi đặt cho câu chuyện này một cái tên, cũng theo nhan đề một bài hát. Và bài hát ấy là kỷ niệm của riêng tôi – Mưa tháng mười một.” (Mưa tháng mười một, Công ty Đông A và Nxb. Lao động, 2009, tr.27). Đây là đoạn cuối của truyện ngắn được lấy làm tên chung cho tập truyện ngắn mới đây của Nguyễn Danh Lam, một tập truyện mà tôi nghĩ, đánh dấu bước ngoặt trong quan niệm nghệ thuật của tác giả. Tôi sẽ còn trở lại với đoạn trích này ở sau, để xem đó như một chìa khóa mở vào thế giới nghệ thuật của tác giả, nhất là ở thời đoạn của tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc, một dấu ấn rất đáng kể của Nguyễn Danh Lam từ khúc quành bắt đầu bởi tập truyện ngắn.
Cho đến thời điểm này, Nguyễn Danh Lam đã có một tập thơ, một tập truyện ngắn và ba tiểu thuyết. Nếu như thơ chỉ là mối duyên đầu của Nguyễn Danh Lam với văn chương chữ nghĩa thì hai tiểu thuyết đầu, từ Bến vô thường (Nxb. Hội Nhà văn, 2001) đến Giữa vòng vây trần gian (Công ty Đông A và Nxb. Hội Nhà văn, 2005), là một hành trình không mệt mỏi cho việc đi tìm lối viết, một nỗ lực hình thức, mà hầu như bất cứ người viết có tham vọng nào cũng để tâm suy tưởng. Tất nhiên, câu chuyện đi tìm lối viết, ở đây là một hình thức kết cấu tiểu thuyết, một mô hình tự sự, không phải là tất cả câu chuyện đổi mới văn chương. Hình như Nguyễn Danh Lam còn bị cám dỗ bởi những hấp lực khác.
Tôi không muốn làm một phép nhị phân ở đây, để nói đến một nỗ lực nội dung trong sáng tác của Nguyễn Danh Lam. Chỉ có điều, có một thực tế, một nội dung khác sẽ đòi hỏi cho mình một hình thức biểu hiện khác. Đó chính là điều mà Nguyễn Danh Lam đã tìm thấy trong các truyện ngắn, khúc quành của dòng sông, để đưa văn chương của mình theo một chiều hướng khác, ngày càng xa dần vẻ nhân bản trong suốt, (tôi có cảm giác có sự giằng xé giữa quan niệm nhân bản này với quan niệm nhân-bản-khác-nào-đó, trong truyện ngắn Đất), để những sáng tác về sau là sự truy cầu cái quan niệm còn chưa được định hình ấy, một nhân bản gắn chặt với từng trạng huống sống, rất cụ thể và không xa lạ. Cái ý hướng sáng tạo những tác phẩm tự nhiên nhất, như cuộc đời có thể là một phương án, cũng có thể là một hệ quả, của sự đổi mới cái nhìn trong quan niệm nhân bản của Nguyễn Danh Lam.
Bìa cuốn “Giữa dòng chảy lạc”
Trở lại với trích đoạn đã dẫn ở trên, Nguyễn Danh Lam đã không hề ngẫu hứng khi nhắc đến Haruki Murakami. Có thể ở đấy, Nguyễn Danh Lam chia sẻ cách thức đặt tên tác phẩm bằng cách lấy nhan đề một bài hát: hai ca khúc được lấy ra làm tên tác phẩm đều có đời sống âm nhạc tuyệt đỉnh ở mỗi thời đoạn, gắn bó chặt chẽ với sự thịnh hành của âm nhạc trong bối cảnh văn hóa đại chúng: Tôi muốn nói đến ở đây sự thức nhận về văn hóa đại chúng của Nguyễn Danh Lam. Và trong hai sáng tác, đều có nguồn cội gợi về những nỗi đau dĩ vãng. Nó chỉ cho ta thấy, nhận thức về chiều sâu của sự sống phát xuất bởi một chấn thương tâm lý là cảm hứng tương đồng, đúng hơn Haruki Murakami đã làm sống dậy ở Nguyễn Danh Lam.
Tình yêu trong cả hai tác phẩm đã được viện dẫn như là “hàn thử biểu” của tâm hồn con người trước các ba động của xã hội. Hoàn toàn ở hai tác phẩm, tình yêu không bật lên như một khát vọng mà là một niềm đau, một nỗi cô đơn hoang hoải của kiếp làm người. Nhật Bản gần hai thập kỷ sau thế chiến II trong tác phẩm của Haruki Murakami; Việt Nam gần hai thập kỷ sau cuộc trường kỳ chống Pháp, Mỹ trong tác phẩm của Nguyễn Danh Lam, đó là cả một xã hội đang vượt qua chấn thương của cộng đồng mình. Không phải là tiếng lòng của “thời thanh niên sôi nổi” mà là tiếng lòng của một thế hệ trí thức trẻ nhận thức rõ nỗi đau đớn của quá khứ, sự rạn vỡ của hiện tại và bấp bênh của tương lai. Hình như, trong cùng một mục đích chung hướng tới xã hội hiện đại, Nhật Bản những năm 60, Trung Quốc những năm 90 của thế kỷ trước và Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ này có chung một mẫu hình. Sự lấn lướt mạnh mẽ của văn hóa đại chúng và một vài ý thức minh định phẩm chức của văn học và trí thức trong nó, ít nhiều đem đến những tác phẩm văn học ám ảnh về thân phận con người.
Phát giác ra tâm thức đại chúng đương đại đã tạo thành bước ngoặt trong sáng tác của Nguyễn Danh Lam. Những truyện ngắn như những lát cắt chụp bắt đời sống là những thăm dò đầu tiên theo chiều hướng ấy. Để đến sau này, tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc hiện diện như một cuộc đổ bộ vào đời sống đương đại. Tiểu thuyết “đi tìm” điều gì giữa mênh mông kiếp người như thế? Cũng có viết về đồng tính, như một đề tài đang trở thành mốt của văn học đại chúng hiện nay, nhưng Nguyễn Danh Lam đã không chỉ viết về nó như một đề tài mốt. Trong tiểu thuyết, khi nhân vật chính phát hiện ra người vợ mình les (đồng tính nữ), Nguyễn Danh Lam đã không chỉ cho anh ta tự đi tìm đáp án cho cuộc tình. Trường đoạn suy tư của nhân vật trên hành trình đi tìm lại chính cuộc sống của mình bao chứa nhiều ý tưởng của tiểu thuyết: “…Liệu anh có đưa ra một giải pháp khả dĩ nào đó cho vấn đề này không? Trong phút nao lòng ấy, anh tự nhủ, sẽ không thể để mất cô. Tự khởi thủy con người cô không mang bi kịch ấy. Đó chỉ là một cuộc trôi dạt tạm thời, anh sẽ kéo cô trở về bờ cũ. Nhưng phút đã đặt mình trên xe, ngẫm lại cả một đoạn đời vừa qua, anh thấy mình đã góp phần đẩy cô xa thêm. Rồi cô sẽ đi về đâu, cái lạc thể chênh chao ấy? Mà ngay cả bản thân mình, anh có hơn gì cô? Có khác chăng sự “trôi dạt” của anh không mang khuôn mặt giới tính. Tất cả đều lạc nẻo, càng cố trở về càng trôi xa hút, càng cố kiếm tìm càng hoài công, mòn mỏi…” (tr.304). Sự cô đơn, lạc lõng của con người trong chính đời sống mà họ đang sống làm thành không khí u ám của cả tiểu thuyết. Vì sao không có ở đấy một sự cố kết cộng đồng? Và ngược lại, có không ở đấy, sự khẳng định cái tôi cá nhân cá thể? Không có câu trả lời khả dĩ nào được đặt ra, cũng không có thông điệp khả dĩ nào được gợi ra. Cùng lắm ở đấy, có một thức nhận về thế hệ, trong cách ông họa sĩ già tâm sự với người bạn trẻ của mình trước lúc xuất ngoại: “…Suy cho cùng, tao và mày cùng một thế hệ. Giống y nhau, dang dở, nửa nạc nửa mỡ. Mày được “lập trình” phân nửa cho cái này, phân nửa cho cái kia. Rốt cuộc là chẳng thích ứng với cái nào cả… Mày có thể chưa nghĩ đến thế đâu, nhưng hãy tưởng tượng đi, đám nhỏ, như con tao, chỉ dăm năm nữa thôi, được giáo dục theo một cách khác. Tụi nó sẽ là những nhân tố chính của xã hội trong một thời gian không xa nữa. Khoảng cách giữa hai thế hệ sẽ cực lớn. Tao chênh mày mấy chục tuổi, còn ngồi đây nói chuyện được với nhau. Mày hơn đám nhỏ nhà tao chỉ mười mấy năm, nhưng mày có thể nói chuyện và thích ứng được với tụi nó không? Bây giờ cái gì cũng lao vùn vụt, nếu ngay hôm nay mày không biết giật mình mà ngồi dậy, ráng “tương thích” được phần nào hay phần đó, chỉ ít năm nữa thôi, mày sẽ vĩnh viễn không còn hòa nhập được nữa” (tr.197). Sự vỡ ra của một xã hội mới hiện diện khắp tiểu thuyết. Đến ngay cả những suy tư về sự vỡ ra ấy cũng vỡ ra nốt. Hầu như các nhân vật trong tiểu thuyết không tồn tại như là con người của suy tư, cũng ít khi là con người hành động, dù không hẳn họ đã bạc nhược, bấy yếu hay mang sẵn một quan niệm yếm thế về số phận. Đó là thực tế đời sống hôm nay, dù không phải là tất cả. Và có lẽ Nguyễn Danh Lam muốn thâu tóm cái sự vỡ ra ấy, nhưng ở một mức độ khá đậm đặc, làm cho tiểu thuyết phần nào mất đi phẩm chất tự nhiên nhất, như cuộc đời, là điều một số truyện ngắn đã đạt được, dù có hoàn toàn xóa đi được sự hiện diện của vai trò tác giả, không phải trong tư cách người thiết kế, mà trong tư cách một tiếng nói quyền uy với các nhân vật và sự việc được xây dựng.
Có thể nói, tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết đều là những “lạc thể”. Hầu như họ là những người không “tương thích” với xã hội kỹ trị, xã hội tiêu dùng. Có hai cuộc sống bên lề cuộc sống ấy hiện diện như một tham chiếu nhưng cũng không trở thành lối thoát cho những con người ở trung tâm xã hội. Có hay không một ý đồ ở đây, khi Nguyễn Danh Lam cho hai nhân vật của mình, một tìm đến nông trại cà phê (đời sống tiền hiện đại), một tìm đến bến bờ hải ngoại (đời sống (hậu) hiện đại), đều cùng không tìm thấy lời giải cho những câu hỏi của đời sống hiện đại? Người ta chỉ có thể trả lời những câu hỏi của thực tại từ trong chính thực tại ấy? Nó là lý do để Nguyễn Danh Lam không đưa ra bất cứ một gợi ý nào cho các nhân vật: tiểu thuyết không tìm cho mình một khuôn khổ hiện thực với những đề xuất luân lý, lãng mạn với kiểu kết thúc có hậu, cũng không là hiện sinh hay phi lý. Theo đó, chính ở khía cạnh này, Nguyễn Danh Lam hiện ra như một “lạc thể” của văn học đương đại. Trong khi rất nhiều nhà văn cùng lứa hướng tới văn học phổ thông, Nguyễn Danh Lam vẫn cần mẫn đi tìm những con đường đổi mới văn học (đã và đang tạo thành) điển phạm (về văn học). Tất nhiên, càng về sau này, trong không khí dân chủ của văn học, chúng ta dần quen với việc không đưa ra sự phân định ngôi thứ giữa văn chương phổ thông và văn chương bác học. Mỗi kiểu loại văn chương có một vai trò nhất định đối với xã hội và con người, nếu cuối cùng, nó quy chiếu về các trạng thái nhân sinh, thân phận con người. Vì vậy, thành công của Nguyễn Danh Lam, tôi vẫn muốn nhấn mạnh ở phía sau khúc quành, để nói lại như đã chỉ ra ở trước, đọng lại ở nỗ lực truy cầu và tạo dựng cho mình một quan niệm nhân-bản-khác-nào-đó, phi nhân bản trong suốt, gắn chặt với từng trạng huống sống, rất cụ thể và không xa lạ. Trăn trở với con người, đó là phẩm chất đầu tiên và sau cùng để trở thành nhà văn.
Đoàn Ánh Dương
Nguồn: Văn nghệ số 11/2012