Võ Thị Xuân Hà
LÁ BÙA
Người ta nói ở những thế kỷ trước người Châu Á thường có bùa hộ mệnh mang theo bên người để tránh tai ương. Bùa có thể làm bằng vàng, bằng ngọc bích nạm vàng, bằng đá trắng, đỏ… hoặc bằng bất cứ vật liệu gì có thể làm để đeo hay giữ trong người. Thời nay, có không ít người vẫn thành tâm giữ bùa hằng nguyện cầu hoặc lưu giữ một kỷ niệm. Thỉnh thoảng, người giữ lôi lá bùa ra thầm ước một điều gì đó hoặc để rơi những giọt nước mắt đắng cay.
Tôi cũng có một lá bùa. Nó được làm bằng bìa bọc giấy trang kim màu vàng, y như một tấm vàng lá. Bề mặt in hình Đức Phật ngự trên toà sen nở. Tôi để lá bùa trong ngăn ví nhỏ.
Người đưa cho tôi lá bùa bảo rằng cô ta đã niệm chú xin phép Đức Ngài hiển linh trong đó, bảo tôi đi đâu cũng nên mang theo, cô ta ôm chầm lấy tôi nước mắt chảy ràn rụa, nói rằng cô rất thương tôi, cô còn nói nhiều điều để chứng tỏ cho tôi thấy sự linh thiêng của lá bùa.
Đôi khi tôi quên khuấy lá bùa. Nhưng lại không tài nào xoá nổi hình ảnh người đã đưa cho tôi lá bùa trong trí nhớ.
Có thể vẽ chân dung người đàn bà đó trên giấy dó. Việc này thì tôi có thể nhờ Sơn. Nhưng cậu ta đã lặn mất tăm trong cái thành phố không to cũng không nhỏ, lúp xúp nhằng nhịt phố cổ. Cậu ta có biệt tài chỉ cần nghe kể một câu chuyện không đầu không cuối nào đó là có thể dựng lên những chân dung mà thoạt nhìn ta chẳng hiểu là cái thứ gì. Sau đó định thần nhìn kỹ thì thấy dáng nét của người được dựng chân dung lẫn người dựng chân dung lẫn lộn đan xen như mê hồn trận. Người nước ngoài, đặc biệt là dân “Tây ba lô” rất thích sưu tầm loại tranh này, vì nó phản ánh đúng hơi thở dân bản xứ. Người mua cuộn tròn tấm tranh nhỏ rồi nhét vào cái túi cạnh của chiếc ba lô cóc to đùng, vác đi lênh phênh khắp mọi nẻo đường, không cần biết ai là người đã sản sinh ra tấm tranh, vì biết cũng chẳng để làm gì, chỉ sinh thêm phần phiền muộn cái nỗi phải lao lung chốn đường trần.
Quán trà của tôi có treo độ mươi bức tranh thì phần lớn là tranh sơn dầu của mấy họa sĩ chưa có tên tuổi, còn lại là tranh giấy dó của Sơn. Có bức vẽ những hình thù quái gở, muốn đoán định ra sao thì đoán, muốn lật ngang lật dọc thoải mái không bị giảm đi sự thách đố với người xem. Một bức vẽ đàn bà khoả thân, hai đùi dang ra nhưng hai bàn chân thì chụm lại e ấp. Bên cạnh là cái trống đồng Đông Sơn “mô-đi-phê”.
Cô ta bước vào quán cùng với một cậu bé chừng 5 tuổi với vẻ khá tự tin. Tôi nói thế là vì quán của tôi là quán kén khách. Dân thợ thuyền không mấy khi dám bước vào. Cô ta gọi một ly đen, một bao vina sản phẩm. Bàn tay đen nhẻm, xương xẩu kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay, xoè diêm một cách sành điệu. Lẽ ra tôi không chú ý đến vị khách này nếu cô ta không bẩn thỉu và nếu cô ta không đi cùng với một đứa trẻ đẹp như tranh vẽ. Trong đầu tôi thoáng qua hai hình ảnh tương phản. Thằng bé tuy trắng nõn trẵng nà, bụ bẫm như thiên sứ nhưng nghịch như ranh, kéo ghế soàn soạt, rồi nhấc một lúc đến mấy gói bim bim bày ở mỗi bàn một gói. Cô ta quát thằng bé, xưng mẹ gọi con rất ngọt. Tôi nhắc khẽ cậu nhân viên khéo để ý đến hai vị khách nếu không sẽ bị đổ vỡ lung tung hoặc mất mát một thứ gì đó rồi thụt người xuống góc quầy ba, định đánh một giấc trưa kéo dài hai ba tiếng. Nhưng cậu bé nhân viên lại để xe không đúng quy định. Thế nên tôi lại nhổm người lên để nhắc. Cô ta nhìn tôi bằng cặp mắt lờ đờ, rồi thủng thẳng:
– Chị không nên đánh viền mi mắt dưới, sẽ đau khổ vì tình.
Tôi cười, nụ cười chiêu khách.
– Chị cười rất đẹp. Cứ cười thật nhiều vào, át đi đôi mắt trông buồn nẫu ruột nẫu gan.
Tôi nhìn cô ta, cơ mặt tự nhiên co lại lạnh đanh nghiêm nghị, không muốn bắt chuyện, nhưng lại sợ không bắt chuyện thì rồi khách sẽ bỏ đi mà không bao giờ quay lại. Cái thời buổi kinh tế thị trường này, ông khách bà khách nào cũng là thượng đế của ta cả, kể cả những ông khách bà khách nhếch nhác như ăn mày.
– Chị đánh mắt như thế lâu chưa?
Cơn buồn ngủ kéo đến, nhưng ý chí kiếm tiền bám dai dẳng:
– Cũng… lâu lâu rồi.
– Chị chẳng gặp được thằng đàn ông xứng với mình.
Quên mất cái ý chí kiếm tiền, thay vào đó là sự tò mò:
– Sao cô lại nói thế?
Cô ta không trả lời câu hỏi của tôi, mà hỏi lại:
– Chị tuổi gì nhỉ?
Những cơn gió giữa mùa đông lướt qua lướt lại kéo đi cái lạnh khiến cơ thể con người và cây cỏ co lại.
– Cái năm ấy… mẹ tôi bảo lúc sinh tôi ra mưa rào rất to, mưa vào lúc sáng sớm.
Cô ta bập điếu thuốc đến nát bấy giữa hai vành môi thâm xì của kẻ nghiện. Cặp chân mày nhíu lại như suy tính điều gì hệ trọng. Sau này tôi mới hiểu cái sự hệ trọng đó.
– Nghe chị nói em cảm thấy có gì đó thôi thúc. Có lẽ như thế này, em quyết định giúp chị.
– Giúp tôi?
– Em chỉ được phép giúp cho chín người thôi. Em đã làm lễ cho bốn người, chị là người thứ năm. Mỗi lần giúp là một lần tổn thọ. Nhưng làm phúc cho người thì tổn thọ cũng vẫn giúp.
Tôi vẫn chưa hiểu ra sao, kể cả không hiểu vì sao cô ta lại chọn tôi là người thứ năm, tại sao cô ta lại tốt như thế. Có ai lại đi phung phí cái sự sống của mình như thế cơ chứ. Thiên thần có phung phí thì còn dễ hiểu vì thiên thần có biết thế nào là sự chết?
– Giúp như thế nào cơ?
Cô ta vẫy vẫy tay:
– Chị ra đây em bảo. Cái bàn thờ ông địa này phải chuyển ra góc cạnh quầy ba. Hương đâu rồi?
Cô quay ra quát thằng con thiên sứ đừng đái bậy trước cửa hàng, rồi bảo thôi cứ để cái bàn thờ ở góc cũ, rồi cô sẽ khấn xin cho bán hàng phát tài phát lộc, rồi khách sẽ ra vào nườm nượp, chỉ cần lửa, hương, và nước. Tôi đờ đẫn làm theo như cái máy.
– Chị có rượu trắng không?
Tôi lấy chai rượu ra, chưa kịp rót thì cô ta đã dốc ngược cái chai tu một hớp, xúc xúc rồi nhổ toẹt ra cửa. Để cho sạch sẽ. Cô giải thích. Gương mặt đen nhẻm vương vất sái phiện. Tôi tấm tức tiếc cho cả chai rượu bị cái mồm thâm xì làm ô uế, nhưng vẫn thầm nhen ngọn lửa hy vọng rằng Trời Đất Thần Phật đã cử sứ giả xuống, rằng sẽ có phép lạ được hiện linh bằng một toà sen.
Cô ta quỳ xuống nền gạch lạnh, châm lửa chín nén hương, rồi quơ lên không trung chín vòng, miệng lầm rầm khấn vái. Hết chín vòng, thiếu phụ há to mồm, đưa cả bó hương đang cháy đỏ vào vòm họng và khép miệng lại. Lửa hương phập phồng đỏ trong vòm họng, hắt qua kẽ môi những tia đỏ đến rợn người. Tôi kinh ngạc nhìn vị pháp sư đang làm phép. Không còn vẻ gầy gò. Không giống kẻ nghiện. Một thân xác ốm o, đen sạm có thể sinh ra một đứa trẻ trắng trẻo bụ bẫm thế kia, thì cũng có thể là sứ giả của thần linh. Tôi năm nay ba mươi sáu tuổi, nuôi con một mình, đi làm một mình, mở hàng một mình. Thế giới bao la này có nhiều nơi cỏ mật thơm lừng, bầu trời trong xanh, chim hót líu lo, muông thú rong ruổi tìm nhau, suối thản nhiên róc rách. Thế giới bao la này có nhiều người hạnh phúc và có nhiều người thường âm thầm rơi lệ. Còn nhiều điều bí ẩn mà một người đàn bà tuy có đến hai bằng đại học như tôi vẫn không tài nào hiểu nổi. Đường đời còn xa xôi. Tại sao cứ phải đi đến cuối con đường đó? Ở cuối đường có gì không? Không ai biết trước rồi đây suối có còn thản nhiên, hoa có còn thản nhiên, mây có còn thản nhiên. Bình minh bừng nở rồi úa tàn. Hoàng hôn bừng nở rồi úa tàn. Đêm tối cũng bừng nở rồi úa tàn. Tôi đã bừng nở và sắp úa tàn. Nhưng linh hồn tôi vẫn từng khắc tranh đấu để âm thầm đập nhịp đập vui tươi cùng cây cỏ. Tại sao tôi lại không được tin vào phép lạ?
Hương đã cắm vào bát nhang. Thiếu phụ nói với tôi những lời của một vị pháp sư. Chị hãy đưa cho em ba trăm sáu mươi ngàn đồng. Tôi khẽ hỏi để làm gì. Cô nói để hôm này lên đền em xin thầy làm một cái lễ cho chị khỏi nặng căn kiếp. Tôi khẽ bảo tôi đang rất khó khăn, tiền lấy hàng còn không đủ. Cô nói không nhẽ chị không có nổi lấy triệu bạc, không nhẽ lại khổ đến thế, tưởng chị vẫn còn đi làm, vừa đi làm lại vừa bán hàng thế này mà trong nhà không có nổi triệu bạc. Hai triệu giắt trong túi quần bò bên phải của tôi cứ nhảy nhót, nhưng tôi ém chúng, bắt chúng nằm im, mặc dù trong lòng tôi vẫn hằng mong phép lạ. Tôi bảo với cô tôi không có ba trăm sáu mươi ngàn đồng nên đành thôi vậy, đành chịu nặng căn kiếp, với cả tôi chịu khổ quen rồi, sướng lại tưởng mình không còn là mình. Cô trố mắt nhìn tôi rồi thở dài. Thôi thì chị đưa tạm cho em ba sáu mười tám, nghĩa là một trăm tám mươi ngàn đồng, em đành chịu tổn thêm tuổi thọ để xin cho chị. Tôi có một trăm bảy mươi ngàn đồng trong túi quần bò phía bên trái. Tôi mặc cả, thôi cô cầm tạm năm mươi ngàn đồng vậy, đây là số tiền hàng bán được từ sáng đến giờ, cô làm ơn cầm giúp làm cho tôi một cái lễ mọn. Chẳng lẽ thánh hiền không thương người khó. Chẳng lẽ cứ phải mặc cả với thánh hiền sao. Cô lặng im cầm tờ năm mươi nhét vào túi áo. Nhìn cái cách cô nhét tiền tôi bỗng thấy thương cho thánh hiền thần linh. Ngay cả cái thế giới mà loài người leo mãi không tới đó cũng cứ phải cần tiền? Không làm lễ xin bằng hoa và cỏ mật, nước suối hay nước máy được sao?
Thiếu phụ hẹn tôi hai ngày sau sẽ đến để đưa cho tôi lộc làm lễ. Tôi thản nhiên nhìn cô ta bước ra cửa. Thản nhiên tin rằng năm mươi ngàn đồng đã mất. Rằng cô ta đã móc túi tôi một cách ngoạn mục, tôi lại còn tự nguyện cho cô móc túi. Vì tôi sực nhớ ra chưa hỏi tên cô, chưa biết cô từ đâu tới. Cô lôi sềnh sệch đứa trẻ ra khỏi cửa quán và bắt đầu quát nạt nó như quát một kẻ ăn mày. Không còn xưng hô mẹ con ngọt ngào như trước. Thằng bé chạy theo người thiếu phụ khóc mếu máo. Mẹ, coi như mình mất tiền rồi. Con gái tôi đứng lặng lẽ đằng sau buông câu thực tế. Tôi cố tự an ủi. Thôi cho họ cũng được con ạ, dù sao cô ta cũng chia sẻ với mẹ. Mẹ thích có người chia sẻ như thế sao? Tôi im lặng. Mọi ý nghĩ trong đầu tôi diễn ra lộn xộn. Không khí giữa mùa đông mà bỗng oi nồng đến khó chịu. Có năm người khách đàn ông bước vào quán. Chúng tôi cuống lên mời chào. Chẳng lẽ vị pháp sư đã tổn thọ thật sự cho tôi?
Hai ngày sau cô ta ào vào quán nhà tôi như cơn lốc khiến tôi chợt ân hận vì những ý nghĩ nghi nghi hoặc hoặc về vị pháp sư. Cô đưa cho tôi lá bùa, giọng hồ hởi, em đã xin được cho chị cái lá bùa hộ mệnh, thiêng lắm đấy, đừng để rơi mất. Cô ôm chầm lấy tôi khóc thổn thức. Tôi ngây ra vì cái cuộc khóc này không ăn nhập gì với không khí sáng bừng trong quán và khung cảnh ngoài đường phố buổi sáng hôm đó. Tôi lại vừa đi ăn sáng một tô phở gà đập một quả trứng về. Tôi mặc bộ váy áo màu hồng, đi đôi xăng-đan trắng. Tôi đang vui vẻ. Không đau răng. Không viêm họng. Trong tủ quầy ba tôi cất những mười lăm triệu đồng tiền lương, thưởng cộng với tiền Việt mới đưa tối qua. Anh bảo tôi phải ăn uống cho tử tế, tập tành cho tử tế, đợi anh thuyết phục bố mẹ cho lấy người đã có con. Anh bảo anh sẽ không bao giờ tìm thấy trong cuộc đời này người phụ nữ nào như tôi. Tôi hỏi có cần phải quan trọng như thế không? Nếu tôi đui què mẻ sứt thì sao? Anh bảo thì cũng vẫn là em, là da thịt này, nụ cười này, sự bướng bỉnh cố hữu này. Tôi bảo rồi tôi sẽ già. Anh cười bảo tôi bây giờ đã già rồi còn gì mà kiêu hãnh, không chờ anh sẽ chẳng có ai thèm ngó đến đâu. Sáng tỉnh dậy tôi quyết định chờ Việt.
Thế cho nên tôi chẳng có gì đáng để cho cô ta khóc. Nhưng công bằng mà nói, cô khóc thật cảm động. Tôi lại phải cố nhớ đến những nỗi khổ của mình và từ đáy mắt tôi chảy ra những giọt lệ thông đồng. Này vũ trụ hãy mở to mắt mà nhìn hai người đàn bà khóc. Nếu những vì sao đã chìm trong ánh sáng ban ngày không run rẩy thì cũng hãy lặng im mà thở cùng hơi thở của họ. Mặt đất hãy uống no nê thứ nước trong vắt mặn mòi được sinh ra từ trong máu đàn bà. Việt bảo tôi chờ anh thuyết phục bố mẹ, sao anh không tự quyết định cuộc đời của mình? Việt ơi, thế nếu anh không thuyết phục được thì có nghĩa là em sẽ đơn độc trên con đường dài. Một ngày nào đó, chúng ta gặp lại nhau, nhưng bên cạnh anh là một cô gái khác. Nếu như thế thì buổi sáng này có ý nghĩa gì? Bộ váy áo màu hồng này có ý nghĩa gì? Mười lăm triệu đồng này có ý nghĩa gì đây?
Chị đưa cho em chín trăm ngàn đồng, em làm cho chị cái lễ cắt tiền duyên, có thế chị mới yên ổn không bị người âm quấy phá. Sao lại những chín trăm ngàn đồng? Thế mới đủ cho một cái lễ quan trọng như thế. Mọi người vẫn làm lễ cắt tiền duyên, nhưng không mấy ai sắm đủ lễ nên không linh. Em đã xin được bùa cho chị rồi thì có nghĩa chị đã được thánh hiền yêu thương. Bây giờ chỉ cần thành tâm làm nốt cái lễ mọn này là mọi sự sẽ yên ổn thôi. Khổ thân chị, em thương chị quá. Thân gái dặm trường. Tôi chùi nước mắt hỏi bâng quơ, sao người âm cứ thương tôi làm gì cho tôi tốn tiền. Tiền còn phải để nuôi con, để mua nhà, để sắc thuốc bổ uống. Nhiều chuyện lắm, chuyện gì cũng cần tiền. Hay tiền chính là thánh hiền vậy? Cô hút thuốc không? Chị cho em xin một nửa bao. Cầm luôn cả bao đi. Cám ơn chị. Chị có thỏi son hay bất cứ thứ gì cho em làm kỷ niệm. Tôi lôi hộc tủ ra , lục tìm. Trong đáy tủ quầy ba tôi để dăm ba thỏi son. Trong đó có thỏi dài màu đỏ đun. Cường bảo anh mua ở Pari, không phải mua ở Hà Nội, mà chỉ mua có hai thỏi, một cho em gái, một cho tôi, không thấy nói mua cho vợ thứ gì. Cường là người rất giỏi, lại đẹp trai. Sao tôi cứ thấy anh thiêu thiếu cái gì. Anh luôn nhấn mạnh sự quan trọng của tôi với anh và sự kém quan trọng của vợ anh với anh. Tôi chọn đường lạnh mặt với Cường. Không thể phung phí cái đui què mẻ sứt của tôi cho bất cứ ai, ngoài Việt.
Pháp sư lại quỳ xuống nền đất lạnh, lại châm chín nén hương, quay chín vòng rồi há miệng ngậm lửa hương. Rồi cắm hương vào bát hương. Bất chợt cô rút ra năm cây kim khâu, hơ trên ngọn khói hương rồi cắm sâu vào năm đầu ngón tay phải. Cô thọc kim vào thịt mình mặt lạnh băng, không hề tỏ ra đau đớn. Cô bảo tôi rót cho cô một bát rượu. Tôi rót cái thứ rượu đã bị cô làm cho ô uế hoặc là được cô làm cho có linh vào cái bát ăn cơm mà hôm nọ Sơn dùng để pha bột màu để quết lên chỗ màu tranh bị tróc. Cô rút năm cây kim ra, lấy tay trái nặn ra năm giọt máu cho nhỏ xuống bát rượu. Rồi khấn:
“Con lạy chín phương trời mười phương đất. Con Nam mô a di đà Phật. Con cúi lạy Quan Thế Âm Bồ Tát. Con tên là Bùi Thị Phương, trụ ở đền… (chỗ này cô khấn nhỏ quá tôi không nghe nổi là đền gì) cầu xin Đức Ngài (tôi cũng không hiểu cô định kêu cho tôi Đức Ngài nào?) phù hộ độ trì cho gia chủ con tên là…”
Tình cảm trong tôi bùng lên khắc khoải. Có ai người dưng lo cho tôi như cô gái này? Vị pháp sư của tôi. Tôi sẽ nhớ ơn cô đời đời. Tôi rút trong túi quần ra một trăm hai mươi ngàn đồng đưa cho pháp sư.
“Cô thương tôi thì nhận cho tôi chút tiền mọn này. Cô làm cho tôi cái lễ cắt tiền duyên. Nếu tiền không đủ làm lễ to thì cô làm lễ nhỏ. nếu người âm không thuận thì tôi đành phó thác cho số phận thôi”
“Khổ thân chị, tiền để làm lễ mà cũng không có nổi. Thôi để em cho chị vay, bao giờ có thì trả”
“Tôi không vay. Thế thì chẳng hóa tôi vay chồng sao?”
“Thôi đành. Em sẽ cố giúp chị. Ngày rằm tháng tới em sẽ đến đưa tiền chị đặt lên đền để đổi tiền lẻ. Tiền lẻ thì chị chia ra để kèm vào tiền lấy hàng. Chị sẽ đắt khách lắm đấy”.
Tôi lại móc túi đưa cho cô hai trăm để nhờ cô đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ. Vị chi tôi đưa cho cô ba trăm bảy mươi ngàn đồng.
Không bao giờ tôi còn nhìn thấy vị pháp sư đó nữa. Tôi đã mất ba trăm bảy mươi ngàn đồng để đổi lấy một lá bùa bằng giấy. Mỗi lần nhìn thấy lá bùa tôi lại như nhìn thấy người đàn bà đen đúa đang lang thang đâu đó, quỳ xuống bất cứ nền đất nào, miệng ngậm hương đỏ rực và bàn tay lỗ chỗ vết kim châm chìa ra rỏ những giọt máu sực mùi tiền vào bát rượu rồi đưa lên miệng uống ngon lành thứ máu loãng của chính mình. Người đàn bà đi lang thang trên mặt đất, tưới đẫm mặt đất bằng những giọt nước mắt giả dối đắng cay. Cây cỏ được tưới nở tưng bừng. Muông thú uống no nê những hạt sương đọng trên cỏ cây. Trái đất quay tròn trong vũ trụ, bên các vì sao. Nhưng trái đất không nói cho những đứa trẻ mới được thoát thai rằng con người sinh ra trong cuộc đời này là để chịu đau khổ, còn hạnh phúc chỉ là niềm hy vọng vĩnh hằng.
Người đàn bà ấy đã lừa dối tôi cũng như đã và còn lừa dối nhiều người khác. Nhưng sao lòng tôi không thấy tức giận. Tôi nhìn bức tranh đàn bà khoả thân của Sơn treo trên tường của quán trà, chợt giật mình như đã nhìn thấy người này ở đâu? Nét đen đúa của người đàn bà bản xứ, nét hao gầy và sự e ấp khêu gợi. Không có nét gì giống với người đàn bà kia, nhưng ánh mắt cô ta nhìn từ trong tranh một cách mỉa mai và ngạo mạn, đức hạnh và giả dối thì như nhắc nhớ tôi phúc phận đàn bà. Nhắc nhớ tôi về những giọt nước mắt đã cho không mặt đất.
Tôi có tiếc ba trăm bảy mươi ngàn đồng ấy không?
Bảo không tiếc tiền thì sao tôi lại kể câu chuyện này?
Mà bảo tiếc tiền thì sao tôi lại không thể không kể câu chuyện này?
– Kim Mã, 6.7.2002 –