Từ hai lớp tại Hà Nội cho đến lớp vừa qua tại Hà Nam, có thể thấy sự manh nha và khả năng phát triển của mô hình đào tạo ngắn hạn trong sáng tác, cảm thụ văn chương.

Lớp bồi dưỡng sáng tác văn học Hà Nam khoá 1 vừa được mở tại TP Phủ Lý – Hà Nam với số lượng học viên lên đến 76 người, do Hội VHNT tỉnh và Ban nhà văn trẻ – Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Đây là các nhà văn, nhà thơ hội viên Hội VHNT tỉnh, thành viên CLB thơ các huyện của Hà Nam, trong đó nhiều người là cộng tác viên tạp chí Sông Châu của Hội VHNT. Hoạ sĩ Lê Minh Sơn – Chủ tịch Hội cho biết, bồi bổ kỹ năng, nghiệp vụ sáng tác, thẩm định văn chương nhằm góp phần nâng cao chất lượng sáng tác của các học viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tạp chí chính là mục đích của BTC lớp học. Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà – Trưởng Ban nhà văn trẻ, phía Hà Nam mong đợi lớp bồi dưỡng văn chương này đã lâu, nay mới tổ chức được và các các học viên đã nhanh chóng hưởng ứng.

Đồng hành cùng lớp học là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu: Lê Minh Khuê, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Việt, Ngô Văn Giá… với những bài giảng về lao động viết văn, về lý thuyết và thực tiễn, kỹ năng sáng tác. Cùng với nhiều tác giả, nhà nghiên cứu, dịch giả như Khuất Quang Thuỵ,  Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Trần Đình Hiến…, đây là những giảng viên tham gia hai khoá ngắn hạn gồm Lớp sáng tác và thẩm bình truyện ngắn, Lớp sáng tác và thẩm bình văn chương do Khoa viết văn, báo chí – Trường ĐH Văn hoá Hà Nội tổ chức vào tháng 8-2012 và tháng 1-2013 vừa qua. Đáng chú ý, ngoài giảng viên là những cây bút uy tín thì đối tượng học viên khá phong phú, cả chuyên nghiệp và không chuyên, thuộc những ngành nghề khác nhau, đến từ nhiều tỉnh thành và từ nhiều địa phương của một tỉnh. Điều này cho thấy nhu cầu được bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác văn học đang lan rộng hơn, hoặc đã ấp ủ từ trước, nay có điều kiện được bộc lộ hơn. Như nhận định của PGS.TS nhà văn Ngô Văn Giá – Trưởng Khoa viết văn, báo chí, rằng trong xã hội, trong nhiều lĩnh vực, không ít người nuôi giấc mơ sáng tác, mong muốn học hỏi để nâng cao mình, và các cây bút chuyên nghiệp cần giúp họ.

Khó có thể đánh giá đầy đủ về hiệu quả được phát huy ngay sau các khoá – lớp học trên. Nhưng như nhận định của nhiều giảng viên và tâm sự của học viên, đây là những cuộc truyền lửa văn chương nho nhỏ, là nơi gặp gỡ, kết nối những người viết để cùng chia sẻ về nghề nghiệp. Mỗi khoá – lớp học là sự gợi mở để các học viên tiếp cận, trao đổi về kỹ thuật, thủ pháp sáng tác, thẩm định tác phẩm. Điều đó góp phần giúp cho đời sống văn chương của một bộ phận người viết ở các cơ sở được sôi nổi và cập nhật hơn. Còn nhà văn Lê Minh Khuê, một giảng viên chăm chỉ đọc tác phẩm của tất cả các học viên rồi góp ý cho từng người một, thì tâm sự: Thực ra, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ các học viên.

Hy vọng những khoá – lớp bồi dưỡng văn chương vừa qua sẽ là gợi mở tốt đối với các Hội VHNT địa phương, các cơ sở đào tạo về văn học…, là những nơi có nhiều cây bút đang mong muốn được tích luỹ thêm về tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng sáng tác. Để các tổ chức, đơn vị này mạnh dạn hơn trong việc kiến tạo những chương trình bồi dưỡng sáng tác, thẩm bình văn chương theo mô hình ngắn hạn, đáp ứng một bộ phận những cây bút trong và ngoài văn giới.