Thoắt cái đã tới mùa gặt. Đi trên đường ra ngoại thành, nhìn những thửa ruộng ăm ắp lúa chín vàng như mâm xôi, lòng dạt dào hạnh phúc. Ký ức về những mùa gặt của tuổi thơ lại ùa về trong tâm trí tôi.
Mùa lúa chín, cánh đồng đẹp như tấm thảm vàng khổng lồ. Thửa nào lúa cũng chín vàng suộm, bông trĩu vồng vồng cần câu. Hương lúa thanh nhẹ, ngan ngát thơm, thoảng khắp cánh đồng.
In đậm trong tôi những mùa gặt thời bao cấp. Ngày ấy, nhà nông vất vả trăm bề. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà hộ nào cũng vẫn đói khổ triền miên. Mọi việc mùa vụ đều dùng sức người. Lúa gặt xong, bó thành lượm đem lên bờ xếp rồi buộc thành bó to. Bà con dùng đòn xóc xiên vào giữa bó lúa rồi gánh về nhà hay sân kho hợp tác xã. Vất vả nhất là gặt lúa ở những thửa ruộng sâu, nước lưng bụng người, phải mò từng gốc cây lúa mà cắt, rồi ôm lúa lên bờ. Những bó lúa chất vào thuyền rồi kéo thuyền về con mương gần sân kho hợp tác.
Ngày mùa, trẻ con cũng bận rộn không kém người lớn. Bọn trẻ tranh thủ những lúc rỗi rãi cùng người lớn ra đồng, mỗi đứa một việc. Ba tháng hè (không phải lo học thêm như bây giờ) mà dành hoàn toàn cho công việc nhà nông. Con gái tập gặt lúa. Con trai gom lúa lên bờ. Nhiều đứa đi mót thóc. Tháng 5, tháng 6 nắng như đổ lửa, mặt người nào cũng đỏ gay, mồ hôi ướt đẫm lưng, nhưng chẳng ai để tâm, vẫn cười nói rôm rả, gương mặt rạng rỡ. Ngày gặt hái đem đến cho nhà nông niềm vui bất tận bởi biết rằng sau những ngày tháng đói khổ, lam lũ, giờ là lúc được bát cơm no. Chỉ thế đã thật hạnh phúc.
Tối đến, khắp xóm thôn rậm rịch tiếng đập lúa thật vui tai. Cái âm thanh thậm thịch đáng yêu ấy theo tôi đến tận bây giờ. Nhất là đập lúa những đêm trăng sáng thì thật tuyệt vời. Người ta dùng néo xoắn từng lượm lúa đập trên tấm đá xanh, hoặc trên những cối giã gạo bằng đá mà đáy đã thủng. Có khi bà con cho trâu trục lúa suốt đêm. Con trâu cần mẫn kéo cái trục bằng đá xanh, nặng đến gần trăm ký, lăn đều trên những thảm lúa trải trên sân, cho hạt thóc rụng ra. Mấy năm sau, có máy suốt lúa bằng chân, dù thủ công cũng đỡ vất vả hơn. Người ta vừa dùng chân đạp vừa cầm lượm lúa cho vào máy tuốt lúa. Động tác phải rất nhịp nhàng. Miệt mài làm, không ai để ý đến thời gian, thoắt cái đã nửa đêm, cả đống lúa đã tuốt xong. Rơm chất thành từng đống to như cây nấm khổng lồ ở góc sân kho để chia cho các hộ nuôi trâu. Cái hương lúa, hương rơm mới đến lạ! Mùi thơm ngòn ngọt, ngai ngái, mát rượi thật quyến rũ, khiến ai đi xa vẫn không nguôi nhớ về tuổi thơ đã từng vùi mình trong đống rơm xanh ngả vàng chưa kịp phơi mà nô nghịch năm xưa. Khối đứa bị rặm phải tắm lá khế, thế mà cũng chả chừa. Vui nhất là những lúc chia thóc. Gương mặt ai cũng rạng ngời ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ…
Sân kho hợp tác xã ngày thường rộng là thế, ngày mùa trở nên chật chội không đủ chỗ để phơi thóc. Mùa gặt, cũng là mùa chim ngói về. Chim ngói vốn tinh ranh, thỉnh thoảng nhào xuống ăn rồi lại bay vút lên. Con nào cũng béo núc, ngực căng đầy. Đàn gà ngày mùa cũng no nê. Thóc trên sân, tha hồ ăn, chả thiết bới chải kiếm tìm.
Chỉ vài nắng, những mẻ thóc khô giòn, vàng ươm được bà con rê cho hết hạt lép, rồi cất trong cót, hoặc trong rương. Gạo mùa bao giờ cũng ngon hơn gạo chiêm, có lẽ do thời tiết. Thích nhất khi gạo giã xong, hạt gạo thơm nguyên mùi cám ngầy ngậy. Cơm gạo mới ngọt lừ ăn với cá đồng kho, ngon nhớ đời.
Xa quê lâu ngày, nhưng trái tim tôi luôn vẹn nguyên một ký ức tươi rói về những mùa gặt quê hương!
Nguồn QDND