Mùa hè này chúng tôi quyết định đi Côn Đảo, nơi được coi là địa ngục trần gian-nơi mà cả hai đế quốc Pháp và Mỹ đã giam cầm, tra tấn dã man những người yêu nước, những nhà chí sĩ hoạt động cách mạng…
Sau chặng đường dài đến Côn Đảo, ai cũng hồi hộp với những thông tin mà mình đã đọc, đã nghe từ thuở học trò, những tiểu thuyết của các nhà văn đã viết về nơi “địa ngục trần gian” này như Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, Những người bất khuất của cựu tù nhân Côn Đảo – Nguyễn Đức Thuận…
Hòn đảo xinh đẹp hiện ra dưới cánh bay, cánh rừng dương xanh ngắt như không thể xanh hơn…Hình ảnh những người tù cộng sản, những người yêu nước bị đày đọa ở những “chuồng cọp”, những kiểu hành hình của thời trung cổ, những câu chuyện vượt ngục của những người tù ở đây…giờ được tận mắt chứng kiến mới thấy sự xả thân vì cách mạng giải phóng dân tộc của các bậc tiền nhân thật không gì so sánh!
Từ Nghĩa trang Hàng Dương không bia mộ…
Khi chúng tôi đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp giữa mùa hè nắng lửa, nghĩa trang Hàng Dương-vì ở giữa rừng dương-nên có tên như thế-chỉ thấy cánh rừng xanh ngắt vi vu gió thổi. Nhưng, đó chính là nghĩa trang-nghĩa trang khổng lồ là cánh rừng bạt ngàn gió thổi đó! Nghe như mênh mang đâu đó mà không mường tượng ra sao nghĩa trang lại nằm dưới cánh rừng xanh mướt kia, nhìn mãi không thấy những tấm bia mộ! Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết, do có quá nhiều tù nhân nơi đây đã hy sinh trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, về những biến cố cụ thể trong từng thời điểm khác nhau và không có người chôn cất nên họ đã hóa vào mảnh đất này để cho hàng dương xanh ngắt ngày ngày rì rào gió thổi. Những lớp tù bị đưa đến đây đã không kịp trở về đất liền như khát vọng mà họ mang theo do chế độ hà khắc của chế độ nhà tù đế quốc, họ bị thủ tiêu, bị bỏ đói và bệnh tật đến chết. Con đường độc đạo quanh đảo bây giờ mềm mại như dải lụa mấy ai biết những tù nhân thời thuộc Pháp đã bị đày đọa cực hình với công việc khổ sai đào đá, san đường trong điều kiện cơm không đủ cơm ăn, áo quần không đủ mặc… Chính trong môi trường làm việc cực hình đó, nhiều nhóm tù nhân đã tổ chức vượt đảo, nhưng có nhiều lượt, nhiều nhóm tù nhân đã bất thành giấc mộng vượt đảo và đương nhiên họ bị cai ngục bắt lại tra tấn tàn khốc hơn. Có những nhóm tù nhân do không có kinh nghiệm phán đoán về thời tiết nên vừa lên bè để trốn thì bị những cơn gió chướng hất ngược trở lại đảo và một phần họ đã rơi vào tay bọn cai ngục, số này lập tức bị giam kín và bị tra tấn không tiếc tay. Một phần nữa họ bị gió, sóng biển dữ dằn thổi tan vào lòng đại dương, và dạt vào bờ đảo rồi vĩnh viễn nằm lại ở chân rừng dương đã có từ ngàn đời này…
Những câu chuyện ly kỳ của các cựu tù Côn Đảo vượt ngục thì nhiều lắm, mỗi câu chuyện đều chứa đựng tinh thần bất khuất của các bậc tiền nhân. Giữa bạt ngàn sắc xanh của rừng dương là khu nghĩa trang-cũng khác hẳn những nghĩa trang thông thường khác-khu nghĩa trang có mộ chí, những ngôi mộ chí nằm cạnh nhau không theo hướng nào và ngôi có tên, ngôi không có tên! Lần theo những con đường nhỏ len lỏi giữa khu nghĩa trang rộng lớn, những cây dương già, cây dương trẻ mọc lan man là những ngôi mộ nằm im lìm ở đó. Cảm giác như chân ta không muốn bước, muốn dẫm lên từng tấc đất nơi đây, vì theo anh hướng dẫn của khu nghĩa trang, mỗi tấc đất nơi đây không chỉ dầy một phân mà là sự chồng chất những máu thịt của các cựu tù Côn Đảo đã ngã xuống trong suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Trong khu nghĩa trang này, tôi đã tới viếng mộ chí của đồng chí Vũ Văn Hiếu-người bạn tù đã nhường áo cho bạn tù vì biết mình sẽ không qua được để đồng chí mình được ấm áp hơn trong những ngày chiến đấu gian khổ đó.
Nghĩa trang Hàng Dương
Đêm 17/1/1940, tại cơ quan, Vũ Văn Hiếu đã bị bọn mật thám bắt cùng Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Vũ Văn Tấn. Suy nghĩ đến trách nhiệm bảo vệ Đảng, nhất là bảo vệ các đồng chí chủ chốt, Vũ Văn Hiếu đã kịp nhắn cho Nguyễn Văn Cừ và Lê Duẩn trước khi bị giam vào bốt Catina: “Tôi đã nhận tài liệu địch lấy được là của tôi, địch có đánh thì tôi chịu. Các đồng chí cứ chối hết đi. Tôi chịu đòn, chịu chết thay cho các đồng chí để các đồng chí sống mà hoạt động cho đảng”. Đầu năm 1941, Vũ Văn Hiếu lại bị thực dân Pháp đầy ra Côn Đảo lần thứ hai, giam cùng Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Tạo,…Chúng bắt các chiến sĩ cách mạng ở trần truồng, ăn uống cơ cực, kèm với roi vọt, tra tấn và bệnh tật. Lê Duẩn kể lại Hiếu bị ho lao, anh em xin được một bộ quần áo cho mặc. Một hôm đồng chí Hiếu nằm cạnh tôi nói: “Tôi không sống được nữa. Tôi đang nghĩ có cách gì làm lợi cho Đảng mà nghĩ mãi không ra. Giờ chỉ có cách tôi đưa bộ quần áo này cho đồng chí mặc để đồng chí sống mà hoạt động cho đảng”. Hôm sau Hiếu chết, trong những giờ phút cuối cùng của đời mình, bệnh tật dày vò đau khổ, Vũ Văn Hiếu, người đảng viên Cộng sản ấy vẫn nghĩ đến Đảng, vẫn nghĩ cách làm lợi cho Đảng. Câu thơ: “Chết còn trút áo cho nhau. Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”, của nhà thơ Tố Hữu viết là khắc họa hình ảnh kiên trung – chiến sĩ Cộng sản Vũ Văn Hiếu.
Câu chuyện cảm động giữa đồng chí Vũ Văn Hiếu và đồng chí Lê Duẩn đã lưu lại tâm trí mỗi người một niềm tâm cảm sâu sắc về tình đồng chí, nghĩa anh em. Đồng chí Vũ Văn Hiếu nguyên là Bí thư Khu ủy khu mỏ đầu tiên đã bị giặc Pháp lưu đầy ra chốn “địa ngục trần gian” này và đồng chí đã kiên trung anh dũng trước đòn thù bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ được phong trào mà mình đang là người dẫn dắt… Bây giờ, ở thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) có trường THPT Vũ Văn Hiếu, có đường Vũ Văn Hiếu… Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng kiên trung của đồng chí đã thấm sâu vào lớp lớp các thế hệ thợ mỏ, trở thành tấm gương giáo dục cách mạng cho muôn đời sau. Chiều nay, giữa nghĩa trang Hàng Dương, tôi không khỏi bùi ngùi về người chiến sĩ cách mạng ấy. Một điều lạ, giữa muôn vàn bia mộ có tên và không tên đó, những ngôi mộ đều như nhau, họ nằm bên nhau thanh thản như khi ở trong nhà lao của bọn thực dân đế quốc, thanh thản giữa mùa hòa bình tự do của dân tộc. Một niềm cảm xúc trào dâng, từng đoàn hành hương đều lẳng lặng bước, từng bước khẽ khàng bên những lối mòn lá phủ ngập ấy!
Và tình cờ, trong đoàn có hai người bạn đều nhận được điện thoại gia đình nói rằng, ông ngoại bên mình, ông ngoại bên vợ, các cụ đã từng bị lưu đày ở nơi đây và đã mất ở đây, nhưng không có mộ chí, nếu có thể thì nên thắp hương và thưa với các cụ rằng có các cháu của mình đã đến đây! Nghe mà xót xa, một trong hai người bạn ấy kể, gia đình chỉ biết ông cố ngoại hoạt động bí mật ở Hải Phòng, bị Pháp bắt và đưa đi lưu đầy Côn Đảo ngay thời điểm đó, quãng năm 1929-1930. Cho đến sau giải phóng miền Nam, có một ông Việt kiều ở bên Pháp về quê có nói cho gia đình biết, ngày ấy, tháng ấy ông có ở tù cùng ông cụ nhà mình, nhưng ông cụ nhà mình thì không vượt ngục được, còn ông bạn kia vượt ngục và đã xa quê hương cả nửa thế kỷ… Câu chuyện chỉ có ngần ấy được rì rầm thế, với rất nhiều lý do mà gia đình không thể đi tìm cha, tìm ông mình… Anh bạn rưng rưng dâng nắm hương đang tỏa khói nghi ngút và quay cả bốn phương tám hướng giữa nghĩa trang Hàng Dương cầu cho anh linh cụ được siêu thoát!
…Đến địa ngục trần gian và người liệt nữ anh hùng
Chúng tôi đã đi thăm quan cả hai khu nhà tù thời Pháp và thời Mỹ, những căn nhà dài nối tiếp nhau để nhốt tù chỉ nhìn thôi đã thấy sợ, một hệ thống nhà tù nối tiếp nhau với những bức tường đá kiên cố, những hàng rào thép gai dựng lên tua tủa. Chợt nghĩ, các bậc tiền nhân vẫn nghĩ ra bao nhiêu kế sách, mưu mẹo để thực dân Pháp không khuất phục được ý chí cách mạng kiên cường của hàng ngàn tù nhân như thế, đã chứng tỏ sức mạnh ý chí kiên cường vô song của những người yêu nước, những người Cộng sản bị giam cầm nơi đây. Thực dân Pháp xây những boong ke nhỏ xíu chỉ đủ cho một người hoặc nằm, hoặc ngồi. “Chuồng cọp” có hai khu, mỗi khu 60 chuồng và 30 hầm đá, giam giữ trên 400 người, cứ 5 người bị nhốt vào một chuồng có bề ngang 1,45m, dài 2,5m. Anh em phải thay phiên nhau kẻ ngồi, người đứng. Đêm phải thay phiên nhau kẻ thức, người ngủ, thường xuyên nằm đè lên nhau như cá mòi xếp hộp! Những boong ke này đã được đế quốc Mỹ “tiếp thu” và phát triển hệ thống “chuồng cọp” để nhốt tù, rồi dùng các hình thức như đổ vôi bột từ trên xuống, cầm sào gỗ, sào tre đầu nhọn chọc tía lia xuống thân thể tù nhân; dùng vôi bột, nước nóng… từ bên trên đổ xuống tù nhân! Tù nhân ở trong những chuồng cọp chật chội ấy không ai không thoát khỏi đòn thù tàn bạo, dã man của cai ngục, và họ đã bị vôi bột, nước sôi làm cho bỏng thân thể, những vết thương không thuốc men đã nhanh chóng hành hạ và làm cho sức họ tàn tạ… Tất cả những người có mặt tham quan đều thốt lên: “Trời ơi dã man quá”, và đều kính phục sự hi sinh cao cả của những bậc tiền nhân đã ngã xuống vì nền hòa bình độc lập dân tộc, là công cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp và hơn hai mươi năm của đế quốc Mỹ…
Mỗi người một ý nghĩ, nhưng tựu trung đều dâng trào niềm xúc động vô bờ bến của thế hệ hôm nay với thế hệ cha anh đã ngã xuống cho chúng ta được hưởng nền hòa bình, độc lập dân tộc như ngày hôm nay.
Trên hòn đảo “địa ngục trần gian” này, hình ảnh vô cùng linh thiêng và ám ảnh đó là người con gái miền đất đỏ-Liệt sĩ Anh hùng Võ Thị Sáu-chị đã làm nên một bài ca bất hủ về ý chí của những người cách mạng. Chính vì thế mà giữa tuổi đôi mươi đẹp nhất của cuộc đời con người, chị bị giặc Pháp đưa ra pháp trường, chị vẫn hô vang những lời lẽ đanh thép khiến cho quan tòa của thực dân phải sửng sốt. Theo nguồn tư liệu tại khu Di tích nhà tù Côn Đảo ghi lại phiên tòa đó như sau: khi nghe tòa phán tội, chị Võ Thị Sáu đã đanh thép trả lời tòa:
“Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”. Và khi tên quan toà rung chuông ngắt lời chị để tuyên án: Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản”, chị đã thét vào mặt y: “Tao còn mấy thùng rác ở Khám Chí Hoà, tụi bây vô mà tịch thu!”. Tiếp đó là tiếng hô: “Đả đảo thực dân Pháp, Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Thực dân Pháp muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Chúng phải tiếp tục giam chị ở Khám Chí Hoà và rồi đưa ra Côn Đảo.
Ngày 23/1/1952, chúng thi hành bản án, bắn chết chị sau hai ngày chúng đưa chị ra Côn Đảo ở ngoài một hòn đảo xa đất liền. Biết sắp bị hành hình, suốt đêm 22/1/1952, chị đã hát những bài ca cách mạng mà chị đã thuộc từ lâu như: “Lên đàng”, “Tiến quân ca”, “Cùng nhau đi hùng binh”… Bốn giờ sáng ngày 23/1/1952, sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án, viên cố đạo liền lên tiếng: “Bây giờ cha rửa tội cho con”. Chị gạt phắt lời viên cha cố: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội…”. Ông ta kiên nhẫn thuyết phục:“Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?”. Chị nhìn thẳng vào mặt ông ta và mặt tên chánh án, trả lời: “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”.
Đã được mật báo về hành động anh hùng của chị Võ Thị Sáu và cả ngày giờ giặc Pháp hành hình chị – một nữ tù đầu tiên và duy nhất ở côn đảo từ trước tới thời điểm này. Hàng ngàn trái tim những người tù chính trị từ banh I đến banh II đã thổn thức suốt đêm. Khi lắng nghe thấy bước chân bọn đao phủ giải chị Sáu đến nơi hành hình, tất cả anh em cùng đứng dậy hát vang bài Chiến sĩ ca- bài hát thời ấy dành để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa những người đồng đội ra pháp trường. Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị: “Còn yêu cầu gì trước khi chết?”. Chị nói: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người”. Nói xong, chị bắt đầu cất cao tiếng hát, chị hát bài Tiến quân ca. Giọng hát của người con gái Đất Đỏ lúc này thiết tha bay bổng, say sưa át cả tiếng tên chánh án đọc lệnh thi hành án tử hình. Khi tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì chị lập tức ngưng hát và thét lên: “Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm!”. “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Chị Sáu đã hy sinh, nhưng chị để lại trong lòng mỗi người dân Côn Đảo nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, lòng ngưỡng mộ một vị anh hùng nhỏ tuổi hồn nhiên, gan dạ, dũng cảm dám đối đầu với kẻ thù và không chịu khuất phục trước những thế lực phản động bán nước và cướp nước….
Bây giờ, mỗi đoàn khách đến đều nhón chân nhẹ nhàng thăm chị và những đồng đội chị vào giữa khắc giờ linh thiêng của ngày để cầu mong cho chị siêu thoát, cầu mong đất nước đẹp như bài ca mà chị hát trước khi ra pháp trường….
Hai cựu tù Côn Đảo thời chống Mỹ giữa phố đảo
Thời gian lưu lại trên đảo không dài, theo thông tin của hướng dẫn khu Di tích nhà tù Côn Đảo, tôi được biết, trên hòn đảo xinh đẹp có tên “địa ngục trần gian” này còn năm cựu tù đang sinh sống nơi đây. Thị trấn huyện lỵ nhỏ như lòng thuyền đi một lát là tới gặp được các cựu tù, nhưng chúng tôi chỉ gặp được ông Phan Hải Oanh tức Bảy Oanh (quê ở Kiên Giang) nguyên Giám đốc Khu Di tích nhà tù Côn Đảo và bà Nguyễn Thị Ny (quê Tiền Giang) nguyên cán bộ phụ nữ huyện đảo. Ông Phan Hải Oanh bị bắt khi đang là xã đội trưởng xã Tân Thanh huyện Minh Thành-tỉnh Kiên Giang, tòa án binh của chế độ Mỹ-Thiệu đã kết án ông 10 năm tù, ông đã trải qua các nhà tù từ Cần Thơ đến Chí Hòa và cuối cùng là bị đầy ra Côn Đảo. Trong cuộc đấu tranh một mất, một còn đó, ông đã may mắn là người thoát khỏi chế độ nhà tù đế quốc khi chiến thắng 30/4/1975 ập đến… Đối với cựu tù Phan Hải Oanh thì cuộc sống mỉm cười với ông hơn, ông có vợ và ba người con, hai vợ chồng ông đều là cán bộ huyện về nghỉ hưu. Con trai là phó phòng văn hóa huyện Côn Đảo, con gái làm công việc ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Ông bà có cả đàn con cháu vây quanh, ông là thương binh loại 4/4, vẫn tham gia hoạt động ở địa phương, hiện ông là Bí thư chi bộ Khu 6 tại thị trấn huyện lỵ Côn Đảo. Khi hỏi về những tháng ngày giam cầm đó, ông bảo, đó là những tháng ngày vô cùng khốc liệt, nghĩ lại vẫn còn thấy mình may mắn hơn nhiều anh em đồng đội, mình được sống, được học tập, cống hiến. Vốn kiệm lời, ông Phan Hải Oanh chỉ chậm rãi kể sơ sơ cho chúng tôi về những tháng ngày ấy trong cơn gió biển ban trưa mằn mặn mùi của biển, của ký ức đau buồn đã qua…
Với bà Nguyễn Thị Ny – khi bà bị bắt, bà đang hoạt động du kích tại địa phương, bà cũng đi hết các nhà lao từ tỉnh lên khám Chí Hòa và bị đày ra Côn Đảo. Với phẩm chất kiên trung của một người Cộng sản, bà luôn nêu cao tinh thần chống lại chế độ hà khắc của nhà tù, những luật lệ không hợp với người tù chính trị phạm. Bà cùng các nữ tù nhân chống lại việc cai tù bắt hát quốc ca địch, bắt thực hiện những điều, những việc làm đi ngược lại với lý tưởng Cộng sản… Vì thế chúng đã tra tấn bà không thương tiếc. Sau ngày giải phóng bà có kết duyên cùng anh bộ đội pháo binh quê Đồng Nai đã từng tập kết ra Bắc và trở lại đảo công tác. Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với họ, vì những trận đòn thù đó, bà đã không thể sinh nở! Bây giờ hai ông bà nương tựa vào nhau giữa phố biển Côn Đảo lộng gió, căn nhà cấp bốn vừa ở, vừa bán hàng tạp hóa lặt vặt như nguồn vui tuổi già. Nhìn hình ảnh hai vợ chồng bà bên cửa, bà thì ngồi chẻ rau chuẩn bị bữa cơm trưa, ông chồng bà Ny ngồi đọc báo Người cao tuổi, mấy ai nghĩ, họ thua thiệt, khi chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương của chiến tranh thì mãi mãi găm vào thân thể, cuộc đời của mỗi cựu tù Côn Đảo không thể xóa nhòa, trong đó có vợ chồng bà Nguyễn Thị Ny.
Mỗi cuộc đời, mỗi số phận của các cựu tù Côn Đảo đều không thể kể, không thể viết hết ra được, những số phận ấy, những cuộc đời ấy đã góp thổi bùng ngọn lửa cách mạng to lớn của toàn dân tộc để đánh đuổi thực dân xâm lược, giành lại độc lập tự do, giang sơn gấm vóc cho muôn đời con cháu mai sau.
Chia tay Côn Đảo, chúng tôi không khỏi bồi hồi về những tấm gương các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây, những người có tên, những người chưa tìm thấy tên, những người có mộ chí cũng như chưa có mộ chí… Chỉ cầu mong một điều, họ mãi mãi sống cùng dân tộc, cùng non sông gấm vóc này. Họ là những bài ca bất tử cho muôn sau của dân tộc Việt Nam.
Tháng 7/2013
Vanvn.net