Dấu ba chấm, còn gọi là dấu chấm lửng (…) là một loại dấu thông dụng, luôn xuất hiện nhiều trong văn viết. Nghĩa phổ biến nhất của dấu này hẳn ai cũng biết là để diễn tả những ý, những chi tiết người viết không thể nói hết. Ví dụ: “Trong căn phòng, rất nhiều đồ vật: giường, bàn ghế, tủ… đang bề bộn, ngổn ngang”; “Đến nơi, tôi thấy một số tên tuổi đã có mặt: nhà văn A, nhà thơ B, nhạc sĩ C, nhà lý luận phê bình D…” v.v…

Đi kèm dấu ba chấm này, có khi người ta dùng thêm chữ v.v…(vân vân) như trường hợp trên, cũng có khi không. Trường hợp thứ hai sử dụng dấu này là để đặt trước hoặc sau một đoạn từ ngữ nào đó khi trích dẫn; hoặc cả trước, cả sau nếu đoạn trích dẫn ấy ở giữa một văn bản nào.

Ví dụ: Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị, ông A có nói: “… Chúng tôi quyết tâm giải quyết triệt để vấn nạn này để hạn chế tối đa khó khăn, vất vả cho bà con…”.

Nhưng còn một trường hợp thứ ba nữa, dấu ba chấm đã được sử dụng rất tinh tế và thú vị, đem lại hiệu quả thông tin đặc biệt cho người đọc. Chỉ những nhà văn, nhà báo, tầng lớp trí thức có trình độ văn hóa nhất định mới biết sử dụng vào trường hợp này.

Vợ chồng Giáo sư Lê Quang Vịnh.

Ấy là khi người viết muốn diễn đạt một ý có phần đột ngột, nằm ngoài sự hình dung của người đọc. Ví dụ: “Cung phụng đầy đủ thế, sống sung sướng như thế mà nó vẫn bỏ nhà ra đi – bà vừa kể vừa khóc. Bà bảo, nó đi đã ba ngày rồi, khi đi chỉ mang theo có… 10 triệu đồng trong tủ của mẹ thôi” (Bài “Dịch vụ chăm sóc “thiếu gia” bi hài chuyện” – Báo An ninh thế giới số 490 ngày 28-9-2005, trang 4).

Hoặc: “Cuộc hôn nhân của họ chỉ kéo dài được… 55 giờ” (Bài “Các ngôi sao và những cuộc hôn nhân ngắn ngủi” – Báo An ninh thế giới cùng số trên, trang 16). Trong hai ví dụ trên, dấu ba chấm được dẫn vào một thông tin nằm ngoài ý nghĩ của người đọc khiến họ không thể hình dung, gây sự đột ngột khá thú vị (Ở trường hợp trước, nếu nói là “chỉ mang theo” thì người đọc sẽ nghĩ số tiền không lớn, khoảng vài trăm nghìn đồng là cùng.

Vậy mà mang những 10 triệu. Cảm giác đột ngột ở người đọc là như thế. Còn ở ví dụ thứ hai, dẫu người viết có nói là “cuộc hôn nhân ngắn ngủi” nhưng người đọc sẽ nghĩ cũng được vài năm hoặc cùng lắm là vài tháng. Nhưng chỉ được 55 giờ, nghĩa là hơn 2 ngày. Quả là người đọc được một phen sửng sốt vì quá đột ngột).

Câu chuyện khá thú vị sau đây liên quan đến trường hợp thứ ba nói trên trong việc sử dụng dấu ba chấm.

Nhớ lại lịch sử, vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cả nước ta ai cũng trầm trồ thán phục, ngưỡng mộ tấm gương anh dũng, quả cảm trước quân thù của các anh Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư ở miền Nam.

Sau đó ít lâu, trên làn sóng Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, một bài hát rất hay, ai nghe cũng xúc động có tên “Lê Quang Vịnh – người con quang vinh” được vang lên và nhanh chóng lan truyền rộng rãi (Lời ca mở đầu: “Lê Quang Vịnh người con quang vinh. Gương sáng anh soi vào trái tim tôi. Gương sáng anh soi cho triệu muôn người…”).

Tác giả là nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Ông còn là tác giả nhiều bài hát rất nổi tiếng khác như “Lời ca gửi Noọng”, “Xa khơi”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Xôn xao bến nước”…

Bài hát được lưu truyền một thời gian rồi bỗng không bao giờ có ai thấy vang lên trên làn sóng phát thanh nữa. Tất nhiên các bạn trẻ thấy bài hát hay thì vẫn cứ hát, nhưng không chính thức được đưa lên các sân khấu hoặc bất cứ cuộc biểu diễn chính thức nào. Vì sao vậy? Phải chăng bài hát có vấn  đề gì về chính trị hay liên quan đến một “xì-căng-đan” nào?

Không ! Không phải như vậy, mà là…

Cách đây một thời gian, trên một tờ báo có lượng phát hành khá lớn, được độc giả ưa đọc, tôi có viết bài giới thiệu sự nghiệp sáng tác của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Những bài hát nổi tiếng khác của ông (đã dẫn ở trên), tôi không đi sâu khai thác nhiều mà dừng lại khá lâu ở bài “Lê Quang Vịnh – người con quang vinh” rất độc đáo bởi có “sự cố” như đã nói.

Tấm gương quả cảm của giáo sư Lê Quang Vịnh – người hoạt động cách mạng kiên trung, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào đấu tranh của tuổi trẻ những năm tháng miền Nam nước ta đang rên xiết dưới ách áp bức của bè lũ đế quốc, tay sai khi ấy thu hút sự chú ý của dư luận chẳng những ở trong nước mà cả trên thế giới.

Sự thực là người chiến sĩ cách mạng ấy không chết, chỉ bị giam cầm, tù đày, ngược đãi. Nhưng vị nhạc sỹ nổi tiếng đã nghe thông tin rằng Lê Quang Vịnh đã bị quân thù xử bắn. Thế là ông xúc động, sáng tác nên tác phẩm rất nhanh và rất hay. Thưởng thức tác phẩm với nội dung, ý tứ ai cũng hiểu là đối tượng ca ngợi đã hy sinh. Sau đó một thời gian ngắn, sự thật được rõ nên mới có chuyện dừng lại việc phổ biến tác phẩm. Chuyện hy hữu và thú vị là như thế.

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ.

Để gây ấn tượng và cuốn hút bạn đọc, tôi đặt cho bài báo viết về Nguyễn Tài Tuệ cái “tít” (tiêu đề) là “Đến bây giờ, tôi vẫn còn… xấu hổ”. Đó chính là câu nói của ông. Vậy nên tôi cho vào ngoặc kép.

Có lẽ vì sợ quá nhiều dấu ngoặc kép gây rối mắt cho người đọc mà khi biên tập, tòa soạn báo đã lược bỏ bớt dấu kép này ở từ xấu hổ (Nguyên văn của tôi là: “Đến bây giờ, tôi vẫn còn… “xấu hổ””). Nhưng vẫn còn lại dấu ba chấm trước từ xấu hổ. Như vậy, ai cũng hiểu rằng đó là câu nói vui của vị tác giả trên.

Ông “xấu hổ” vì … “bé cái nhầm”: Người ta còn sống sờ sờ, lại diễn tả trong tác phẩm là đã chết. “Xấu hổ” ở đây có nghĩa là ngượng, mắc cỡ (từ người miền Nam hay dùng), chứ không phải nghĩa thông thường là tự hổ thẹn với lương tâm, với thiên hạ, không dám ngẩng cao đầu nhìn bất cứ ai do đã làm việc xấu, thiếu nhân cách, bị mọi người coi khinh.

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ khi kể lại với tôi câu chuyện liên quan đến việc cho ra đời tác phẩm luôn cười vui. Cả ông và tôi đều cảm phục, quý trọng tấm gương hoạt động của Lê Quang Vịnh ngày trước. Vì ông rất có uy tín đối với tuổi trẻ và có sức tác động lớn đến phong trào cách mạng của quần chúng khi ấy mà bị chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra tòa xét xử và tuyên án tử hình.

Nhưng án chưa được thi hành thì anh em Diệm, Nhu bị đảo chính rồi bị giết. Phe đảo chính đã thả tất cả người bị giam giữ, trong đó có Lê Quang Vịnh. Nguyễn Tài Tuệ sáng tác sau khi nghe thông tin vị giáo sư bị tuyên án tử hình nhưng lại trước khi được trả tự do.

Nhạc sỹ cho biết ông nghe thông tin từ Ban Thống nhất Trung ương. Làm sao có thể không chính xác? Nhưng đúng là lúc đó chưa diễn ra cuộc đảo chính như đã nói nên tin Lê Quang Vịnh bị tử hình là chính xác.

Bài báo “Đến bây giờ tôi vẫn còn… “xấu hổ” ra đời được rất nhiều bạn đọc hưởng ứng. Cả người biên tập và tòa soạn đều có lời khen, biểu dương, khích lệ. Nguyễn Tài Tuệ cũng hài lòng, thỏa mãn, không phải vì tôi tụng ca ông nhiều, mà là rất hiểu ông, cả cuộc đời lẫn cá tính sáng tạo.

Nhưng thật đột ngột, sau đó chỉ vài ngày, tôi nhận được điện thoại của phu nhân Giáo sư Lê Quang Vịnh có ý chất vấn tôi là sao lại viết như thế. Bà bảo rằng nói ông tác giả kia đến bây giờ vẫn còn xấu hổ, như vậy có nghĩa là chồng bà không xứng đáng ca ngợi chứ gì, và thế nghĩa là nhờ cái tác phẩm nghệ thuật kia mà ông mới được tôn vinh, chứ sự thực không đáng chứ gì…

Tôi ôn tồn kiên trì thuyết phục nhưng bà vẫn tỏ ra còn bức xúc. Và liền sau đó, tôi nghe nói Giáo sư Lê Quang Vịnh cũng gửi một thư đến đồng chí Tổng biên tập tờ báo tỏ ý bất bình với quan điểm đại ý giống như phu nhân.

Ai ở tòa soạn và gần như tất thảy mọi người đều hết sức ngạc nhiên trước sự “phản ứng” của tác giả bức thư, bởi vì cả người sáng tác bài hát -Nguyễn Tài Tuệ – lẫn tác giả bài báo – là tôi – từ động cơ đến ý nghĩa khách quan toát ra từ mỗi chữ nghĩa đều rất đỗi cảm phục, quý trọng Giáo sư Lê Quang Vịnh và đều khiến người đọc cũng có tình cảm như vậy.

Rõ ràng là cả hai vợ chồng Giáo sư Lê Quang Vịnh – người cả hai chúng tôi rất trân trọng – đều đã không chú ý tới một ý nghĩa thông tin đặc biệt của dấu ba chấm. Nếu đọc thật kỹ bài báo của tôi và đặc biệt lưu tâm để biết rõ công năng vừa nói của loại dấu này, hẳn là ông bà đã không phật ý như vậy. Việc đã qua và chắc đến phút này, trước quan điểm của số đông người đọc vô tư, chắc ông bà không còn giận tôi. Tôi viết mấy dòng này cũng là để nhớ lại một kỷ niệm vui, lý thú và hy hữu trong đời cầm bút của mình.

Theo Nguyễn Đình San – Văn nghệ công an