“Những ngày nghỉ học” là thi phẩm đầu tay của nhà thơ Tế Hanh được chính thức công bố trên văn đàn vào năm 1938 – năm nhà thơ vừa tròn 17 tuổi (Tế Hanh sinh năm 1921). 17 tuổi đối với tuổi học trò bây giờ quả thật là còn khá ngây ngô, vậy mà mới 17 tuổi đầu, vào “Những ngày nghỉ học”, chàng trai Quảng Ngãi hiền lành ấy đã buồn bã lang thang ra sân ga để gửi nỗi buồn thương, u ẩn của lòng mình theo những chuyến tàu đi rồi đến, hòa nỗi đau riêng mình vào nỗi đau chung của những số phận người, của cả dân tộc trong những tháng năm u tối, bế tắt, đọa đày dưới chế độ phong kiến thuộc địa trước 1945. Có thể nói rằng, thơ ca lãng mạn 1930-1945 có rất nhiều nỗi buồn cá nhân, cô đơn, tuyệt vọng, lánh đời… nhưng chàng học trò trẻ tuổi Tế Hanh lại thổ lộ nỗi buồn của lòng mình theo một cách khác. Càng đọc thi phẩm, tôi càng ngộ ra rằng: nỗi buồn trong “Những ngày nghỉ học” của Tế Hanh là một “nỗi buồn lớn” không đơn thuần là nỗi buồn riêng phổ biến trong thơ ca của một thế hệ thơ thời ấy….

Xét thời gian sáng tác và bối cảnh bài thơ, ta dễ nhận ra cái sân ga trong bài thơ chính là ga Huế. Từ trường Quốc học ra ga Huế chỉ non nửa cây số, cho nên “Những ngày nghỉ học”, chàng học trò Tế Hanh lang thang ra sân ga cũng là chuyện bình thường. Nhưng tại sao lại ra sân ga mà không tìm đến một nơi nào khác, khi mà Huế là đất của rất nhiều thắng cảnh và di tích nổi tiếng! Sẽ có người bảo rằng: do sân ga là bối cảnh rất phổ biến trong thơ lãng mạn và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn trước 1945 thì có gì đâu phải thắc mắc? Nào là “Bóng người trên sân ga” của Nguyễn Bính, cái ga xép eo sèo, đìu hiu trong truyện ngắn Thạch Lam, cả cái tiếng còi tàu u uẩn, nhiều cảm xúc cứ ám ảnh đi về trong tùy bút Nguyễn Tuân… Nghĩa là, cũng như mùa thu, sân ga là một ám ảnh thẩm mỹ phù hợp nhất với tâm trạng và tâm thế sáng tạo của văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Đúng là như thế, nhưng cũng không hẳn là như thế. Nếu Nguyễn Bính chỉ bất chợt đến sân ga để nhìn thấy, để chợt phát hiện ra: “Những cuộc chia lìa khởi từ đây/ Cây đàn sum họp đứt ngang dây” thì Tế Hanh đến sân ga với tư thế hoàn toàn có chủ đích:

“Những ngày nghỉ học tôi hay tới

Đón chuyến tàu đi đến những ga

Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt

Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”

“Tôi hay tới” có nghĩa là khẳng định hành động thường xuyên của chủ thể “tôi”. Tới đó để làm gì? Để “đón chuyến tàu”. Như vậy mục đích của việc đến ga được xác định rất rõ ràng. Đây là một sở thích rất cá nhân vì chàng học trò Quảng Ngãi này đến ga chỉ có riêng mình chứ không phải đi cùng bè bạn. Cho nên “Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt”. Như vậy là… một mình đến sân ga để “đón chuyến tàu”, để “xem tiễn biệt”, để rồi thấy: “Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”. Chủ động đến để rồi cảm nhận vào lòng mình cả một trời buồn thương, chua xót, biệt ly. Thấy người ta chia tay nhau, tiễn biệt nhau đã dâng lên nỗi buồn đau, chua xót, có lẽ đây là tâm trạng chung của tâm hồn thi sĩ cho dù chưa hẳn trong rất nhiều những cuộc tiễn đưa kia chỉ toàn là những cuộc tiễn đưa buồn. Thế nhưng qua khổ thơ thứ hai, ta nhận ra cái riêng của “nỗi buồn Tế Hanh”:

“Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau

Có chi vương víu trong hơi máy

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”

Nếu ở “Bóng người trên sân ga”, Nguyễn Bính chỉ chú trọng đến những cuộc chia tay cụ thể và hòa nỗi buồn của mình vào những nỗi buồn đau cụ thể ấy (chia tay giữa hai mẹ con, hai người bạn gái, hai người yêu…) thì Tế Hanh lại thương một tình thương, đau một nỗi đau của cả một con tàu. Tại sao một phát minh vĩ đại của khoa học kỹ thuật tạo nên động cơ hơi nước để đẩy cả đoàn tàu chuyển bánh mà con tàu của nền văn minh kỹ thuật Pháp đưa vào Việt Nam lại không chạy nổi để Tế Hanh phải thương xót cho số phận của nó! Chỉ một điều đơn giản là vì: con tàu ấy chở trên những toa xe của nó không phải là hàng hóa vật chất mà các toa tàu chỉ chứa đầy “những nỗi khổ đau”. “Nỗi khổ đau” đè nặng khiến con tàu quằn quại không thể chuyển bánh lao đi nhanh bởi trong “hơi máy” “vương vít” bao nhiều niềm đau xót. Cứ thử làm phép so sánh đoạn thơ này với bài hát “Tàu anh qua núi” của Phan Lạc Hoa chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn về cái “nỗi đau lớn” ấy. Con tàu Việt Nam trong đêm trường nô lệ chỉ chở trên toa toàn “nỗi khổ đau” nên nó không thể nào chuyển bánh, quay nhanh. Số phận con tàu cũng chính là số phận của một dân tộc với quằn quại nỗi đau mất nước, nỗi nhục nô lệ.

Không dừng lại ở đó, chàng học trò Tế Hanh lại nhận ra rằng: chính vì chở toàn “nỗi khổ đau” nên sự quằn mình nặng nề khiến con tàu phát ra toàn những âm thanh chua xót, xé lòng. Khổ thơ thứ ba cũng bốn câu nhưng nhà thơ đã sử dụng năm từ tượng thanh để lột tả đúng nhất, sâu sắc nhất tiếng kêu đớn đau của toàn dân tộc:

“Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề

Khói phì như nghẹn nỗi đau tê

Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ

Lòng của người đi réo kẻ về”

Không cần phải tốn công phân tích nhiều, bạn đọc thử lắng lòng để cảm nhận cái âm thanh dữ dội phát ra từ con tàu khi chuyển bánh sẽ thấy rằng những “toa tàu chứa khổ đau” kia nó nặng đến nhường nào. Nó khiến cho bánh tàu “nghiến” trên dường ray, khói “phì” lên đầy nghẹn ngào, uất hận, tiếng còi “rúc” lên nghe “rền rĩ” đinh tai nhức óc, đó cũng chính là tiếng “réo” kêu thảng thốt, đau thương của muôn muôn số phận người.

Đọc thơ Tế Hanh, ai cũng dễ nhận ra, thơ ông vốn rất nhẹ nhàng, giản dị, thật thà, trong sáng, nhưng cái khúc dạo đầu của chàng học trò 17 tuổi này quả là tiếng thơ của một nỗi đau dữ dội – một nỗi đau đời, một nỗi đau thời đại. Gọi cái buồn đau trong bài thơ này là một “nỗi buồn đau lớn” chính vì lẽ ấy.

Nhưng dù có quằn quại, nặng nề thì cuối cùng tàu cũng chuyển bánh, rời ga, người đi đã ra đi, kẻ ở im lặng, lủi thủi trở về với cõi lòng nặng trĩu nỗi vấn vương, nhớ thương tưởng chừng như ngập tràn lan tỏa cả một không gian rộng “mấy dặm trường” vì người đi mang nhớ thương đi, kẻ ở nặng lòng thương nhớ theo về làm nặng cả bước chân:

“Kẻ về không nói bước vương vương

Thương nhớ lan xa mấy dặm trường”

Tàu đã chạy, kẻ đến tiễn đưa đã ra về, nhà thơ không còn có lý do ở lại nên cũng “lẽo đẽo” theo về sau những người đưa tiễn:

“Lẽo đẽo tôi về theo bước họ

Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương”

Đó là cái “ngơ ngẩn” của “tâm hồn” chàng học trò 17 tuổi. Hai câu thơ kết nghe có vẻ ngu ngơ, nhưng kỳ thật, cái “nỗi nhớ người dưng” (vì Tế Hanh đến sân ga không phải để tiễn đưa ai cả) cứ phủ ngập tâm hồn tác giả hòa cùng với nỗi buồn thương chung của đoàn người đưa tiễn, lan tràn nỗi nhớ đến “muôn phương”.

Hòa được nỗi đau riêng mình vào nỗi đau chung của phận con người, của cả một thời đại đen tối trong lịch sử dân tộc, khiến “Những ngày nghỉ học” của Tế Hanh buồn mà không hề bi lụy, không tự chôn mình trong nỗi đau tư riêng lẻ mọn phổ biến trong thơ ca lãng mạn lúc bấy giờ như Chế Lan Viên từng thú nhận “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” . Có lẽ vì thế mà sau 1945, Tế Hanh đã đi thẳng đến với thơ ca cách mạng một cách nhẹ nhàng và gặt hái được nhiều thành công trong chặng đường thơ kế tiếp.

Theo Mai Bá Ấn

Exit mobile version