Chỉ chưa đầy 3 tháng nữa, bạn yêu văn học trên toàn thế giới sẽ chứng kiến các hoạt động trang trọng kỷ niệm 400 năm ngày mất của hai nhà văn vĩ đại: Miguel de Cervantes và William Shakespeare. Mặc dù sinh ra tại hai xứ sở khác nhau (một ở Tây Ban Nha, một ở Anh) song giữa hai bậc thiên tài này, họ có nhiều điểm tương đồng đến kỳ lạ.

Trước đây, căn cứ theo con số ghi trên bia mộ, các nhà văn học sử đã cho biết: Đại văn hào Cervantes tạ thế tại Madrid (Thủ đô Tây Ban Nha) ngày 23 tháng 4 năm 1616. Cùng ngày hôm đó, tại thị trấn Stratford của nước Anh, đại văn hào William Shakespeare cũng trút hơi thở cuối cùng.

Tuy nhiên sau này, một số nhà nghiên cứu lại khẳng định rằng, theo truyền thống ở Tây Ban Nha thời bấy giờ thì ngày ghi trên mộ là ngày chôn chứ không phải là ngày mất, bởi vậy, chắc chắn ngày mất của Cervantes phải sớm hơn thế. Cũng vậy, theo các nhà nghiên cứu, bấy giờ ở Anh và Tây Ban Nha sử dụng hai loại lịch khác nhau, nên không có chuyện Cervantes và Shakespeare mất cùng ngày. Dẫu sao như vậy thì hai đại văn hào cũng chỉ từ giã thế giới cách nhau có vài ngày, và chắc chắn đều cùng trong tháng tư (năm 1616).

Về tuổi đời, Cervantes lớn hơn Shakespeare 17 tuổi. Cả hai nhà văn đều giống nhau ở chỗ, đến nay, việc xác định ngày sinh chưa thật rõ ràng. Theo các nhà nghiên cứu thì có thể Cervantex  được sinh vào ngày 29 tháng 9 năm 1557, là ngày lễ Thánh Micae. Ấy là họ căn cứ từ sổ đăng ký rửa tội tại Nhà thờ giáo xứ Santa María la Mayor mà suy ra (do truyền thống đặt tên một đứa trẻ theo tên Thánh của ngày sinh).

Chân dung đại văn hào Shakespeare.

Sổ đăng ký rửa tội ghi lại như sau: “Vào chủ nhật, ngày 9 tháng 10, năm của Chúa chúng ta 1547, Miguel, con trai của Rodrigo Cervantes và vợ Leonor, được rửa tội; cha đỡ đầu là ông Juan Pardo; đứa trẻ được Reverend Bachelor Bartolomé Serrano, Linh mục của Đức Mẹ rửa tội. Các nhân chứng, Baltasar Vázquez, Sexton, và tôi, người đã rửa tội cho đứa trẻ và ký tên. Bachelor Serrano”. Cũng vậy, với Shakespeare, vì ông được rửa tội vào ngày 26 tháng 4 năm 1564, từ đó các nhà văn học sử suy đoán nhiều khả năng ông được sinh vào ngày 23 tháng tư, là ngày Thánh George.

Thời trẻ, cả Cervantes và Shakespeare đều rất vất vả trong mưu sinh. Thậm chí, đã có lúc cả hai đều vướng vòng lao lý. Có lần, trong quá trình thu mua thực phẩm, vì rắc rối trong chuyện tiền nong, Carvantes đã phải ngồi tù. Năm 1602, ở tuổi 59, lại một lần nữa ông bị bắt giam vì không xoay xở đủ tiền trả nợ công quỹ. Còn với Shakespeare, thời kỳ ở London, ông được Bá tước Southampton giúp đỡ. Dưới mái nhà của bá tước, có một người Italia lưu vong đã giúp Shakespeare hiểu biết thêm về văn học Phục hưng.

Cuộc sống đang êm đềm thì xảy ra biến cố. Đó là vụ án Essex và Southampton (1601). Essex bị kết tội gây loạn chống triều đình Elizabeth I. Shakespeare bị tình nghi có liên quan vì vở kịch “Richard III” được diễn ra một hôm trước đó. Essex bị lên đoạn đầu đài. Southampton bị tù chung thân, còn Shakespeare phải lẩn trốn biệt tăm. Chỉ đến khi Elizabeth I qua đời (năm 1603), Quốc vương Scotland là James VI lên nối ngôi và trở thành Quốc vương James I của nước Anh; khi đó Bá tước Southampton được trả tự do và trọng dụng. Shakespeare xuất hiện trở lại với đoàn kịch của mình và được triều đình hậu đãi.

Sau khi mất, thi hài của đại văn hào Cervantes được chôn cất tại một tu viện gần nhà riêng của ông. Tới năm 1673, nhân việc người ta tiến hành xây dựng lại tu viện, hài cốt của Cervantes được chuyển đến cất giữ tại một tu viện khác, rồi sau đó được đưa trở lại tu viện cũ. Nhưng sau đó thì không ai biết nó nằm ở đâu trong tu viện này. Bởi thế mới có chuyện vào tháng 4-2014, một đội gồm khoảng 30 nhà khoa học đã tới tu viện Convento de las Monjas Trinitarias Descalzas, sử dụng các công nghệ hiện đại để dò tìm trong các vách tường và lòng đất của tu viện này hài cốt của tác giả “Don Quixote – nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha”.

Và vào tháng 3-2015, các nhà khảo cổ học và nhân chủng học ra tuyên bố đã phát hiện ra hài cốt của đại văn hào Cervantes. Theo tờ Guardian hôm 17-3-2015, sử gia Fernando de Prado đã khẳng định “Ông ấy ở đó”, ý chỉ các mảnh xương tìm thấy trong một hầm mộ ở Madrid.

Cũng khó khăn như việc tìm kiếm mộ phần của Cervantes, với Shakespeare, để có được bức chân dung như thời nay mọi người vẫn thấy là cả một sự nỗ lực tìm kiếm của các nhà nghiên cứu. Được biết, phải tới 142 năm sau khi Shakespeare qua đời, công chúng mới được biết tới dung mạo của Shakespeare thông qua một bức tượng bán thân được dựng tại Câu lạc bộ Garrick (London).

Cách đây ít năm, các chuyên gia thuộc Trường Đại học Mainz (Đức) cho biết: Chiếc mặt nạ người chết có khắc dấu năm 1616 (năm Shakespeare mất) được tìm thấy tại một cửa hàng đồng nát năm 1842 hoàn toàn trùng khít với gương mặt Shakespeare trên bức tượng bán thân nói trên. Từ đó củng cố thêm giả thuyết, gương mặt trên bức tượng bán thân đặt tại Câu lạc bộ Garrick chính là gương mặt thật của nhà đại văn hào Anh.

Ở nhiều nước trên thế giới, để thể hiện lòng hâm mộ đối với một số tác phẩm văn học, công chúng và nhà chức trách không chỉ cho dựng tượng tác giả mà còn cho dựng tượng cả những nhân vật tiêu biểu của cuốn sách đó. Trường hợp này cũng từng xảy ra với hai đại văn hào Cervantes và Shakespeare.

Như tại thành phố Verona (miền Bắc Italia), là nơi gắn với câu chuyện tình nức tiếng mọi thời đại của chàng Romeo và nàng Juliet (nhân vật trong vở bi kịch cùng tên Shakespeare), trong ngôi nhà số 23, phố Via Cappello – tương truyền là ngôi nhà của nguyên mẫu nhân vật Juliet – chính quyền địa phương đã cho dựng một bức tượng đồng nàng Juliet kiều diễm ở ngoài ban công ngôi nhà (nơi chàng Romeo mạo hiểm tỏ tình với nàng). Bức tượng sinh động tới mức, ai đến đây cũng muốn được chụp ảnh với “nàng”. Thậm chí không ít đấng mày râu còn mạnh bạo hôn má nàng, thậm chí còn vuốt đôi gò bồng đảo của nàng nữa.

Tượng Don Quixote và Sancho Panza – hai nhân vật trong tiểu thuyết “Don Quixote – chàng quý tộc tài ba xứ Mancha” của Miguel de Cervantes.

Tương tự vậy, thầy trò Don Quixote và Sancho Panza (cặp đôi nổi tiếng gắn bó khăng khít với nhau trong bộ tiểu thuyết “Don Quixote – chàng quý tộc tài ba xứ Mancha” của đại văn hào Tây Ban Nha Miguel de Cervantes) từng được dựng tượng tại nhiều nơi. Ở Quảng trường Tây Ban Nha (nằm ở thủ đô Madrid), người ta cho dựng tượng Cervantes cùng hai nhân vật trứ danh của ông. Chính giữa quảng trường, tượng Cervantes được đặt ngồi phía trên cao, bên dưới là nhân vật Don Quixote cao lênh khênh đang cưỡi ngựa đi trước; người hầu Sancho Panza cưỡi lừa đi sau…

Cả Cervantex và Shakespeare đều gặp những rắc rối về mặt bản quyền. Chúng ta đều biết, cuốn “Don Quixote – nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha” của Cervantes được ghi nhận là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của châu Âu và là một trong những tác phẩm được đọc nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng, phần đầu của bộ tiểu thuyết được xuất vào năm 1605, khi tác giả 58 tuổi. Cuốn sách được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Từ người già tới con trẻ đều đọc một cách say mê.

Chỉ sau hai tuần xuất bản, tại Madrid, sách bị in lậu tới 3 lần. Tác giả không biết nên hoàn toàn bị thua thiệt. Cũng trong năm đó, sách được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Năm 1614, tại Tây Ban Nha, một người nào đó đã ẩn dưới một cái tên giả và cho xuất bản cuốn “Don Quixote – nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha” phần II. Việc mạo nhận này đã khiến Cervantes vô cùng phẫn nộ. Nó khiến ông cấp tốc lao vào hoàn thành phần II của bộ tiểu thuyết. Mặc dù bị Tòa án Giáo hội ngăn trở, phần II của “Don Quixote…” vẫn được ra mắt bạn đọc vào năm 1615, sau 10 năm Cervantes cho xuất bản phần I.

Với Shakespeare, trước đây, đã có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề ai mới đích thực là tác giả của những tác phẩm mang tên ông. Một nhóm các nhà nghiên cứu văn học học sử lên tiếng rằng, việc Shakespeare xuất thân từ tầng lớp trung lưu, vậy không thể có chuyện ông am tường như trong lòng bàn tay cuộc sống của giới thượng lưu, quý tộc.

Đã vậy, trong di chúc để lại cho vợ mình, ông không hề nhắc đến bản quyền những quyển sách, vở kịch, bài thơ. Từ đó, nhóm các nhà nghiên cứu này đi đến kết luận rằng, William Shakespeare chỉ là bút danh của một nhân vật nào đó trong giới văn chương, mà nhiều khả năng là de Vere (nhà văn nổi tiếng thời đó), chứ không phải của một diễn viên nhà hát tên gọi Shakespeare như mọi người vẫn nghĩ.

Theo Hoàng Ngọc Thọ – Văn nghệ công an

Exit mobile version