Sáng 29-11-2016 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (9. Nguyễn Đình Chiểu-Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-2016). Nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN; Nhà thơ Trần Đăng Khoa-Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN; Nhà thơ Vũ Quân Phương-Chủ nhiệm CLB văn chương (Hội Nhà văn VN); cùng đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu, đại diện gia đình và người thân của nhà thơ Hồ Dzếnh… đã đến dự.

Quang cảnh chung Lễ kỷ niệm

Tên thật Hồ Dzếnh là Hà Triệu Anh (Hà Anh đọc theo âm Quảng Đông là Hồ Dzếnh). Ông sinh năm 1916 tại làng Đông Bích huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh hóa. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông (Trung Quốc) sang sinh sống ở Việt Nam từ khoảng 1890, mẹ ông Đặng Thị Văn là người Việt, quê ở bến Ghép, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông học trung học, dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội tiếp tục viết báo, làm thơ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập (1957). Ông mất ngày 13-8-1991 tại Hà Nội. Hồ Dzếnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định Hồ Dzếnh là một cây bút rất đặc biệt, không chỉ là một tác giả thơ và truyện ngắn đặc sắc mà ông còn viết tiểu thuyết và kịch bản sân khấu. Tác phẩm của ông công bố từ năm 1936 và ông viết bền bỉ, liên tục cho đến những năm cuối đời. Đọc lại những tác phẩm của Hồ Dzếnh, người đọc hôm nay vẫn thấy toát lên vẻ tươi mới, đặc sắc khó quên. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh Hồ Dzếnh, rất cần một công trình sưu tầm tập hợp những tác phẩm của ông để có một cái nhìn đầy đủ, toàn diện về sự nghiệp văn chương của Hồ Dzếnh.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu khai mạc

Tham luận có tính đề dẫn của nhà thơ Vũ Quần Phương đã khái quát sự nghiệp thơ văn của Hồ Dzếnh và vị trí của ông trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Theo đó, mang trong mình hai dòng máu Việt, Hoa. Nhưng sinh và trưởng đều trên đất Việt, hồn thơ Hồ Dzếnh bắt đầu bằng những cảm xúc từ quê ngoại, ông lấy Quê ngoại làm tên tập thơ đầu. Còn Trung Hoa? Thường bắt gặp trong tình cảm của ông một thoáng bâng khuâng gợi nhớ: Lòng tôi nghe vang một thứ gió âm u của miền sa mạc Mông Cổ, trôi qua Thiểm Tây, Cam Túc, luồn vào những khu rừng không tên của hai tỉnh Lưỡng Quảng, vượt trùng dương sang tôi như tiếng thở dài não nùng của những linh hồn phiêu dạt(1) Khoảng không gian xa vợi không hình sắc nhưng như có một ràng buộc vô hình trong tâm linh ông: quê nội. Có lẽ từ hoàn cảnh riêng của đời ông, cái khoảng không gian ấy chỉ gợi trong ông những buồn thương, xót đau, đôi khi bi phẫn nữa.

Cũng theo nhận định của nhà thơ Vũ Quần Phương, truyện ngắn Hồ Dzếnh như những tiếng chuông buồn, tiếng này ngân lên chưa dứt tiếng khác đã bồi theo. Cả không gian tâm hồn ông tràn ngập tiếng ngân nga của hoài niệm, xót xa cho những cuộc đời đã đi qua tuổi thơ ông. Ông đặc biệt nhạy cảm với những buồn đau của người đàn bà nông thôn Việt Nam, hiện thân của định mênh khe khắt, của duyên phận tăm tối và buồn rầu, những con người luôn luôn chịu thương chịu khó mà đời chỉ là một chuỗi ngày đau khổ. Truyện ngắn Hồ Dzếnh là truyện ngắn trữ tình. Nhân vật chính xuyên qua tất cả mọi truyện chính là tác giả. Nhiều lúc diễn biến cốt truyện bị ngưng lại nhường cho người viết bộc lộ. Đó là những đoạn ông ca ngợi người mẹ, người chị hoặc ca ngợi mảnh đất Việt Nam, quê mẹ của mình: “Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo. Trên dải đất xúc tích những tinh hoa của văn chương, những công trạng lịch sử, tôi còn ghi cả những bóng dáng người xưa tôi thương yêu, và trong số những người này, chị Yên tôi là một“. Lòng yêu đất nước Việt Nam của Hồ Dzếnh gắn bó khăng khít với lòng yêu mẹ, yêu những người thân yêu. Ông yêu Tổ quốc từ tình yêu những người lao khổ, thiệt thòi. Tình yêu chân thực xót đau ấy đã tạo nên cái âm hưởng ngân nga của văn ông mà ai đọc qua một lần đều nhận thấy.

Tiếp theo đề dẫn của nhà thơ Vũ Quần Phương là tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà văn: PGS, TS Lưu Khánh Thơ; TS Đỗ thị Thanh Huyền; TS Trần Văn Trọng; nhà thơ Hoàng Minh Châu, nhà thơ Phạm Thái; nhà giáo Hà Chính (con trai nhà thơ Hồ Dzếnh); nhạc sĩ Trần Trung Cường (con riêng người vợ tục huyền của Hồ Dzếnh)… đã đi sâu phân tích và giới thiệu những giá trị của văn xuôi, thơ ca, sự nghiệp và nhân cách của nhà thơ Hồ Dzếnh. Một số cử tọa đã trình bày những ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng đã phổ nhạc thơ Hồ Dzếnh… tất cả đều toát lên niềm kính trọng và mến phục một tài văn, một nhân cách mang tên Hồ Dzếnh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận buổi Lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định sự nghiệp văn học và nhân cách văn học của Hồ Dzếnh sẽ còn sống mãi trong long các thế hệ độc giả cũng như trong sự nghiệp văn học nước nhà. Bởi vì: Về thân thế, ông là một tấm gương nhân văn vượt lên số phận, vượt lên hoàn cảnh để chiếm lĩnh những đỉnh cao về văn hóa.Về văn nghiệp, ông sáng tác trong buổi giao thời, hội nhập lần thữ nhất của văn hóa Đông-Tây và đã bắt nhịp rất kịp thời. Văn thơ ông vừa hiện thực phê phán, vừa có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Tác phẩm của ông, nhất là phần văn xuôi, đến hôm nay vẫn nguyên những giá trị nhân văn, dự báo và đặc biệt thấm đẫm nhân tình thế thái.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng khẳng định lại quan điểm rất cần một công trình sưu tầm, biên soạn về thân thế và sự nghiệp văn học của Hồ Dzếnh để có một cái nhìn toàn diện về Hồ Dzếnh và phát huy những giá trị văn học của ông trong công cuộc xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam hôm nay.

Bài: TUYÊN HÓA

Ảnh: HỮU ĐỐ

(Vanvn.net)