1.

Hơn mười năm trước, một nhà báo ở Bình Định đi công tác TP. Hồ Chí Minh, được bạn rủ đi mát – xa người mù cho biết, anh về kể một chi tiết cảm động. Qua trao đổi đôi câu xã giao ban đầu, cô gái bỗng hỏi: “khách từ phương xa đến phải không?”, anh bảo phải và nói quê mình tận miền trung, Quy Nhơn – Bình Định. Cô gái nói như reo: “A, đó là nơi có Hàn Mặc Tử!” Anh ngạc nhiên quá vì cô gái mù, cứ nghĩ cô ở ngoài mình lưu lạc theo gia đình vào nam hoặc mù chỉ là tai nạn, vốn trước mắt sáng có học hành. Nhưng không phải. Cô mù bẩm sinh, người nam rặt và biết Hàn thi sĩ qua bài hát, qua cải lương. Vậy thôi mà thân phận người thi sĩ tài hoa mệnh bạc ấy đã ăn sâu trong tâm trí cố gái mù thất học.

Cũng mười mấy năm trước, nghệ sĩ ngâm thơ Thúy Vinh từ TP. HCM tìm ra tận Quy Nhơn, cốt để đến tận nơi có mộ thi nhân, có “dốc Mộng Cầm”. Giờ khu đồi này thuộc Khu du lịch Gành Ráng, một thắng tích cấp quốc gia, được giao một công ty du lịch quản lý. Người ta bảo mua vé, chị xưng danh mình là nghệ sĩ ngâm thơ từ Sài Gòn ra đây chỉ để viếng mộ thi nhân mình thường ngâm thơ và yêu mến chứ không phải khách du lịch. Người gác cổng vẫn yêu cầu chị phải mua vé. Mấy ngàn đồng nhỏ thôi, nhưng chị thấy buồn. Cũng là điều đáng suy nghĩ khi trong khu du lịch này có Nhà hàng Hoàng hậu khá đẹp, bạn chỉ cần bảo tôi vào nhà hàng nhậu thì được cho vào vô tư, xe bạn được các bảo vệ ghi mật mã NH, tức “nhà hàng”, tức xe này đến tiêu tiền! Hình như có trục trặc gì đây giữa du lịch văn hóa và văn hóa du lịch.

Nhà thơ Lâm Huy Nhuận trước đây về Bình Định thường ghé Quy Nhơn chơi với chúng tôi. Trở đi trở lại trước sau rồi anh cũng nói đại ý không gian Bình Định lạ lắm, trời xanh ngun ngút, tiếng còi tàu ngân buồn, những đỉnh tháp chiều trầm mặc, và nhất là trăng, trăng Bình Định khác lắm! Tôi đùa rằng anh bị ám bởi ánh trăng rợn ngợp trong bài “Bến My Lăng” của ông Yến Lan bố anh chứ gì, trăng ở đâu chẳng vậy? Mới đây trong Hội thảo về Nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu ở Quy Nhơn, tôi lại nghe nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bảo trăng Quy Nhơn lạ và khác. Tôi lại bảo chắc anh bị ám ảnh bởi trăng Hàn Mặc Tử. Anh vẫn khẳng định, khác thật mà! Cũng khó nói theo kiểu duy lý để phản biện cách cảm của thi sĩ, dẫu gì, trăng và thơ Hàn Mặc Tử vốn được viết liền nhau khi đánh giá văn tài ông. Trăng Bình Định tạo ra cái vầng trăng độc đáo trong thơ Hàn hay chính ông làm cho trăng nơi đây thành lạ, thành khác với trăng mọi nơi?

2.

Tôi kể 3 chuyện có thật trên để bắt đầu cho bài viết về Hàn Mặc Tử và Bình Định là có chọn lựa từ vô vàn chuyện về nhà thơ gốc Quảng Bình, sống và sáng tác, thành danh ở Quy Nhơn – Bình Định và “thể phách” ông cũng tan vào trăng, nước, khí trời nơi đây.

Chuyện cô gái mát-xa mù là kể về sức sống, sự lan tỏa của văn chương nghệ thuật trong đời sống, đó là cái ánh lửa kỳ diệu, là cuộc tương tác tự nhiên giữa đời sống và văn nghệ, tất nhiên mọi thứ cũng phải được bắt đầu từ giá trị thật của văn nghệ. Và cuộc sống sẽ sàng lọc công bằng!

Chuyện thứ hai là về người mến mộ thơ Hàn. Cần nói ngay rằng, ví dụ phần “tinh anh” có thể “cảm nhận” được thì thi nhân tài năng chói sáng rồi kết thúc đời và thơ bởi số phận khắc nghiệt ở tuổi 28 này, hẳn thật viên mãn: không ngày nào trong năm không có người đến viếng mộ ông! Tất nhiên không kể nghệ sĩ Thúy Vinh, không kể các nhà văn nhà thơ các nơi có dịp về Bình Định đều đến với ông, những du khách bình thường, những người bà con các nơi có dịp về Quy Nhơn, các học trò về Quy Nhơn thi đại học, v.v, nghiệm lại thấy, trừ giới chính khách, ai về Bình Định lần đầu cũng nghĩ đến việc lại thăm nơi yên nghỉ nhà thơ. Cũng là cái may mắn khi ông, dù ở nghĩa địa Quy Hòa hay ở đồi Ghềnh Ráng cũng đều là những thắng cảnh đẹp của Quy Nhơn, và người phương xa yêu thơ đến chiêm bái, sau khi dâng nén hương còn thấy lòng nhẹ nhõm khi nơi ông yên nghỉ thật đẹp, thật xứng đáng như một bù sớt cho những thương đau nếm trải mấy năm cuối đời, thương đau cùng phút thăng hoa thi phú của ông.

Ấy là hiện nay, Quy Nhơn vẫn còn là một thành phố tỉnh lẻ, một Quy Nhơn xinh đẹp như nàng công chúa ngủ vùi chưa được đánh thức. Thống kê du lịch năm nào cũng bảo tăng hơn năm trước thì có gì mừng, ở đâu chả vậy, nhất là nơi đầy tiềm năng chưa được khai mở đúng tầm. Nghĩa là, tin chắc rằng, mỗi ngày, mỗi năm, người đến viếng thi nhân sẽ càng đông hơn.

Vậy người yêu thơ càng lúc càng nhiều chăng? Không hẳn. Nhưng yêu thơ Hàn thì càng lúc càng nhiều hơn.

Thử đọc lại các đánh giá có phần dè dặt của các “ông lớn” phê bình Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh… thời trước Bốn lăm, rồi đến khi rụt rè làm các tuyển Hàn Mặc Tử sau Bảy lăm qua nhận định có tính khẳng định của Chế Lan Viên – bạn cùng thời của lẫy lừng “Bàn thành Tứ Hữu” là “Nhóm thơ Bình Định”, sau với Trường thơ Loạn. Và tiếp sau nữa, đến nay. Càng nhiều nghiên cứu, phê bình về thơ ông với phần khẳng định một cách sửng sốt về cái hay, cái mới của thơ Hàn. Ví dụ, ngay từ mười chín tuổi, 1931, chàng thi nhân này đã viết câu thơ về trăng trong cái vỏ thơ Đường: “Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối/ Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”. Cái táo bạo phá vỡ khuôn thước cổ thi này in trước “Tình Già” của Phan Khôi, bài thơ và nhà thơ được cho là tiên phong của Thơ Mới. Tiên phong Phan Khôi, vì, căn bản dám phá vỡ niêm luật chứ các trói buộc đăng đối và cảm xúc riêng chung còn ngờ ngợ, lẫng cẫng. Còn Hàn thì ào tới. Cái “bóng nguyệt” táo tợn này vừa là sáng tạo lớn thời ấy, sáng tạo táo bạo đến mức chỉ vài người hoan nghênh (Phan Bội Châu chẳng hạn), phần lớn ít người bàn, vừa là như một ám ảnh tiên khởi vận vào số phận một thi tài? Vì, cái ánh trăng ấy còn hiện hữu trong thơ Hàn với mật độ dày đặc với các thống kê: “Gái quê”- 10 bài, “Thơ Điên”- 16 bài (tức là đến 9/10), “Máu và hồn điên”- 15 bài!

3.

Vâng, tôi tập trung cho trăng Hàn Mặc Tử và trăng Bình Định, theo cách cảm nhiều bạn bè văn chương. Thử dạo qua vườn trăng lộng lẫy và kỳ bí của Hàn nhé, cái vườn trăng rờn rợn tóc da, vườn trăng quẫy cựa những khát khao yêu và sống, cảm nhận và thụ hưởng đến vi tế.

Nhà phê bình Đặng Tiến có nhận xét minh xác về trăng Hàn thế này: “Trăng là nguồn sống để đối diện, giãi bày nỗi lòng của thi sĩ. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử không chỉ là ánh sáng huyền ảo và hắt hiu mà nó như một vật cụ thể khả xúc”.

Từ nhận xét này, tôi ví dụ trăng Hàn lai rai cùng thưởng thức sau: “Nước hóa thành trăng, trăng ra nước/ Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm/ Người trăng ăn vận toàn trăng cả”, và: “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi”, và: “Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quỳ/ Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu”, và: “Ô kìa! Bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”, v.v…

Viết về trăng xưa nay là chuyện hiển nhiên thi sĩ. Vì trăng tròn, trăng khuyết, trăng đêm những mơ màng dẫn dụ đều gợi cả. Trăng đơn độc và trăng cảm thông, tri kỷ. Và trăng đầy ắp trong thơ. Trăng tri kỷ và khùng điên đến cỡ tương truyền rằng thi tiên Lý Bạch đời Đường viết câu trứ tuyệt trong “Tương tiến tửu” :“Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân”, lại chết vì trong một cuộc say, nhảy xuống nước ôm trăng. Đọc thấy đã, nhưng trăng “yêu” mới ghiền. Ví dụ cái trăng tinh tế Xuân Diệu, “Trăng sáng trăng xa, trăng rộng quá/ Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”, ví dụ trăng cứa lòng hai nửa của Hoàng Hữu: “Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ/ Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau”… Nhiều và hay lắm lắm. Nhưng có táo bạo lắm thì cũng tới mức: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”, xẻ trăng làm đôi để mô tả tâm trạng hai người yêu nhau phải xa nhau, cùng lắm có nhuốm màu ly tán. Vẫn cứ là trăng đối tượng, khách thể. Với Hàn thi sĩ, trăng vừa là đối tượng để ông “say trăng”, “uống trăng”, “rượt trăng”, “ngủ với trăng”…, trăng vừa là sở hữu của riêng ông, “ai mua trăng tôi bán trăng cho”, trăng cũng chính là thi sĩ cả tinh thần và thể xác: “Hồn là ai, là ai tôi chả biết/ Cười như điên, sặc cả mùi trăng”, “Gió rít từng cao trăng ngã ngửa/ Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô/ Ta nằm trong vùng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra”, rồi: “Loạn rồi, loạn rồi, ôi giếng loạn/ Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng điên/ Nhảy ùa xuống nước vớt trăng lên”… Nhân đây kể chút về chữ “loạn” mà phần nào hình thành “Trường thơ loạn” qua tuyên ngôn là lời bạt của Hàn viết cho tập “Điêu tàn” của Chế Lan Viên. Ở Bình Định có câu ca “Chiều chiều mây kéo về kinh/ Ếch kêu giếng lạng thảm tình đôi ta”. Đúng là có cái giếng lạng là giếng bỏ hoang rêu cỏ mọc đầy, và cũng cạn, ít nước, làm nơi ở cho ếch nhái. Và cũng đúng là âm Bình Định, “loạn” cũng phát như “lạng”. Nên khi viết tập thơ về chiến tranh, Yến Lan viết “Giếng loạn”, Hàn Mặc Tử đã phản ứng, bảo “lạng” mới đúng, mới hay. Nửa năm sau, cũng chính Hàn nói lại rằng, Yến đúng. Từ “loạn” sâu hơn, hay hơn. Hẳn chữ “loạn” trong thơ trích trên có từ những nghĩ suy, phân định kỹ càng của hai người thơ. Tình bạn của các thi nhân xưa chân thành và cảm động vậy.

Cũng biết Hàn mấy năm cuối đời sống đơn độc trong cái chòi lá lúc Gò Bồi, khi bên núi Đèo Son, và căn bệnh quái ác ông mắc phải lúc ấy người ta chưa hiểu mấy và sợ hãi, xa lánh, căn bệnh mỗi mùa trăng vi trùng hoành hành dữ hơn… trăng vừa là người bạn chung thủy, người đồng hành duy nhất của thi sĩ khi những người thân yêu “…đã đi rồi khôn níu lại”, trăng là khổ đau, là khao khát không với tới trong tình yêu…, nhưng không thể cắt nghĩa ánh trăng rất riêng đầy huyền diệu, sống động và ảo mộng của thi sĩ từ căn nguyên bệnh tình và sự rời xa của con người. Trăng đã sống động và ám vận vào ông thuở chưa tới hai mươi đó thôi.

Vậy có thật trăng Bình Định làm nên cái độc đáo xưa nay chưa từng có trong thơ Hàn? Vì cũng thời này, Yến Lan bạn thơ nhóm ông cũng có ánh trăng lạ đến giờ vẫn đẹp vẻ rợn ngợp và huyền ảo: “Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi// rồi: “Nhưng đêm kia có một chàng kỵ mã/ Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly/…/ Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng”. Cái “ngành trăng” của Yến Lan cũng là lạ không chỉ chuyện chữ nghĩa.

Cũng như, tháp chàm thì có nhiều nơi. Nhưng khi viết về Quy Nhơn, danh sĩ Văn Cao đã hạ tuyệt bút: “Tự trời xanh/ rơi/ vài giọt Tháp Chàm”. Bài thơ có mấy chữ ấy hẳn nhiều người chú ý cách mô tả, cả hình tượng “giọt” tháp. Nhưng không thể không thấy cái thẳm sâu của “nguồn” trời xanh. Nguồn ấy mới là căn cốt cho ngui ngút mây thời gian, cho lặng trầm và trơ gan cùng hưng phế. Vì “trời xanh” là vĩnh cửu.

Có thể liên tưởng ít nhiều “trời xanh” của Văn Cao và “trăng” của thi sĩ họ Hàn?

Thơ cũng có xu thời và mùa vụ. Nhưng thơ ấy sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Nhưng cái trời xanh và tháp chàm ánh trăng tri kỷ và khát vọng sống của thơ hẳn sẽ muôn đời. Đó là không gian thơ Bình Định!

4.

Thời Thơ Mới đã sản sinh ra “cuộc cách mạng thơ” thật bề thế cho thi ca Việt. Bình Định đã góp phần không nhỏ với”Bàn Thành tứ hữu”, với “nhóm thơ Bình Định” và trường thơ “loạn” có tuyên ngôn. Trường thơ này còn hút cả thi sĩ siêu thực tài năng Bích Khê từ Quảng Ngãi về cùng. Ấy là chưa kể “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu đình đám ở Hà Nội. Ai cũng biết Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên là người tỉnh khác, nhưng sống và sáng tác, thành danh thời ấy từ Bình Định.  Nhất là họ Hàn, sự nghiệp và cuộc đời gắn hẳn nơi đây. Không gian thơ Bình Định đã góp phần cho các thi phẩm họ chói sáng, và chính những thi nhân này làm cho văn chương Bình Định đẹp hơn, sang trọng hơn.

Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ gọi Quy Nhơn là “thành phố thi ca” như một tôn vinh. Và nhiều năm qua, người yêu thơ ở Bình Định trân trọng gọi ngọn đồi xinh đẹp nơi Hàn thi sĩ yên nằm là Đồi Thi Nhân.

Nhân đây, người viết bài này xin đề đạt ước muốn các cơ quan hữu quan chính thức đặt cái mỹ danh rất xứng đáng ấy cho ngọn đồi trong quần thể thắng cảnh quốc gia Gành Ráng- Tiên Sa này. Thêm nữa, có thể quy tập về đây những “thể phách” của các thi nhân lừng lẫy một thời và mọi thời: Yến Lan, Quách Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Bích Khê… về cùng trên ngọn đồi sang trọng với Hàn thi sĩ. Chí ít, có thể làm nhà lưu niệm chung, làm vườn tượng các thi gia lẫy lừng ấy. Để cho người yêu thơ khắp nơi có nhiều hơn cơ hội bày tỏ lòng ngưỡng vọng. Để cho cô gái mù mát-xa Sài Gòn, cho những người yêu thơ, những nhà thơ bây giờ và mai sau thêm một lần vui và hy vọng rằng, việc làm cô đơn và nhiều trả giá của người cầm bút đẹp đẽ và đáng trân trọng nhường nào với cuộc sống.

Kỷ niệm trăm năm sinh Hàn thi sĩ, kẻ hậu sinh tôi xin thắp cho ông nén hương thành kính của người Bình Định theo cái cách mà chúng tôi nhiều lần đến với “mộ Hàn”, hãnh diện với bạn bè. Và với mong mỏi chung, xin nêu chút đề đạt liên quan tới bạn bè ông. Nếu được lưu tâm, tin rằng không chỉ là việc tôn vinh thơ mà các thế hệ mai sau còn biết tới việc du lịch Bình Định là một cuộc hành hương về với các giá trị văn hóa.

Nguồn: Vanvn.net