TP Hồ Chí Minh, 24.3.2018
CON GÁI NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH NÓI LỜI CẢM ƠN
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu
Kính thưa các vị khách quý!
Trước hết cho tôi thành thật xin lỗi, được phép không giới thiệu chức danh từng người, vẫn biết trong quí vị ngồi đây, có thể có vị đã từng, hoặc đang giữ những cương vị quan trọng trong cơ quan đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, hoặc các bậc văn tài nổi tiếng… Nhưng hôm nay, chính ở nơi này, gia đình chúng tôi mong được trân trọng tiếp đón tất cả quí vị đến với “100 năm Nguyễn Bính” bằng những tấm tình bầu bạn thương mến cảm thông và chia sẻ.
Thưa các bạn,
Để có được chương trình kỷ niệm 100 năm sinh cha tôi trang trọng, ấm cúng đầy ắp nghĩa tình như hôm nay, tôi không thể không gởi lời tri ân đến những người bạn đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian tổ chức sự kiện này. Các bạn đã hết sức hết lòng hỗ trợ chúng tôi, bằng tinh thần, tình cảm, trí tuệ, kể cả vật chất, tiền bạc và cái quan trọng nhất là quỹ thời gian quí báu của người cầm viết, cũng như khoảng cách không gian giữa (SG-HN) và mọi miền đất nước, để có mặt tại đây cùng làm nên sự thành công sự kiện nầy.
Xin được cảm ơn: Nhà văn PGS, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, Nhà thơ Lê Thị Kim, Nhà thơ Huệ Triệu, nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà LLPB Trần Hoài Anh, nhà LLPB Võ Văn Nhơn, cảm ơn hai cậu em họ của tôi, Nhà vật lý hạt nhân Nguyễn Đức Thành, nhà doanh nghiệp văn võ toàn tài Kao Phú, và em gái nhà thơ TMH…
Xin cảm ơn cô Hiệu trưởng Nguyễn thị Yến Trinh và tập thể các thầy cô trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Và còn nhiều, nhiều người nữa, mà ở đây tôi không sao kể tên hết được, đã âm thầm đứng sau bức màn làm hết mọi việc, để giờ phút nầy tôi được vinh hạnh đứng đây cùng các bạn thực hiện buổi lễ kỷ niệm “cha tôi tròn trăm tuổi” .
Các bạn thân mến,
Hơn 100 năm trước, cha tôi đã cất tiếng chào đời tại một làng quê nghèo khó, ấy là làng Thiện Vịnh, huyện Thiên Bản, thuộc Trấn Sơn Nam Hạ, nay là Vụ Bản, Nam Định. Để rồi ba tháng sau, vào một chiều đầu tháng ngâu lạnh giá, định mệnh đã phủ lên phận đời cha tôi một màu đen tang tóc, ông vĩnh viễn mất đi bầu sữa mẹ, buộc phải mang lấy kiếp mồ côi. Có lẽ cái số long đong đã mắc vào số phận cha tôi từ lúc đó. Bà nội tôi người thôn Vân, một người phụ nữ xinh đẹp nết na hiền thảo, con nhà gia giáo, khá giả. Bà về làm vợ ông nội tôi năm 17 tuổi và mất năm bà 24 tuổi, để lại cho ông nội, ba người con trai nhỏ dại: Bác cả Nguyễn Mạnh Phác, nhà viết kịch Trúc Đường mới vừa 6 tuổi; bác hai – Nguyễn Ngọc Thụ 3 tuổi, còn cha tôi mới 3 tháng tuổi. Mấy năm sau, ông nội tôi cưới bà Phạm Thị Duyên người thôn Tháp, ông bà có thêm bốn người con: cô Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Liên, chú Nguyễn Thiện Căn, Nguyễn Thiện Cơ.
Thưở nhỏ, cha tôi chỉ học ở nhà với cha và cậu tức ông Bùi Trình Khiêm, anh ruột bà nội tôi, một nhân sĩ yêu nước. Cụ Khiêm tham gia sáng lập phong trào Đông kinh nghĩa thục, bị Pháp bắt quản thúc tại quê làng. Theo nếp nhà, cụ Khiêm mở trường dạy học cho con cháu và bà con quanh vùng. Học trò của cụ có người mà tên tuổi đã đi vào lịch sử: Đẩu Nam Trần Huy Liệu, Hồ Xanh Nguyễn Thượng Cát… Cha tôi may mắn sớm được tiếp thu nguồn học vấn uyên thâm, một tinh thần cao đẹp từ cậu mình, cụ Bùi đã thổi vào tâm hồn non trẻ cha tôi một nhà thơ tương lai ngọn lửa yêu nước thương nòi. Người thứ hai, có ảnh hưởng đến cuộc đời và con đường thi nghiệp của cha tôi, phải kể đến bác cả Trúc Đường. Năm 1932, bác Cả tôi đỗ thành chung được nhận về dạy học ở Hà Đông, Bác mang theo cha tôi ra Hà Đông ăn học và kiếm sống. Cha tôi được tiếp cận dòng văn học phương Tây từ anh mình.
Năm mười ba tuổi, cha tôi nổi tiếng thần đồng, ông đoạt liền hai giải nhất, một lần vào tháng ba âm lịch năm Tân Mùi, vào dịp Hội Phủ Giầy, tại phủ Giáp Ba, làng Dần, Vụ Bản có tổ chức cuộc thi văn với chủ đề tả cảnh chọi gà. Ban giám khảo là các nhà nho có uy tín quanh vùng. Cuộc thi đâu chừng được giữa giờ, một chú bé loắt choắt khoảng mười hai mười ba tuổi bước đến trước Ban giám khảo nộp bài. Khi loa phóng thanh vang lên giữa Phủ, xướng tên người đoạt giải nhất cuộc thi là người làng Thiện Vịnh, mọi người mới vỡ lẽ chú bé loắt choắt khi nãy chính là cha tôi. Ông vinh dự được mời lên ngồi cùng bàn với Ban giám khảo. Một lần khác cũng vào dịp Hội Phủ, Thiện Vịnh tổ chức cuộc thi hát đối, cha tôi cũng giành giải nhất, khi ông chịu trách nhiệm gà cho bên nam. Sau khi đạt giải nhất hai cuộc thi trên, tiếng tăm cha tôi nổi đình nổi đám khắp Vụ Bản. Các anh trai làng quanh vùng muốn muốn thố lộ tâm tình với cô “hàng xóm”, hay thất vọng vì yêu đều tìm đến nhờ “cậu” Bính nghĩ hộ cho bức thư tình.
Trước năm 1936, cha tôi đã có thơ đăng rải rác trên các báo. Ông bắt đầu kiếm sống bằng nhuận bút. Nhưng độc giả vẫn chưa biết đến Nguyễn Bính mãi cho đến khi bài thơ “Lỡ bước sang ngang” được đăng tải trên báo, tên tuổi ông mới thật sự “làm mưa làm gió” trên thi đàn Việt Nam. Năm 1937, ông được giải thưởng thơ của “Tự lực văn đoàn”. Từ năm 1938 đến năm 1941, ông liên tiếp trình làng bảy tập thơ: Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi, Hương cố nhân, Người con gái ở lầu hoa, Mười hai bến nước, Một nghìn cửa sổ, Mây Tần. Năm 1943, bài Hành phương Nam với hàng trăm bài thơ lẻ, ra đời trong cuộc hành phương Nam được đông đảo bạn đọc cả nước nồng nhiệt đón nhận. Năm 1944, ông đạt giải nhất Nam Xuyên với truyện thơ Tỳ Bà. Và cũng trong năm nầy, ông đạt giải nhất trong cuộc thi viết truyện ngắn của tờ Thanh niên Đông Pháp với truyện ngắn Không đất cắm dùi. Trong kháng chiến chống Pháp ông cũng đạt nhiều giải thơ của chi hội Văn Nghệ Nam Bộ. Năm 1964, ông được giải ba của báo Văn Nghệ Việt Nam với bài thơ bức thư nhà. Năm 2000, ông được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nằm 2007, ông được tỉnh Đồng Tháp trao giải Nguyễn Quang Diêu .
Trước cách mạng tháng Tám, cha tôi luôn xê dịch suốt dọc dài đất nước, lên rừng xuống biển, bằng nghề viết báo làm thơ, có khi làm nghề gõ đầu trẻ. Năm 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, từng phụ trách Hội Văn hóa cứu quốc, Phó chủ tịch tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá, sau về Phòng chính trị Quân khu tám. Công cuộc chín năm ấy, đã góp vào cuốn biên niên sử, một đời tài hoa bạc mệnh của Cha tôi, một trang sử đời không kém phần hào hùng tráng lệ.
Năm 1954, cha tôi tập kết ra Bắc, trở về cố hương chấm dứt cuộc hành phương Nam dài nhất. Mười bốn năm ly hương, làm con dân châu thổ sông Cửu Long, hàng mấy ngàn ngày đêm ấy, trong ông thao thiết tiếng gọi sông Hồng! Để khi về đến cố quận thì miền Nam quê hương thứ hai trở thành nỗi nhớ thường trực trong trái tim ông, một phương Nam hào khí – ân tình.
Năm 1966, Cha tôi đột ngột qua đời vào 29 tết, năm ấy không có ngày 30. Cha tôi đã sống trọn vẹn một đời người, với thi ca, với quê hương đất nước. Ông để lại cho đời cả thảy: 14 tập thơ, với hàng trăm bài thơ lẻ in ngoài tập, 10 vở kịch thơ, 4 truyện thơ (trong đó Tỳ bà truyện dài 1548 câu), 4 tiểu thuyết, 1 tập bút ký và nhiều truyện ngắn.
Một đời người một đời thơ cha tôi đã trải qua quá nhiều nổi chìm ghềnh thác, lắm vinh quang và cũng quá nhiều cay đắng. Cha tôi đã là người của ngàn xưa tính đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Sự nghiệp thi ca ông để lại đã được thử thách với thời gian với bao thăng trầm của đời sống, nhân dân trước sau vẫn dành trọn vẹn cho ông một tấm lòng thủy chung son sắt. Cảm ơn số phận vinh quang và cay đắng đã làm nên nhà thơ Nguyễn Bính sống mãi với thời gian, với quê hương đất nước. Cảm ơn tấm lòng yêu mến của đông đảo các thế hệ bạn đọc đã dành cho cha tôi. Ân tình đó đã nâng cánh cho thơ cha tôi vượt qua cái hữu hạn của một kiếp người để chạm vào cõi bất tử trong lòng bao thế hệ độc giả yêu thơ. Đó cũng chính là phần thưởng vô cùng to lớn, vô cùng quí giá, hơn mọi giá trị phần thưởng khác, là vòng nguyệt quế mà nhân dân và đất nước đã ban tặng cho Người.
Thưa các bạn, chính vào giờ phút long trọng nầy, tại đây, tại phương Nam tôi xin thay mặt Ban tổ chức long trọng tuyên bố: Chương trình tưởng niệm “100 năm Nguyễn Bính” bắt đầu.