QUANG HƯNG

Viết những điều hướng thiện là trách nhiệm tự thân của nhà văn. Và việc tìm câu chuyện, chọn cách kể…, làm nên nét độc đáo trong sáng tác của nhà văn ấy. Nguyễn Quang Thiều chọn không gian làng, khai thác những dữ liệu của đời sống thiên nhiên, đời sống đa dạng của người ở quê trong mối tương quan với thiên nhiên ấy, để thể hiện những truyện ngắn mà ông đưa vào cuốn sách mới nhất của mình: “Tiếng đập cánh của chim thần”.

Nhưng đây không phải là một bức tranh yên ả, thuần phác để người ta thấy quê nhà nên thơ, thanh bình. Cũng không phải những chuyển động nhốn nháo, lộn xộn và nhiều mất mát, là hậu quả của phát triển tự phát cộng với thoái hóa những giá trị truyền thống đẹp đẽ. Tác giả đi thẳng vào đời sống tâm hồn rộng rãi, tình cảm tha thiết, nỗi u buồn, niềm mong đợi khắc khoải vừa vô vọng vừa níu kéo của những người ở trong không gian địa lý và văn hóa nông thôn. Không dựa vào nguyên nhân xã hội để lý giải, tác giả lấy tình yêu, vẻ hồn nhiên, niềm hy vọng hay sự tăm tối của chính mỗi con người làm nguyên cớ cho mỗi câu chuyện. Nhân vật, câu chuyện được kể vừa gần vừa xa, vừa thực và ảo, vừa có sự cụ thể của tên người, không gian làng với những tập quán, vật dụng, chuyển động đời sống đặc trưng, nhưng lại có xu hướng vươn đến những gì khái quát, biểu tượng.Trong một truyện, cô gái muộn chồng bởi tự ti về sắc vóc của mình. Niềm tin vào bản thân và tình yêu chỉ đến khi đón nhận một tình yêu thật chân thành, biết vì người mình yêu. Đó là khi chính người kỹ sư đã bí mật thả chiếc lông chim đỏ duy nhất xuống đám lông của bầy chim lớn bay về làng. Chiếc lông chim ấy nhỏ nhoi, nhưng mang theo cả một huyền thoại của làng quê, làm cho cuộc đời cô thay đổi. Ở câu chuyện khác, người thương binh tưởng vô vọng khi tìm lại cô gái nuôi con ngựa trắng nơi năm xưa đóng quân. Cuộc hội ngộ tuổi xế chiều đi qua nhiều mất mát của hai con người, cùng với con ngựa già nua bỗng như một phép màu khiến tâm hồn họ hồi sinh. Câu chuyện khác về người trai chài lưới yêu cô gái góa hơn mình tám tuổi. Những lo sợ về sự ngăn cấm của tập tục làng quê cứ ghìm giữ cô gái mãi cho đến một đêm bầy cá vật đẻ trong đêm mưa to gió lớn. Tình yêu nồng nàn và quyết liệt đã đưa họ đến với nhau như một điều kỳ diệu của số phận.Kỳ diệu đấy, mà cũng rất đỗi thân quen, gần gũi. Và ở ngay bên mình, quanh mình đấy, nhưng cũng đầy gợi mở con người vươn xa bằng đời sống tâm hồn phong phú, phóng khoáng. Nhà văn nói với chúng ta rằng, biết cảm nhận, thẩm thấu và nâng niu những điều nhỏ bé, bình dị, thì bản thân chúng, bản thân đời sống chung của chúng ta, và bản thân mỗi người nữa, sẽ lớn lên đến vô cùng.(Tập truyện ngắn “Tiếng đập cánh của chim thần”, Nguyễn Quang Thiều, NXB Hội Nhà văn).

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

 
Exit mobile version