Về nhà

 

Tôi sợ chuyến đi này có sự ngáng trở, mới quay về ngụ sở, từ biệt chủ nhân là quan Trạch Ưu, rồi ngầm rời đến nhà cháu họ là Hộ Hào, chỉnh bị hành trang, lại mượn lính của thân bằng đi hộ vệ. Phàm những người bạn thân trong kinh thành mà không đến từ biệt được, tôi đều viết thư gửi đến tạ lỗi. Tôi lại nói phao lên rằng tôi dùng đường bộ mà đi, ngầm sai người thuê đò dọc chờ sẵn tại bến Trường Tín[242]. Sau đó những người bạn bè trong thành biết tôi đã ngầm rời nhà trọ, các quan viên như Thạch Trung Kiệu Hữu, Trạch Ưu Tả Nhuệ đều thân đến tiễn chân.

Ngày mười hai tháng mười, sáng sớm tôi đi bộ đến Hoàng đình, có binh lính ra đứng gác. Quan quân thuộc Thị nội tả đóng tại Hoàng đình. Tôi đến từ biệt viên quan ở đây, nỗi lòng băn khoăn, bối rối hiện ra sắc mặt. Lúc tôi ra đi, vị quan ấy đưa tặng một bao danh trà, với một bài thơ có lời dẫn như sau: Canh gác Cấm thành nay đã lâu, vẫn chưa có vật gì để tặng, bất giác lòng thấy buồn bã. Nay có trà Bạch hào (một cân) xin đem đệ nạp.

Thơ rằng:

Ngạo tận hàn sương đông ngũ dạ

Tương tư huống hựu ức hoài nhân

Phân kỳ vạn lý kham trù trướng

Tràng đoạn tây sơn nhật mộ vân

Sương dãi đêm đông lạnh lẽo hoài

Nhớ nhau nên nỗi dạ khôn nguôi

Đường chia nghìn dặm nên buồn bã

Bóng xế mây đoài quặn ruột ai

Tôi đi đến bến chùa Trường Tín, lên thuyền thuận dòng xuôi. Tôi ở trong thuyền, thong thả trông ra xa, pha trà mà uống, lấy làm khoan khoái, chuyện trò giòn giã khác nào như cá thoát lưới, như chim sổ lồng. Lòng muốn về cho nhanh ví như tên bắn. Trông về tây, hàng nghìn trái núi xa thẳm hiện ra. Hễ thấy nơi nào cách xa và sâu kín thì ngỡ là nhà mình ở đó. Tôi mới ngâm một bài thơ tả nỗi lòng rằng:

Bái biệt long lâu cửu bệ hàn

Mang huề cầm kiếm xuất đô quan

Mã am cựu lộ hồi trình dị

Chu khứ trung lưu phản trạo nan

Vân nhược đa tình lai khử thự

Sơn như hữu ý vị khai nhan

Tây biên vạn tựu giai thương thúy

Duy hữu song phong tự ngã loan

Giã từ cửu bệ[243] với long lâu[244]

Đàn kiếm ra thành dạ ngẩn ngơ

Đường cũ ngựa quen nên bước dễ

Dòng sâu thuyền đẩy khó bơi mau

Mây kia có ý như xua nắng

Núi nọ đa tình bỗng đượm mầu

Vạn trái non tây phô sắc lục

Song phong mải ngắm núi nhà đâu?

Lúc này nước sông chảy mạnh, thuyền nhẹ, thuận buồm, sau giờ ngọ thì đến Lãnh Tuần. Tôi bỏ thuyền lên bộ, đến chơi chùa Nguyệt Đường. Chùa ấy ở trên núi, có cửa mở ra đường lớn; một bên đằng sau cửa này là một cái ao hình bán nguyệt. Ở bờ ao cây cối rủ bóng liên lu, tùng bách che mặt đất.

Phía trước có một bức tường gấm, tường có cửa thông ra một con đường thẳng. Về phía đông và phía tây sân chùa, có hai hòn núi đất; trên núi đều có xây gác chuông. Ở giữa xây một cái cung điện rộng, nhà cao, nhà chơi mát sáng sủa; nhà gác tranh vanh, bốn phương tám mặt đều có tường vẽ tranh huy hoàng, những trấn song quanh co, thông nhau ngang dọc. Hoa lạ đua nở, ngáng quải mắc míu nơi thềm đá trắng. Nghìn cửa thông nhau, một lối nối liền. Tôi du ngoạn giờ lâu, than rằng: “Thật là tiếng đồn không sai, đất thần tiên cũng không hơn được vậy! Chỉ còn hiềm sức người không làm sao đi đến chỗ hoàn toàn như thiên nhiên được, cho nên tao nhân mặc khách say mê cái khí vị của chốn lâm tuyền từ lâu là vì thế”. Tôi mới làm một bài thơ trên vách, rồi ra đi:

Bán nguyệt trì đường bất nhị môn

Trùng trùng lâu các ủng tiền thôn

Hồi lang điệp xuất phi hoa lộ

Khúc hạm tà phân chủng trúc hiên

Cửu phẩm hương đăng nghi bạch trú

Song lâu chung cổ động hoàng hôn

Tùng thu mãn địa lưu u tịch

Đãn hận đình vô hiến quả viên

Bán nguyệt ao kia một lối vào

Trước thôn lầu gác dựng xây cao

Nhà ngang khắp nẻo hoa bay rụng

Cửa rảo quanh hiên trúc mọc bao

Chín bậc đèn hương soi cửa Bụt

Hai lầu chuông trống động trời chiều

Bách tùng đây đó tăng u tịch

Dâng quả ngoài sân thiếu vượn trao

Đề xong, tôi đến dinh Hiến Nam gặp quan Thư Ký. Nguyên ông này là người Hoan Châu, cùng tôi quen biết từ trước; ông từng làm việc với quan Chính Đường tại trấn. Tôi ở lại đây vài ba ngày, mua một số thuốc Bắc, lại mượn lính trấn sáu người đi theo hộ vệ. Ngày mười sáu, tôi đến huyện Hoài An, xã Nguyễn Xá thăm hỏi nhà vợ tôi và họ hàng nhà vợ.

Sáng ngày mười tám, tôi đến Nguyễn xá[245], sắm sửa sinh lễ[246] cáo yết nhà thờ bên vợ, rồi cùng với những người thân thuộc tỏ nỗi cách biệt bấy lâu. Lúc ấy quan tri phủ Tiên Hưng[247] cũng ở nhà, thấy tôi thì mừng rỡ, kể các chứng bệnh của mình ra. Tôi viết cho ông một đơn thuốc và cho ông một nửa lạng quế. Ông ấy cảm tạ mãi.

Lúc này gia nhân của tôi và lính theo hầu cộng lại là hai mươi người. Từ kinh đến đây, noi đường thẳng mà đi thì chỉ mất một ngày. Chỉ vì sợ trên đường về gặp trở ngại, nên đã đi hết bảy, tám ngày; lương thực đem theo sắp cạn, nên không thể ở lại lâu được.

Ngày mười chín, tôi từ biệt mọi người lên đường. Nguyên con đường này ở giữa miền sông núi, thuở nhỏ tôi ở nhà dưỡng phụ tôi tại đó, ngày ngày tôi từng đi du ngoạn. Về phía nam là một giải động như Hương Sơn[248], Giải Oan[249], Tiên Am, Tuyết Sơn; về phía tây có Hư ơng Đài, Hương Trản, Vân Mộng và Tiên San[250]. Các chùa trên núi đều có phong cảnh tuyệt đẹp. Chùa nào cũng có vết chân của tôi. Dùng đư ờng thủy mà đi thì dễ ngắm phong cảnh. Tôi mới mượn thuyền của quan tri phủ, từ bến sông Nguyễn Xá thuận dòng mà xuôi, đến đỉnh Hà Xá là đến nhà bên mẹ của cha tôi xưa; con cháu nay suy bại, không để dấu vết, tôi có đến tìm cũng không còn ai trò chuyện được. Tôi sai buộc thuyền ở đình làng, hướng trông phần mộ tổ, vọng bái mấy bái, rồi lại xuống thuyền mà đi.

Từ Trinh Tiết (tên xã) đến Phù Viên (tên xã) ước bốn, năm dặm, hai bên bờ sông toàn là danh lam thắng tích, nơi nơi đều nom thấy rõ. Phàm những chốn tôi qua chơi thuở nhỏ đều hoặc ẩn hoặc hiện, tưởng tượng kỹ lại cũng tự thấy rõ rồi. Cảnh ấy tình này đã vậy, lại nhớ đến những người thuở trước, kẻ còn người mất, luống những thở than. Bỗng nghe chuông chùa Mãn Nguyệt vang lên mấy tiếng; đã buồn bã thêm, tôi mới ngâm một bài thơ để tỏ nỗi lòng:

Nhất biệt giang hương tam thập thu

Như kim phục đổ cựu thời du

Hà đình dạ độ hoàng hoa ngạn

Đặng xá ngư thôn bạch lộ châu

Hương tích nam phù ngưng vãn thúy

Tuyết sơn tây xuất tẩm hàn lưu

Sơn tăng nhược thức ngâm hoài khổ

Bất hứa chung thanh thưởng khách chu

Sông cách làng xa trải mấy đông

Ngày nay trở lại chốn xưa trông

Đình Hà bến cũ hoa trong bụi

Xã Đặng thôn chài bãi giũa đồng

Hương Tích nam nhô ngưng sắc biếc

Tuyết Sơn tây hiện ngất triền sông

Sơn tăng ví biết tâm tình khách

Đừng để thuyền vang động tiếng chuông

Buổi tối hôm ấy tôi đến Châu Cầu[251], lên bờ ngủ trọ, sáng hôm sau khởi hành. Từ đó đêm ngủ ngày đi, chẳng cần phải nói. Vài ba ngày sau đến Vĩnh Dinh, tôi vào yết kiến quan Thự Trấn, giãi bày tấm lòng xa cách bấy lâu. Vì quân lính theo hầu mỏi mệt, tôi phải mượn vài ba người lính ở đây theo về.

Ngày mùng hai tháng mười một, tôi về đến nhà cùng vợ con kể lể mọi việc. Ngày hôm sau tôi cho binh lính theo hầu tùy tiện, kẻ trở về nhà, kẻ lại kinh. Tôi sắm sinh lễ cúng tổ tiên. Hương lý thân bằng đều đến hỏi thăm và có lễ mừng. Nỗi xa cách nhớ nhung cũng là thường tình, chẳng phài dài lời.

Vài ba ngày sau nữa, quan Chính Đường bị hại[252], toàn gia bị giết. Tôi nghe vậy than rằng: “Giầu sang khác chi mây nổi, ca nhạc lâu đài một sớm thánh hoang phế vậy”. Tôi lại mừng thầm: “Ta ẩn tung tích nơi lâm tuyền, chẳng phải lo nghĩ gì đến lẽ cùng thông[253], một sớm bị triệu, chống gậy về kinh, một năm trời trôi qua đã phải trăm thỉnh nghìn cầu mới được ra khỏi. Ví phỏng ý nguyện lúc đầu là chẳng muốn được một quan chức gì mà ngay nay danh chửa thành, thân đã bị nhục, thì dẫu có hối hận cũng là muộn mà thôi”. May còn giữ được lời thề với non xưa. Tuy ở chốn danh lợi mà chẳng để danh lợi mê hoặc, bẽ bàng mà đến, nghênh ngang mà đi; lại gặp non xưa, tựa vào đá, ngủ trước hoa, mơ màng trong mộng; nghe có lời nói văng vẳng bỗng sực tỉnh, thầm nghĩ: “Ta chẳng bị người chê cười, chẳng qua lòng không tham mà thôi”.

Sau này nhân lúc cung đàn chén rượu được nhàn hạ, tôi mới cầm bút đem đầu đuôi câu chuyện ghi lại để về mai sau, con cháu xử thế nên tùy duyên, thủ phận, biết tự mãn, biết tự ngừng, tránh sự tham lam làm vinh, noi cái gương sáng này vậy.

Hoàng triều Cảnh Hưng năm thứ bốn mươi tư (1783)

Cuối mùa đông Quý Mão ghi chép

———–

[242] Trường Tín: không rõ bến sông nào.

 

[243] Cửu bệ: chín bậc thềm. Ý nói bậc cao, chỗ vua ngồi, cũng chỉ nhà vua.

[244] Long lâu: cái lầu trên cửa ra vào, có gắn con rồng bằng đồng.

[245] Nguyễn Xá: một xã thuộc phủ Ưng Hóa, tỉnh Hà Đông bây giờ.

[246] Sinh lễ: đồ cúng tế có con vật sống.

[247] Tiên Hưng: tên một phủ nay thuộc tỉnh Thái Bình.

[248] Hương Sơn: tên núi thờ Phật, thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông.

[249] Giải Oan: tên chùa ở lưng chừng núi, cách chùa Tiêu San độ hai cây số; nơi đây có giếng nước, múc nước mà uống thì oan khổ sẽ được rũ sạch, vì thế mới có tên chùa. Từ đây qua núi Trấn Song là đến chùa Hương Tích.

[250] Tiên San: tên động, nơi đây có chùa nên cũng gọi chùa Tiên San. Đường đi Hương Sơn phải đi qua chùa Tiên San.

[251] Châu Cầu: tên một làng thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, quê của danh sĩ Bùi Ân Niên, tức Bùi Dị.

[252] Quân Tam phủ nổi loạn (loạn Kiêu Binh). Năm 1674, quân Tam phủ giết Tham Tụng Nguyễn Quốc Trinh và phá nhà Phạm Công Trứ; năm 1741, chúng lại phá nhà và toan giết Tham Tụng Nguyễn Qui Cảnh. Sau khi chúa Trịnh Sâm mất được ít lâu, chúng nổi lên, giết quận Huy tức quan Chính Đường, phò Trịnh Khải lên làm chúa tức là Đoan Nam Vương. Năm sau, Nguyễn Điều đem quân tứ trấn về dẹp tan. Cái chết của quan Chính Đường đã được tả trong sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí.

[253] Cùng thông: lúc khốn quẩn và lúc hanh thông.

 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài