Trương Hiền Lượng
Ngủ đến giữa trưa, tôi bị một ông tổ trưởng gọi dậy. Đó chính là cái ông mặt mày ủ dột dẫn chúng tôi đi làm buổi đầu tiên. Ông nói vắn tắt là đội trưởng Tạ sai ông đánh xe đưa tôi lên nông trường bộ, đem theo đồ đạc, có lẽ ngày Tết trên ấy nhiều việc nên gọi tôi lên làm.
Tôi vội vã bò dậy. Đồ đạc thì có gì là chuẩn bị! Cuộn một cuộn là xong. Tôi đến nhà Hoa lấy đôi giày cô khâu cho tôi. Tôi đẩy cửa, Hoa vẫn đang ngủ say. Không sao, khì về hãy lấy. Gọi lên nông trưởng bộ, ngoài tôi ra, còn có năm người nữa. Người lái xe là một thanh niên. Anh ta nhìn lần lượt từng người, rồi quay về phía tôi hỏi:
– Này, ai là “phái hữu” dạy ở trường cán bộ tỉnh?
Tôi bước lên một bước hỏi:
– Tôi, nhưng đó là chuyện xưa.
– Tôi biết – anh thanh niên cười có ẩn ý, hất đầu – Anh ngồi lên buồng lái. Còn lại thì lên hết rơ móoc, nghe rõ chưa?
Năm người kia vội vã leo lên rơ móoc, dùng chổi quét tuyết dầy đến nửa mét trên thùng. Tôi trèo lên cabin bằng tôn, nhét bọc hành lý sau lưng. Anh thanh niên chờ mọi người thu xếp xong chỗ ngồi, kiểm tra lại móc kéo, rồi phát động máy bằng một sợi dây da dính đầy dầu mỡ, trèo lên cabin lái đi.
Chiếc máy kéo rẽ vào con đường xuyên qua bản theo hướng tây. Đây đó một màu tuyết trắng. Hai bên đường cành cây rủ xuống trong suốt như thuỷ tinh. Ánh nắng xuyên qua lớp mây dầy, rải những đốm vàng trên cánh đồng tuyết phủ. Những con quạ và ác là đi tìm mồi, vừa bay vừa kêu. Đường rất khó đi, bánh xe luôn bị trượt. Anh thanh niên lái rất cẩn thận. Anh trạc tuổi tôi, đã nhìn thấy vệt đen mờ của ria mép, sống mũi hơi thấp, nhưng đôi mắt lại rất sáng.
Đến đoạn đường bằng phẳng, anh hơi ngả người ra sau, liếc nhìn tôi nói:
– Bố tôi biết anh. Ông cụ từng học ở trường cán bộ, anh có dạy ông cụ.
– Vâng – tôi ậm ừ, cũng không hỏi bố anh là ai. Lúc này hỏi những điều ấy có nghĩa gì? Chuyện đã qua là đã qua. Nhưng hôm nay, chiếc máy kéo chở tôi từ cánh đồng tuyết trắng nhằm hướng chân núi ẩn hiện sau mây mù đầy bí hiểm, số phận sẽ ra sao đây?
– Anh biết ta đến nơi nào không? – anh thanh niên xoay vô lăng hỏi tôi.
– Không biết – Tôi trả lời – Tôi đang định hỏi anh câu ấy.
– Chà! – anh thanh niên thở dài, giọng thông cảm – Nông trường sai tôi chở các anh đến cái đội dưới chân núi. Có lẽ anh đã nghe nói, đó là nơi chuyên trừng phạt…Nông trường cho mấy người các anh là ương bướng, phá phách. Chuyện của anh vốn không có gì. nhưng sáng nay, đội của anh có một lão gầy nhom đến cắt hộ khẩu về thị xã. Chắc anh biết vì lão ở cùng phòng với anh. Lão nói với cán bộ tổ chức là đêm qua đội anh có người bỏ đi, người ấy có quan hệ rất tốt với anh. Hàng ngày anh vẫn đến nhà anh ta. Trước khi bỏ trốn ,anh ta còn đến tìm anh. Lão đoán chắc là hai người có âm mưu gì đó. Cán bộ tổ chức soát lại lý lịch, thấy anh xuất thân không tốt, chưa bỏ được cái mũ “phái hữu”. vậy là mấy ông cán bộ bàn nhau thêm tên anh vào. Chính mắt tôi trông thấy. Ông đội trưởng rậm râu ccanh đến phòng nhân sự làm ầm lên, đòi bảo lãnh cho anh, nói rằng anh là người tốt. Ông bị họ cạo cho một trận, phê bình ông thiếu cảnh giác, đã để chạy mất một lao động giỏi, lại còn bao che cho một tên “Phái hữu” nổi tiếng đã từng bị phê phán trên báo chí. Họ còn bắt ông ta về viết kiểm điểm. Cái nông trường này cứ đến ngày Tết ngày lễ là y như rằng lại chỉnh đốn một trận, làm như kẻ xấu như nhằm vào những ngày đấy phá hoại! Đúng không nào? trước tết Nguyên Đán tôi đưa đi bốn người, hôm nay lại đến lượt sáu người các anh…Đên nơi, anh nên cẩn thận, chúng sẽ lột da anh đến ba lần…
Thật kỳ lạ, tôi không bị bất ngờ trước những điều anh nói. Tôi không ngạc nhiên, cũng không sợ hãi. Thậm chí tôi còn cho rằng tôi và Hoa vẫn cùng ở một nông trường, không bao lâu sẽ gặp lại nhau. Tôi chỉ ức một nỗi, tay “Chủ nhiệm kinh doanh” đến lúc ra đi vẫn không buông tha tôi. Con người thật là cao đẹp, nhưng cũng có người xấu xa ghê tởm. nếu không thế , con người sẽ không sáng tạo ra ma quỷ cùng thánh thần! Cơn giận đã át nỗi nhớ Mã Anh Hoa và kích động sự chống đối của tôi. Tôi lặng nhìn phía trước mặt: trên đồng tuyết mênh mông, một tia nắng đã xuyên thủng tầng mây, phóng thẳng xuống chân núi như một lưỡi kiếm sáng loáng. Cái cảnh ấy tôi rất quen thuộc, hình như đã gặp trong giấc mơ. Giờ đây tôi đã khoẻ, tôi hiểu được sách của Marx. Tôi tin rằng bất kỳ ở đâu tôi cũng có một sức mạnh mới để chống lại số phận khắc nghiệt.
Chiếc máy kéo lắc lư. Anh thanh niên để hết tâm trí vào tay lái. Tôi chợt nhơ; là quên bảo với Hoa về cái bàn trà và tải đậu của Hỉ để lại. Cái bàn chưa hẳn sẽ bị lấy đi. Còn tải đậu thì chỉ mình tôi mới biết. nó sẽ nảy mầm khi trời trở ấm và tuyết đã tan.
Đúng như lời anh thanh niên nói. Ở cái đội dưới chân núi này, tôi bị tước hết quyền đi lại và gặp gỡ người không phải là ruột thịt. Hai tháng sau, một anh ốm nằm nhà khẽ ms với tôi là có một “cô nàng thật xinh” ôm một cái gói nhỏ đến thăm tôi, bị cán bộ căn vặn hồi lâu, rồi bắt phải quay về cái gói nhỏ cũng không cho phép gửi lại. Hôm ấy tôi vác mười tiếng đồng hồ đá hộc kè cửa mương, mệt đến đứt hơi. Tôi thương cô đi bấy nhiêu đường đất! nhưng tôi chưa kịp nhớ cô thì đã thiếp đi. Ít lâu sau, trong phong trào “Hàng năm hàng tháng hàng ngày không được quên đấu tranh giai cấp”, tôi bị quản thúc ba năm về tội “Viết nhật ký phản động”. Trong phong trào “Giáo dục xã hội chủ nghĩa” tôi bị đưa đi lao động vì tội “phái hữu lật lại án”. Hết hạn lao động trở về nông trường thì gặp “đại cách mạng văn hoá”, tôi bị thăng cấp thành “Phần tử xét lại phản cách mạng” bị quần chúng đấu tố. Năm 70, tôi bị giam tại nhà giam riêng của nông trường. Nhà giam này không do Công an quản lý, không có chế độ nội quy của một nhà tù hiện đại, nó là bản sao của nhà trừng giới của tôn giáo La Mã.
Hồi năm 68, khi tôi mãn hạn giáo dục lao động trở lại nông trường mới biết trong thời gian tôi bị quản chế trước đó, Hoa vẫn không lấy ai. Sau khi tôi bị đưa đi giáo dục lao động, cô đem bé Xá về ở với anh cô ở huyện, không bao lâu ,cô và cả nhà anh trai cô trở về Thanh Hải, nghe nói anh cô cũng phạm sai lầm gì đấy.
Năm 71, tôi bị giam ở nhà tù riêng của nông trường, ngay đến Tuyển tập Mao Trạch Đông cũng không cho “phạm nhân” xem, nói rằng nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là cải tạo bằng lao động, đọc Tuyển tập Mao Trạch Đông sẽ học được sách lược đấu tranh với lãnh đạo nông trường! một hôm, tôi đến đắp lò ở phòng giáo vụ của trường dành cho con em trong nông trường, các giáo viên đều lên lớp, tôi hối hả lùng sục sách để đọc. Nhưng trên bàn toàn là vở tập của học sinh, chỉ mỗi quyển Từ Hải để trên giá. Tôi giở mục Hoa Mã Anh thấy giải thích như sau:
Một loại thực vật tên khoa học là ALBIZ JULIBRISSIN, còn có tên là “Hợp Hoan”. Họ đậu, lá rụng theo mùa. Lá kép hình lông vũ, về đêm lá khép lại từng đôi. Mùa hè ra hoa. Hoa bông tròn, cánh hoa nhiều lớp, màu hồng, nhiều nhị đực. Quả cứng hình đũa, hơii dẹt, không tách vỏ. Mọc chủ yếu ở miền Trung Trung Quốc. Ưa ánh sáng, chịu hạn, chịu đất cằn. Gỗ màu đỏ nâu, vân thẳng, thớ mịn, dễ nứt nẻ, có thể đóng đồ đạc. Vỏ có thể lấy nhựa. Vỏ không dùng làm thuốc, tính bình, vị ngọt. Công dụng: an thần, giải muộn, chữa chứng uất, mất ngủ, chấn thương do bị ngã hoặc bị đánh đập, viêm phổi..Hoa gọi là hoa Hợp hoan, công dụng như vỏ. Còn có tên là cây Lục hóa.
Ôi, những câu chữ trong giải thích đều đúng như con người của cô “Ưa ánh sáng, chịu được hạn, chịu được đất cằn”. Chẳng phải tính cách của Hoa là như vậy sao?
Nhưng đêm ấy tôi mất ngủ. Công dụng làm thuốc của cô không có hiệu quả. Cây lục hoá, cây xanh! Trước mắt tôi là những câyxanh kết thành một đại dương mênh mông xanh thẳm…
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài