Trương Hiền Lượng

Mấy hôm nay trời đẹp. Cao nguyên hoàng thổ mênh mông màu vàng chanh. Thôn xóm rất ít cây cối, vài cây bạch dương đã trụi lá nhô lên bầu trời như khảm bạc. mặt trời ngả về tây. Hôm qua, vào giờ này anh chàng Hỉ đang hát. Giờ đây, khi bụng đã no, nhớ lại lời buồn thảm và phóng khoáng ấy khiến tôi liên tưởng đến vài đoạn trong bài thơ Hãy tỉnh lại, bác tiều ơi của Pabolo Neruda. Tôi thường có sự liên tưởng hơi kỳ quặc, tuy không đâu vào đâu, nhưng nó có liên hệ nội tại mơ hồ, gần như thần bí. Đương nhiên là khi bụng đã no, đủ loại liên tưởng mới nảy sinh trong đầu. Lúc này tôi cảm thấy giai điệu mang đậm màu sắc địa phương trong bài hát của anh Hỉ đã truyền cho tôi cái tinh thần hăm hở của những người khai hoang Bắc Mỹ mà Neruda ca ngợi. Lời ca ấy, những con chim ưng ấy, đồng ruộng thê lương hút tầm mắt ấy, những dãy núi nôi tiếp nhau liên miên bất tận chính là làn điệu của bài dân ca…Tất cả sống dậy trong tôi. Trong khoảnh khắc, tôi thấy mình đã trở nên đẹp đẽ và tràn trề sức sống.

Thế là, với một tâm trạng vui vẻ, tôi đi về phía chuồng ngựa. Tôi thích ngựa vì ngựa làm tôi liên tưởng đến sự tích anh hùng “Khai khẩn đất đai”.

Nhưng đứng trước cửa chuồng ngựa lại có một số công nhân nông nghiệp đang đảo phân, trong đó có các tổ viên của tôi. “Chủ nhiệm kinh doanh”, trung uý, kế toán và cán bộ biên tập toà soạn báo.

– Việc ở nhà xong rồi à? – Đội trưởng Tạ tay cầm xẻng, đứng trên đống phân, nhận ra tôi ngay. Ban ngày trông bác ta bé nhỏ hơn nhiều.

– Xong rồi ạ.

– Chú đến đây làm gì?

– Tôi… – tôi không muốn nói là đến xem ngựa. Ngựa thì có gì đáng xem? Bao nhiêu ý nghĩa khác nhau vọt ra khỏi đầu óc tôi. Cuối cùng chỉ còn lại một nhận thức, tôi là một công nhân nông nghiệp. Tôi đành nói – Tôi đến để làm việc.

– Tốt – đội trưởng Tạ vui vẻ cười – Chú bẩy phân cho đám phụ nữ này đập tơi ra.

Bác chỉ chỗ cho tôi. Té ra ở đây có cả phụ nữ.

Xưa nay tôi chưa bao giờ cùng làm với phụ nữ. Bốn năm lao động cải tạo tại nông trường lao cải, hầu như tôi không trông thấy đàn bà. Tôi cúi đầu rụt rè bước vào giữa đám phụ nữ, chưa biết nên làm như thế nào.

– Anh cầm lấy xẻng. Bẩy ra tảng nào, chúng tôi đập tảng ấy – một phụ nữ bảo tôi – Cũng đừng quá sức, trông anh gầy như que củi, không bẩy được tảng lớn thì bẩy tảng nhỏ.

Âm sắc mềm mại, những thổ âm vốn rất cứng được nói bằng một giọng uyển chuyển, đặc biệt là bằng một sự cảm thông qua ngữ điệu khiến tôi rất cảm động, đã lâu rồi tôi chưa bao giờ được nghe “đừng quá sức”, mà bên tai tôi rặt những “mau, mau lên, chậm như rùa ấy”. Nhưng tôi không dám nhìn thẳng vào cô. Không hiểu sao tôi đỏ mặt, vui vẻ nhủ thầm là tôi sẽ đập tơi cả phần của cô.

Tôi quan sát đống phân. Không có xẻng. Tôi quên bẵng chuyện vì sao tôi đến đây, gọi đội trưởng Tạ:

– Bác đội trưởng, không có xẻng bác ạ.

– Vậy chú đến đây làm gì? – câu khiển trách bất ngờ đối với tôi – Đi ăn cỗ phải đem theo đôi đũa nữa là…

Mấy chị đứng gần cười rúc rích không chút ác ý. Tôi đỏ lừ mặt, vừa thẹn vừa giận bác Tạ. Bác đúng là con người nhỏ mọn, vui giận thất thường.

Đang lúc chưa biết xoay sở ra sao thì cô gái lúc nãy đã dúi vào tay tôi chiếc chìa khoá.

– Này, anh về nhà tôi mà lấy. Ở sau cửa có một cái xẻng rất vừa tay.

Tôi lúng túng đón lấy chiếc chìa khóa, lúng búng trong miệng câu gì đó tôi cũng chẳng rõ. Cô lại bảo:

– Cửa thứ nhất dãy 1 khu Tây ấy. Gian đầu tiên ngay chỗ rẽ là đến.

– Cái buồng có treo biển “Quán ăn Mỹ” ấy – một chị cười khúc khích nói thêm.

– Cái nhà chị này, cửa nhà chị treo biển thì có – Cô không giận, còn mắng yêu chị kia.

Tôi chạy đi. Hai người phụ nữ vẫn chửi đùa nhau, cười rúc rích. Chiếc chìa khoá tự làm bằng đồng đỏ nhẵn bóng còn ấm hơi người. Có lẽ cô để nó ở túi trong. Tôi ngắm nghía vuốt ve , làm như nó là bàn tay cô.

Gian nhà cô ở giống như của người khác, ở cửa không hề có tấm biển “Quán ăn Mỹ”. Bên cửa có một đống củi đã ngả màu đen, một sợi dây phơi quần áo. Tôi mở cửa. Gian nhà nhỏ hơn của chúng tôi, chiếc bếp – giường chiếm hết một nửa. Nền đất sạch như chùi. Tôi chưa bao giờ được thấy nền đất mà bằng phẳng y hệt nền láng bằng xi măng vậy. Không có đô đạc bằng gỗ. Bàn ghế đều bằng đất sét. Sát tường, trên chiếc bàn đất sét đặt một cái giá hai tầng như cái rương. Tầng trên che một rèm vải hoa cũ. Tất cả đồ đạc bằng đất đều có góc cạnh, mặt nhẵn bóng. Mặt bàn bầy sóng đôi những vỏ chai, vỏ đồ hộp thay cho trang trí. Bếp giường trải tấm thảm cũ, chiếc bông đã vá, vài chiếc quần áo, có cả quần áo trẻ em, xêp ngay ngắn. Mép giường trang trí đủ màu sắc. Tôi lướt qua một lượt, toàn bộ ảnh của một số tạp chí Điện ảnh đại chúng và tranh cô gái Anna. Đuôi bếp – giường là lò, trên lò có một chảo gang đậy nắp bằng gỗ.

Lần đầu tiên tôi được vào nhà một người lạ. Tôi cảm thấy ấm lòng vì được người ta tin cậy. Nhưng bản năng trong tôi cũng thức dậy, tôi rất muốn giở nắp chảo, vén rèm tìm cái ăn. Những chỗ cất thức ăn đối với tôi đều có sức hấp dẫn khó cưỡng lại.

Quân trộm cắp!

Tôi vội vã cầm lấy cái xẻng dựng sau cánh cửa, trở lại nơi xúc phân.

– Khoá cửa lại chưa? – cô ta hỏi.

Tôi cúi đầu trao trả chiếc chìa khoá.

– Khoá rồi.

Tôi vung xẻng bẩy phân. Một phụ nữ hát lên khe khẽ:

Ba lần anh lượn trước nhà

Mà sao không thấy nàng ra mời vào!

– Đồ mẹ ranh, tớ thì… – Cô quay lai. Mắng chị kia một câu rất tục và hình ảnh đến nỗi đám phụ nữ cười ầm lên. Tôi ngạc nhiên, không hiểu chị kia đã xúc phạm cô ra sao, nên ngửng đầu lên nhìn. Cô đang mắng chị kia, lưng quay về phía tôi. Tôi chỉ nhìn thấy hai bím tóc đen nhánh kẹp lại làm một, buông thả sau lưng áo hoa. Lưng áo và chỗ khuỷu tya đều vá bằng những mụn vải hoa sẫm màu.

phân và nước đái ngựa trộn với đất bột, gọi là phân chuồng, rắn lại như đá trong mùa đông. Chúng tôi phải bẩy ra từng tảng, đập vụn, trộn đều, dùng xe ngựa chở ra đồng đổ từng đống thành hàng ngang dọc rồi phủ lên một lớp đầy bột, đợi sang xuân mới rải ra ruộng.

tôi đã ăn nhiều bánh tráng, lại muốn làm giúp chị ta nhiều một chút nên rất hăng. Lát sau đã bẩy được một đống to tướng.

– Từ từ thôi, anh ngô..ốc ơi! – Cô không nói “ngốc” mà nói “ngô..ốc”, giọng dài ra, véo von như hát. Tôi đã thấy thân thân, nên chỉ mỉm cười. Tôi lại liếc nhìn cô, nhưng vì cô đang cắm cúi đập phấn, nên không nhìn rõ mặt.

– Nhào bột với nước rồi đem nấu cháo, càng ninh càng đặc.

– Củ cải thái chỉ, hay tuyệt…

– Củ cải vàng không bằng củ cải đường. Củ cải đường ngọt lịm.

– Củ cải đường có vị đắng, phải luộc qua…

Đám phụ nữ cười cợt mắng mỏ nhau, rồi chuyển sang bàn về kỹ thuật nấu nướng. Cô quay lại, tuyên bố dứt khoát:

– Thà rằng ăn một miếng đào tươi, còn hơn ăn nửa sọt lê thối. Thích ăn thì thổi thành cơm mà ăn.

– Hi hi! Ai mà bì được với chị. Chị mở “Quán ăn Mỹ” cơ mà!

– Đừng có bẻm mép! – cô đứng lên – Các chị là không có tài! Bột quả cỏ cũng có thể đem thổi như cơm, tin không?

– Tin, tin! Chị làm một bữa cho bọn tôi nếm thử…

– Nếm! Chỉ sợ nếm rồi quên cả về nhà mình, thì ngủ ở giường nhà người khác. – Cô lại cười khúc khích. Cô rất hay cười. Đám phụ nữ lại trêu chọc nhau.

Anh chàng Hỉ nghênh ngang dong xe trở về. Vrừ..Vrừ…Anh ta vung roi đánh dứ trên đầu con ngựa còm, rồi ưỡn ngực ngồi thẳng trên càng xe.

– Sao bây giờ đã nghỉ rồi? – Đội trưởng Tạ ngừng xúc phân, hỏi bằng một giọng lạnh nhạt. Đội trưởng cũng làm lụng như những người công nhân, tôi để ý thấy bác làm còn nhiều hơn.

Cũng như tôi khi nãy, anh chàng Hỉ không ngờ có đội trưởng o đây. Anh ta vội nhảy xuống.

– Họ! – rồi dừng xe lại.

– Ngựa mệt rồi, đội trưởng ạ!

– Ngựa mệt hay là anh không muốn làm, hả? – đội trưởng nheo mắt, hỏi lại bằng một giọng mỉa mai. Trong con mắt tôi, người đội trưởng gầy guộc, phút chốc lớn vụt lên, anh chàng Hỉ thì như bé lại. Tôi thấy ái ngại cho anh ta. Anh ta khúm núm, khác hẳn ngày hôm qua.

– Anh muốn tôi tính sổ với anh phải không? – tôi thấy trong câu nói của đội trưởng có ẩn ý. Anh chàng Hỉ lại càng tỏ ra lúng túng, đi cũng dở, ở lại cũng dở. Con ngựa gầy sau lưng anh ta dùng cặp môi mềm lượm cỏ dưới đất.

Đột nhiên đội trưởng Tạ quát to:

– Tháo ngựa ra, cầm lấy xẻng. Đồ con lừa nhà anh, đêm nay không đập tơi hai khối phân thì, đ. Mẹ anh…

Đội trưởng Tạ quát tháo rất có nghề. Bác chửi bới giận dữ, còn người nghe thì thấy đó là tiếng cười. Anh chàng Hỉ che miệng cười thầm. Tôi lại hoá may. Đội trưởng Tạ vốn hay chửi bới tục tĩu, vừa rồi bác đối với tôi còn lịch sự chán.

Nhân lúc đội trưởng quát tháo, anh Hỉ cho xe vào nhà xe. Lát sau anh ta cầm cuốc chim đi ra.

– Cuốc chỗ nào đây, đội trưởng?

Anh ta không tỏ ra lấy lòng, mà trở lại tư thế mạnh bạo của một con người làm gì cũng được.

– Chỗ này! – đội trưởng Tạ chỉ chỗ trước mặt giọng mệt mỏi – Có một tảng to, rắn lắm. Tôi hì hục cả buổi chưa bẩy được.

– Phì phì! – anh Hỉ nhổ bọt vào lòng bàn tay – Bác lùi ra, để tôi! – nói rồi anh vung cuốc lên, “hự”, một tiếng , bổ mạnh xuống.

Trong khoảnh khắc, họ đã trở thành đôi bạn, kẻ cuốc người đập rất ăn ý.

Hừ, đúng là đồ bỏ đi! Tôi nghe rõ cô khẽ chửi, không rõ chửi ai.

Tôi vẫn làm công việc của tôi. Những tảng phân lăn ra cô đập không kịp, tôi trở đầu cuốc đập giúp để cô dùng xẻng gạt ra. Khi thu dọn đã xong, tôi quay đi tiếp tục cuốc, và cũng là lúc cô rảnh tay. Cô chống cằm lên cán xẻng, hát khe khẽ:

Xin anh đừng cười

Em hát về hoa.

Cái buồn em đã đuổi xa

Ơ!…Khi em buồn em lên tiếng hát

Anh tưởng rằng em hát vì vui…

Về lý luận, tôi biết cô cũng như anh chàng Hỉ hôm qua đều hát điệu Hoa súng, loại dân ca giọng cao của các vùng ven sông Hoàng Niết thuộc các tỉnh Cam Túc, Thanh Hải, Ninh Hạ. Có điều, trước kia tôi chưa bao giờ được nghe. Bài cô hát hôm nay có chỗ khác với anh Hỉ hát hôm qua, cung bậc khoảng cách không lớn, âm cuối chuyển từ rê lên la. Tiếng địa phương Tây Bắc, sốt ruột có nghĩa là buồn, kêu có nghĩa là hát. Ở đây không có đồng ruộng, bốn phía đều là những đống phân, còn giọng của cô thì chưa qua luyện tập chính quy, nên còn mang dáng dấp thôn dã. Vậy mà tiếng hát của cô đã đưa tôi tới những triền núi xanh, và làm cho lòng tôi rộng mở. có điều, tôi cảm thấy hơi buồn, vì lời không bộc lộ ham muốn một cái gì, nhưng làn điệu thì rung lên bởi nỗi ước mong, vậy mà thái độ thì lại hờ hững, biểu hiện một tình cảm thê thảm đến rợn người. Đúng là hờ hững. Nỗi buồn của tôi còn ở chỗ con người sáng tạo ra cái đẹp đến như vậy cho tôi hưởng thụ, mà bản thân họ thì lại không hề biết rằng họ sáng tạo cái đẹp. Thí dụ anh Hỉ đây đã gây cho tôi một ấn tượng không đẹp. Còn cô thì đang cúi đầu suy nghĩ, tâm trí để tận đâu đâu, không một nét tự hào.

Cả buổi chiều, chúng tôi đảo được khá nhiều phân, một đống lớn. Đội trưởng Tạ dạo quanh một lượt để kiểm tra thành tích. Bác đặc biệt hài lòng đám phụ nữ và tôi, tuyên bố:

– Nghỉ thôi!

Mọi người lẻ tẻ ra về, ai về nhà người ấy. Vì lịch sự tôi nói:

– Cảm ơn cô. Tôi cầm hộ cô cái xẻng nhé.

Cô đang cạo lưỡi xẻng, ngoảnh lại nhìn tôi ngạc nhiên, hình như không quen với những lời lẽ xã giao ấy. Và lập tức, cô vội giằng lấy cái xẻng trên vai tôi, nói bằng một giọng kiên quyết nhưng thô bạo.

– Anh đem nó lại thì kệ anh, gầy như con cá mắm ấy, mặt tái xanh tái xám đi rồi!…

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version