Tiễn bạn
Một ngày kia, Hàm Xuyên Hầu đến chỗ tôi ngụ. Trong lúc cùng nhau trò chuyện, sắc mặt ông ta đổi khác, hai ba lần miệng muốn nói lại thôi. Tôi hoảng sợ nói rằng: “Quân hầu ngày ngày cùng tôi có thân mật, tình nghĩa trọn vẹn, có việc gì đều cho nhau biết, không giấu giếm gì. Hôm nay, Quân hầu ra chiều bối rối ngại ngùng, hoặc giả tôi có điều chi lỗi đạo mà chẳng nỡ nói ra chăng?”. Quân hầu đáp: “Đâu có lẽ ấy! Tôi may được giao du cùng lão sư, thường giữ lễ đệ tử, đạo nghĩa không sứt mẻ. Chỉ vì nhà này là biệt thất của anh tôi, nhân có việc về quê anh tôi bỏ không cái dinh này, tôi mới mời lão sư ở tạm tại đó, cũng là tiện đường vào chầu. Nay lão sư vạn phần không chắc được hồi hương, bất nhật ắt đưọc ban cấp binh dân, chừng ấy sẽ xin đất lập dinh cho tiện. Trong hơn một tháng nay,tôi còn được ở nhà; mặt trước cạnh hồ có một miếng đất bỏ không có thể ở đuợc. Thường tôi muốn xây một cái nhà riêng, mời lão sư đến yên nghỉ; bấy giờ mới tìm anh tôi trở về nhà cũ. Chẳng ngờ tôi vâng mệnh làm giáo khảo cuộc thi bắn giữa các quân binh, công việc của tôi bề bộn, không lúc rảnh rang, cho nên chưa làm xong nhà. Hiện nay nhà ngoài chỗ tôi ở cũng khá rộng rãi, vậy xin lão sư đợi vài ba ngày nữa cái nhà bên hồ làm xong thì dọn đến ở. Bằng không, sang dinh quan An Quảng cũng được nhàn tĩnh. Chẳng biết ý tôn sư như thế nào? “-Tôi nghe vậy thì cười mà đáp: “Đại trượng phu cùng nhau gặp gỡ, sao lại câu nệ như thế. Việc này tôi sẽ lo xong, xin đừng bận tâm làm gì”. Ông ấy nghe nói vậy, dường như có vẻ vui mừng. Tôi thầm nghĩ: “Nhà ngoài của viên quan này, binh lính lai vãng tụ tập, không thể ở được. Còn dinh quan An Quảng, trong ngoài là nhà cửa cả đấy; nhưng dinh ấy bốn bề không tường vách, nơi ấy lại lắm trộm cướp, hẳn chẳng ở yên ổn. Mình mới được biết quan Hậu Trạch ở cạnh hồ, có vài ba ngôi nhà tiếp giáp với nhau, đất cao nưóc sạch, nên báo ngay cho ông ta chỉnh đốn riêng một sở, rồi dời ngụ đi mới được hẳn hoi”. – Tôi biên thư cho Hàm Xuyên Hầu để cáo biệt; nghe đâu “hầu” thấy vậy thì trong lòng áy náy, phúc đáp thư tôi, kèm thêm một bài thơ gởi đến. Thư viết như sau: “Đã từ lâu nghe đại danh như sét đánh bên tôi, cứ hận không được biết họ Hàn[136]. Tiên sinh ruổi xe vào cửa khuyết; tôi được trộm nghe lời giáo hối, tự biết là hân hạnh rất nhiều.Thường sớm tối muốn được thừa tiếp xuân phong[137], không phụ cuộc giải cấu vong niên[138] này. Ngày trưóc tôi có dành riêng cái nhà tranh ở đây làm nơi “phượng” đậu, được tiên sinh chẳng bỏ qua mà dành trọn cáo ơn thắm thiết ấy. Hiện tại anh tôi trở lại kinh, tôi chẳng biết nói làm sao. Tiên sinh muốn lo dời gót, bản tâm tôi đâu có muốn thế mà lòng còn canh cánh chẳng nỡ xa nhau. Nếu ờ dinh quan An Quảng rộng rãi trống trải không tiện thì nên dời đến tệ xá sảnh ngoài, cũng yên sở, chẳng cần phải đi xa xôi, qua bên kia cái hồ sen làm gì, khiến tôi bâng khuâng như bị mất mát gì đây. Đó là tình thật, tiên sinh nên nghĩ lại một chút. Có hai điều, xin chọn lấy một là nên tạm trú, sớm muộn tôi sẽ xây riêng biệt một ngôi nhà, tuần nhật sẽ làm xong, tiên sinh sẽ nằm thảnh thơi bên cửa sổ vậy. Nói chẳng hết lời, nên phải có thơ, ngõ hầu tả rõ cái chân tình mà thôi”. Thơ rằng:
Thượng sơn[139] sắc hạ nhạn trung chân
Đức thiệu niên tôn đạo bất bần
Cốt lận chân ngôn vô ẩn nhĩ
Định tri thạch thượng hữu tiền thân
Mã ngưu tương cập giai Hồng quận
Phì tích nan năng liệu biệt nhân
Kim nhật thử tình vô hạn hận
Nhất tràng tâm sự phó thiên quân
Thương sơn kiệm bạc[140] giả mà chân
Đức lớn niên cao đạo chẳng bần
Lời trọng như vàng không ẩn ý
Duyên ghi trên đá nối tiền thân
Ngựa trâu thành bạn nguyên đồng quận[141]
Gầy béo điều thang[142] khó kén nhân
Đeo hận ngày nay tình xiết kể
Nỗi lòng cam để gửi thiên quân
Tôi coi rồi lấy làm cảm động, dường khó mà cáo biệt được.. Đây là việc bất đác dĩ, chắc lòng ông ấy chẳng muốn thế. Tôi phúc thư nói rằng: “Lãn tôi bị vời về kinh, nửa gánh hành trang, ở nhờ bên đông, tạm trú bên tây, may được tôn hầu thành tâm đối đãi. Đã hơn mười tuần nay tránh gió che mưa, Lãn tôi tưởng thế nào cũng có ngày việc sẽ gỡ ra xong, gươm đàn trở về núi; có nghĩ đâu vẫn bị ràng buộc ở đây thế này. Thế rồi tuy trong gang tấc mà lại cách biệt, khiến lòng tôn hầu băn khoăn biểu lộ ở lời thơ. Lãn tôi lòng càng xúc động, có bài thơ luật Đường kính đáp như sau:
Thâm tình cao nghị xuất thiên chân
Hàm kết vô do chí dũ bần
Mộ cổ thần chung suy lữ mộng
Đông kiều tây ngụ lụy nhàn thân
Thanh sơn cựu ước hà vô phận
Tử các tiền trình khổ cáo thân
Tứ hải tân bằng tuy mãn tọa
Tâm tri hoàn hữu kỷ như quân
Tình này bạn ấy ngẫm thiên chân
Uất ức vì đâu để chí bần
Trống sớm chuông chiều nông nỗi khách
Đông kiều[143] tây ngụ nước bèo thân
Non xanh cựu ước sao vô phận
Gác tía tiền trình để não nhân
Bốn bể bạn bè đầy dẫy đó
Mấy ai biết bụng được như quân
Khi ấy sát vách chỗ tôi ngụ là dinh quan Trạch Ưu Hữu. Viên quan này thường đau bệnh lạnh bụng. Tôi cho thuốc, bệnh đỡ được phân nửa. Bà vợ ông mắc cố tật đã hơn mười năm, cũng xin chữa trị; sau hai tháng dùng thuốc thì bà hết đau. Hai ông bà nghe tôi muốn tìm chỗ trọ mới, hỏi lại Hàm Xuyên Hầu cho biết rõ, rồi chẳng bảo cho biết truớc, đem ngay giường chiếu kê đặt chỉnh tề ở các nhà giữa, gồm ba gian, nhà này mái ngói vách vôi. Trước sân có cây lạ đá chồng, hoa nở thơm tho. Ngoài ba gian dùng làm nơi tiếp khách, có một gian dùng làm gian nhà bếp, quét dọn sạch sẽ, bốn bề chia ra trong ngoài, lại mở cửa trong cửa ngoài để tiện xuất nhập. Tất cả đều đuợc xắp xếp ổn thỏa xong xuôi, ông bà mới đến mời tôi lại ở. Tôi chẳng hiểu nguyên cớ gì, sợ có điều phiền nhiễu người, nên chỉ biết thâm tạ hậu tình, chẳng chịu dọn đến. Hai vợ chồng mời đi mời lại mãi, nói rằng: “Lão sư không xét lòng thành của chúng tôi, xin tạm sang coi qua một lượt”. Tôi đến nơi thì thấy trong ngoài phòng ốc đều được thiết lập chỉnh tề, nghĩ thầm rằng: “Vợ chồng người ta cư xủ như thế mà mình cự tuyệt được chăng?”. Tôi bằng lòng di ngụ tới. Hàm Xuyên Hầu nghe biết vậy mừng lắm, ông vội đến gặp tôi.
Nguyên quan Trạch Ưu[144] là tổ thúc Hàm Xuyên Hầu, tiên triều có ban cho một khu quan thổ. Vì thế họ hàng được ở chung hai dinh tiếp giáp nhau. Quan Trạch Ưu còn cho mở một cửa nhỏ để Hàm Xuyên Hầu qua lại cho tiện. Tôi cùng hai ông ăn ở với nhau, sớm đào tối mận, tình ngày càng thắm thiết. Quan Trạch Ưu cũng cấm ngặt người nhà không cho lui tới chỗ tôi ở, đủ biết ông kính đãi tôi thế nào.
Từ lúc tôi đến ở nơi này thì lòng ưa ý thích. Một đêm kia trăng chiếu vào hiên, nhận thấy trúc thưa gió lọt, tiết trời êm dịu, hình bóng u nhã, móc đọng trên hoa, hương bay nhè nhẹ. Thật là đẹp đẽ thú vị. Trà đồng pha trà, tôi ngồi tựa lan can uống một mình. Bỗng có ông Viên Hình là em rể tôi đến kể lể chút việc riêng. Tôi vui mừng xiết kể, cùng ông uống trà. Ông Viên Hình nói rằng: “Đêm đẹp thế này, trăng trong gió mát, thật không phụ ta, ta lại nỡ phụ sao?”. Tôi đáp rằng: “Ông nói phải lắm, ông nên cùng tôi làm một bài thơ, lấy đề tài Đêm trăng uống trà nói chuyện cũ mà dùng các vần canh, thanh, phanh, kinh”.
Tôi đọc trước rằng
Trà âu phù nguyệt sắc
Hàn ngọc tẩm băng thanh
Mộng giác nhân thiên lý
Ca tàn dạ nhị canh
Cam ngôn vô nghịch nhĩ
Khổ minh bất tu phanh
Tinh đẩu kinh thi cú
Ngâm dư dục ky kình
Chén trà lồng bóng nguyệt
Sắc trắng tựa băng thanh
Mộng tỉnh người thiên lý
Ca tàn lúc nhị canh
Lời đường tai thích thú
Trà cạn áo phong phanh[145]
Sao chuyển câu thần cảm
Ngâm xong muốn cưỡi kình
Ông Viên hình họa rằng
Trợ ngã ngâm hoài khoát
Đương song nguyệt sắc thanh
Hảo đàm thi vạn trục
Bất giác dạ tam canh
Lữ khách tâm như hỏa
Trà đồng thủ quyện phanh
Điêu thanh hà xứ cấp
Nghi thị viễn chung kình
Ngâm xướng giục lòng khách
Hộ song chiếu nguyệt thanh
Mải bàn thơ vạn cuốn
Bỗng đã đêm tam canh
Kẻ trọ lòng lửa đốt
Trà pha trẻ áo phanh
Điểm canh đâu gõ gấp
Ngờ đó tiếng chuông kình
Ngâm xong, hai người đều lần lượt đọc những bài cổ thi, cùng nhau bình duyệt, canh khuya mời đi nằm. Ngày hôm sau ông Viên Hình có việc phải cáo biệt. Giữa lúc ấy Nộn Liễu Giám sinh nhân dịp về Hoan Châu, đến từ biệt tôi. Tôi nói: “Tôi cùng ông đều là khách Trường Yên. Ông thì đi Nam đi Bắc, còn tôi như chim trong lồng, không tự do mà đi hay ở được. Kẻ ở người về đều buồn bã cả, biết làm sao được”.
Tôi mới ngâm một bài thơ ngắn để tặng ông, kèm theo lời giải như sau: “Đồng loại thì tìm đến nhau, đồng đạo thì tin cậy lẫn nhau. Một ngày chẳng nom thấy nhau thì dài ghê. Huống nay đường trở về Hoan xe đi vạn dặm, Lãn tôi há không tưởng nhớ sao? – Từ nay tôi ở nhà trọ, gió sớm trăng đêm buồn bã. Sau ba chén trà biết cùng ai nói chuyện thơ. Còn như ông trên đường đi, mỗi khi gặp danh thắng, muốn xướng muốn ngâm dễ quên tôi được chăng? – Tình khôn xiết kể, có thơ để dãi lòng”.
Phân huề hà mặc mặc
Nan ngữ vị tình đa
Liễu ngạn hàm kim sắc
Hương sơn chiếu ngọc nga
Tiều lâu kinh cổ giốc
Khách tứ động quan hà
Cộng ước đông tiền hậu
Tam thu thả nại hà
Chia tay cùng lẳng lặng
Khó nói bởi tình dài
Ngàn liễu màu vàng ánh
Non Hương bóng nguyệt soi
Lầu canh chuông mõ tối
Nỗi khách tiễn đưa ai
Cùng hẹn đông tiền hậu
Ba thu tưởng nhớ hoài
Ông Nộn Liễu đang khi ngồi tại đó, đòi lấy giấy bút để đáp lại. Có lời mở đầu rằng: “Cổ nhân nói một đêm chuyện trò còn hơn cả một bụng thơ. Hằng tôi được bái yết phong quang và ghi tác những lời đạo đức, nhất là thường được họa thơ thì lấy làm vui mừng lắm. Nay xin thuật lời quê mùa để phụng họa”.
Hương bồi vi nhật thiểu
Liễu tặng ký hoài đa
Trịnh trọng duy thanh đĩnh
Trù trừ vọng tố nga
Vãng lai giai lữ khách
Thù xướng chỉ quan hà
Tuy hữu trùng phùng ước
Kim chiêu thả nại hà?
Hương bồi[146] ngày chửa mấy
Liễu tặng[147] ý nên dài
Trịnh trọng neo thuyền lại
Ngẩn ngơ ngó trăng soi
Vãng lai đều nỗi khách
Xướng họa cảm lòng ai
Gặp lại tuy giao ước
Buổi nay bịn rịn hoài
Ai nấy cầm bài thơ tặng mình xem đến ba, bốn lượt, mối tình vương vấn khôn xiết kể. Trong lúc cười nói, tuy nét mặt cố giữ vẻ bình thường, nhưng lời nói và dáng vẻ đều khó giấu nổi thắc mắc buồn rầu. Uống xong vài ba chén trà thì cùng nhau cáo biệt.
——————-
[136] Nguyên văn: Mỗi dĩ bất thức Hàn vi hận: lấy điều chẳng biết họ Hàn làm hận. Trong bức thư gởi Hàn Triều Tông, trưởng sử Kinh Châu, Lý Bạch có câu: Sinh bất dụng vạn hộ hầu, đãn nguyệt bất thức Hàn Kinh Châu (Sống không cần làm vạn hộ hầu, chỉ mong một lần được biết Hàn Kinh Châu). [137] Xuân phong: gió xuân. Nghĩa bóng: dáng dấp vui tươi, hòa nhã. [138] Giải cấu vong niên: cuộc tình cờ gặp gỡ mà không kể tuổi. Ý nói chơi bời kết bạn cùng nhau mà không kể là già hay trẻ. [139] Thương sơn: tên núi ở tỉnh Thiểm Tây. Cuối đời nhà Tần, Từ Hạo tỵ nạn ở ẩn tại đó, hiệu là Thương Sơn Từ Hạo. Núi này rừng sâu vực thẳm, hình thế u thắng. [140] Kiệm bạc: ít ỏi, nhỏ mọn. Ý nói tuy vui cảnh núi non đẹp đẽ, nhưng sống trong cảnh thanh bần. [141] Đồng quận: Hầu này cùng tôi đều là người phủ Thượng Hồng (lời chú của tác giả Lãn Ông). [142] Điều thang: biến chế, gia giảm các vị thuốc để pha lẫn thành thang. [143] Đông kiều: ở nhờ nơi phía đông. [144] Trạch Ưu: tên riêng chỉ thứ quân ưu binh được kén làm quan túc vệ canh giữ đền vua, phủ chúa: thứ quân này lấy ở ba phủ đất Thanh Hóa và bốn phủ đất Nghệ An. [145] Khổ minh bất tu phanh: trà đắng chẳng nên nấu (phanh: nấu) – Trong quốc âm không gieo được vần phanh để diễn dịch cho đúng nghĩa câu. Ở đây gieo đúng vần thì sai nghĩa. [146] Hương bồi: bồi tiếp chầu chực chốn thơm tho, ý nói được gần gủi người có đức thơm, có phẩm cách quý. [147] Liễu tặng: bẻ cành liễu mà tặng nhau trước khi từ biệt. Nguyên ở phía đông thành Trường Yên có cái cầu tên gọi Bái kiều. Người Hán đưa tiễn khách ở cái cầu ấy thì bẻ cành dương liễu mà tặng nhau.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài