Gặp bạn cũ

Hãy nói người vợ Quận hầu bị bệnh, cho tìm tôi vào chẩn bệnh, Tôi được biết bà mang thai con trai đã ba tháng, tôi cho uống vài ba thang thuốc, thế là yên. Sau này tất cả nhà quan Chính Đường đều đến cầu chữa thuốc, trong số này có quan trấn Quảng Yên vốn cùng tôi có tình nghĩa sâu đậm; bà mẹ và và cô em ông ta mà bị đau bệnh gì thì tôi hết lòng đìều trị, cả nhà đều được yên lành. Cả đến Tiền Ninh, Hậu Dũng, Nhương Trung cũng qua lại, lấy làm hợp ý nhau lắm, được như vậy phần lớn nhờ việc thuốc men, đó là chuyện thường.

Một ngày kia tôi hỏi Quận hầu rằng: “Ngày nào thì tôi được trờ về?”. Quận hầu đáp: “Sắp có cơ đó”. Tôi lại hỏi: “Trước kia tôi đã đệ trình hai bài thơ, không biết tôn ý có thuơng cho không?”. Quận hầu nói rằng: “Cha tôi đọc đi đọc lại mấy lần, khen ngợi mãi không thôi. Cha tôi bảo rằng ý ông một mực chẳng muốn lỗi ước với rừng núi vậy. Cái tình ấy chẳng nên cưỡng ép, để rồi ta liệu mưu đồ cho!”. Tôi nghe lời nói đó, chẳng khác chi được của báu, lòng vui mừng xiết kể. Tôi sai pha trà cùng Quận hầu đối ẩm. Bỗng thấy một người áo mũ hẳn hoi, đứng ở cạnh tôi, dương mắt nhìn. Quận hầu cả cười lấy tay trỏ người nọ, lại lấy tay trỏ tôi, rồi lại lấy tay trỏ lên mồm. Người nọ lấy tay trỏ tôi, lại đưa tay sờ lên trán, rồi hai tay đập phành phạch như chim bay, hai tay nhún nhẩy như ngựa chạy. Tôi sợ hãi mà rằng: “Sao ngườinày chẳng khác gì kẻ si kẻ ngốc là cớ gì vậy?”.

Quận hầu nói rằng: “Hắn là người vừa điếc vừa câm, sấm vang chẳng nghe thấy, nửa tiếng cũng chẳng nói được, lại không biết chữ, không biết sao hắn lại có lệnh triệu mang đến đây”. Tôi nói: “Tay chân hắn đều vùng vẫy, là cớ gì?”. Quận hầu đáp: “Hắn vạch trên trán là nói nhà vua đó, trỏ tay vào miệng là có chỉ triệu đó, tay vẫy là lại, chân nhảy là đi đó”. Tôi nghe vậy thì cũng cả cười. Lúc đó có viên tri huyện cũ huyện Cẩm Giang cũng ngồi đó. Quận hầu bảo tôi làm một bài thơ, và bảo viên tri huyện cùng vịnh để ghi lấy cái sự lạ lùng kể trên. Lúc đó lòng tôi hân hoan, không nghĩ ngợi tìm tòi gì. Thơ rằng:

Tạo vật dữ nhân phú dĩ tuyền

Như hà thử bối đắc kỳ thiên

Khả đồng Dự Nhuợng trung quân nhật

Hà dị Hàn hầu dẫn thọ niên

Vạn lý lôi đình tâm tự nhược

Bách ban thế sự ý nhưng nhiên

Thử sinh nhất mục vô dư sự

Thủ chỉ hi truyền bí chỉ tuyên

Tạo vật sinh người vốn vẹn tuyền

Anh này tính khí cớ sao thiên[120]?

Khác chi Dự Nhượng[121] toàn trung tiết

Cũng tựa Hàn hầu[122] chúc thọ niên

Vạn dặm lôi đình chi đáng kể

Trăm chiều thế sự cũng không sờn

Mắt coi mọi việc không vương vấn

Tay chỉ đầu nghiêng mỗi lệnh truyền!

Viên tri huyện Cẩm Giang[123] đọc thơ, nói: “Tài thơ của lão sư mẫn tiệp, người ta không theo kịp; tôi không dám múa rìu để mua cười”. Quận hầu cũng mặc nhiên đồng ý, hai người chỉ khen ngợi mà thôi. Lát sau có đứa tiểu đồng của tôi tới nói sẽ với tôi là có một ông đến chỗ tôi trọ, đầy tớ theo hầu hơn mười người, ông ta nói là có quan tri phủ chờ đợi đã lâu. Tôi xin cáo từ mà về. Mới gặp tưởng là người lạ, lâu lâu nhận ra là người cũ, kéo nhau vào nhà cùng ngồi. Chúng tôi kể lể với nhau cái tâm tình xa cách. Người đó nói là đã từ lâu bị bệnh, muốn xin thuốc thang cứu chữa. Tôi hỏi tường tận căn bệnh, hứa cho mấy tễ thuốc. Tôi nói rằng: “Bệnh tình còn rắc rối, hãy thử dùng vài ba tễ, sau xem sai giàm ra sao đã, rồi mới tìm phương bồi bổ”. Cười nói mãi tới lúc trời sắp tối, ông ấy mới ra về.

Nguyên ông ấy là người họ vợ tôi, tôi gọi bằng cậu, ở Hoài An, Nguyễn xã, giữ chức tri phủ Tiên Hưng[124]. Thường nhật chúng tôi kính yêu nhau lắm. Hôm sau, ông sai người nhà đến trao cho tôi một bài thơ ngắn và nói là thuốc tễ đã dùng hết; các chứng bệnh giảm bớt đến tám, chín phần, chỉ có ăn uống là chưa được, và còn xin thêm thuốc dùng. Tôi chế cho thuốc cao và thuốc hoàn. Thơ như sau:

Tam thập niên tiền hữu cố tri

Âm dung vạn lý cửu hà tư

Vương kỳ kim nhật thanh danh trọng

Hạnh đắc lương phương thọ lão quy

Ba mươi năm gắn bó từ xưa

Vạn dặm âm dung những tưởng mơ

Danh tiếng kinh kỳ nay đã khắp

Lương phương[125] thọ lão để người nhờ

Ngày kia có hai tên lính đến chỗ tôi ngụ, đứng ở nhà ngoài, hỏi những lính hầu của tôi rằng: “Nghe nói có thày thuốc ở Nghệ An vâng chiếu đến kinh, không biết cư trú ở đâu?”. Tôi nghe hỏi vậy, gọi chúng lại hỏi: “Các ngươi thuộc cánh quân nào? Hỏi thày thuốc có việc gì?”. Chúng đáp: “Chúng tôi là Cẩm y vệ quân, vâng lệnh quan chúng tôi đi tìm thày thuốc ấy, chưa rõ về mục đích gì, hoặc xin thuốc, hoặc muốn biết chỗ trú ngụ, bọn tôi quả thật chẳng hiểu gì hơn”. Tôi cười mà rằng: “Thày thuốc ấy là tôi đây, chẳng biết vị quan ấy cho tin đã bao ngày rồi?”. Đáp: “Đã năm ngày rồi”. Tôi bảo: “Các ông hãy trở về báo tin là thày thuốc ấy mời quan lớn lại đây ngay”. Chúng được tin tức rồi thì ra về.

Nguyên viên quan ấy cùng tôi lúc thiếu thời là bạn tâm giao. Tôi xa cách ông ta đã ba mươi năm mà chưa được gặp lại. Lúc tôi đến kinh đã sai người dò hỏi, nhưng vì ông ấy có công vụ ở nơi khác, nên chưa kịp báo cho biết tin về tôi. Bởi vậy khi ông ta trở về kinh, biết tôi cũng ở đây, mới cho tìm hỏi tôi khắp nơi. Lại nói chuyện bọn lính đi rồi, chẳng được bao lâu quả thấy viên quan ấy đến. Tôi ra cửa nghênh tiếp, cùng cầm tay dắt nhau vào nhà. Ông ấy hơn tôi một tuổi. Tuy đầu tóc đã một nửa bạc, răng đã rụng hết, nhưng thần khí còn tráng kiện. Trong lúc ngồi với nhau, chúng tôi kể nỗi hàn huyên[126], lúc vui lúc buồn, khỏi phải nói. Lại hỏi đến những việc cũ, thì vật đổi sao dời, mười phần đến tám, chín. Người xưa có nói: “Người anh hùng trong lúc ly biệt không rỏ lệ”. Còn như kẻ khuất người còn (thân bằng) thì biết làm sao được bây giờ? – Trông nhau cầm lệ, chỉ những buồn thảm. Tôi đem những bài đề vịnh trong lúc đi đường và những bài xướng họa của khách khứa bạn bè ra để phê bình cứu xét, cốt để giải muộn. Đêm ấy, viên quan này nằm ngủ chung với tôi. Nửa vách đèn tàn và ba chén trà đặc, cùng nhau luận cổ đàm kim, gà gáy mới nhắm mắt. Trời vừa sáng, viên quan trở dậy và nói: “Quan quân của vệ tôi có lệ phải chực ở trong triều”, rồi từ biệt ra đi. Buổi tối, viên quan ấy cho đem những thực phẩm ngon đến biếu kèm theo một lá thư. Tôi mở ra coi thì thấy bài thơ họa nguyên vận bài thơ tôi soạn lúc về kinh:

Bản lai sơ lãn bảo thiên chân

Kỳ tập Hiên Kỳ nhiệm phú bần

La bệ ích kiên Sào Phủ chí

Chiếu thư sạ khuất Tử Lăng thân

Lâm tuyền khẳng phụ lộc mi hữu

Thành thị hà kham danh lợi nhân

Thần hạ thốn đan vô khả nại

Hành tàng phận nội ngưỡng minh quân

Buông tuồng từ trước giữ thiên chân

Chỉ tập Hiên Kỳ mặc phú bần

Hoa cỏ thêm bền Sào Phủ chí

Chiếu thư bỗng ép Tử Lăng[127] thân

Hươu nai rừng núi vui giai hứng

Danh lợi phồn hoa ngán thế nhân

Tôi mọn tấc son khôn dãi tỏ

Hành tàng giữ phận cậy minh quân

Từ đó hoặc viên quan ấy đến chỗ tôi ngụ, hoặc tôi đến dinh ông ấy, thêm việc người nhà đưa biếu thực phẩm, ngày ngày qua lại, khỏi phải nói.

Một ngày kia, vào sáng sớm, quân lính huyện Cẩm Giang mang nhiều nguời đi theo đến chỗ tôi ngụ thưa rằng: Có quan Hiến sứ Kinh bắc (người Hoan Châu là ông Huy Khiêm[128]) nhân dịp trở lại kinh thành, nghe danh quý sư muốn đến yết kiến, sợ rằng quấy nhiễu nơi nhà trọ, trước hết giao cho kẻ hầu cùng tòng nhân đến đón chờ, có soạn một bài cổ thi. Bài ấy do viên quan gởi đệ trình như sau:

Lương y đối lương tướng

Dong dị khởi tu lai

Di chúc cố cựu thỉnh

Thử ý khởi tương sai

Giang san hữu Chuyết ông

Sài phi bất hư khai

Hải thượng hữu Lãn ông

Hạc giá dữ loan hài

Lãn lai diệc Chuyết thỉnh

Ẩm trác đô an bài

Lương y với lương tướng

Chưa dễ đến cùng nhau

Đã nhắc tình cố cựu

Ai ngờ ý ấy đâu

Non sông có ông Vụng

Cửa đóng đã từ lâu

Hải thượng ông Lười đó

Giày loan xe hạc chờ

Lười qua do Vụng thỉnh

Ẩm trác cũng nhiệm mầu

Ông Cẩm Giang lại nói: “Vị quan ấy có lời thỉnh cầu, quý sư nghĩ tình đồng quận, đừng hẹp hòi gì và đến với ông ta”. Tôi đáp: “Đại quan vốn đồng quận, chỗ ở cũng chẳng xa; trước kia tôi vẫn mong được yết kiến,chỉ hiềm không duyên cớ. Nay đã được hạ cố, sao dám chẳng vâng mệnh!”. Tôi mới cùng ông Cẩm Giang lên đường. Khi đến cổng ngoài thấy vị quan ấy chắp đứng ở trước sân nghênh tiếp. Tôi thấy vậy hoảng hốt xuống cáng, đến gần cúi mình chào rồi vào nhà. Vị quan ngồi ghế chủ, tôi cùng ông Cẩm Giang ngồi phía tả và phía hữu. Vị quan nói: “Tôi có cố tật, chữa thuốc khắp nơi mà không khỏi bệnh. Tuy cùng lão sư đồng quận, nghe danh lớn đã lâu, nhưng không duyên gặp gỡ. Ngờ đâu nay trời cho được dễ dàng gặp nhau. Há chẳng phải việc ẩm trác đều có tiền định sao?”. – Tôi thưa: “Kẻ ốm yếu ngu dại nơi quê mùa, biết sơ sài cái thuật nhỏ mọn, sao đương nổi lời quá khen ấy”. Trong chốc lát, người nhà bếp dâng cơm, trẻ nhỏ bưng nước, thật là xa hoa trang trọng. Uống trà xong, vị quan xin được coi bệnh. Tôi thấy sáu đường mạch như tơ, hai đường mạch ở hai tay tựa như không có, tôi giật mình thốt lên: “Tiếc thay! Ngài khó mà hưởng được tuổi thọ”. Tôi chỉ bằng mạch mà gọi bệnh, cũng may được phù hợp. Vị quan ấy than rằng: “Quả nhiên danh đồn không sai! Giận rằng gặp nhau thì đã muộn”. Rồi ông xin đơn thuốc. Tôi nói rằng: “Cho đơn thuốc phải suy nghĩ cặn kẽ mới được ổn đáng. Nay ngồi đây vội vã sao nên, xin đến sáng mai sẽ đệ trình”. Ông Cẩm Giang nói rằng: “Vì thế khi tôi đến xin đơn thuốc, lão sư chẩn bệnh, xem đi xét lại đôi ba lần mới cho thuốc; cẩn thận như thế sao mà chẳng linh nghiệm”. Sau đó một lát quan Cai đạo[129] Nam sơn là Đỗ hoàng giáp[130] đi đến. Mọi người đứng dậy chào, mời ngồi cùng chiếu. Ông hoàng giáp họ Đỗ hỏi quan Hiến sứ rằng: “Đây là ông nào?” – Quan Hiến sứ nói đùa rằng: “Người ở ẩn ở Hương sơn là ông này đó” – Ông họ Đỗ cười rằng: “Có phải Hải Thượng Lãn Ông chăng?” – Quan Hiến sứ đáp: “Chính phải đó”. Đỗ hoàng giáp nói rằng: “Tôi nghe đại danh đã lâu mà chưa từng gặp mặt, nay nhà tôi bỗng mắc bệnh hiểm nghèo, muốn sai người lại đón, chỉn e lão sư chẳng chiếu cố. Trong lúc phân vân may mắn được gặp gỡ, nay xin cho một bát thuốc để điều bổ”. Tôi đáp: “Kẻ làm thuốc phải lo tính mệnh người, bổn phận là phải chịu khó nhọc, không từ nan điều gì, dám biếng nhác buông tuồng được sao!”. Đỗ hoàng giáp mới kểbệnh từ đầu đến cuối. Tôi cho hai tễ thuốc thang và thuốc hoàn. Cẩm Giang công nói: “Cha tôi cũng khó ở đã lâu, vốn chẳng dám phiền nhiễu nhau, nay nhân chỗ ở của tôi ở bên tả (tả biên), mời lão sư đến nhà, được như vậy, hân hạnh cho tôi chẳng ít”.Thế rồi mọi người từ biệt nhau, tôi đi đến nhà ông Cẩm Giang. Thân sinh ông này là quan Tả Binh Sĩ Đoan, lúc này đã về trí sĩ, mà còn lưu lại kinh thành. Khi đã chẩn mạch, cho đơn rồi, thì các công tử mời tôi đến nhà thủy tạ bên hồ, pha trà uống, cùngnhau nói chuyện. Đây là một cái hồ bằng phẳng, rộng ước chừng nghìn mẫu. Qua lại thủy điểu giỡn làn sóng nhẹ; nhảy nhót du ngư tranh chiếc lárơi. Giữa hồ sóng cỏ[131] trước gió dâng lên; bên hồ hoa sen thâu đêm vẫn nở.Trước hồ có đắp một con đê nhỏ hình bán nguyệt. Phía trong đê đều trồng sen trắng, cạnh đê những cổ thụ rủ bóng mắt, những hoa quý phô sắc xinh. Trước sân vài gốc mai già nghiêng mình trên ghế đá; ngoài song mấy khóm trúc xanh tỏa bóng bên án thư. Hạc nội đứng co ro một mình, ý chừng sợ khí trời lạnh lẽo; trăm hoa như đối thoại, mắt coi thấy sáng tươi. Nói chẳng hết được cái phong vị u nhàn[132]. Lúc đó mọi người đòi làm thơ. Tôi nói: “Các ông xướng trước, tôi xin họa sau”. Nhưng chẳng ai chịu mở đầu cả. Tôi mới cầm bút đề một tiểu luật[133] như sau:

Lão tướng sùng lương cảnh

Đình đài hướng thủy biên

Song minh đa đắc nguyệt

Thu lão thượng khai liên

Diệp lạc du ngư dược

Hoa tùng dã hạc miên

Danh trà yêu khác ẩm

Đàm tiếu xuất hương yên

Lão tướng ưa u nhã

Đình đài hướng nước mây

Song thưa trăng chiếu sáng

Lá rụng cá vùng nhẩy

Hoa dày hạc ngủ say

Cửa đóng đã từ lâu

Trà ngon mời khách cạn

Cười nói ngát hương bay

Tôi đề xong, quan trí sĩ sai người mang thư đến cho ông xem xét. Ông nói rằng: “Thật thanh tân đáng yêu”, rồi ông bảo đem dán lên vách. Ông Cẩm Giang cũng có lời thơ họa, có lời kê rằng: “Tiên sinh tuổi trọng đức cao, có thủ đoạn Hiên Kỳ, có thi tài Lý Đỗ, với thái độ nhã đạm, tình tứ cao dật, lâng lâng thành cao sĩ. Văn nhân tài tử đều mong được cùng người giao du. Tăng tôi làm quan một ấp xa, được gặp tiên sinh sau hết, may được người rủ tình cho linh đan, còn tặng giai cú. Mối tình thân thiết cao dày, ân đức ấy không quên. Kính cẩn thuật lời tạp nhạp để nối thơ”.

Chiêu yêu vân hạc lữ[134]

Nhàn thích thủy vân biên

Hảo khách thùy thanh nhãn[135]

Trừng ba thưởng bạch liên

Kỳ phương điều tích dạng

Hảo cú khởi cao miên

Nhã ấp xuân phong tọa

Lung sinh ngũ sắc yên

Mời mọc bạn vân hạc

Nhởn nhơ thú nước mây

Mắt xanh tình khách thỏa

Sen trắng nước trong đây

Thuốc lạ trừ tật dễ

Câu thần ngủ giấc say

Gió xuân ngồi cùng hưởng

Năm sắc khói tuôn bay

Chiều đến tôi từ biệt trở về nhà trọ. Các công tử tiễn đưa ra khỏi cổng, trèo kéo đùa giỡn, ý chưa muốn chia tay.

——————

[120] Thiên: thiên lệch, không đồng đều với kẻ khác.

[121] Dự Nhượng: người nước Tấn đời Chiến Quốc. Làm tôi Trí Bá. Sau Trí Bá bị Triệu Tương Tử diệt. Nhượng bôi đen mình, lại nuốt than để thay đổi hình trạng, muốn giết Tương Tử, báo thù cho Trí Bá. Bị Tương Tử biết được, Dự Nhượng kêu rằng: “Tội tôi đáng chết, chỉ xin ngài cái áo để cho tôi đâm, dẫu chết cũng không hận gì”. Tương Tử bằng lòng, đưa áo cho Nhượng. Nhượng bạt kiếm, nhảy ba lần mà đâm vào áo, rồi tự đâm mình mà chết.

[122] Hàn hầu: không rõ nghĩa. Đời Hán Cao Tổ, có Hàn Tín được phong Hoài âm hầu. Đời Xuân Thu, vua nước Hàn cũng gọi là Hàn hầu.

[123] Cẩm Giang: tên một huyện thuộc tỉnh Hải Dương.

[124] Tiên Hưng: tên một phủ thuộc tỉnh Hưng Yên, nay thuộc tỉnh Thái Bình.

[125] Lương phương: bài thuốc hay.

[126] Hàn huyên: Lạnh ấm. Nói hai người xa cách nhau, trong khi được gặp lại, trò chuyện với nhau.

[127] Tử Lăng: chỉ Nghiêm Quang ở Đông Hán, mặc áo tơi đi cày ở núi Phú Xuân, cũng là một cao sĩ.

[128] Tức Phạm Nguyễn Du, tự Hiếu Đức, hiệu Dưỡng Hiên, trước tên là Phạm Huy Khiêm, người làng Đăng Điền, huyện Châu Thúc, Nghệ An. Ông nổi tiếng văn tài lúc thiếu thời, được tiến dẫn vào triều trước khi đi thi. Ông đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1779), năm Cảnh Hưng thứ 40, khi ông 40 tuổi. Làm quan Học sĩ ở viện Hàn Lâm và chép quốc sử. Lúc Tây Sơn tràn tới Nghệ An, ông đang giữ chức Đốc đồng tỉnh ấy. Theo sách Nghệ An Ký, ông lánh sang huyện Thanh Chương, chiêu mộ hương binh để chống lại Tây Sơn; sức không địch nổi, phẫn uất mà chết. Ông có viết sách Luận Ngữ Ngu Án, phú như Thạch Động Thi Văn Sao.

[129] Cai đạo: quan đứng đầu một trấn.

[130] Đỗ hoàng giáp: chưa rõ ông nghè họ Đỗ nào (hoàng giáp là tiến sĩ đệ nhị giáp, cũng gọi tiến sĩ xuất thân).

[131] Sóng cỏ: Sóng mang theo cỏ.

[132] U nhàn: U nhã và an nhàn.

[133] Tiểu luật: một bài thơ nhỏ, soạn theo Đường luật. Đây là một bài ngũ ngôn luật thi.

[134] Vân hạc lữ: bạn với mây hạc, do câu Cô vân dã hạc, có nghĩa mây đơn hạc nội, chỉ người lánh đời ở ẩn.

[135] Thanh nhãn: mắt xanh. Đời Tấn, Nguyễn Tịch tiếp khách, gặp ai vừa lòng mình thì mắt xanh, không vừa lòng mình thì mắt trắng.

 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài