Con gái… Con tên là Lý Man. Lúc mẹ sinh con ra, ta bắt được một con cá chép rất to trên sông… Phía dưới rốn của con có một nốt ruồi to màu đen…

 

***

 

Sáng tinh mơ ngày thứ ba sau khi Dương Lục Cửu biến mất, lão Lưu gù dậy sớm chuẩn bị nấu cơm sáng. Sau khi đứng bên cạnh ống khói tiểu xong, lúc quay vào lão bỗng nghe tiếng máy nổ ầm ầm vang lên từ phía tây, đất dưới chân lão cũng rung lên nhè nhẹ. Trẽn con đường mà họ vừa mới đắp, một con vật to lớn đang lù lù tiến tới. Nó đi trên hai chiếc bánh cực to, chiếc trước nhỏ, chiếc sau to; trên hai chiếc bánh là một ngôi nhà khung sắt hình vuông sơn màu xanh, chung quanh lắp kính. Mặt trời mới ló dạng chiếu những tia sáng đỏ hồng lên kính, bên trong lớp kính là hai hình người đen đen. Con vật nặng nề bò về phía trước. Lão thần người trong giây lát rồi chụp lấy một chiếc gậy chạy đến căn lán ngủ của đội đập thật mạnh vào liếp lá. Sau khi Dương Lục Cửu biến mất, anh em dân công chỉ có ăn rồi ngủ, ngủ nhiều đến độ mặt mày sưng húp. Tôn Ba cùng với vợ con tạm thời ở trong một chiếc lều nhỏ sát bên cạnh bờ đê, Lưu gù cũng chạy đến đó dùng gậy đập mạnh lên đỉnh lều rồi chạy lui lại. Anh em dân công mắt nhắm mắt mở ùa ra ngoài, có người còn vươn vai ngáp dài, có người vẫn còn dụi mắt.

– Lão Lưu, ăn cơm rồi à?

Lưu gù chỉ lặng lẽ đi về phía lán ăn, không thèm trả lời.

– Xem kìa, trên đường ấy!

– Trời ơi! Quái vật!

– Xe tăng chăng?

– Xe tăng! Xe tăng! Mau đến xem xe tăng!

– Không phải xe tăng! Xe tăng phải có nòng pháo chứ!

– Nòng pháo đã thụt vào trong bụng xe tăng rồi!

– Ông cho rằng xe tăng là con rùa cớ thể rụt cổ vào trong mai à?

– Sao lại không phải? Ông không nghe người ta nói rùa đen đã từng đánh nhau với quân đội Sa hoàng à?

– Chẳng qua là người ta nói ví von mà thôi!

Tôn Ba cũng đã có mặt nhập bọn với đám đông đang ồn ào bàn tán.

Con quái vật to lớn đã đến rất gần, hai chiếc bánh sắt to đùng quay rất chậm, trên bánh trước có mấy chữ lúc thì ở trên cao, lúc thì hạ xuống thấp. Tôn Ba lẩm nhẩm đọc: Áp lộ cơ.

 

– Áp lộ cơ là cái quái gì?

– Xe lu nện đường thì gọi là áp lộ cơ, chưa hễ thấy bao giờ à?

Chiếc xe lu bò trên con dường mới đắp, đằng sau nó xuất hiện một vệt lõm khá sâu. Vệt lõm này kéo dài từ phía tây vô cùng vô tận chạy đến, mắt ai cũng nhìn vệt lõm một cách thẫn thờ, nét mặt sa sầm. Chiếc xe gào rú ầm ầm bò đến đoạn đường đã đổ nhựa thì dừng lại. Từ trên buồng lái, hai người nhảy xuống hai phía rồi một trước một sau đi thẳng về phía chiếc lán. Đội dân công ngây người đứng nhìn hai người đàn ông, tròng mắt bất động. Đi trước là một người đàn ông khoảng hơn ba mươi tuổi, áo quần màu vàng sậm, chiếc mũ vốn màu vàng nhưng đã bạc thếch. Sau lưng anh ta là một thanh niên khoảng hai mươi tuổi to lớn khoẻ mạnh như một con ngựa vừa trưởng thành. Đến trước mặt đội dân công, chưa kịp dừng chân, người lớn tuổi đã hỏi:

– Dương Lục Cửu đâu?

Mọi người dưa mắt nhìn nhau, không ai can đảm mở miệng.

– Dương Lục Cửu có đây không? Ai là Dương Lục Cửu?

Anh ta hỏi tiếp. Trên cầu vai và trước mũ anh ta vẫn còn mấy chiếc khuy để cài phù hiệu, gương mặt đen đen góc cạnh, khi nói để lộ hai chiếc răng thép sáng loáng.

– Dương Lục Cửu… đi rồi, mấy ngày nay không thấy tăm dạng đâu cả…

– Thế ai phụ trách ở đây?

– Không có ai cả, – Tôn Ba nói.

– Đây là đội trưởng Vương mới được cấp trên điều động đến đây. – Gã thanh niên đi bên cạnh người đàn ông nói.

– Tên anh là gì? – Đội trưởng Vương hỏi.

– Tôn Ba.

– Tôn Ba? Nghe được lắm! – Đội trưởng Vương cười nói. – Anh đi gọi tất cả mọi người lại đây.

Tôn Ba chui vào lán, gọi to:

– Dậy! Dậy mau lên! Đội trưởng Vương mới đến muốn giáo huấn mọi người!

Đội trưởng Vương nói, cấp trên phái tôi về để lãnh đạo mọi người làm đường; ông Quách, nguyên đội trưởng ở đây đã được đề bạt làm phó chủ nhiệm Ủy ban cách mạng Cục xây dựng quốc lộ. Cấp trên vô cùng coi trọng con đường này, cũng rất vừa lòng với tinh thần lao động của mọi người. Mọi người ở đây đều đã có những sai lầm trong quá khứ, do vậy phải làm việc tận lực, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Công tác cách mạng cần phải hy sinh, hy sinh để làm cách mạng, một là không sợ khổ, hai là không sợ chết, tăng cường tính kỷ luật thì cách mạng mới thành công. Đề cao cảnh giác với những âm mưu phá hoại của bọn phản động. Các vị vẫn có thể có thuốc để tự cứu chính mình, hãy đem đoạn ruột thừa trong bụng đến bác sĩ cắt phăng đi là xong. Để đẩy nhanh tốc độ làm đường, cấp trên cử tôi đến đây, còn tăng cường một chiếc xe lu. Đây là đồng thí Vũ Đông, phụ trách chiếc xe lu này. Ngay bây giờ toàn đội tập hợp điểm danh. Hai hàng dọc, hướng về phía nam, tập hợp!

Tất cả dân công đứng đằng đông một người, đằng tây một người. Hình như không ai buồn cử động.

– Tập hợp! Có nghe không hả, hai hàng dọc hướng về phía nam nhìn thẳng vào tôi, các người có nghe không hả? – Đội trưởng Vương quát lớn.

– Đã bảo các người sắp hàng cơ mà, thành hai hàng – Vũ Đông nói.

Mọi người lộn xộn tụm lại thành một đống, có người còn méo xệch mồm không biết là khóc hay cười, có người đưa tay lên xoa mông. Đội trưởng Vương đưa tay chộp hai dân công thân thể cao lớn ấn cho đứng nghiêm lại rồi hô lớn:

– Tất cả tiếp tục đứng đằng sau hai người này! Nhanh lên!

Cuối cùng thì hai hàng người cong cong vẹo vẹo cũng đã hình thành. Đội trưởng Vương tiếp tục hô:

– Đủ cả rồi chứ? Nghiêm! Đã hô nghiêm rồi không ai được động đậy! Anh còn đưa tay sờ mũi làm gì? Còn sờ nữa à? Tôi nói anh, anh nghĩ là tôi nói ai kia chứ?
Nhìn bên phải, thẳng! Nhìn bên nào nhỉ, bên nào bên phải, bên nào bên trái? Nhìn đằng trước, nghỉ! Sau đây là điểm danh. Khi tôi gọi đến tên người nào thì người ấy phải đứng nghiêm! Làm cái quái quỷ gì thế nhỉ? Nghiêm! Khi tôi cho phép nghỉ thì mới được nghỉ, nhớ chưa? Dương Lục Cửu! Dương Lục Cửu!

– Báo cáo đội Vương, Dương Lục Cửu bỏ trốn rồi! – Tôn Ba gào lên.

– Trốn đi đâu?

– Báo cáo đội trưởng, không biết!

– Hắn trốn không nổi đâu! Lai Thư! Lai Thư đâu?

– Báo cáo đội trưởng, Lai Thư đang đi đào hang chuột!

– Đào hang chuột ở đâu?

– Ở bên ấy!

– Mau đi gọi anh ta về!

Tôn Ba chạy ra khỏi hàng, phóng thẳng đến bờ đê, vừa chạy vừa gào:

– Lão Lai, lão Lai! Đừng đào nữa! Ông đào hang chuột, còn đội trưởng Vương đang điểm danh ông, ông không về kịp là hang chuột do ông đào sẽ trở thành nơi chôn ông đấy!

Lai Thư cong người xách xẻng đứng dậy, gương mặt vàng ệch, hỏi:

– Đội trưởng Vương nào thế?

– Về nhanh! Đội trưởng Vương là đoàn phó trên núi Uy Hổ được lệnh về đây để bắt ông đấy!

– Bắt tôi làm gì? Bắt tôi làm gì?

– Báo cáo Đội trưởng Vương, Lai Thư đã đến! – Tôn Ba nói.

– Đi vào hàng! – Đội trưởng Vương quát lớn.

Tôn Ba nheo nheo mắt, đứng ỳ một chỗ.

– Đứng vào hàng đi!

Tôn Ba đứng vào hàng.

– Anh tên Lai Thư?

– Đúng, thưa đội trưởng! Tiểu nhân tên Lai Thư!

– Anh đi làm chuyện gì vậy hả?

Đi đào hang chuột!

– Ai bảo anh đi đào hang chuột?

– Tôi… Mao Chủ tịch nói, công xã nhân dân nhất định sẽ tiêu diệt hết bọn chuột ăn bám!

– Đi vào hàng!

Lai Thư đi vào hàng.

– Lưu Đắc Lợi! – Đội trưởng Vương quát – Lưu Đắc Lợi đâu?

Lưu gù đi từ trong bếp ra, nói:

– Tiểu nhân đây, thưa đội trưởng Vương!

Đội trưởng Vương nói:

– Các dân công làm đường thân mến! Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ thực hành quân sự hóa, chiến đấu hóa đội ngũ, đẩy nhanh tiến độ công trình, tranh thủ đến Tết nguyên đán thông được xe là chúng ta đã giáng một đòn trí mạng vào bọn đế quốc phản động. Lúc ấy, chúng ta đã có thể về nhà. Dương Lục Cửu chạy không thoát đâu, chạy đến đâu cũng sẽ bị bắt vì cách mạng đã bố trí thiên la địa võng. Bây giờ yêu cầu mọi người về sắp xếp công việc nội vụ, đánh răng rửa mặt. Giải tán!

Vũ Đông dẫn theo mấy dân công khỏe mạnh đến phía sau xe lu lấy xuống một chiếc xe đạp, một chiếc lều vải cá nhân mà một chiếc giường sắt tháo rời.

Sau khi ăn sáng xong, đội trưởng Vương bắt đầu đi thị sát công trường; Vũ Đông cùng mấy người nữa dựng chiếc lều cá nhân lên và lắp xong chiếc giường sắt.
Ngày thứ tư sau khi Dương Lục Cửu bỏ trốn, đội trưởng Vương treo trước cửa lều của mình một tấm bảng gỗ màu trắng, trên đó có viết chữ màu đỏ. Đội trưởng Vương bảo căn lều này là của ban chỉ huy công trình, dân công làm đường muốn vào phải đứng bên ngoài gọi to báo cáo, cho phép vào mới được bước vào trong. Vũ Đông dùng dây bắc ngang trước cửa lán ăn một chiếc gậy gỗ, trên đó treo nửa thanh ray đường tàu. Treo xong, Vũ Đông dùng dùi sắt gõ thử mấy tiếng. Thanh ray kêu rất vang, tiếng kêu nghe rất lạ lùng.

Ngày thứ năm sau khi Dương Lục Cửu biến mất, đội trưởng Vương tuyên bố, tài xế xe lu Vũ Đông kiêm nhiệm cả công tác kế toán của đội nên Lưu gù phải bàn giao chiếc rương đựng tiền và mọi sổ sách, tạm thời chưa tính toán thu chi, chờ bắt được Dương Lục Cửu về sẽ tiếp tục điều tra. Đội trưởng Vương còn nói, người nhà Tôn Ba vẫn có thể tiếp tục ở lại, nhưng muốn ăn thì phải nộp tiền và nộp tem phiếu.

Buổi sáng ngày thứ bảy sau khi Dương Lục Cửu biến mất, một chiếc xe tải chạy đến, thả xuống mười thùng dầu ma-dút. Buổi chiều lại có hai mươi chiếc xe tải hạng nặng hiệu Hoàng Hà chở toàn là nhựa đường đóng khối. Nhựa đường được chất phía sau lán ngủ thành một ngọn đồi nho nhỏ.

Buổi sáng ngày thứ tám sau khi Dương Lục Cửu biến mất, một chiếc mô tô ba bánh màu vàng xuất hiện trên đường. Một cảnh sát mặc sắc phục màu trắng lái xe, còn một người nữa ngồi ở phía sau ôm chặt lấy bụng người phía trước. Chiếc mô tô dừng lại ngay trên công trường, hai người cảnh sát giống nhau như hai anh em sinh đôi nhảy xuống. Họ đeo thắt lưng da to bản, trên đó lủng lẳng hai khẩu súng khiến Lưu gù sợ đến chết khiếp, trốn tiệt trong lán không dám ló đầu ra ngoài, len lén theo dõi hai cảnh sát qua kẽ hở của vách lá. Hai viên cảnh sát đi đến trước lều vải, đứng bên cạnh chiếc cửa khung sắt một người dùng tay đập mạnh vào cánh cửa, người còn lại đứng im lặng, mặt lạnh như tiền. Cánh cửa sắt nhỏ hé mở, đội trưởng Vương bước ra. Một cảnh sát hỏi:

– Anh là Vương Vân Chi?

– Vâng!

Một cảnh sát lấy ra một tờ giấy, người còn lại rất nhanh cầm chiếc còng số tám sáng loáng tròng vào tay đội trưởng Vương:

– Vương Vân Chi! Anh đã bị bắt! – Một cảnh sát nói.

– Các anh nhầm rồi! Nhất định là các anh nhầm tôi với ai đó! – Đội trưởng Vương kêu lên.

– Đừng gào lên như thế, có oan khuất gì thì làm đơn mà kêu, nói với chúng tôi thì được cái gì!

Họ đẩy đội trưởng Vương ngồi lên thùng xe mô tô, một người ấn công tắc khởi động, một luồng khói trắng phun ra sau đuôi chiếc xe, bánh xe nặng nề chuyển động rồi phóng vút di thật nhanh, nhanh hơn cả những con chó săn điên cuồng đuổi theo thỏ hoang.
Sáng ngày thứ ba sau khi đội trưởng Vương bị bắt, Lưu gù gánh nước đổ đầy thùng xong, thong thả ngồi trên tấm ván hút thuốc. Bỗng nhiên lão nghe một tiếng gọi rụt rè ở bên ngoài:

– Chú ơi! Mua rau hẹ không?

Lão luống cuống đến độ thiếc tẩu thuốc lật úp xuống, tàn thuốc đổ ra đầy quần. Lão đứng dậy lao ra khỏi lán. Lão mừng đến phát khóc. Quả nhiên là cô gái bán rau hẹ cao gầy ấy đã đến. Kể từ khi Dương Lục Cửu biến mất, Bạch Kiều Mạch và cô gái này cũng chẳng đến nữa; thay vào đó, sáng nào cũng có một cô gái mập mạp đến bán rau. Lão thoáng nghi ngờ là quả thật đã từng có một cô gái cao gầy xuất hiện trước đấy hay không, nếu có, lão cũng không thể xác định là chuyện ấy xảy ra bao nhiêu lâu rồi, là thật hay ảo, là mộng hay là thực. Cô gái ấy lại đến, Lưu gù cảm thấy hồn vía của mình đã bay đi đâu mất, hình như trời lại sáng hơn bình thường khiến lão không dám mở mắt. Lão lảo đảo muốn ngã. Hình như cô gái có da có thịt hơn một tí, gương mặt trắng bệch ngày xưa đã phơn phớt hồng. Cô gái đang mang một chiếc giỏ trên lưng, bên trong chất đầy rau hẹ, thân rau trắng nõn, lá rau xanh rờn.

– Chú ơi! Mua rau hẹ không? – Giọng cô gái sao mà đáng thương.

– Mua… mua chứ! Con gái… mau đặt giỏ xuống… – Lão vừa nói vừa tiến đến gần cô gái, dùng hai tay đỡ chiếc giỏ rất nặng xuống. Cô gái vừa vặn lưng giỏ hẹ đã rơi vào lòng lão. Mùi rau hẹ cay cay nồng nồng xộc vào mắt khiến nước mắt lão chảy ra. Cô gái đứng trước mặt lão eo thon vai nhọn, cao hơn lão cả một cái đầu. Lão đặt chiếc giỏ xuống, cố gắng vươn người cho cao hơn nhưng cuối cùng cũng chỉ vươn dài được chiếc cổ.

– Con gái, lâu lắm rồi không đến!

– Rau hẹ… không kịp lớn…

– Con gái, bệnh mẹ cháu như thế nào? Tốt rồi chứ?

– Đỡ nhiều rồi. May mà nhờ có chú giúp đỡ. Mẹ cháu nói với cháu rằng, chú là người tốt, chờ cho khỏe hẳn mẹ sẽ đến thăm chú.

– A… Mẹ cháu thật là… Mẹ cháu nói như thế thật chứ?

– Đúng là nói như thế thật, chính miệng mẹ nói với cháu thế mà.

– Cháu tên gì?

– Hồi Tú.

– Từ trước đến nay vẫn gọi là Hồi Tú chứ?

-…?

– Không phải là cháu mới đổi tên à?

– Không phải!

– Bố… có thương cháu không?

– Bố cháu rất nghèo, bị trúng nước chết lâu lắm rồi, lúc ấy cháu còn bé lắm, không nhớ được gì cả.

– Cháu còn có anh chị em gì không?

– Không! Chú có mua rau hẹ không?

– Con gái, ta không còn quản lý việc mua thức ăn nữa. Ở đây đã có lãnh đạo mới rồi, lại có cả kế toán nữa.

– Thế thì cháu sẽ mang đến chợ bán vậy.

– Đừng vội, con gái, cháu cứ chờ đấy, ta sẽ đi hỏi thử xem sao. Nếu bán được ở đây, cháu đỡ phải chạy thêm một đoạn đường dài nữa, về sớm một tí để mẹ đỡ lo.

– Chú thật tốt với cháu!

Lão lạch bạch đi về phía chiếc lều của lãnh đạo công trường, đứng trước cửa, nói to: Báo cáo! Bên trong căn lều, tiếng kèn ácmônica vang lên buồn thảm như tiếng khóc. Lão tiếp tục kêu lên: Báo cáo! Tiếng kèn vẫn không dứt nhưng cửa lều lại mở ra. Gã lái xe lu Vũ Đông bước ra, miệng vẫn ngậm chiếc kèn.

– Có chuyện gì thế? – Lấy chiếc kèn xuống khỏi miệng, Vũ Đông hỏi.

– Báo cáo kế toán, ông xem, cô gái kia mang rau đến bán… Mẹ cô ấy bệnh nặng, muốn có ít tiền mua thuốc…

– Làm sao mà ông biết rõ như thế?

– Báo cáo…

– Không phải là hôm qua vừa mua củ đậu à?

– Báo cáo kế toán, rau của cô gái này rất tươi, rất non. Ông đến đó mà xem, rau cô ấy non lắm…

Vũ Đông ngước đầu lên nhìn vóc dáng cao ráo của cô gái đang đứng khép nép e dè trước lán ăn. Gã lau chiếc kèn, bỏ vào trong túi áo rồi đi về phía cô gái, vừa đi vừa huýt sáo mồm. Lưu gù đi theo sau, thăm chú nhìn vào đôi bắp đùi cao và chắc nịch của gã, nghe khúc nhạc vui vui êm tai từ mồm gã, bỗng nhiên cảm thấy như có một đám mây đen bao bọc lấy tâm tư. Thân thể cao lớn của gã thanh niên chắn mất tầm nhìn khiến lão không thể nhìn thấy Hồi Tú. Hình như gã có con mắt sau gáy nên lão lách về phía bên nào thì gã cũng nghiêng về phía bên ấy.

Lão đứng một bên lặng lẽ nhìn gương mặt tươi rói của Vũ Đông khi nói chuyện với cô gái, cặp mắt rất đẹp của gã nhìn cô gái một cách chăm chú. Hai con người trẻ tuổi trước mặt lão như hai cây bạch dương hùng vĩ vươn thẳng lên trời, đứng trước họ lão cám thấy mình càng thấp hơn. Trong lúc miên man với những suy nghĩ đầy tự ti ấy, lão nghe Vũ Đông nói:

– Ông Lưu, ông hãy cân toàn bộ số rau hẹ này, tôi mua tất.

– Chú ơi, không phải cân đâu, mỗi bó một cân, chỉ thừa mà không bao giờ thiếu đâu.

– Được không cần cân nữa, tin cô vậy. Ông Lưu, đếm thử bao nhiêu bó!

– Không cần đếm, ba mươi bó, không thiếu đâu!

– Được, khỏi đếm. Ông Lưu giúp cô ấy chuyển vào bếp!

– Tôi tự làm! – Nói xong, cô gái cúi người bê chiếc sọt đi vào lán, Lưu gù theo sau – Chú ơi, để rau ở đâu?

– Cứ bỏ xuống đất đi!

Cô gái cầm từng bó rau sắp ngay ngắn trên nền đất thành một đống hình tam giác. Từng cọng rau hẹ xếp lên nhau, không biết bao nhiêu cọng.

– Đi theo tôi tính tiền nhé! – Từ bên ngoài Vũ Đông nói vọng vào.

– Cháu cám ơn chú!

Cô gái lí nhí với lão rồi xách giỏ đi theo Vũ Đông đến lều lãnh đạo. Lão nhìn theo hai thân hình thanh tú ấy, ngẩn người trong giây lâu rồi mới lẩm bẩm: Không có gì, không cần cám ơn… Cô gái đi thẳng, không hề ngoái đầu nhìn lại, thân hình nhẹ nhàng thanh mảnh. Vũ Đông lại đưa chiếc kèn lên miệng, tiếng kèn réo rắt vang lên khi gã khom lưng đi qua khuôn cửa thấp, cô gái đứng bên ngoài. Vũ Đông gọi:

– Vào đây!

Cô gái đặt chiếc giỏ xuống đất, do dự ngần ngừ nhưng cuối cùng cũng khom người bước vào trong.

Lưu gù ngồi bệt xuống đất, lẩm bẩm như mê sảng: Đúng là con gái của ta, là Lý Man, là con gái của ta…
Liên tục mấy ngày sau đó, cô gái đều xuất hiện rất đúng giờ. Khi nhận tiền, lúc nào cô ta cũng do do dự dự giây lát, đến khi Vũ Đông gọi, cô ta mới bước vào trong lều.

Ngày ấy, cô ta đi vào lều, lâu lắm mà không thấy trở ra, chỉ nghe thấy tiếng kèn vui vẻ vang lên từ bên trong. Cửa lều đang mở, nắng sớm nghiêng nghiêng chiếu vào trong nên ngồi ở lán, lão Lưu vẫn nhìn thấy tất cả những gì diễn ra bên trong. Vũ Đông đang ngồi trên giường, mặt quay về hướng nam, cô gái ngồi trên một chiếc ghế, mặt quay về hướng bắc. Chiếc kèn ácmônica loang loáng qua lại trên miệng Vũ Đông, dáng điệu cô gái có vẻ cung cung kính kính như đang nghe dạy bảo. Thổi xong một khúc nhạc ngắn, miệng của gã thanh niên lại mấp máy như đang giảng giải vấn đề gì đó, rồi lại đưa kèn lên miệng, dùng hai bàn tay ôm lấy khiến lão liên tưởng đến chuyện người ta gặm bắp ngô. Bàn chân có mang đôi giày thể thao màu trắng của gã nhịp nhịp theo tiếng kèn một cách điệu nghệ.
Lưu gù dự cảm nhất định sẽ có chuyện gì đó xảy ra. Và quả đúng như vậy, gã thanh niên đứng dậy, chiếc kèn vẫn dính trên miệng, dùng bàn chân có chiếc giày thể thao trắng đá mạnh cánh cửa. Ánh mắt của lão bị cánh cửa sắt màu xanh che khuất và một nỗi sợ hãi nổi lên trong lòng lão, trái tim lão như đã vọt lên chẹn ngang cổ, chỉ cần há miệng là nó sẽ bay vọt ra ngoài. Lão nhảy xuống khỏi tấm ván chạy về phía ấy nhưng chỉ được mấy bước thì đột ngột đứng sững lại, thối lui về vị trí cũ đứng bên cạnh tấm ván, lôi ống điếu ra, nhồi thuốc đưa lên miệng nhưng không hiểu sao lại vất xuống tấm ván. Đây là con gái ta! Ta không thể để cho oắt con mày xâm phạm đến nó, không để mày dễ dàng lợi dụng nó như thế đâu – Lão tự nhủ. Lão chạy thẳng về phía lều, dùng ngực và cả hai tay xô cánh cửa, toàn thân lão đổ ập vào trong lều. Gã trai đang ngồi bên cạnh cô gái vội vàng đứng dậy, tức giận đến đỏ mặt tía tai, hỏi:

– Lão già thối! Vào đây sao không báo cáo?

Mặt cô gái cũng đỏ nhừ, luống cuống đứng dậy, ánh mắt ngây ngây dại dại như đang say rượu.
Lão lắp bắp:

– Tôi… quên mất, quên mất.

– Quên cái gì, nói mau!

– Tôi… tôi… muốn hỏi… nấu rau hẹ như thế nào?

– Rau hẹ xào củ đậu!

Lão luôn miệng lí nhí gì đó rồi lui ra khỏi căn lều. Cách lều mấy bước, lão nghe gã thanh niên nói với cô gái:

– Đội dân công làm đường này chẳng có ai là người tốt, nào là quân trộm cướp, nào là quân đánh bạc, nào là kẻ lưu manh… loại tội phạm nào cũng có cả. Giam vào trong ngục thì không đủ chỗ, thả ra thì tiếc nên ủy ban cách mạng rất thông minh và sáng tạo vất họ ra đây để làm đường.

– Vậy thì… đây là hình thức lao động cải tạo?

– Cũng không hẳn là lao động cải tạo đâu!

– Ông già gù này rất lương thiện.

– Ngụy trang đấy, lão gù này ngụy trang rất khéo.

Cánh cửa sắt đóng lại nhưng ngay lập tức được mở ra. Cô gái nói:

– Anh đừng… Em phải vế nhà chăm sóc mẹ đây…

– Sáng mai em đem rau hẹ đến nhé, đến sớm một tí, anh dạy em lái xe lu.

Cô gái đeo chiếc giỏ không lên lưng, bước đi như chạy.

Quả nhiên cô gái lại đèn, cũng vẫn một giỏ rau hẹ. Vũ Đông là người phát hiện ra cô sớm nhất, từ đằng xa đã gào lên:

– Hồi Tú! Cô đem rau đến nhà bếp rồi chờ tôi dạy lái xe cho.

Hồi Tú mang rau vào đặt xuống chỗ quen thuộc rồi cầm chiếc giỏ lên, đôi mắt ngại ngùng và có vẻ phòng bị nhìn Lưu gù.

– Lý Man… Con đừng đến chỗ đó nữa… – Lưu gù lí nhí.

– Chú đang nói gì vậy? – Cô gái ngạc nhiên hỏi.

Lưu gù giật mình tỉnh lại, những bóng mây u tối dãn dần ra trên mặt, lão lấp liếm:

– Con gái à, hình như lão đang nói mê thì phải, lão già rồi ăn nói hay hồ đồ… Nhưng nhìn con, lão lại nhớ đến con gái lão…

– Con gái chú tên Lý Man?

– Lý Man, đúng. Lúc mẹ nó sinh ra, lão đang ở trên sông và bắt được một con cá chép rất to…

– Hồi Tú! Hồi Tú! – Vũ Đông đang ở bên ngoài kêu réo.

Cô gái không chờ lão nói hết câu, kêu lên một tiếng rồi nhảy vọt ra ngoài, quên phắt chuyện phải xách chiếc giỏ đi theo. Lão đưa mắt nhìn theo đôi chân chắc khỏe và lanh lợi của cô gái, trong lòng thầm kêu khổ.

Hồi Tú đang chạy về phía Vũ Đông, chẳng khác nào cánh bướm đang lao về một bông hoa mới hé. Vũ Đông mặc bộ quần áo lao động màu lam nhạt, trên cổ lại thắt thêm một dải vải trắng trông rất phong lưu khoẻ mạnh, đôi chân như chân ngựa vừa được gắn móng sắt đạp đạp trên đất như sẵn sàng tung vó. Gã đưa một chiếc khăn vải sa màu đỏ cho Hồi Tú, nói:

– Hồi Tú, tặng cô để buộc đầu. Đây là chiếc khăn của em gái tôi để quên ở đây.

– Em không cần đâu!

– Cần chứ, tôi nghĩ là em cần.

Vừa nói, Vũ Đông vừa giũ bung chiếc khăn ra. Như một chiếc lưới bắt cá, chiếc khăn đã trùm lên đầu Hồi Tú. Trước mắt lão màu đỏ như máu loang loáng. Lão nghe trong bụng mình có một cơn đau thắt, cố gắng nuốt một lời than thở xuống bụng.

– Em nói đi, em giống ai nào?

– Làm sao em biết được, anh nói đi.

– Giống một cô dâu!

– Anh… anh toàn nói bậy… – Gương mặt cô gái cũng đỏ rực như miếng vải màu đỏ trên đầu.

– Đi! Đi đến chỗ xe lu để em nhìn một tí. Em muốn học lái xe lu không?

– Em ngu lắm, học không được đâu!

– Em rất thông minh, chắc chắn sẽ học được!

Lão trông thấy Vũ Đông nắm lấy tay cô gái. Hình như cô gái có ý giằng ra nhưng không thể. Hai con người trẻ trung ấy song song chạy về phía chiếc xe lu.
Con đường đã vươn ra khá xa. Cách căn lán khoảng vài trăm mét, con đường bị uốn cong như muốn vươn dài ra bất tận. Chiếc xe lu nằm ở cuối đoạn đường mới đắp, lù lù như một con mãnh thú. Hai người đã đứng trước chiếc xe, thân thể họ trở nên thấp bé và mảnh mai chẳng khác nào hạc đậu trên cành liễu. Chiếc khăn đỏ trên đầu cô gái được Vũ Đông buộc lên cao vút trông như một búp chuối mỹ nhân, cũng giống như một chiếc mào trên đầu gà trống; chiếc khăn quàng trên cổ Vũ Đông cũng trở nên trắng đến độ kỳ lạ. Lão nhìn họ mà cảm thấy mình như đang mê muội, như đang say rượu. Gã thanh niên mở cửa buồng lái và khi giúp Hồi Tú lên xe, gã làm như vô tình đẩy mạnh lên mông cô gái khiến lão cảm thấy lửa giận trong lòng bốc lên ngùn ngụt. Sau khi cô gái đã bò lên buồng lái gã đóng sập cửa lại rồi bước qua phía bên kia leo lên. Tiếng động cơ ầm ầm chấn động, cả đất trời run rẩy, những đụn khói đen sì cuồn cuộn phun ra khỏi ống xả ở một bên xe một cách giận dữ. Sau một đỗi, tiếng động cơ đã dịu lại, chung quanh xe, những cuộn khói trắng bảng lảng, hai khối bánh sắt to đùng bắt đầu chuyển động, những dòng chữ trắng trên bánh xe cuộn lên nhào xuống. Chiếc xe chậm chạp bò về phía trước khoảng vài chục mét rồi nặng nề quay vòng lại. Nhìn xuyên qua lớp kính, lão trông thấy một màu đỏ lấp lóa, một màu trắng cũng lấp lóa. Hai màu đỗ trắng này lại làm cho thần trí lão rối bời. Không biết từ đâu mà một bầy trẻ con trông giống một bầy châu chấu đất lọ mọ bước theo đuôi chiếc xe. Đoạn đường mà chiếc xe đi qua trở nên bằng phẳng như mặt cối xay đá. Tim lão lại nhói đau khi thấy hai màu đỏ và trắng trên nóc xe lại quyện vào nhau, bóng những cánh tay loang loáng mờ mờ đan cài vào nhau, rồi màu đỏ và màu trắng lại rời nhau ra. Chiếc đầu màu đỏ, chiếc cổ màu trắng hình như đang cố gắng sửa lại tư thế ngồi, còn chiếc xe vẫn nặng nề, hồng hộc nuốt từng phân đất một dưới thân hình nó, vết bánh xe lu in trên nền đường ngoằn ngoèo như một con giun đất dang di chuyển.

Cho đến khi ánh mặt trời đã muốn chiếu thẳng xuống đầu lão mới luyến tiếc rời ánh mắt khỏi chiếc xe lu, khỏi hai màu đỏ và trắng trong buồng lái, lập cập đi vào bếp đổ nước vào nồi và nhóm lửa. Vợ Tôn Ba dẫn theo đứa con gái e dè khép nép bước vào lán. Lão thỉ liếc nhìn hai mẹ con, tiếp tục nhào bột.

– Chú ơi…. – Vợ Tôn Ba ngập ngừng gọi.

Lão đặt cục bột lên vỉ hấp, quay người nhìn cô ta, không nói.

– Chú ơi…, cơm thừa buổi sáng còn không… Con bé cháu quá đói…

Hình như cái bụng người đàn bà này đã to hơn rất nhiều, toàn thân cô ta như muốn chúi về phía trước, gương mặt vàng võ trông chẳng khác màu một quả hạnh vừa chín tới. Con bé kéo vạt áo mẹ đứng nấp ở phía sau lưng.

– Ở trong thùng ấy, hình như vẫn còn mấy miếng, cô cứ mang về hết đi.

Người đàn bà muốn nói gì đó nhưng thanh âm phát không thành lời, bước đến góc lán xách chiếc thùng gỗ lên. Cuối cùng thì cô ta cũng nói được một câu:

– Chú là bồ tát hiện thân!

– Mau mang về đi, đem chiếc thùng trả lại đây!

Khi vợ Tôn Ba đem chiếc thùng trả lại chỗ cũ thì con bé vẫn nắm chặt chéo áo mẹ nhưng một tay thì cầm chiếc bánh bột ngô màu vàng vàng. Vợ Tôn Ba nói:

– Chú ơi, cháu có thể giúp chú nhặt rau chứ?

Lão không trả lời. Người đàn bà bê một khúc gỗ đặt xuống đất rồi ngồi lên trên, cầm một bó rau hẹ rất cẩn thận
nhặt những cọng úa. Đứa con gái ngồi bên cạnh mẹ thì thầm:

– Mẹ, con muốn ăn rau hẹ.

Vợ Tôn Ba liếc nhìn Lưu gù, than thở: Mày quả là một đứa háu ăn! Than xong thì nhặt ba cọng rau to, lật vạt áo lên lau qua loa rồi đưa cho con bé. Nó cầm lấy cắn nhai rau ráu.

Đúng lúc ấy, Lưu gù nghe thấy bên ngoài có tiếng lao xao. Lão ngoái đầu nhìn, Vũ Đông và Hồi Tú đang cười cười nói nói tiến vào. Gã thanh niên hoa chân múa tay, gương mặt vui vẻ mãn nguyện; chiếc khăn đỏ trên đầu cô gái đã được quàng xuống cổ, gương mặt trắng hồng điểm những giọt mồ hôi lấp lánh.

– Tôi đã bảo rồi, em có thể học được, đúng không? Quả nhiên là em đã học được, em thật thông minh.

– Là em lái xe chạy à? Em chỉ cần đạp nhẹ vào chiếc bàn đạp bằng sắt là nó tự động chạy à?

– Đúng là như vậy, chiếc xe là do em điều khiển chạy đấy!

– Thế… thế thì…

– Trưa nay ở đây ăn cơm nhé!

– Không! Mẹ em ở nhà sẽ lo lắng lắm…

– Ăn cơm xong là em về ngay thôi mà, tôi sẽ bảo lão Lưu làm riêng cho em một món ăn.

– Không, không…

– Không cái gì? Nếu tôi không mua hết rau thì liệu lúc này em đã từ cái chợ xa tít tắp ấy về đến nhà chưa nào? – Nói xong câu này, Vũ Đông đã xuất hiện trước cửa lán, vẻ hạnh phúc trên gương mặt không hề che giấu – Lão Lưu, đã nấu cơm xong chưa? Ôi trời, ông vẫn chưa xào rau à?

– Xào xào ngay bây giờ.

– Mười một giờ rồi mà ông vẫn chưa hấp xong bánh bao. Ông làm ăn cái kiểu gì thế?

– Tôi… tôi ngủ quên mất…

– Nhanh lên! Xào rau xong thì rán cho tôi một đĩa trứng, cho dầu nhiều nhiều vào!

– Được có ngay!

– Ông chờ một tí rồi đến lều lãnh đạo lấy trứng gà!

– Vâng, vâng…

– Bà ngồi đây làm gì? – Vũ Đông hỏi vợ Tôn Ba.

Vợ Tôn Ba chống hai tay xuống đất, ban đầu là chổng chiếc mông lên trời, tiếp theo là vặn chiếc eo lưng nặng nề đứng dậy, lắp bắp:

– Tôi thấy chú ấy quá vất vả, muốn giúp một tay…

Vũ Đông lạnh lùng nhìn con bé đang cầm bánh bao và rau hẹ ăn ngon lành, nói:

– Bà vẫn chưa có ý định về à? Chồng bà đang tham gia học tập, không phải là công nhân đâu!
Gương mặt vợ Tôn Ba đầy vẻ nhẫn nhục, chiếc cổ hình như không giữ nổi cái đầu ở trên nên nó ngoẹo sang một bên, lí nhí:

– Đúng thế… đúng thế… Báo cáo lãnh đạo, chỉ còn vài ngày nữa là tôi sinh… Chỉ cần qua dăm bảy ngày nữa, đẻ con xong tôi sẽ về… Lãnh đạo, xin ông thương tình. Những hạt bánh rơi vãi từ miệng mọi người cũng đủ cho mẹ con tôi sống qua ngày… Lãnh đạo, xin ông hãy mở lòng nuôi hai con… hai con chó trong đội…

– Người đàn bà không nói hết câu, ôm mặt khóc nấc lên.

Đột nhiên lão nhớ ra rằng, con chó độc nhãn đã chết sáu ngày trước đây, chết trên bờ sông, mõm vùi dưới bùn, bụng trướng lên như một chiếc trống nhỏ.
Có vẻ thông cảm, Vũ Đông nói:

– Được rồi, được rồi, đừng khóc nữa! Muốn ở thì cứ ở lại đây. Cũng là cánh nghèo khổ như nhau, thôi thì cứ ở đây đẻ con xong hẵng hay.

– Nếu đẻ lần này mà được con trai, tôi sẽ đến bệnh viện để triệt sản thôi… – Vợ Tôn Ba nói.

– Không có chuyện gì thì chớ có đến đây gây phiền phức, có chuyện gì bà có chịu trách nhiệm nổi không? Không nổi chứ gì thế thì ăn xong thì dẫn con về lều đi – Vũ Đông nói.

– Vâng, tôi không dám đến đây nữa đâu. – Người đàn bà vừa nói vừa kéo vạt áo lên lau nước mắt.

Vũ Đông bỏ ra ngoài, bảo Hồi Tú đi cùng gã đến lều chỉ huy.

– Em cần phải về rồi, – Hồi Tú nói.

– Tôi dạy em thổi kèn ácmônica nhé!

– Em học không được đâu!

– Nhất định là em sẽ học được!

Nói rồi gã nắm lấy tay Hồi Tú lôi đi. Cô gái nửa muốn rút tay ra nửa thuận tùng, nhưng cuối cùng cũng theo gã đi về phía chiếc lều vải…

Lão đi theo sau Vũ Đông, gắng hết sức vươn cao chiếc lưng gù để lầm nhìn được xa hơn, để hình bóng gã thanh niên khỏi mất hút dưới tầm mắt của mình. Sao lấp lánh đầy trời, mặt đường loang loáng. Ở thị trấn Mã Tang, đèn điện đã được bật lên, những chiếc đèn đường được mắc trên những chiếc trụ cao tỏa ánh sáng vàng vọt. Vũ Đông rất khôn ngoan đi từ phía tây vòng ra phía trước thị trấn, len lỏi giữa những bóng cây ven đường. Ngay tại ngã tư trước thị trấn, gã nhanh chóng lẩn vào bóng tối của một lùm cây rậm rạp, mất hút. Quan sát rất lâu, lão mới phát hiện ra gã đang đứng nép đằng sau một thân cây to. Lão ngồi thụp xuống, ngó nghiêng suy nghĩ một lát rồi nằm úp xuống đất, bò thật chậm thật êm vào một đám hoa màu sát bên cạnh con đường. Hoa màu vẫn còn quá thấp, có lẽ cao chưa đến đầu gối lão, bụng lão chà xuống đất bằng và mũi lão ngửi thấy mùi hăng hăng đăng đắng của lá hoa màu bị giập nát. Đưa tay mò mẫm hồi lâu lên thân cây cưng cứng tròn tròn và nghĩ mãi cuối cùng lão mới nhận ra đây là cây đậu lạc. Lão dùng sức nhổ một cây, đưa tay sờ soạng dưới gốc và quả nhiên lão đã mò được mấy quả treo lủng lẳng trên những chiếc cuống rất dài bên dưới gốc cây…

Bữa trưa hôm nay cuối cùng cũng chậm một tí so với lệ thường khiến Vũ Đông tức giận đến mức muốn tặng cho lão mấy cú đá vào mông. Mười hai rưỡi rồi, lão gù khốn kiếp, tôi xem ông đã làm cơm xong chưa! – Vũ Đông nói. Xong rồi, xong rồi – lão lắp bắp. Để rán mười bốn quả trứng gà, lão đổ vào chảo đến một môi to dầu lạc. Lão làm món trứng rán này vô cùng cẩn thận, còn cho thêm một ít rau hẹ non. Con gái, con gái của ta. Mười tám năm rồi, e rằng con chưa ăn được mười tám quả trứng đâu, con gái của ta. Chảo trứng đã chín, đổ đầy cả một đĩa to đùng, màu vàng đỏ của trứng, màu xanh của rau hẹ vô cùng bắt mắt, mùi thơm sực mũi. Vũ Đông chun mũi hít hít khen: Khá lắm, lão gù! Ông đúng là tay rán trứng có hạng đấy! Nói xong gã bê lấy đĩa trứng, thuận tay cầm luôn bốn chiếc bánh bao rồi bảo: Ông đánh kẻng thu quân đi. Từ nay về sau không cho phép ông nấu cơm muộn nữa, nhớ không?

Lão dùng thanh sắt gõ mạnh vào đoạn tà vẹt, những tiếng kêu đanh và khô vang lên. Sau khi vào trong lều, Vũ Đông đóng kín cánh cửa bằng sắt lại. Mọi người vừa nghe tiếng kẻng là đã vứt công cụ đang cầm trên tay, xiêu xiêu vẹo vẹo chạy ùa về phía lán ăn.

Bày thức ăn cho mọi người xong, Lưu gù lại múc đầy một đĩa rau hẹ – thức ăn duy nhất của mọi người – lò dò đến bên cửa lều chỉ huy dùng chân đá mạnh. Cánh cửa đang khép hờ mở toang dưới cú đá tận lực của lão. Trước mắt lão, gã thanh niên đang gắp một miếng trứng rán đưa đến bên chiếc miệng đang khép chặt của cô gái. Lão nói:

– Báo cáo lãnh đạo!

– Ông đến đây làm gì? – Gã thanh niên giận dữ quát.

– Báo cáo kế toán, tôi mang thêm thức ăn đến cho ông… Bữa nay rau hẹ xào có thêm một ít tôm khô…

– Đặt lên trên bàn đi!

Chỉ một lát sau, lão lại đứng trước cửa lều báo cáo.

– Lão lại đến đây làm gì, lão gù khốn kiếp?

– Tôi muốn thu dọn bát đĩa để rửa…

Khi lão mang bát đĩa ra ngoài, cô gái cũng theo chân lão đi ra. Gã thanh niên kêu lên:

– Đừng về vội, tôi vẫn chưa dạy cho cô thổi kèn mà!

– Em phải về nhà chăm sóc mẹ rồi, nếu không mẹ em sẽ nhớ em lắm! – Cô gái nói với vẻ khó khăn.

– Cũng được… – Vũ Đông bước theo chân cô gái – Để tôi tiễn em…

Lão hái một trái đậu, lột vỏ rồi bỏ hai hạt đậu non vào mồm. Mùi vị của lạc non khó chịu vô rùng, nuốt không xuống, lão đành phải nhổ ra.

Cuối cùng thì lão cũng đã trông thấy chiếc bóng cao gầy của cô gái đi từ trong thị trấn ra và chui vào bóng tối của lùm cây. Lúc này, cái thân hình đứng ép sát vào một gốc cây của Vũ Đông mới tách khỏi thân cây, thì thầm: Cuối cùng em cũng đã đến. Cô gái nói một câu gì đó rất nhỏ, lão không thể nghe được. Vũ Đông nói: Chúng ta gặp nhau một cách quang minh chính đại, sợ ai kia chứ? Bố mẹ anh đều là đảng viên, anh là đoàn viên. Em sợ… nhưng cũng thắng biết mình sợ cái gì…
– Cô gái nói. Những câu nói sau đó quá nhỏ, lão đã dỏng tai lên nhưng không thể nghe được họ nói gì.

Hai chiếc bóng quyện chặt lấy nhau, tay nắm tay, men theo con đường đất đi về phía đông. Lão bò dậy khỏi đám đậu lạc lặng lẽ đi theo sau.

Đi về phía đông khoảng năm mươi mét, một con đường nhỏ chạy theo hướng Nam – bắc cắt ngang con đường theo hướng Đông – tây mà họ đang đi tạo thành một ngã tư. Hai chiếc bóng do dự một lát rồi chạy thật nhanh theo con đường hướng về nam. Lão lặng lẽ bám riết phía sau.
Hai bên con đường nhỏ này là những khoảnh ruộng trồng đay cao quá đầu người. Tiếng côn trùng rên rỉ trên vòm lá khiến người ta cảm thấy rờn rợn. Một mùi thơm của đậu rang vàng từ dưới ruộng đay xông lên.

– Hình như phía sau có người theo dõi chúng ta. – Tiếng cô gái nói.

Lão hoảng hồn thụp người xuống sát mặt đất, không dám thở mạnh.

– Không có đâu, – tiếng gã thanh niên. – Em đừng tự dọa mình thế!

– Rõ ràng em nghe có tiếng bước chân.

– Đó chính là tiếng bước chân của chúng ta!

– Hình như hôm nay lão gù đã phát hiện ra điều gì đó ở thúng ta, đôi mắt lão khiến em phát sợ.

– Sợ lão gù khốn kiếp đó à? Anh sẽ đập chết lão. Đúng là em đang tự tìm cái sợ để ngăn cấm mình đấy thôi!
Hai người vẫn tiếp tục đi thẳng về phía trước. Lão bò dậy, cởi giày cầm trên tay. Đôi chân trần của lão giẫm lên mặt đất nóng hổi vì bị ánh nắng thiêu đốt cả ngày.

– Chúng mình tìm chỗ nào đó ngồi tí nhé! – Gã thanh niên nói.

– Chỗ nào?

– Trên gò đất cao kia nhé!

– Không, không nên đến đó!

– Sao thế? Trên gò rất bằng phẳng.

– Nơi đó vốn là một lò gạch, trong lò gạch có ma!

– Ma quỷ gì kia chứ?

– Một con ma nam và một con ma nữ. Trước đây mấy năm, mỗi khi gặp trời mưa, ở đó có tiếng ma khóc rất thê thảm.

Gã thanh niên cười hi hí, nói:

– Mê tín! Làm gì có ma tồn tại trong đời này!

– Anh không tin à?

– Không tin!

– Chuyện ma khóc là có thật đấy, nhiều người nghe rờn bắt đầu là tiếng khóc của ma nữ, sau đó là ma nam khóc theo, tiếng khóc của ma nam chẳng khác gì tiếng
sói tru.

– Em đã nghe khóc bao giờ chưa?

– Em chưa nghe, nhưng mẹ em nói là bà đã nghe rất nhiều lần.

– Ma cũng sợ anh thôi, đi, chúng ta đến đó đi!

– Em không…

– Có anh đây, em sợ cái gì chứ? Ma lớn ma nhỏ, ma nữ ma nam đều không qua được nắm đấm của anh đâu. Anh có học võ nghệ đấy!

Gã thanh niên dắt cô gái lên trên gò đất.

Lão bò dọc theo những hàng đay, cách gò đất khoảng mười mấy bước thì dừng lại. Trong khi bò, bụi đất chui tọt vào trong cổ họng khiến lão muốn ho. Lão vơ vội một nắm cỏ dại nhét vào mồm trệu trạo nhai và cố gắng nuốt những giọt nước cổ khô đắng qua cuống họng mình.

– Không phải là anh đang đùa giỡn với em phải không? – Tiếng cô gái.

– Sao em lại hỏi mãi anh một câu này thế?

– Em không tin là anh thương em thật lòng. Em thiếu văn hóa, cũng chẳng xinh đẹp.

– Em rất đẹp! Anh yêu em.

– Có đúng là anh sẽ đưa em về huyện không?

– Đúng thế…

– Ôi… Anh đừng làm thế… Anh cũng sẽ đưa mẹ em đi nữa chứ?

– Tất nhiên rồi.

– Anh không hề yêu em… Ôi… Anh đang lừa em thôi… Em nghe từ trong lòng mình có ai đó nói là anh đang lừa em…

– Em cần anh thề không? Cần không? Nếu Vũ Đông tôi lừa Hồi Tú thì trời đất đánh cho tôi chết ngay bây giờ!

– Ôi anh! Đừng nói nữa…

Trước mắt lão, hai cái bóng đen dính sát vào nhau. Tai lão còn nghe cả tiếng thở gấp gáp của gã thanh niên và tiếng nói đứt đoạn của cô gái: Anh đừng làm thế… đừng… đừng… Chúng ta vẫn chưa thành vợ chồng…

Rất khó diễn tả những cảm xúc trong lòng lão lúc này, nhưng có một cảm giác rất rõ ràng là lão nghĩ mình sắp chết, hay nói cách khác là chẳng khác nào đang chết. Không suy nghĩ gì nữa, lão ngoác mồm thật to và từ đó những tràng âm thanh như những tiếng hú của sói, của ma quỷ vang ra…

– Ma…! Hồi Tú đẩy Vũ Đông ra, kêu lên kinh hoàng.

Tràng hú thứ nhất thoát ra khỏi miệng, Lưu gù cảm nhận được một khoái cảm ập đến. Hình như cổ họng lão đã được thông suốt, những uất hận chất chứa lâu nay trong lòng biến thành những tràng âm thanh quái dị của đàn ông chẳng ra đàn ông, của đàn bà cũng chẳng phải của đàn bà liên tục trào ra. Đầu lão giật về phía sau, một ngón tay lão đè lên cục yết hầu đang chạy lên chạy xuống, cho nên những tiếng hú lúc thì cao vút, lúc thì trầm đục. Hồi Tú nhảy mấy bước là đã xuống khỏi gò đất, không kể phương hướng, chạy bán sống bán chết theo những bờ ruộng nhỏ. Vũ Đông lao theo sau, ngoái đầu nhìn lại nơi đã phát ra những tràng âm thanh quái dị nhưng không đủ gan để dừng lại, chạy thục mạng theo bóng dáng Hồi Tú ở phía trước…

Trong ngày cuối cùng của cuộc đời lão, Hồi Tú mang đầy một sọt cải bước vào bếp, chẳng nói chẳng rằng đặt xuống đất rồi quay người bước đi. Lão đứng sừng sững ở cửa, không cho Hồi Tú bước ra ngoài.

– Chú có việc gì à?

– Con gái… Con là con gái ruột của ta!

Cô gái cười cay đắng, buồn bã nói:

– Chú… chú đừng đùa ác với cháu như vậy…

– Không phải ta đùa đâu, con gái. Con hãy nghe ta nói, con vốn tên là Lý Man, mẹ con sinh con ra đúng vào lúc ta bắt được một con cá chép to trên sông. Sau đó, mẹ con và con đã bỏ ta mà đi, ta đến cướp con về nên đã bị người ta đánh cho gãy lưng.

– Chú ơi, chú lại nói những lời trong mộng nữa rồi. Lúc bố chết cháu còn nhớ như in trong đầu. Bố cháu nhường cơm cho cháu ăn, đói quá nên mắc bệnh phù thũng mà chết… Chú mạo nhận là bố cháu làm gì thế?

– Lý Man, ta là bố con. Trên bụng con, dưới rốn có một nết ruồi đen rất to… Lão ôm lấy Hồi Tú đẩy về phía tấm ván ngủ của mình và giật dây lưng quần cô gái định cởi quần cô ta ra.

– Lão già thối tha, lão định làm gì thế? Cứu, cứu tôi với! – Vừa giãy giụa, Hồi Tú vừa kêu lên thất thanh.

Tay lão vừa tiếp xúc với làn da bụng mềm ấm của cô gái thì đằng sau vang lên một tiếng quát rất đanh:

– Đồ chó già, dừng tay lại!

Cô gái trông thấy Vũ Đông thì không giãy giụa nữa mà ôm mặt khóc nấc lên, vừa khóc vừa chửi:

– Đồ lưu manh, đồ dâm tặc, đồ súc sinh… Lão bảo em là con gái lão, nhưng vừa nói thế lão lại vừa cởi quần em… Đồ lưu manh, đồ dê già…

Trước mắt lão như mây mù dày đặc và hình như lão đang đi trong đó, mắt chẳng phân biệt được phương hướng và mọi vật. Gương mặt cô gái cũng trở nên mờ mờ ảo ảo và hình như được nặn bằng thạch cao lấp lóa… Lão thều thào mê sảng:

– Con gái… Con tên là Lý Man. Lúc mẹ sinh con ra, ta bắt được một con cá chép rất to trên sông… Phía dưới rốn của con có một nốt ruồi to màu đen…

Vũ Đông đã vung nắm đấm vốn rất đỗi tự hào của gã lên, nhắm thắng vào huyệt thái dương của lão đánh tới. Lão chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi mềm như một cọng miến, từ từ ngã lăn xuống nền đất…

 

Mạc Ngôn

Nguồn: Isach.info

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài