Nhớ nhà
Một ngày kia có người đồng hương được bổ nhiệm Huấn đạo[115] ở Hà Hoa[116] đến từ biệt để về Hương Sơn. Nhân tiện tôi gửi thư cùng vài ba thứ phẩm vật ở Kinh thành nhờ đưa về quê. Viên Huấn đạo nói là ở kinh làm chức quan nhỏ, ngày tháng kéo dài, tiền đi đường cũng không có; tôi cho ông ta mượn vài mươi quan tiền. Ông ta lấy làm mừng rõ, từ tạ tôi mà ta đi.
Đêm hôm đó, tôi ngồi ngơ ngẩn một mình lại nhớ tới quê xưa. Trăng trong chiếu cửa sổ, mối tình thao thức chẳng chớp mắt được. Canh khuya mỏi mệt nằm trong cửa sổ mà ngủ. Nhưng tâm hồn sầu muộn cứ quấn quít bên gối, chợp chờn nghe tiếng chim vừa bay vừa kêu, bỗng tỉnh giấc. Một điểm sáng đèn tàn còn nguyên trên vách, tôi gọi tiểu đồng mang đàn lại chuyển điệu giờ lâu, lại sai pha trà, uống chừng vài ba chén trà cũng vô vị. Tôi ra trước sân đi tản bộ miễn cưỡng ngâm vài bài thơ nhỏ để tự an ủi:
Bài thứ nhất
Tỉnh hậu vị qui khứ
Giai tiền nguyệt hựu sinh
Bình hồ khởi thu sắc
Độc điểu tác li thanh
Mỗi đắc du sơn mộng
Y nhiên tại đế thành
Nhược ngu nguyên thả trí
Hà ngã lộng hư danh.
Tỉnh giấc quê đâu tá
Trước thềm nguyệt ló ra
Kêu đàn chim độc nọ
Ngắm cảnh hồ thu xa
Chơi núi thường nằm mộng
Ở Kinh vẫn thế mà
Dẫu khôn mà hóa dại
Danh nọ cứ ham a?
Bài thứ hai
Dạ tọa thiên sầm tịch
Vân biên thính nhạn qua
Hồ minh thâm đắc nguyệt
Thụ cổ cưỡng khai hoa
Trà hiết thi hoài thiểu
Cầm dư khách tứ đa
Liên kê minh thất độ
Tinh đẩu mãn quan hà
Cảnh tối ngồi nơi vắng
Từng mây lắng nhạn bay
Hồ trong trăng chiếu sáng
Cây cối hoa nở chầy
Trà cạn lòng thơ cạn
Đàn đây nỗi khách đây
Thương gà kêu nhớn nhác
Tinh tú quan hà đầy
Có một ngày, đang đêm giữa canh hai, tôi đi nằm thì lính hầu vào báo: “Ngoài cửa có một cái cáng rất lộng lẫy đang tiến đến, có hai cái đèn lồng dẫn đường, không biết của viên nha nào”. Tôi hoảng lên trở dậy đứng đợi thì thấy là Quận hầu. Tôi mời vào, hai người cùng ngồi. Tôi kinh ngạc hỏi rằng: “Đang đêm Quận hầu đến, tất phải có việc gì?” – Ông nói: “Tôi vâng mệnh cha tôi đến hỏi về dược phẩm. Nguyên trong ng ày có người tiến dâng đơn thuốc, trong đơn có kê vị thần thảo, chẳng biết khí vị nó như thế nào, đã lục tìm quyển Bản Thảo, nhưng không thấy đâu, cho nên tôi phải đến thỉnh vấn để biết cho rõ mà chế thuốc”. Tôi lấy giấy bút tả kỹ càng rồi đưa nạp. Ông hỏi được rồi, chẳng kịp uống trà, chào tôi rồi đi ra. Tôi nhân nghĩ rằng: “Từ ngày đến Kinh tới nay, mỗi lần vào gặp quan Chính Đường thì ngài lấy lễ đãi mình rất hậu; còn hỏi thuốc là việc nhỏ mọn cũng sai đến con. Kính đãi như vậy thì ngày trở về của mình chắc là không ấn định được”. Tôi đem những bài thơ của tôi gửi đến Quận hầu, để tỏ nỗi lòng nhớ quê hương của tôi mà mong được đạo đạt. Nguyên từ lúc tôi xin được ra ở ngoài để chờ mệnh lệnh, nhiều lần tôi xin Quận hầu nói với quan Chính Đường để ông dùng quyền lực mà cứu giải cho; tuy đã dùng vạn kế, lại đã xin nghìn lần, rốt cuộc chẳng ăn thua gì cả. Quận hầu mới đem những tác phẩm về thơ của tôi đệ trình ông thân sinh và ra sức xin hộ một phen. Quan Chính Đường đem thơ xem đi xem lại, coi kỹ càng chỉ mỉm cười mà thôi. Lúc này đã là tháng năm. tôi có húy gia tiên[117]; tôi làm tờ khải xin trở về làng cũ, nhưng không được phép. Nguyên là lúc ấy tuy chẳng dùng hẳn phương cách chữa thuốc của tôi, nhưng mỗi khi đem dùng cái đơn thuốc nào, lại cho tôi được coi. Khi này Thế tử bệnh kịch, tôi biết là không dược rời chỗ ngụ, mới sắm sửa đèn nhang bày lễ ngay chỗ trọ.
Một ngày nọ có quận chúa[118] mang thai bị băng huyết. Chồng bà là phò mã Cung (phò mã là con Quán Quận công, cùng ở một huyện với tôi) sai người đến mời tôi, còn nói rõ là đôi bên có tình lân lý. Tôi tới chẩn bệnh. Phò mã có ý lưu tôi ở lại đó vài ba ngày, nên điều đình với tôi. Tôi nói là quan Chính Đường dặn tôi không được dời chỗ mà đi đâu, đợi có thánh chỉ tuyên triệu. Nghe xong ông cũng không nói gì cả. Có biết đâu Quận chúa ngầm sai thị tì vào phủ tâu xin được giữ tôi lại để chữa chạy. Ngài ngự phán rằng: “Người này già lão bệnh tật không làm được việc”, lại sang riêng thủ phiên Hữu viện đến (tên là Tân). Phò mã đem sự thực bảo tôi. Từ lúc hiểu rõ việc này, tôi mới biết quan Chính Đường quả đã trình Thánh thượng cái ý của tôi. Chỉ vì vị này nhất sinh lắm bệnh nên không chịu buông tôi ra mà dùng kế, đổ cho là việc công cần đến tôi. Tôi đến ngay nhà Quận hầu, nói rõ cái ý ấy. Quận hầu nói rằng: “Cha tôi lấy sự thành thực mà đãi người, vốn không có ý gì khác, thấy lão sư thì mười phần kính yêu, chẳng muốn xa nhau đó thôi. Lão sư đã không có bụng ở lại lâu, có ý nào lại không theo ý lão sư. Gần đây về những bài thơ của lão sư, tuy cha tôi không nói rõ, nhưng có ý than vãn ngầm. Như vậy việc trở về bất nhật sẽ đến vậy”. Tôi mừng rỡ nghĩ rằng: “Cổ nhân ngâm thơ có thể làm kinh động cả quỷ thần, thơ của tôi cũng có thể làm cảm động Vương hầu. Cái ích lợi của thơ hẳn là có, chẳng sai vậy”. Tôi đọc bài thơ Ở nhà trọ gặp mưa cảm hoài. Với đề tài này người bạn của tôi là quan Viên Hình cũng làm một bài. Tôi cũng đọc bài Trông trăng tỏ nỗi lòng. Hai người lại ngâm cho Quận hầu nghe, ai nấy đều nói lên cái chí của mình. Thơ có chứa chất cái điều gì ở trong, ắt hiện ra ở bên ngoài. Tôi nay như say như mơ, quân hầu há lại không nghĩ thương sao?
Kỳ khách xá ngộ vũ cảm hoài thi văn
Cuồng phong sậu vũ hốt nhiên sinh
Khách xá tiêu tiêu vạn lũ tình
Viễn thụ hàm yên vân ngoại ám
Bình hồ suy lãng thủy trung minh
Qui sào mộ điểu phân quần khứ
Hà xứ sơ chung báo hiểu minh
Bất vị khổ trà năng khước thụy
Ưng tri thử dạ mộng nan thành.
Ở Nhà trọ gặp mưa cảm hoài
Bỗng đâu gió táp lại mưa sa
Trăm mối u tình kẻ trọ xa
Mây cách hàng cây làn khói ám
Nước rung đợt sóng mặt hồ đưa
Chim chiều tìm tổ chia bầy tẽ
Chuông sớm ngờ nơi báo sáng mà
Trà đắng ai rằng không chợp mắt?
Đêm nay mộng mị dở dang a!
Kỳ đối nguyệt thư hoài thi văn
Nhận đắc Hương sơn nhất phiến nguyệt
Như hà dạ dạ chiếu thần kinh
Ỷ lâu ca quản thiên hồi túy
Cận thủy đình đài vạn sắc sinh
Đãn giác thanh thiêm diên thượng khúc
Ưng tri đạm bức lữ trung tình
Di chân đường thượng kim tiêu hội
Mạc cổ dao cầm tác oán thanh.
Trông trăng tả nỗi lòng
Hương sơn vẫn một mảnh trăng thanh
Tối tối thường soi khắp đế kinh
Cai quản tựa lầu say túy lúy
Đình đài gần nước ánh long lanh
Thanh cao khúc nhạc người trong tiệc
Lạnh nhạt tình ai buổi lữ hành
Nhà mát Di chân đêm tại đó
Đàn kia ai oán gẩy sao đành
Quận hầu hỏi: “Di chân đường ở đâu vậy?”. Tôi đáp: “Đó là cái nhà giữa của tôi ở quê, cây cối um tùm, thật là mát mẻ và yên lặng. Mỗi khi có trăng trong thì họp con cháu lại, uống rượu mua vui”. Quận hầu cười mà rằng: “Người xưa nhớ đến rau rút cá mè[119], bỏ quan mà về; lão sư thanh dật lạc thú hơn cả câu chuyện rau rút cá mè nữa; sao mà chẳng khẩn khoản đòi về làng”. Lại nói tiếp: “Lão sư nên viết rõ hai bài thơ kia, rồi cho người nhà mang đến cho tôi, đợi dịp đệ trình”. Tôi cáo biệt trở về nhà trọ, vội mang bút giấy chép, xong cho người nhà đem những bài thơ đó đến nhà Quận hầu. ——————–
[115] Huấn đạo: một chức quan coi việc học trong một huyện hay một phủ. [116] Hà Hoa: tên một phủ. Đời vua Lê Thánh Tông, phủ Hà Hoa thuộc tỉnh Nghệ An. Đời vua Minh Mạng, hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ được đặt làm tỉnh Hà Tĩnh, cho lệ thuộc vào tỉnh Nghệ An, đặt chức An Tĩnh Tổng đốc cùmg một Bố chánh, một Án sát để cai trị. [117] Húy gia tiên: giỗ tổ tiên trong nhà. [118] Quận chúa: tiếng gọi con gái các vị có tước vương, thuộc dòng tôn thất. [119] Rau rút cá mè: chữ Hán là thuần lư. Trương Hàn đời Tấn, đến mùa thu, nhớ canh rau rút và gỏi cá mè ở quê mình, liền từ quan mà về.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài