Trương Hiền Lượng
Quả nhiên ga rất nhỏ. Tôi tìm ra là nhờ cái đèn tín hiệu bên đường sắt. Ga không có ke lên xuống tàu. Đó là một căn nhà đắp đất, không lớn hơn cái bốt gác của cảnh sát. Nóc nhà, tuyết phủ dày cộm, như một cái nấm đơn độc giữa đồng tuyêt mênh mông. Trong nhà không có đèn, tối như mực. Tôi đẩy cánh cửa ghép bằng những thanh gỗ, bước vào. Quả như lời đội trưởng Tạ đã nói, có một bếp lò bằng thùng đựng dầu, than đã sắp tàn. Tôi rũ tuyết trên người, nhờ tia sáng yếu ớt hắt ra từ đáy ghi, tôi tìm thấy cây thông lò. Tôi dùng cây thông lò quét trên mặt đất, cuối cùng phát hiện ra đống than nhỏ ở một xó. Tôi cho than đầy lò, thông xỉ xong, bèn ngồi xuống chiếc ghế băng, tháo đôi giày bông rách ra, gạt sạch bùn tuyết, dùng đế giày quét sạch mặt lò, rồi hơ đôi giày và hai cái bánh quả lên đó.
Lò cháy rất nhanh,lưỡi lửa liếm ra cửa lò. Ánh lửa bập bùng trong căn nhà nhỏ. Hai bàn chân tôi kẹp lấy thành lò vỏ sắt, chỉ lát sau, toàn thân tôi ấm sực lên. Tôi vừa lật cái bánh, vừa ngắm gian nhà. Bốn vách tường chi chít những hình vẽ của hành khách cao hứng sáng tác trong lúc đợi tàu, y như lạc vào huyệt động của bộ lạc săn bắn nguyên thuỷ châu Phi đã từng ở. Điều kỳ lạ là ở đây không có cửa bán vé. Ơ, tôi nhớ lời anh cán bộ biên tập có nói, đây không phải là nhà ga, mà là một điểm lên xuống. Chỉ có tàu chậm gặp ga là dừng mới đỗ ở đây một phút. Tàu chậm đến đây lúc bốn giờ sáng vậy là tôi phải đợi ở đây đến bốn giờ.
Đợi thì đợi. Tôi ăn bánh quả cỏ, nhớ đến Hỉ. nếu thuận lợi, giờ này anh đã đến nhà bà cô. Tôi chân thành chúc anh ăn Tết vui vẻ, chúc anh từ nay sống hạnh phúc!
Tôi ngủ gật bên bếp lò ấm áp không rõ bao lâu chợt nghe tiếng chân giẫm trên tuyết lạo xạo ngoài cửa. Tiếp đó đội trưởng Tạ đẩy cửa bước vào.
– Mẹ kiếp, tuyết to thật! – bác giậm chân, rũ quần áo và mũ, vươn cái cổ ho sù sụ, nói – Chú vẫn ở đây à? Thế nào, ở đây đỡ hơn chứ? mấy người kia bò trong tuyết hết đêm, thật tội!
Bác chưa biết “mấy người kia” đâu có bò trong tuyết. Họ về nhà ngủ từ đời địa nào. Tôi đâm ra thương và nể bác. Bác quan tâm chăm sóc cho tôi, bản thân bác cũng rất có trách nhiệm.
Tôi bảo bác ngồi bên tôi , đưa chiếc bánh còn lại để bác ăn. Bác cầm lên ngắm nghía, khen tôi biết nướng, nhưng bác lại để trên lò, không ăn. Bác nói, ở ngoài chuồng dê ninh một chảo xương to, cho vào đấy ít bột quả cỏ, làm một bữa “cháo dê”, Những người đến làm đêm, mỗi người húp hai bát. Tôi nghĩ Hoa và bé Xá cũng ăn rồi, nghĩ vậy, lòng tôi thấy ấm hẳn lên.
– Bác đội trưởng – tôi hỏi – có tóm được Hỉ không?
– Tóm cái con khỉ. Thằng chết tiệt ấy lẩn lút rất giỏi. Nó đã bỏ đi thì ai mà tóm được! – bác xát xát mũi, nhìn lò lửa không chớp mắt.
– Đã biết không tóm được tại sao còn bắt chúng tôi đi đuổi? – tôi ngạc nhiên.
– Dào ôi – bác thở dài – không đuổi theo một tí cho có lệ thì không xong với nông trường bộ. Họ sẽ kêu ca, là nó bỏ đi mà lão Tạ cứ để mặc thì làm sao có ăn? Thế là tội lại đổ lên đầu. Tôi đến đây là để đợi đáp chuyến tàu bốn giờ đi nông trường bộ báo cáo.
Bác bảo tôi, phía đông, cách mười lăm cây số, là nhà ga, rẽ hướng nam mười cây số là nông trường bộ. đường sắt chạy xiên, ga sau cách nông trường bộ không xa, xuống tàu đi một cây số là đến. Thì ra bác cắt đặt rất khéo, vừa giả bộ đuổi theo Hỉ vừa nhân đó đi lên nông trường bộ.
– Anh ấy có sai lầm gì không mà sao nông trường bộ cứ phải bắt lại hả bác?
– Nó sai cái đếch gì. Nó chỉ có cái tội là làm giỏi quá nên không ai muốn nhả ra. Chú chỉ thấy hắn đánh xe nên không biết thôi, thật ra hắn làm việc nào cũng giỏi, từ cày bừa cuốc xới, đập lúa kéo trục đến nung gạch xây nhà. Thời buổi này tìm đâu ra lao động giỏi như thế?
Ôi Hỉ quả không nói ngoa. Tôi lại hỏi:
– vậy nếu bắt được thì xử lý ra sao?
– Xử lý cái cứt gì, cam đoan không bỏ đi nữa là xong thôi. Người ta đâu có ăn trộm ăn cắp gì?
Bác chống khuỷu tay lên cạnh bếp, mặt đỏ rực vì ánh lửa. Da mặt bác dãn ra, ánh lửa soi rõ những nếp nhăn chi chít, dấu vết của lao động quanh năm ngoài trời mưa nắng. Chắc bác bị đau mắt hột nặng nên nước mắt đục ngầu cứ ứa ra không ngừng. Tôi đoán con người bác già hơn tuổi bác rất nhiều. Nhưng lúc này, cũng như lần đầu tiên bác nói chuyện riêng với tôi, gương mặt bác đều bỉêu lộ sự khoan dung độ lượng mà chỉ người già mới có. Tôi cảm động quá, và cũng muốn được làm việc với Hỉ, nên suýt nữa thì “khai” với bác là Hỉ đang ở nhà bà cô, bác đến mà bảo anh ấy về. Nhưng nghĩ lại, thấy tốt hơn hết là đừng có chó chạy trước hươu để thất tín với anh. Tôi hỏi:
– Bác đoán là anh ấy chạy đi đâu?
– Đi đâu? Chắc chắn là đi Nội Mông rồi. Chỗ chân núi có bà cô. Cam đoan là hắn ăn tết ở đó.
Tôi giật mình. Thì ra bác không phái người đến con đường mòn dưới chân núi là có chủ ý.
– Ôi chao – bác chùi nước mắt, không phải vì thương cảm, nhưng cử chỉ thì có vẻ như vậy – giả dụ có tóm được thì cũng chỉ giữ được người chứ sao giữ được lòng. Tôi biết thằng cha ấy không có cô vợ tốt, không có gia đình thì hắn không ở lâu được đâu. Hôm nay tóm hắn về, ngày mai hắn sẽ lại trốn đi, chân mọc trên người hắn, ai mà kiểm soát nổi? Trước hết, hắn ở lại đội ta là đã có tính toán.
Tôi không dám nói gì thêm, chỉ theo dõi câu chuyện với thái độ ngờ vực, cứ lật đi lật lại cái bánh đã nướng vàng.
Bên ngoài không còn tiếng xào xạc nữa, có lẽ tuyết đã ngừng rơi. Sự im ắng căng thẳng trùm lên tất cả. Tiếng nổ lách tách của than kém phẩm chất càng tăng thêm tâm trạng bất an.
– Chú Lân này – bác chợt quay mặt lại phía tôi – nói thật nhé, chú lấy Mã Anh Hoa đi.
Đây là lần thứ hai, hơn nữa, lại từ miệng hai người, bảo tôi như vậy. Tôi biết rõ, từ chuyện của anh Hỉ, mà bác đội trưởng nghĩ đến chuyện này. Và tôi lúng túng không biết trả lời sao.
– Hoa là một cô gái đảm đang – bác nói – đôi khi cũng lòng thòng tí chút nhưng chuyện ấy có thể hiểu được. Một mẹ một con, tháng mười tám đồng lại gặp thời buổi đói kém, cô ấy có muốn cũng khó mà đứng đắn được. Có chú, cô ấy sẽ yên phận thôi.
Tôi những muốn quát to “Mã Anh Hoa đâu có lòng thòng với bọn đàn ông”, Nhưng bốn năm lao động cải tạo và đến nay vẫn là thân phận của kẻ bị quản thúc, khiến tôi không đủ dũng khí tranh cãi với bác, đành chỉ im lặng cúi đầu.
– Chú đừng ruồng rẫy cô ấy – Dừng một lúc, bác lại nói – Rất nhiều cô lúc trẻ bị lừa, sau lấy chồng đều trở nên khá. Đừng có nghe người ta đồn đại về “quán ăn Mỹ”. Tôi biết, có đến mấy tháng cô ấy chỉ cảm tình với mỗi tay Hỉ, sau không hiểu sao lại thôi. Tôi thấy cô chú rất hợp. Chú lao động giỏi, tuổi cũng tương đối. Cô ấy còn có thể sinh con đẻ cái. Từ nay cứ sống ở nông trường này. Sống có đôi dù sao cũng đỡ cực hơn sống một mình. Tình hình đói kém cũng sắp chấm dứt, cuộc sống ngày sẽ khá lên. Nghe nói mấy tháng nay, Trung ương có cuộc họp gì đấy, rồi ra sẽ sửa lại chính sách mấy năm qua. Đời sống mà khá lên, thì ở đâu chả thế? Chẳng cần phải chạy về thành phố như mấy người trong tổ của chú. Nói thật tình, làm gì cũng nên làm cả đời. Chuyện cũ nên bỏ qua…
Bác không lên lớp cho tôi về đạo lý, đồng thời rất thận trọng khi đụng đến những vấn đề mà tôi đặc biệt nhậy cảm như xuất thân, sai lầm, thân phận của tôi, lại cho tôi biết tin mật về nội bộ Đảng. Giọng bác rất ôn tồn. Đã lâu, tôi chưa từng được nghe một đảng viên nói với tôi bằng cái giọng như thế. Bác hơn tôi nhiều tuổi. Ánh lửa hắt trên gương mặt mệt mỏi và sớm già, khiến bác có những nét nhân từ của bậc cha mẹ. Con người ta dù thô tục và kém văn hoá đến mấy, chỉ cần có tấm lòng chân thành, có tình có lý, thì vẫn vĩ đại và được tôn trọng. Trong cái đêm yên tĩnh này, bên lò lửa rừng rực và một túp lều nhỏ xíu như cái hang, khoảng cách giữa tôi và bác đã bị san bằng, nước mắt tôi trào ra ướt đẫm và từng giọt, từng giọt như máu đào rỏ xuống mặt bếp lò.
Bác liếc nhìn tôi, không nói gì nữa. Hai tay lồng trong ống tay áo, người hơi ngửa ra sau, dựa nghiêng vào vách lò, bác ngủ gà ngủ gật.
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài