Trời tối từ phía tây thị trấn Mã Tang, Dương Lục Cửu đi xuyên qua một vùng đất mênh mông đầy hoa hòe dại, để đến bờ đê phía nam sông Bát Long, đi qua thiếc cầu đá ọp ẹp bắc ngang sông và đứng thần người trên con đê. Mặt trăng vừa đỏ đến độ thê lương lúc nãy đã biến thành màu trắng, muôn ngàn cảnh vật dưới nhân gian đã được ánh nắng chiếu rọi, kỳ hình dị trạng, thần bí mông lung. Dòng nước sông Bát Long vẫn chảy về đông, thị trấn Mã Tang bên phía bờ nam đã hoàn toàn chìm trong yên ắng. Toàn bộ thị trấn đã bị bao trùm trong ánh trăng và sương khói mơ hồ. Trong không gian thi thoảng vẫn còn một vài âm thanh vang vọng và có một vài làn hương nhẹ nhẹ. Từ phía tây thị trấn, thi thoảng vang lên những tiếng chó sủa khỏe khoắn. Trong lòng vô cùng buồn bực, Dương Lục Cửu bước xuống khỏi bờ đê.
Dưới chân con đê là cánh đồng nhiễm phèn mênh mông bát ngát. Từ nơi hoang vắng trong không gian lặng im như chết ấy hình như có tiếng sóng rì rào. Dưới ánh sáng mỗi lúc mỗi trắng của trăng, những công cụ bằng sắt vứt lỏng chỏng trên công trường làm đường đều đang lấp lánh phát sáng. Chiếc xe nện xi măng cao khoảng gần đầu người đang nằm ngủ ngon lành giữa đường chẳng khác nào một con thú uy nghi dũng mãnh. Dân công làm đường ngủ trong những chiếc lán được lợp bởi lau lách hình tam giác, những lá và bông lau dài dài như sáng rực lên dưới trăng, chiếc lán dài trông chẳng khác nào một con cá màu bạc. Một ánh đèn vàng vọt từ cửa lán toả ra ngoài.
Lán có ba cửa ra vào. Dương Lục Cửu cúi người đi vào chiếc cửa chính giữa và bước chầm chậm trên khoảng cách thật hẹp giữa hai dãy lán. Mùi thum thủm từ mấy chục đôi giày phát ra khiến đầu óc lão ta thoáng váng. Ánh sáng vàng vọt chiếu lên chiếc áo màu đen cộc tay của lão ta. Chiếc áo lấm lem bụi vàng.
Có hai dân công đang đánh tú lơ khơ. Dương Lục Cửu đập nhẹ tay vào đầu hai dân công nọ, nói:
– Không ngủ à? Đúng là hai người coi cái mệt chẳng thấm vào đâu!
Hai dân công nọ, một người nhỏ thó gầy gò có mái tóc dựng đứng giống hệt bờm lợn trông rất đẹp; người kia cao gầy đang ngồi dưới đất trông chẳng khác nào một chiếc cọc gỗ.
Cả hai trừng trừng nhìn Dương Lục Cửu, nét mặt như người vừa tỉnh khỏi cơn mê. Người cao gầy nói:
– Lại đi kiếm ăn hoang ở thị trấn Mã Tang về đấy à? Coi chừng bọn thanh niên thị trấn luộc anh đấy!
– Ai dám luộc tôi? – Dương Lục Cửu nói. – Tôi là đội trưởng đội làm đường, ban đêm đến thị trấn để thăm hỏi những
người nghèo khổ.
Người cao gầy cười hi hí, nói:
– Đừng có nói cứng như vậy. Có chuyện gì xảy ra, tư lệnh Quách quay về không lột da anh ra mới là chuyện lạ!
– Lão đây đã bái tám bái kết làm anh em với tư lệnh Quách, nếu không, tại sao khi đi công tác trên huyện ông ấy lại cử lão đây làm đội trưởng tạm quyền. Còn ông, Lai Thư, ông chẳng hiểu một chút gì về tư tưởng Mao Trạch Đông!
– Còn anh thì hiểu về tư tưởng Mao Trạch Đông! – Lai Thư nói.
– Ồn ào cái quái gì thế? Có đánh bài nữa không nào? người nhỏ con nói.
– Đánh nữa! – Lai Thư nói rồi hạ xuống một lá bài.
– Tôn Ba! – Dương Lục Cửu nói với người nhỏ con. – Công an đang ráo riết bắt kẻ đánh bạc, anh cả gan dám đánh bạc sao?
– Ai đánh bạc? Bọn này buồn chán chỉ quậy cho vui tí thôi mà! – Tôn Ba vội vàng biện hộ.
– Chờ tư lệnh Quách về đây, tôi chỉ cần hé răng một tí là màn kịch vui của anh sẽ khai màn cho mà xem! – Dương Lục Cửu nói.
– Đủ rồi, đủ rồi! Đánh bạc dù sao vẫn còn mặt mũi hơn so với chuyện ông anh đêm nào cũng đi đàn đúm với đàn bà. Chờ tư lệnh Quách về đây, trước tiên là phải xử lý ông anh cái đã! Để cho ông anh làm đội trưởng tạm quyền, đúng là ông ấy không có mắt. Ông anh còn thua lão đây xa lắm! – Lai Thư nói.
Dương Lục Cửu vừa lầm bầm chửi Lai Thư vừa leo lên lán của mình. Những người đàn ông nằm cứng đơ như những súc gỗ trên lán, có người đang ngáy ầm ầm, có người nằm mơ hét toáng lên. Dương Lục Cửu quay lưng về phía bóng đèn, vô tình đạp phải bụng người nằm bên cạnh; người này kêu “ai da” một tiếng thật to rồi ngớ ngớ ngẩn ngẩn ngồi dậy, mắt chưa kịp mở đã vung tay đấm loạn xạ. Dương Lục Cửu vội vàng né tránh, những cú đấm của người ấy đập vào mái lau, bụi từ trên mái ào ào rơi xuống mờ mịt, chui vào mũi vào miệng mọi người. Dương Lục Cửu nhào vào cái khoảng trống chật hẹp giành cho mình lúc này càng trở nên chật vì hai người hai bên lấn vào. Lão cởi quần áo móc lên sợi thép trắng buộc mái còn thừa một đoạn thòng xuống và cuối cùng dùng sức nhét cái thân hình vào khe hẹp ấy. Tháng tư, cuối xuân đầu hạ, căn lán bao trùm một thứ mùi rất khó ngửi. Lão ta thư thái nằm trong ổ, không thể chợp mắt, cảm thấy dưới chân có vật gì đó đang ngọ nguậy nhột nhạt, bèn nhẹ nhàng lần tay xuống phía dưới, đụng phải một vật bằng vỏ thóc, mềm mềm nung núc thịt. Biết rằng vật này biết nhảy, lão ta bèn dùng hai ngón tay bóp thật chặt rồi đưa dần lên móng của hai ngón tay cái, dùng lực ép chặt. Một tiếng “tách” vang lên trong đêm khuya. Trong lòng vừa thỏa mãn vừa chưa thỏa mãn, lão tiếp tục lần mò tìm kiểm. Mò chỗ nào cũng có, lại giết, hai ngón tay cái nhơm nhớp đỏ lòm, đặc quánh. Tiếng chó lại sủa vang trong làng, kích động rất nhiều tiếng sủa phụ họa theo. Khi tiếng chó rộ lên thì Dương Lục Cửu cũng dừng việc tìm giết, trên người xem ra cũng đã hết ngứa nhưng trong lòng lại trở nên lo lắng vì có cảm giác da thịt mình đầy nhưng vết sần sùi lở lói.
Ở bên kia, hai gã chơi bài đã đến lúc cao điểm. Ngọn đèn bão treo trên chiếc cột chính của căn lán tỏa xuống một vòng tròn ánh sáng mờ đục, những con côn trùng màu xanh lục bay loạn xị va vào chao đèn vang lên những tiếng tách tách.
– Ba mươi điểm! – Gã cao gầy không kìm nén được sự vui mừng trong giọng nói. – Tiểu Tôn, lật bài! Tao ba mươi điểm. Trừ phi mày ba mốt điểm, nhưng tay mày thối lắm, làm sao kiếm được ba mốt điểm cơ chứ!
Tiếng nước sông Bát Long réo rắt truyền đến tận tai Dương Lục Cửu. Tâm tình hình như đã rời bỏ thân xác lão ta để bay về phía bờ nam sông, như một con bọ chét quăng mình vào trong chiếc sân nhỏ của một ngôi nhà nằm ở phía tây thị trấn, trốn tránh con chó hung dữ rồi đi tìm thịt của người đàn bà ấy mà cắn.
Tôn Ba chẳng vui vẻ gì thở ra một hơi dài, đôi mắt nheo lại nhìn chăm chú vào những lá bài trên tay mình. Một giọt mồ hôi đọng trên thóp mũi anh ta, muốn rơi xuống nhưng hình như còn luyến tiếc nên vẫn bám ở đó, khóe mắt cũng có hai giọt nước to đùng nửa muốn rơi xuống nửa không muốn rơi. Gã cao gầy tên Lai Thư rướn cổ về phía trước, nói:
– Lật bài đi! Lật bài còn khó hơn đẻ con, đúng không? 7, 7, lớn K nhỏ 5. Mẹ kiếp, sao cậu không hạ bài chịu thua sớm cho rồi, chết mà không chôn thì liệu để được mấy ngày? Cậu lại thua rồi!
– Ông lại chơi xỏ lá rồi! – Tôn Ba điên tiết.
– Biết thế sao cậu không bắt tôi ngay tại trận? Không biết bơi thì chớ hòng vớt rong biển! – Lai Thư nói.
– Nếu không xỏ lá bịp bợm, thế sao ông ván nào cũng thắng?
– Chỉ trách trình độ của cậu, trách cái vận khí thối như cứt chó của cậu.
– Mẹ kiếp, đánh thêm ván nữa! – Giọng của Tôn Ba khào khào rất giống tiếng cậu con trai trong thời kỳ vỡ giọng.
– Tôn Ba! Đừng chơi nữa. Đánh nữa e rằng vợ cậu cũng đem ra dâng nốt cho Lai Thư thôi. – Tiếng Dương Lục Cửu vọng xuống từ trong bóng tối.
– Tôi không phục! Lai Thư toàn chơi xỏ lá! – Tôn Ba gào lên.
– Kêu gào cái gì? Bây giờ là lúc nào chứ? Có để yên cho mọi người ngủ không? Diêm vương không có nhà, tiểu quỷ làm loạn cung điện! – Có tiếng ai đó vang lên trong bóng tối.
– Để anh Dương xuống đây làm chứng cho chúng ta. Thua thì chịu thua, cứ trách tôi xỏ lá! – Lai Thư nói.
– Lão đây chẳng nhàn rỗi gì mà làm chứng cho các người, – Dương Lục Cửu nói. – Ngày mai làm việc mà vật vờ vật vưởng, tôi không bỏ qua cho các người đâu.
Dương Lục Cửu nói xong thì nhắm mắt lại. Mùi thơm nồng và hơi ấm của rơm lúa mạch thoang thoảng xông vào trong chăn bao trùm toàn thân. Lão cảm thấy mệt mỏi rã rời, trong mơ mơ màng màng, lão lại nghe tiếng chó sủa, cơn buồn ngủ biến mất, cảm giác có những nếp gấp nổi lên trong lòng, một con chó đực đang nhảy nhót trước mặt, lông đen mượt bóng loáng như lụa, đôi mắt sáng lòa. Nó đứng sủa trước cổng ba gian nhà đất được bao trong ba bức tường đất thấp lè tè tại phía tây thị trấn. Đứng cách nó qua cánh cổng ghép bằng những thanh gỗ, Dương Lục Cửu vẫn cảm thấy kinh hồn lạc phách. Lão đang nấp dưới bóng râm thưa thớt của cây chè cổ thụ ở ngoài đường. Con chó đực hung dữ dùng sức húc vào cánh cổng gỗ khiến cánh cổng kêu rầm rầm. Có khi, thân sau của nó thẳng lên, hai chân trước chồm lên cánh cổng thò cái đầu dữ tợn qua các chấn song, nhe đôi hàm răng sắc như những lưỡi dao lấp lánh dưới trăng. Tim Dương Lục Cửu đập thình thình, mồ hôi lạnh túa ra đầy người. Lão rón rén chạy ra khỏi bóng râm của cây chè, chuyển đến chỗ góc tường và mái hiên gặp nhau, bám hai tay lên tường, kiễng chân nhìn vào trong. Con chó đực lập tức chạy theo, nhảy lên cao đến mấy tấc như muốn vọt qua bờ tường. Những loài cỏ dại mọc trên đầu tường kêu lên xào xạc, những viên đất vỡ ra rơi xuống. Căn nhà im lìm như chết, ánh đèn từ trong chiếu ra, một chiếc bóng đẹp mê hồn in trên cửa sổ, bất động hoàn toàn, hình như chiếc bóng đang lắng nghe động tĩnh. Lão cúi xuống nhặt một viên đất nhỏ, nhắm thật chuẩn xác chiếc bóng trên khung cửa ném thật nhẹ. Viên đất đập vào giấy dán cửa, chiếc bóng vẫn đứng yên bất động. Dương Lục Cửu hạ giọng gọi thầm: Chị ơi! Tiếng gọi vừa thoát khỏi miệng, lão đã cảm thấy hơi thở nóng hổi của con chó đã bao trùm lên bàn tay, không thể không buông tay, rơi tuột xuống đất. Lão nghe thấy tiếng cánh cửa rít lên kèn kẹt, tiếng con chó vẫn sủa oang oang, và trong tiếng sủa của chó có tiếng đàn bà vang lên trong sân: Chó đực, nằm xuống, nằm xuống! Đúng lúc ấy, trong làng có tiếng người lao xao, lão vội vàng cong người bỏ chạy, không để ý đến những bước chân nặng trịch của mình. Lão ngã xuống một con mương, bò lên khỏi mương, lại nhảy qua một con mương, rồi như một con chó, lão chui vào một thửa ruộng trồng hoa màu, tập tễnh chạy một lúc thật lâu nữa rồi dừng lại thở giốc. Thửa ruộng này trồng toàn hoa hướng dương, cành lá thô dày, vừa mới được tưới nước nên tươi rói, ánh trăng sáng như nước tỏa xuống, mặt đất sáng trưng. Toàn thân lão đầy mồ hôi, tim đập mạnh đến độ ngực đau nhói. Trong xóm, tiếng chó sủa đã lặng, lão mới đứng dậy, lộn vòng trở lại, vượt cầu qua sông và chui vào lán của mình.
Lão hận con chó kia ghê gớm. Con chó đứng trước người đàn bà, ngăn cản cô ta; người đàn bà đứng sau con chó, cười nhiều ẩn ý. Cô chỉ là một con chó cái! – Lão thầm chửi – Bạch Kiều Mạch, đồ đậu phụ kiều mạch! Cô tương tư tôi mà chết đi cho rồi! Lão hận là mình không cắn được Bạch Kiều Mạch một miếng. Lão nghĩ rằng cô ta đang chải đầu bên cửa sổ, đúng là có ý đồ. Đáng ra cô phải xích con chó lại chứ? Đồ chó cái! Nghĩ đến những nét đa tình trên gương mặt trắng nõn nà của Bạch Kiều Mạch, toàn thân lão trở nên ngứa ngáy, hình như có hàng trăm móng tay đang mơn man trên làn da lão. Cảm giác đau đớn khi rơi từ trên tường xuống và cuộc chạy trốn kinh hoàng lúc nãy hình như đã bay đến một quốc gia xa xăm nào đó mất tăm mất dạng, trong tim như có một lò lửa, nỗi hận Bạch Kiều Mạch cũng giống như băng tuyết đổ vào nước sôi, tan chảy lâm ly.
Ngồi dưới ánh đèn bão, Lai Thư nói:
– Tôn Ba! Cậu lại thua nữa rồi. Tôi không cần lấy tiền của cậu đâu. Tôi chỉ lấy “dạng chân bắn súng” thôi!
Dương Lục Cửu biết “dạng chân bắn súng” chính là thuốc lá thơm hiệu Hồng Vũ. Trên hộp thuốc lá Hồng Vũ có vẽ một cô gái mặc áo quân phục, bên dưới mặc váy, một chân đứng thẳng, một chân ghếch lên cao, cổ vươn thẳng, khuôn ngực cứng cáp nhô cao, cánh tay vươn ra, trong tay cầm một khẩu súng lục đuôi có buộc tua vải.
– Ông lại làm trò quỷ rồi! – Tôn Ba nói đầy phẫn nộ.
– Sao cậu không biết lượng sức mà nắm cổ tôi? Không có chứng cớ gì cả mà cậu nói tôi làm trò quỷ, hay thua quá nhiều mà choáng rồi? Có cần tôi nhường cậu vài ván không? – Lai Thư nói.
– Đánh nữa, ai cần ông nhường? – Tôn Ba dùng hai tay chậm chập xóc bài. Lai Thư vặn người mấy cái làm choán mất tầm nhìn của Dương Lục Cửu.
Giọng nói của Bạch Kiều Mạch nhún nhẩy, mỗi tiếng rời khỏi miệng cô ta phải uốn lượn đến hai tám khúc. Dáng đi của cô ta cũng vặn vẹo như bánh cuốn thừng, hai chiếc mông nung núc như hai chiếc bánh sủi cảo nhét đầy nhân thịt, mặt gồ lên với hai chiếc quai hàm màu đỏ lựng, hai hàm răng màu bạc, chỉ có hai chiếc răng cửa có màu trứng vịt xanh xanh khiến miệng cô ta trở nên hết sức lạ lùng, chẳng khác nào ngựa mọc sừng, trâu đẻ trứng. Nửa tháng trước, cô ta vừa xuất hiện trước đám dân công làm đường là đã hớp đi hồn phách của Dương Lục Cửu.
Dương Lục Cửu đang nằm đó, nửa như ngủ, nửa như thức thân thể bồng bềnh, khi nặng tựa Thái Sơn, lúc nhẹ tựa lông hồng. Căn cứ theo một phương thuật thu phục chó dữ một cách gian tà, lão nướng chín một củ cái thật to rồi xách đuôi củ cải rón rén đến bên ngoài bờ tường đất nhà Bạch Kiều Mạch, ẩn thân dưới bóng cây chè cổ thụ, cố ý phát ra tiếng động để gây chú ý cho con chó. Con chó nhảy dựng lên sủa, lúc ấy lão mới ném củ cải vào ngay mõm nó. Con chó điên cuồng ngoạm lấy không kịp ngửi. Răng chó cắm phập vào củ cái nóng, dính chặt cứng và rụng sạch, đau không thể tả, lăn lộn trẽn đất. Lão đường hoàng đĩnh đạc bước vào, nhổ một bãi nước bọt lên con chó đang nằm quằn quại trong góc sân, cao giọng gọi: Em yêu Bạch Kiều Mạch hãy mở cửa đón tiếp tình lang Dương Lục Cửu, chuẩn bị tinh tươm sạch sẽ để cùng anh mây mây mưa mưa. Bạch Kiều Mạch nhẹ nhàng mở cửa, toàn thân trắng đến nhức mắt và trơn tuột như một con chạch. Lão vòng tay ôm choàng lấy cái thân hình kiều diễm ấy. Bạch Kiều Mạch mò trong thắt lưng lấy ra một chiếc kéo đen sì sì, hai mắt trợn tròn, mày liễu dựng ngược, the thé gào lên: Dương Lục Cửu? Mày là đồ tặc tử to gan! Mau bồi thường chó cho bà!…
Dương Lục Cửu giật mình tỉnh giấc, mồ hôi lạnh túa ra đầy mình. Nhìn thấy ánh trăng xuyên qua mái lá chiếu trên tấm chăn màu đen, nghe thấy tiếng rì rào quen thuộc của dòng nước sông Bát Long, tiếng chó sủa văng vẳng từ thị trấn Mã Tang, lão mới hay rằng đó chẳng qua là một giấc mộng Nam Kha. Lai Thư và Tôn Ba vẫn còn ngồi dưới ánh đèn kiếm ba mốt điểm để có thuốc “dạng chân bắn súng” Lão chẳng buồn nghĩ đến chuyện nhắc nhở họ. Đều là những kẻ cùng một giuộc với nhau, ai muốn làm gì thì cứ làm nấy nhân cơ hội tư lệnh Quách đi công tác trên huyện chưa kịp về. Cũng có thể là tư lệnh Quách chẳng bao giờ quay về nữa, nếu thế thì lão sẽ quản lý vĩnh viễn đội dân công làm đường này mất. Nghĩ đến đây, Dương Lục Cửu cảm thấy sợ hãi. Con đường này rồi sẽ vươn đến đâu? Làm cho đến tháng nào năm nào? Làm xong thì để làm gì, để cho máy bay hay là tàu hỏa chạy?… Những điều này lão và tất cả dân công làm đường đều không thể biết, có thể tư lệnh Quách đã biết. Một năm trước, lão bị một người đàn bà làm cho sợ đến vỡ mật, cao chạy xa bay lìa bỏ quê hương để đến đây trở thành dân công làm đường. Thiên hạ đang đại loạn, thôi thì làm đến ngày nào hay ngày ấy. Vùng đất nhiễm phèn hoang vu này rộng đến vô biên, khi mặt trời lên, cả vùng đất phèn trắng phau như ngập trong tuyết. Lão cũng chẳng biết có vị thần tiên nào đã đóng những chiếc cọc gỗ làm lộ giới xuống nơi này, hình như đã lâu lắm rồi, dễ đến vài chục năm trước đã có vì rất nhiều chiếc cọc đã mục nát, sơn đỏ viết trên ấy đã biến thành màu đen. Bây giờ, mọi người chỉ căn cứ theo những cột mốc ấy mà làm. Tư lệnh Quách là người vai u thịt bắp, lông mày như kiếm sắc, mắt như mắt hổ, vai lệch. Không biết là có chính sách gì mới được ban hành không, chỉ biết ông ta cần phải đi lên huyện để họp. Tư lệnh Quách vốn là tư lệnh chỉ huy Hồng vệ binh. Khi chuẩn bị đi, tư lệnh Quách nói: Dương Lục Cửu, sau khi tôi đi, chú thay tôi quản lý đội, ai dám trốn tránh khó khăn, chú cứ đánh thẳng tay vào. Đoạn đường này mà làm tốt, càng ngày càng xa điểm bắt đầu thi công thì cơ hội chuyển nhà đến thị trấn Mã Tang của chú ngày càng đến gần. Lúc ấy Dương Lục Cửu nói: Tư lệnh Quách, Dương Lục Cửu này một lòng một dạ theo anh làm cách mạng. Tư lệnh Quách nói: Đúng là đồ ngu ngốc!
Đội làm đường an doanh hạ trại ngay sau lưng thị trấn Mã Tang. Mỗi sáng sớm, Dương Lục Cửu dùng chiếc còi thép mà tư lệnh Quách truyền lại thổi vang rền. Dân công làm đường vội vàng choàng dậy khỏi cơn mơ màng, mắt nhắm mắt mở húp cháo ngô roàn roạt hoặc nuốt vội miến ngô với củ cải muối. Ăn no rồi, uống no rồi, chân thấp chân cao tiến ra công trường. Ai đó xướng lên cao vút: Bỗng nghe rằng lão Trương cần cải giá; Chuyện này khó quá mẹ thằng Hổ ơi! Ai đó lặng lẽ ngáp dài, duỗi chân vặn lưng, những khớp xương như đã bị han rỉ kêu lên răng rắc. Ngày Dương Lục Cửu nhậm chức quan mới, còi thép đeo lủng lẳng trên cổ, không thật sự tự tin đi vòng quanh mọi người, nói mấy câu chẳng mặn chẳng nhạt rồi dương dương đắc ý thui vào lán bếp. Lán bếp cách lán ngủ khoảng hai mươi mét về phía tây nam, mở một khuôn cửa to hướng về phía bắc. Đứng ngay cửa lán, Dương Lục Cửu nhìn về công trường, quan sát những dân công đang khom lưng kiên trì làm việc. Công việc ngày hôm ấy là đào đất đắp bờ kè cho con đường. Những tảng đất vuông vức đen như lông quạ từ dưới lòng mương bay lên vị trí đang được gọi là con đường. Lai Thư là một tay sử dụng xẻng cừ khôi, chiếc xẻng của anh ta sáng loáng như một ánh chớp, đôi tay nhanh nhẹn khéo léo vung chiếc xẻng khiến gió kêu lên vun vút. Toàn đội hơn ba mươi người đều chung công việc đào đất đắp bờ kè. Những tảng đất đen sì như những đàn quạ vun vút bay lên nơi sẽ được gọi là con đường trong tương lai. Dương Lục Cửu nghe ai đó nói rằng, thời xa xưa nơi đây là một bãi chiến trường, Hàn Tín đại chiến Hạng Vũ trên chính mảnh đất này, người chết như ngã rạ khắp đồng, máu chảy thành sông. Dân công đào lên rất nhiều thanh kiếm bằng đồng han rỉ và những đồ gốm sứ đã ngả sang màu đen. Lão nhận ra một cách đích xác rằng, làm quan hơn hẳn làm dân, ngay cả một đội trưởng tạm quyền cũng có thể lật ngửa bàn tay không cần đào đất.
Lão Lưu, người cấp dưỡng của đội không có trong lán, các vật dụng nhà bếp lỏng chỏng, loạn xị. Mùi mốc và chua xông lên nghẹt mũi. Con chó độc nhãn được lão Lưu kiếm về từ đâu đó đang nằm bên cạnh bếp lò thấy có người vào thì sủa lên ông ổng. Lão hét:
– Độc nhãn, mày định cắn ông à?
Lão Lưu cong người gánh hai thùng nước chạy như bay xuống khỏi bờ đê. Đê sông Mã Tang cao và dốc, đôi chân lão Lưu loạng choạng, thỉ một loáng là lão đã chạy đến trước mặt Dương Lục Cửu.
– Ông Lưu, ông nên đến thị trấn mua ít thịt về cải thiện bữa ăn cho anh em. Lâu rồi không có chất tanh, anh em đều bị táo bón cả rồi.
Lão Lưu gù lưng gánh đôi thùng nước vào trong lán, khuôn mặt với mặt đất làm thành một góc nhọn, hai luồng ánh mắt từ dưới nhìn lên rọi thẳng vào mặt Dương Lục Cửu, lãnh đạm. Lão không nói lời nào, cổ vươn về phía trước như một con gà trống già đi thẳng đến bếp. Dương Lục Cửu đi theo sau, chăm chú nhìn lão đổ hai thùng nước vào một chiếc thùng chứa nước cỡ lớn mà không cần phải rời đòn gánh khỏi vai. Nước trong thùng đầy ăm ắp, phản chiếu mái lợp bằng lau lách. Nước trong thùng thè lưỡi ra khỏi miệng thùng, chảy tràn ra ngoài. Còn lại nửa thùng nước không thể đổ vào được nữa, lão Lưu đành đổ nó vào nồi. Lớp cơm cháy dưới đáy nồi bị nước ngấm kêu tí tách, những bọt bong bóng nhỏ nổi lên.
– Ông Lưu, ông phải giữ vệ sinh, phải rửa sạch nồi cơm đi chứ! – Dương Lục Cửu nói.
Lão Lưu cầm lấy chiếc xẻng đưa cho Dương Lục Cửu, khó chịu nói:
– Anh làm đi!
– Tôi muốn ông làm kia! – Dương Lục Cửu nói.
Khi lão Lưu ngước đầu lên, lưng lão ta cũng ngước theo. Lão nheo mắt nhìn Dương Lục Cửu và cười lên rất kỳ lạ nghe như diều hâu kêu đêm. Dương Lục Cửu giật mình, bước lùi nửa bước, kinh dị nhìn gương mặt lão già trong thoáng chốc như đã trẻ ra đến vài chục tuổi, trong lòng hình như có cái gì đó đang châm chích. Thực ra là rất khó đoán tuổi lão già này, đôi mắt của lão rất có thần thái, tuy bị gù nhưng rất nhanh nhẹn hoạt bát. Lão cho một tấm vỉ vào chiếc nồi, phủ lên đó một lớp bố ướt rồi hai tay bắt đầu véo vào cục bột mì đã dược nhào từ trước. Tay lão nâng lên hạ xuống trông như gà mổ thóc. Những cục bột to bằng nắm tay nằm lăn lóc trên chiếc vỉ.
– Ông cười cái gì thế – Tâm thần hơi bấn loạn, Dương Lục Cửu hỏi.
Lão Lưu gù chỉ chăm chú vào công việc, hình như không nghe thấy câu hỏi của lão ta. Dương Lục Cửu sờ chiếc còi treo trên cổ, nói tiếp:
– Ông Lưu! Ông biết không, tư lệnh Quách đã cử tôi tạm quyền làm đội trưởng ở đây, ông có thể làm một thút gì đó ngon ngon cho tôi ăn không?
Nói xong, lão xáp đến gần lão Lưu gù, dùng chiếc gậy nạy tấm ván gỗ trước mặt ra, rồi xoa xoa phủi phủi, ngồi xuống. Tấm ván gỗ kêu lèn cót két. Dương Lục Cửu tiếp tục nói:
– Ông Lưu, ông nhận sự đãi ngộ so với tôi, một đội trưởng cao gấp nhiều lần. Tôi phải chui vào trong chiếc ổ cỏ nằm chung với mọi người, còn ông lại ngủ trên ván gỗ một mình một gian. Cơm ngon canh ngọt đều được ông ăn trước, ăn đủ, chuột trong kho chưa chết thì ông vẫn cứ sống đường hoàng…
Ngồi trên tấm ván ngủ của lão Lưu gù, Dương Lục Cửu thao thao kể lể. Lão Lưu vẫn cứ như một con ngựa hoang không chịu dừng vó, cặm cụi làm bánh rồi lẳng lặng ôm một đống rau chân vịt già đến nỗi đã có quả ra ngồi nhặt. Những lời của Dương Lục Cửu dường như vô nghĩa, lão tự nói tự nghe, cho nên càng nói càng mất hứng, cuối cùng là tắt lịm. Trong cảm giác buồn chán, lão cảm thấy những luồng gió tây nam se sắt đang thổi từ phía bờ bên kia sông Bát Long sang, liếp nứa đơn sơ của thiếc lán không thể cản nổi mùi hương khô chát do những cơn gió thổi qua những khoảnh ruộng hoa màu mang lại. Bất giác lão lẩm nhẩm hát: La la la la la la, ngọn gió phương bắc trong lành a a a…
– Bác ơi! Có cần đậu phụ không? – Đang miên man trong lời ca, lão bỗng nghe tiếng một người đàn bà từ bên ngoài lán – Đậu phụ đây, bác ơi, mua đậu phụ đi!
Từ trên tấm ván của Lưu gù, Dương Lục Cửu nghiêng người nhìn ra cửa lán, chỉ thấy từ cổ trở xuống là một thân hình tròn lẳn trông thật ngon mắt. Cảm thấy thèm muốn đến nhỏ dãi, không cầm lòng được, lão vọt xuống khỏi tấm ván, giẫm bừa trên đống rau mà lão Lưu đã thải ra, bước ra ngoài. Người đàn bà đang đứng nghiêng người về phía mặt trời, đôi mắt màu xanh biêng biếc chẳng khác mắt bò cái, đẹp mê hồn. Đôi mắt cú vọ của Dương Lục Cửu đã lột tuột thiếc váy màu xanh có in hình hoa cúc trắng trên thân thể bà ta ra. Lão bỗng thấy tai mình ù đi, lùng bùng, máu nóng trong người trào lèn mặt cuồn cuộn.
– Bác cấp dưỡng ơi! Có cần mua đậu phụ không?
– Tôi không phải là cấp dưỡng, tôi là đội trưởng đội làm đường!
– Ôi! Đội trưởng ơi! Anh xem, đậu phụ của em vừa trắng vừa mịn, lại vừa rất dai vì đã được luộc kỹ, chỉ cần chiên lên thì có rơi xuống đất cũng không nát đâu!
Người đàn bà vừa nói vừa đặt đôi quang gánh xuống, cúi người kéo miếng vải mùng che những miếng đậu phụ, cầm lên một miếng lật qua lật lại trong bàn tay, những tiếng tách tách lạo xạo rất nhỏ vang lên.
– Không chua chứ? – Đôi mắt đắm đuối, Dương Lục Cửu hỏi.
– Tất nhiên là không chua, đội trưởng!
– Đậu phụ trắng và mịn thế này, sao lại không chua được nhỉ?
– Đội trưởng ơi, nếu chua, em không cần lấy tiền. Nếu không tin, em cắt một miếng để ông thử nhé! – Người đàn bà lấy một con dao sáng loáng trong thúng ra, cắt một miếng đậu phụ đưa cho Dương Lục Cửu.
– Cô bảo tôi thử à?
Đôi mắt người đàn bà đảo qua đảo lại, đôi môi điểm nhẹ một nụ cười, thái độ rất chất phác:
– Ông đội trưởng đúng là biết đùa, đậu phụ đã dâng đến bên miệng ông, ông còn bảo em không mời ông thử.
Chỉ cần cúi đầu, Dương Lục Cửu đã gắp miếng đậu phụ bằng mồm. Trên hàm răng vàng xỉn của lão lốm đốm những mụn đậu phụ trắng nõn.
– Chua quá! – Dương Lục Cửu cười nói.
– Ông bảo chua là chua. Miệng đội trưởng là miệng vàng miệng ngọc!
– Thật không? Thế giá bao nhiêu?
– Nếu dùng đậu vàng đổi thì hai cân đậu phụ đổi một cân đậu, nếu dùng tiền mua thì mỗi cân đậu phụ hai hào năm xu.
– Đắt thế!
– Ông đội trưởng của em ơi! Em là đàn bà, làm ra một cân đậu phụ chẳng dễ dàng tí nào. Ông đội trưởng cho em kiếm chút ít tiền lao động nặng với nhé?
– Hai hào một cân nhé!
– Giai cấp công nhân lãnh đạo toàn diện, ông đội trưởng so đo làm gì với năm ba hào lẻ. Chỉ cần kẽ tay ông lơi ra một tí là bọn nông dân nhà em đã đủ mua chai dầu, cân muối rồi.
– Chỉ cần nghe những lời ngọt ngào của cô là người ta đã mê mệt rồi. Hai hào rưỡi thì hai hào rưỡi. Ông Lưu! Ra đây mua đậu phụ, cả gánh luôn, tiền do tôi chịu.
Lão Lưu gù cong vòng bước ra, trông lão chẳng khác một tượng người gỗ. Dương Lục Cửu bảo lão lấy cân ra để cân. Người đàn bà nói:
– Không cần phải cân đâu. Cả gánh bốn mươi cân, có thể hơn một tí nhưng không sao, chú à, không cần cân đâu.
Dương Lục Cửu giúp người đàn bà chuyển đậu phụ vào trong lán ăn. Bà ta đi theo sau, kêu lên nho nhỏ: Ông đội trưởng, trên đầu ông có một cọng rơm! Kêu xong, bà ta vươn tay lên chạm vào mái tóc rối bồng của Dương Lục Cửu, dùng hai ngón tay nhặt cọng rơm lúa mạch vương trên đó rồi phồng má thổi cho nó bay đi, cười lên vui vẻ, gương mặt như hai quả thạch lựu chín đỏ ửng. Dương Lục Cửu làm ra vẻ hung tợn trừng mắt nhìn bà ta, đẩy lưng lão Lưu gù ý bảo trả tiền. Lão Lưu gù không thật sự bằng lòng, lật tấm ván ngủ lên lấy ra một hộp thiếc rồi lấy chiếc chìa khóa màu vàng rực đeo ở thắt lưng xuống, hai tay run rẩy mở ổ khóa bằng đồng, lấy ra một xấp tiền hào bóng loáng nhờn nhờn. Người đàn bà thấm nước miếng lên đầu ngón tay đếm từng tờ, đếm đi đếm lại hai lần rồi gói trong chiếc khăn mùi soa, nói:
– Bác và anh ngày mai còn muốn dùng đậu phụ không? Em sẽ mang đến tận cửa.
– Cứ mang đến hẵng hay, – Dương Lục Cửu nói.
Người đàn bà ra về, Dương Lục Cửu đưa mắt tống tiễn bóng dáng bà ta đến tận con đê. Gió thổi mạnh, quần áo người đàn bà như những cánh bướm phất phơ trên thân thể. Lão Lưu lại cười lên một tràng ngắn quái dị. Dương Lục Cửu không dám nhìn thẳng vào đôi mắt đầy u ám của lão, lảng tránh bằng cách ngồi xuống đất nhặt những lá rau chân vịt úa vàng. Nhưng chỉ một loáng, lão lại chạy vọt ra khỏi lán, đưa còi lên miệng thổi mạnh. Đám dân công đứng thộn mặt ngây người trong tiếng còi lanh lảnh. Dương Lục Cửu lớn tiếng hô:
– Nghỉ giải lao nửa tiếng!
Nghe đã rõ tiếng hô, tất cả mọi người đều vất xẻng, người đi tiểu, người ngồi bệt xuống đất hút thuốc, ai không biết hút thuốc thì nằm ngửa ra để cho ánh nắng chiếu vào lỗ mũi.
Đang lúc Dương Lục Cửu muốn ra công trường thì người đàn bà bán đậu phụ lúc nãy quay lại. Sau lưng bà ta là một cô gái khoảng mười tám mười chín tuổi với một đôi quang gánh trên vai, những nét buồn buồn trên khuôn mặt cô gái khiến người ta dễ động lòng, bộ quần áo trên người đầy những miếng vá thô ráp nhưng trông rất sạch sẽ. Dương Lục Cửu nghĩ cô ta là một nhân vật trong vở kịch nào đó vừa bước ra với cuộc đời thực.
Từ rất xa, người đàn bà bán đậu phụ đã gật đầu chào Dương Lục Cửu, nói rằng trên đường về bà ta gặp cô gái này đang gánh rau hẹ định đến chỗ công trường bán cho các vị dân công. Làm việc nặng mà ăn rau hẹ là tốt nhất. Nhưng cô gái lại sợ gặp người lạ, mẹ lại đang ốm liệt giường, chờ tiễn bán gánh rau hẹ này để tính chuyện thang thuốc. Rau hẹ nhà cô rất non mềm vì ngày nào cũng được tưới nước sông Bát Long, đôi vai cô ngày nào cũng gánh nước nên đã chai cứng. Năm nay hạn đến độ cỏ cây muốn bốc lửa, chăm bón được mảnh rau hẹ tốt tươi thế này thật chẳng đơn giản tí nào, quý anh hãy mua gánh rau hẹ này đi.
– Không được, chúng tôi đã có rau chân vịt rồi! – Dương Lục Cửu xua tay nói.
– Rau chân vịt mà xào đậu phụ thì đậu phụ sẽ đắng, rau chân vịt sẽ chát, – người đàn bà bán đậu phụ nói. – Chỉ có rau hẹ mới phù hợp với đậu phụ. Màu xanh của rau hẹ, màu trắng của đậu phụ phối hợp với nhau, chỉ cần trông thấy đã phát thèm.
– Ông Lưu, có mua không? – Dương Lục Cửu cao giọng hỏi.
Không nghe thấy tiếng trả lời, Dương Lục Cửu quay người lại đã thấy lão Lưu gù đang khom người bê thúng rau hẹ lên, đôi mắt chăm chú nhìn cô gái trẻ, những nếp nhăn trên mặt dường như nhiều hơn, tâm tình có vẻ rất kích động nên nói không ra lời:
– Mua… mua… – Lão cúi đầu lí nhí, giọng như đứa trẻ sắp khóc.
– Hồi Tú! Hãy cám ơn chú đi, – người đàn bà bán đậu phụ bảo cô gái.
Cô gái cụp mắt nói:
– Cháu cám ơn chú!
Lão Lưu mở chiếc rương, hai tay run rẩy đến độ không nhét nổi chiếc chìa khóa vào trong ổ khóa.
Ngày hôm sau người đàn bà lại đến bán đậu phụ, cô gái lại đến bán rau hẹ. Dương Lục Cửu và người đàn bà lại mắt đưa mồm đấu. Bà ta dùng dằng như muốn về ngay, như muốn nán lại, lời nói lúc thì chất phác thật thà, lúc thì đưa đẩy mơn trớn. Dương Lục Cửu bị bà ta khêu gợi đến độ tâm tình căng thẳng như một mũi tên đã giương, chạm vào là sinh chuyện ngay. Người đàn bà bán đậu phụ họ Bạch tên Kiều Mạch, nhà ở đầu phía tây thị trấn Mã Tang. Dương Lục Cửu hỏi bà ta đã có chồng chưa, bà ta bảo chồng đang ở trong quân ngũ, là tiểu đoàn trưởng khiến lão hoảng kinh, những ý đồ sâu xa nguội lạnh ngay, nhưng bà ta lại cười hi hí và bảo, chồng bà ta đã lái máy bay bay thẳng đến Đài Loan rồi. Dương Lục Cửu bảo, thế thì cô phải thủ tiết sống đời quả phụ thôi. Bà ta thở dài não nề rồi nói, vâng, thì phải sống đời góa phụ vậy.
Lão Lưu gù đang chăm chắm nhìn cô gái có tên Hồi Tú, những biểu hiện trên gương mặt lão khiến người ta phát hoảng. Lão già này, đúng là tà tâm đến chết vẫn không đổi, già rồi mà vẫn có những ham muốn thiếu niên, đúng là đồ đáng chết…
Hai con dế đang kêu rúc rích bên cạnh lán, ván bài của Lai Thư và Tôn Ba đang đến hồi quyết liệt. Mười mấy ngày liên tục ăn đậu phụ xào rau hẹ, trong nội bộ dân công đã có những lời bàn tán xì xào. Hai hôm trước, đậu phụ Bạch Kiều Mạch đến và theo sát đôi gánh của bà ta là một con chó đực màu đen. Nó nhìn Dương Lục Cửu bằng đôi mắt thù địch. Tôn Ba vào lán ăn kiếm nước uống, con chó vừa trông thấy gã là bờm đã dựng đứng lên, những bắp thịt ở chân sau căng lên, gầm ghè diễu võ dương oai. Tôn Ba nhìn nó, vẻ khinh miệt lộ rõ trên mặt, chẳng có chút gì tỏ ra sợ sệt. Dương Lục Cửu đã từng nghe người ta thì thầm kháo với nhau rằng, Tôn Ba vốn là một tay đại bợm chuyên trộm gà bắt chó, ngay cả trâu ngựa gã cũng chẳng chừa. Trông bộ dạng của gã, người ta có cảm nhận rất rõ là thằng cha này chưa kịp lớn đã già. Trong đội sửa đường hầu như chẳng có ai thực sự tốt, Lai Thư rõ ràng cũng là tay thẳng tốt lành gì, xem cách đánh bài của hắn thì biết hắn quả là một tay ghê gớm. Còn mình thì sao? Dương Lục Cửu nghĩ, mình có phải là người tốt không? Nghĩ đến người đàn bà ấy tự nhiên Dương Lục Cửu thấy mình muốn dựng tóc gáy. Lẽ nào mình lại là một con quỷ? Có lẽ mình đã phải lòng bà ta, chuyện này xưa nay không hiếm, đều là do hoàn cảnh bức bách thôi, nếu không ai dám làm chuyện ấy. Tư lệnh Quách càng không phải là thứ dễ chơi. Trước đây mấy ngày, Tôn Ba nói: Dương Lục Cửu, ông đã bị mụ béo làm cho mê man rồi, còn tôi đã bị con chó làm cho đắm say. Chỉ cần ông dám đứng ra làm chủ, tôi luộc nhừ nó liền! Lão nói: Cậu đúng là đồ tàn bạo, con chó trông như một con sói ấy mà không xé xác cậu ra mới là điều kỳ lạ! Tôn Ba nói: Hổ tôi còn có thể câu được! Mọi người cười ồ lên. Lai Thư nói: Dương Lục Cửu, ông đã đem tiền của đội làm đường ra mua lòng người rồi. Ông ăn thịt của mụ béo, còn chúng tôi thì ăn đậu phụ!
– Còn muốn bốc bài nữa không? – Tiếng Tôn Ba.
Dương Lục Cửu trở mình nghiêng mặt về phía tây. Phía sau người của Lai Thư là gương mặt dương dương tự đắc của Tôn Ba.
– Cần nữa không? – Gương mặt Tôn Ba sáng rực, đôi mắt đen ti hí như muốn chụm đầu vào nhau khiến gương mặt gã giống như mặt một con mèo đực đang điên cuồng trong hưng phấn đi trên đầu tường để tìm mèo cái.
– Cần một lá nữa!
Thân thể Lai Thư động đậy khiến mặt Tôn Ba bị che lấp ánh đèn lấp lóa trên gương mặt Lai Thư. Lai Thư lại tiếp tục chuyển động thân hình, gương mặt Tôn Ba lại hiện ra. Từ những biểu hiện trên gương mặt gã này, Dương Lục Cửu nhận ra vẻ thâm hiểm giảo hoạt trên mặt Lai Thư, ngay cả ánh mắt của gã cũng thay đổi theo ánh mắt đầy gian xảo của Lai Thư. Lão trông thấy một tay của Lai Thư đang vòng ra sau lưng quơ quơ cái gì đó, nhưng thân hình lại bất động, cổ vươn về phía trước như đang cố gắng nhìn cái gì đó.
– Còn bắt tiếp chứ? – Tôn Ba hỏi.
– Thôi, lật bài đi!
Tôn Ba vội vàng lật ngửa các quân bài ra, nói:
– Ba mươi mốt điểm, lẽ nào ông cũng được ba mốt điểm?
Lai Thư chăm chú nhìn những quân bài của Tôn Ba. Dương Lục Cửu trông thấy rõ ràng một tay của hắn lại đưa vòng ra sau lưng động đậy một lát, miệng nói:
– Cậu léo nhéo gì thế? Kiếm ba mốt điểm có gì là khó. Hãy đếm bài của tôi đi! – Cánh tay của Lai Thư từ trên cao đập xuống, tất cả các quân bài đều lật ngửa trước mặt Tôn Ba.
– 7, 7, 8, 1, 1, 4, 2! – Lai Thư nói. – Cậu tính đi, bao nhiêu điểm. Ba mốt, đúng không? Tay cậu thối lắm, đánh bài làm sao thắng được, hòa ván này là tôi nhường cho cậu rồi đó!
Miệng Tôn Ba méo xệch như sắp khóc đến nơi. Gã cúi đầu nhìn bài rồi ngẩng đầu nhìn Lai Thư.
– Nhớ đấy! Bốn gói cộng thêm tám điếu rồi!
Lời Lai Thư vừa thoát ra khỏi miệng, Dương Lục Cửu đã thấy Tôn Ba nhảy bắn lên như một con nhái và tiếng nắm đấm giáng vào mặt vang lên khô khốc, tiếp theo là tiếng Lai Thư thét lên quái dị. Rồi hắn ôm lấy mặt, ngã xoài xuống đống giày dép lổn nhổn. Tôn Ba nắm đôi chân của hắn dạng ra, hai quân bài rơi ra từ mông hắn; gã kêu lên một tiếng đầy uất ức và căm hận, bổ nhào vào người Lai Thư, vừa đấm vừa cào vừa chửi rủa. Một cú hất mạnh của Lai Thư khiến Tôn Ba ngã nhào, hắn hùng hổ đứng dậy, đầu va phải thanh ngang của lán ngủ. Bóng đèn treo trên cao chao đảo, ánh sáng dao động. Hắn chụp lấy Tôn Ba, Tôn Ba cũng chụp lấy hắn, hai gã đàn ông gầy gò quyện chặt vào nhau chẳng khác hai con rắn đang quấn lấy nhau là mấy.
Dương Lục Cửu mình trần trục trục vọt dậy, nhảy mạnh khiến chiếc lán kêu và rung lên dữ dội. Có rất nhiều người giật mình tỉnh giấc và đồng loạt chửi vang ông ổng. Dương Lục Cửu phóng đến bên dưới chiếc đèn, giơ chân đá liên tục thật mạnh vào hai thân hình gầy nhẳng đang quấn vào nhau đó, không biết những cú đá này trúng vào ai, ai nặng ai nhẹ. Có tiếng Lai Thư rú lên thê thảm chẳng khác nào hắn đang bị một lưỡi dao thật ngọt chui vào bụng, hai con rắn tách rời nhau, thân hình cao nghều của Lai Thư cong lại như con tôm, mặt vàng ệch. Tôn Ba vẫn đứng, đôi mắt lóe sáng, khóe miệng dính đầy máu tươi, một cánh tay vẫn đang luồn vào trong đũng quần Lai Thư nắm chặt cái vật nhạy cảm nhất của đàn ông. Đôi mắt Lai Thư trợn ngược, chỉ còn toàn lòng trắng. Dùng hết sức mạnh, Dương Lục Cửu đá ngã Tôn Ba rồi cố hết sức lôi tay Tôn Ba ra khỏi đũng quần Lai Thư. Đã được giải thoát nhưng chẳng khác nào một con rắn chết, Lai Thư ngã nhào ra đất, thân hình dường như ngắn lại rất nhiều.
Dương Lục Cửu chen vào đứng giữa hai người, quát lớn:
– Mau đi ngủ! Mẹ kiếp! Tư lệnh Quách về sẽ làm thịt hai người!
Mọi người đều đã thức giấc, tiếng chửi vang lên ào ào như sóng biển. Nhiều người cúi người ra khỏi lán đi tiểu, xong quay vào lại tiếp tục chửi. Con chó độc nhãn ở lán nhà ăn lại sủa lên ông ổng. Không hiểu sao mọi người đều cười rộ lên. Bỗng nghĩ ra ý hay, Dương Lục Cửu nói:
– Tôn Ba! Cậu và Lai Thư đã làm mọi người tỉnh giấc. Tôi cho hai người một cơ hội lập công chuộc tội đây!
Hai gã gầy như hai con gà chọi gờm gờm nhìn nhau.
– Mau đi bắt con chó kia thịt đi, cho mọi người có được bữa tươi! – Dương Lục Cửu nói.
Cả gian lán vang lên tiếng cười nói hoan hỉ, ai cũng tán dương tài nghệ của Tôn Ba.
– Cần làm thì một mình tôi làm – Tôn Ba càu nhàu – Không thể cùng với thằng cha gian tà xỏ lá này đi chung một lối được!
– Con mẹ mày, phét lác vừa vừa thôi! – Lai Thư thủng thẳng nói.
– Tôn Ba, mày chỉ biết nói phét, nghe đại danh mày đã từng trộm gà trộm chó nhưng cuối cùng có thấy mày mang về được sợi lông gà lông chó nào đâu. – Có ai đó nói.
Tôn Ba khinh khỉnh hướng về bóng tối khịt khịt mũi, nói:
– Ông Dương, ông có dám bảo đảm là chuyện ăn thịt chó này sẽ không báo cáo với tư lệnh Quách chứ?
– Ai mà lại vô lương tâm đến như vậy? Cậu chỉ lo lắng hão!
– Thế thì đi!
Tôn Ba bò lên ổ của mình mò mẫm tìm cái gì đó giắt vào thắt lưng, nói:
– Ông Dương, ông dẫn tôi đến nhà bếp lấy một ít đồ!
Dương Lục Cửu xỏ chân vào quần, nửa trên để trần rời khỏi lán. Tôn Ba theo sát sau lưng lão, đôi mắt ti hí trông như mắt sói phát ra thứ ánh sáng xanh lè. Bước vào lán bếp, Dương Lục Cửu mò mẫm tìm hộp quẹt đánh lửa, trông thấy đôi mắt của lão Lưu gù đang mở trừng trừng, lấp loáng như lửa ma trơi, bèn nói:
– Lão Lưu, chớ có hỏi han gì cả, để Tiểu Tôn làm chút việc tốt cho mọi người. Tiểu Tôn, cậu cần những thứ gì?
– Bánh quẩy dùng để ăn sáng. – Tôn Ba nói.
– Có bánh quẩy không? – Dương Lục Cửu hỏi.
– Cút! Lão Lưu gầm lên.
– Đừng nóng giận, lão Lưu! Chúng ta đều là những kẻ cùng một giuộc với nhau, nhân lúc tư lệnh Quách không có ở đây có thể làm được gì thì cứ làm. Lão cũng đừng làm ra vẻ ta đây đường hoàng đĩnh đạc nữa!
Vừa nói, Dương Lục Cửu vừa nhấc chiếc thùng thiếc treo trên vách lá xuống, lấy ra một chiếc bánh quẩy đưa cho Tôn Ba.
– Ông Dương, tôi phải làm việc nên phải có một chút gì đó nhét vào bụng cho no cái đã! – Vừa nói, gã vừa vươn tay mò vào thùng thiếc, bốc hai bốc đầy bánh quẩy, nói tiếp. – Chờ đó mà ăn thịt chó!
Ánh trăng vằng vặc, cảnh vật khắp nơi hiện ra rõ mồn một. Con chó đang ở trong một khu vườn nhỏ bên bờ nam ngồi nhìn trăng mà sủa như trong mơ. Tôn Ba chạy lên bờ đê, đôi chân chẳng gây tiếng động nào. Loáng một cái, chẳng còn thấy hình bóng của gã đâu nữa.
Mạc Ngôn
Nguồn: Isach.info
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài