Trương Hiền Lượng

Chúng tôi không có lịch. Đội tôi không nhà nào có. Nghe nói có một tấm ở văn phòng đội, nhưng đã bị đánh cắp trước khi chúng tôi đến. Sau đó, ai muốn mua cũng không có mà mua, vì lịch mất vào tháng Sáu. Tháng Sáu thì cửa hàng nào còn lịch? Đội trưởng Tạ bảo chúng tôi: thằng khốn nạn nào cũng khéo ăn cắp, lấy đi một trăm tám mươi cái ban ngày. Không thằng ăn cắp nào bợm hơn thằng này! Mọi người cho rằng thằng ăn cắp này lấy lịch để cuốn thuốc hút chứ không phải lấy để xem ngày tháng. Đội trưởng Tạ cắt đặt công việc, kê toán ghi chép sổ sách, đều dựa vào anh giao thông của nông trường bộ cứ hai ba ngày đến một lần, gọi là “lấy ngày”. Khi nào có người lên nông trường bộ, đi Trấn Nam Bảo mua hàng, hoặc đến đội khác thăm bà con, đội trưởng Tạ lại dặn rất to: này, “lấy ngày” đem về nhé! “Lấy ngày” đã trở thành nghĩa vụ của công nhân nông nghiệp mỗi khi đi đâu, xem hôm nay là ngày mấy tháng mấy dương lịch tức ngày mấy tháng mấy âm lịch, “tiết gì, còn cách ngày lễ lớn bao nhiêu hôm. Riêng “thứ mấy” thì không cần xem. Chúng tôi chưa khi nào nghỉ vào chủ nhật. ngày thứ hai su hôm phát lương là ngày nghỉ. Vì không có khái niệm về tuần lễ, những người lên làm việc ở Trấn Nam Bảo thường là công toi, vì rằng trên đó người ta nghỉ chủ nhật.

Năm ngoái không có lịch. Sau tết Nguyên đán vẫn không có. Hình như chuyện không cần xem ngày tháng đã thành thói quen, bác quản lý thọt năm ngoái đi phố mua dụng cụ và văn phòng phẩm, cái quên mua lại là cuốn lịch. Đội trưởng Tạ chửi “Đồ con lừa, anh sợ xem lịch thì già đi phỏng? Cứ muốn bây giờ vẫn còn là năm ngoái phải không? Mua mẹ nó một cuốn lịch về, chọn ngày lành tháng tốt mà lấy vợ đi chứ”. Bác thọt tím mặt. Vợ chết đã lâu, bác vẫn chưa lấy bà kế, năm nay tuổi bác đã suýt soát bốn mươi.

Thế cũng hay! Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi, cho đến khi có người “lấy ngày” đến, chúng tôi giật mình reo to “A, sắp tết rồi!”

Thực ra ngày tế Dương Lịch cũng như tết Nguyên đán, các công nhân không được cấp gì thêm. Nhưng chiếc đồng hồ sinh học  trong cơ thể làm cho mọi người tự nhiên đều thấy vui vẻ, bóng dáng mùa xuân hiện rõ trên từng gương mặt. Hơn nữa, ở nông thôn người ta coi trọng ngày tết, nên mỗ   i đội đều có chuẩn bị. Cho công nhân được nhiều hay ít là tuỳ ở khả năng của mỗi đội và thái độ vì con người hay không của lãnh đạo đội. Mấy hôm nay, các nam nữ  công nhân bàn tán hầu như chỉ xoay quanh chuyện sẽ thịt mấy con dê, mỗi nhà sẽ được chia bao nhiêu thịt, đến lượt những nhà nào được chia bộ lòng. Vì rằng bộ lòng rất khó chia theo cân lạng nên được coi là cung cấp ngoại ngạch, cứ ba gia đình được chia một bộ, gồm ruột gan, tim phổi và móng đất, đem về chia nhau. Nhưng vì lần trước cách lần chia sau khá lâu nên không mấy ai nhớ được những nhà nào đã lấy bộ lòng, sổ ghi cũng không có, thế là một cuộc tranh cãi nổ ra, còn kịch liệt hắn Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kéo dài từ chuồng ngựa đến chuồng dê ra đến tận ngoài đồng. Có điều, cãi đấy, nhưng không khí rất vui vẻ.

Thịt dê hay lòng dê cũng vậy thôi, những anh độc thân chúng tôi đều đâu có phần. nếu có, thì nhiều lắm cũng chỉ hai ba miếng đã nấu chín, to bằng đầu ngón tay do nhà bếp chia cho. Vì vậy chúng tôi rất thờ ơ. Hơn nữa, hầu hết các tổ viên đều đã sắp xếp xong chuyện hộ khẩu, công tác, lương thực. Anh trung uý đã chia tay với chúng tôi, giờ đây chắc đang chuẩn bị đón tết với gia đình. Tay “Chủ nhiệm kinh doanh” nhà ở trên tỉnh, giấy phép di chuyển của nông trường ngoại vi tỉnh lỵ đã gửi đến cách đây it hôm, chỉ còn đợi nông trường này phê chuẩn. Ông ta đánh tiếng từ lâu là sẽ ăn tết ở nhà.

Còn ba hôm nữa là tết. Buổi chiều, bầu trời u ám, tuyết lất phất rơi. Những bông tuyết lạnh lọt vào cổ áo, rơi trên cán xẻng. Lát sau, cán xẻng ướt đẫm thấm sang bao tay bông của chúng tôi. Đội trưởng Tạ, theo thói quen, nhìn trời chửi thề “Thời tiết cái con khỉ” rồi hét to “Nghỉ thôi!” Hôm nay chúng tôi đắp đất che các đống phân ở triền ruộng cách bản khá xa. Nghe lệnh đội trưởng Tạ, tất cả ù té chạy về nhà.

Tuyết càng rơi nhiều. Tôi bước đi chậm rãi. Mặt đường đã phủ một lớp tuyết xốp. Bầy chim sẻ vỗ đôi cánh ướt mèm một cách khó nhọc, vội vã bay vào lùm cây đã trụi lá. Rồi chúng dùng mỏ rỉa lông, và cũng như đội trưởng Tạ, vừa rỉa vừa nhìn lên bầu trời xám xịt.

Ở Tây Bắc, tuyết không tan khi chạm đất ngay, dù rơi trên mu bàn tay, vẫn nhìn thấy những hoa văn mà chỉ có tạo hoá mới thêu thùa được như thế. Khi đã tan thành nước, những hoa văn đó vẫn giữ nguyên đường nét của chúng.

Khi những đám mây chì đã đông kết lại, thì bầu trời lại sáng lên. Nơi đất trời tiếp giáp nhau, rực rỡ hồi quang của hoàng hôn. Chân trời mở rộng, và trên cái nền trời xa lắc ấy, làn khói xe lửa đen đến nhức mắt trên màn tuyết bay. Làn khói đen uốn khúc, trải ngang như một nét bút thần kỳ, vẽ thêm một đường chân trời thứ hai. Nhìn cảnh ấy, tâm t con người dễ lang thang đến cõi hư ảo xa xăm.

Trở lại bản, trước chuồng ngựa không còn một ai, tất nhiên Hoa cũng đã về nhà. Bản làng im ắng trong tiết đại hàn khắc nghiệt. Gian nhà đất của chúng tôi rất ấm, anh cán bộ biên tập không đi làm, ở nhà thông lò. Bếp cháy rừng rực, những ngọn lửa nhảy múa. Một tin vui: những công nhân độc thân ăn tập thể được phát trước Tết mỗi người nửa cân bột mì trắng – một sự ưu đãi vượt quy định. Nhà bếp thái nhỏ củ cải trộn hành, muối, làm cho chúng tôi một bữa sủi cảo.

Mọi người sắp chia tay nhau, chân trời góc bể, ai đi đường người ấy, e rằng kiếp này gặp lại cũng khó. Vì vậy, mấy hôm nay các tổ viên tỏ ra rất hoà nhã. Lão kế toán đặc biệt quan tâm đến tôi. lĩnh giúp suất ăn, rồi hâm nóng trên bếp lò.

Mọi người ăn sủi cảo, bàn luận vui vẻ chuyện sẽ làm việc gì đầu tiên sau khi trở về với gia đình. Tay “Chủ nhiệm kinh doanh” ao ước được ăn một bữa thoả thuê bánh đa kẹp thịt cừu. Lão kế toán nhẩm tính, khi về đến Thượng Hải là khoảng rằm tháng Giêng, vừa dịp tết Nguyên tiêu –  dân Thượng Hải gọi là tết Thăng Thoan. Anh cán bộ biên tập quê ở Lan Châu, họ hàng đã liên hệ công tác cho anh ở một xí nghiệp trong khối phố, giờ đây anh đang hào hứng giới thiệu cho chúng tôi các món điểm tâm của quê mình…

Mỗi dịp xuân về lại nhớ người thân, tôi không thể về nhà – thật ra, tôi không có nhà để về, về thăm mẹ tôi một lần cũng không có khả năng. Từ tỉnh lỵ đi Bắc Kinh, vé ghế cứng của tàu chậm cũng mất hơn hai mươi đồng. Vậy mà ở đây, tiền quần tôi cũng chưa có để trả cho Hoa. Hiện cô lại đang khâu giày cho tôi. Tôi không có tiền, mà giả dụ có tiền đem trả cô cũng không lấy, và chính vì vậy đâm ra tôi phải cân nhắc: quan hệ chúng tôi rồi sẽ đi đến đâu?

Lấy Hoa, xây dựng gia đình ở nông thôn, ý nghĩ ấy đã từng cám dỗ tôi mãnh liệt, có một dạo, tôi tưởng như một mục tiêu khó mà vươn tới. Nhưng bây giờ, khi tôi tỉnh táo nhận ra cái khoảng cách, tôi liền co lại.

Tất nhiên hàng ngày tôi vẫn đến nhà cô, gần như nhà cô đã là nhà tôi . Bé Xá nay rất thân với tôi nhưng tôi cũng không hề kể cháu nghe những chuyện mà người lớn mới hiểu. Lúc đọc Tư bản đã thấm mệt, tôi chơi với cháu một lúc. Cháu suốt ngày giãi nắng dầm mưa, ăn uống lại khá hơn những trẻ khác, vì vậy trông cháu như con trai, nhưng lại không nghịch ngợm như con trai mà vẫn giữ được những nét dịu dàng của con gái. Cháu thích tôi kéo sụp cái mũ  La Tống xuống chỉ để hở đôi mắt như doạ cháu. Khi ấy cháu cười khanh khách.

Nhưng Hoa thì vẫn như cũ, chưa bao giờ tỏ ý muốn lấy tôi hoặc lấy bất kỳ người nào khác. Nhưng sau này, bé Xá có lần lại gọi tôi là “búp bê”, cô vẫn mắng nó như lần trước, bắt gọi tôi là “bố”, nét mặt không có ý gì sâu xa, vẫn là nụ cười cởi mở, làm ra vẻ giận mà chỉ cô mới có. Phải chăng cô dùng những phương thức tinh tế để tỏ tình? Hay là cô phải tuân theo phong tục hủ lậu nào đó ở nông thôn? Hay là bản chất của cô là thích tự do như cánh chim trời? Tôi không hiểu. Có lúc, tình cảm của cô đối với tôi khiến tôi khó xử.

Đêm khuya, khi tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ, điều tôi suy nghĩ thường là quan hệ giữa tôi và cô. Khi tôi ý thức được rằng, tôi đã trở lại con người bình thường, đã “nâng tầm của mình lên”, tôi không thể cứ mãi bị thương hại và chịu ơn người khác. Tôi có thể ở trong căn phòng tường xiêu vách đổ, có thể ngủ trên đống cỏ khô, có thể chịu đựng tiếng nghiến răng của lão kế toán… tôi chịu được tất, vì rằng tôi phải “gắn bó với trí tuệ loài người”, được “giác ngộ” qua sách của Marx. Một con người mới nảy sinh trong tôi. Con người mới đó có những ước muốn, mặc dù chưa rõ ràng, vì rằng bất cứ ai, kể cả Marx, có thể miêu tả đến từng chi tiết cụ thể xã hội cộng sản, do đó ước muốn chỉ là vươn tới ánh sáng, vươn tới một cuộc sống đầy đủ, thậm chí một nỗi vất vả lớn hơn. Thế nhưng tôi đang sống bằng sự bố thí của cô. Tôi không thể tiếp tục như thế, bởi đã bắt đầu cảm thấy đây là một sự sỉ nhục đối với mình.Tôi còn cảm thấy sự hỉ xả của cô là một cực hình, nó làm hoen ố nguyện vọng cao đẹp của tôi. Thế là, sự tình đã đến bước này, nếu không cắt đứt quan hệ với cô, thì chỉ có cách kết thành đôi lứa.

Tuy vậy, ăn xong sủi cạo tôi vẫn đến nhà Hoa.

Trời tối dần. Tuyết rơi càng dày đặc so với ban chiều. Tuyết bay lấp loá trên nền trời xám mờ ảo. Trên đồng ruộng, trên bản làng cũng một màu xám mờ ảo như bầu trời. Bông tuyết không rơi thẳng như giọt mưa, mà bay dọc bay ngang như những côn trùng bé nhỏ, làm cho lòng tôi càng rối như tơ vò.

Cửa nhà Mã Anh Hoa mở rộng. Cô đứng giữa cửa, đầu trùm khăn, hình như định đi đâu. Bé Xá cũng đã mặc rất ấm, tay cầm  chiếc bánh đứng bên chờ mẹ. Thấy tôi, cô cười rồi lánh sang một bên, có ý bảo cứ vào nhà. Trên bệ đất, một mâm đầy bánh cảo mà bộ ba chúng tôi chắc không thể ăn hết. Tôi nhận ra cái mâm. Nó thường để trên bàn gỗ ở nhà bếp chúng tôi.

Tôi vốn đã suy nghĩ đau đầu, nay lại thêm chuyện mà không biết trút giận cho ai, bèn sa sầm nét mặt, hỏi:

–         Ở đâu ra bánh cảo này?

–         Ở đâu ra? Người ta cho đấy – cô quấn khăn trả lời với vẻ thờ ơ.

–         Ai cho? – Tôi ngồi xuống ghế, dùng tay đẩy cái mâm ra xa.

–         Ai? Ai thích thì người ấy cho – Đôi mắt dưới vành khăn liếc nhìn tôi, cánh mũi cô phập phồng. Cô cười như không có chuyện gì xảy ra.

–         Được! – tôi cười nhạt – Tôi không ăn đâu – nói xong, tôi thấy mình giận dỗi một cách tức cười.

Tôi có quyền gì can dự vào cách sống của cô. Tôi là gì đối với cô? không là gì cả. Tôi nghĩ thầm: Thế là hết, chấm dứt ở đây thôi!

–         Thôi! Thôi! Không ăn thì thôi! Để nuôi chó – Cô cười, giọng như dỗ trẻ. Với cô, hình như không có chuyện nào nghiêm trọng và to tát cả. Rất nhiều bận, những lo lắng, băn khoăn và do dự của tôi tan biến  trước thái độ vô tư lự của cô. Tôi cũng chẳng còn cách nào khác.

–         Có chuyện này rất hay! – Cô nháy mắt, cười rất tươi – Đội làm thịt dê, những mười con. Thịt vào ban ngày thì sợ người ta đến lấy tiết, chen nhau sập mất chuồng trại, nông trường mà biết thì đội trưởng Tạ sẽ có lỗi. Đội trưởng Tạ bảo làm thịt vào đêm, tiết thì đem cho bếp tập thể – các anh vớ bở đấy nhé! Bác thọt gọi em đến giúp một tay. Anh bảo thế là chuyện hay hay dở? Anh cứ ở đây, em sẽ đem sỏ dê và thịt vụn về nấu ăn…Cơm trong nồi ấy, anh ăn một chút trước đi. Mười con dê già phải chọc tiết, lột da, chia mỗi nhà một phần, em sợ rằng làm đến sáng mới xong. Em đưa bé Xá đến ngủ đàng chuồng dê – ở đấy cũng có giường bếp.

Tôi ngồi lặng đi, chắc chắn là bác thọt đã bóp họng c tôi để có mâm bánh cảo đem cho mẹ con cô. “Quán ăn Mỹ”, ôi chao, “Quán ăn Mỹ”! Tôi giận dữ nhủ thầm. Tôi biết Hoa giỏi giang trong việc thịt dê, cơm nước, khi đội có việc thường cắt cử cô. Nhưng tôi rất nghi tay quản lý có chuyện “trao đổi” gì đấy, nếu không thì vì sao “việc hay” như vậy lại giao cho cô? Đúng là một lũ bụi đời bất trị. Một lần nữa tôi lại tự nhủ.

–         Vậy Hoa đi đi! – tôi đứng lên, giọng không vui – Tôi về đây!

–         Anh làm gì vậy? – Cô mở to cặp mắt đẹp, tỏ vẻ không hiểu – Anh ăn chút cơm, rồi đọc sách. Không đợi được em thì anh về ngủ, nhớ khoá cửa lại, Cún của em ạ.

Cô dẩu môi dưới ra, véo nhẹ vào má tôi, cử chỉ đầy thương yêu có pha chút giễu cợt, rồi ẩy tôi một cái ngã xuống giường, cô bế thốc bé Xá lên, chạy đi như một làn gió.

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài