Trương Hiền Lượng

Khí hậu trên cao nguyên hoàng thổ đặc biệt hanh khô. Sau hơn nửa tháng, phần lớn tuyết trên đồng đã bốc hơi. Bốc hơi chứ không phải tan. Bờ mương phía có bóng râm, còn lưu lại vết tích của tuyết. Bụi lại bay trên đường đất nối từ bản này sang bản khác. dưới chân núi, những cột lốc lại sừng sững chống trời. Phía đông, dải đất màu vàng bằng phẳng, rộng mênh mông đã lặng lẽ phô bầy sắc xuân. Thỉnh thoảng, một trận gió ào qua. Không khí có hàm lượng cao của Ion lướt trên đồng ruộng mạnh như bầy ngựa phi nước đại, khiến tôi mới hiểu hết cái thần trong câu “gió bụi như ngựa lồng” trong bài Tiêu dao du của Trang Tử.


Hỉ điều khiển chiếc xe ngựa cỡ lớn chạy vọt lên, có vẻ uy phong lẫm liệt. Mấy con ngựa kéo ngày  càng gầy đi. Nhưng kỹ thuật của anh ta là ở chỗ này: làm cho ngựa chạy chí chết, trừ phi ngựa chết lăn ra đường, còn không cho phép chạy ì ạch.

Người làm sao, bào hao làm vậy.

Không một ai theo xe Hỉ được quá hai ngày. “Cái đồ con lừa ấy khoẻ như trâu mộng, làm mình đến đứt hơi!” Đã đi xe anh ta, không ai không chửi. Trong giai đoạn chở phân, xe anh ít nhất thay mười người. Luân phiên đến tổ tôi, tay trung uý đi một ngày, tối về, hắn chửi bằng tiếng địa phương:

–         Đồ trâu đực khốn kiếp! Lúc này mà còn định lập công cái mả mẹ nó! Người ta chở hai đến ba chuyến, thằng cha khốn kiếp chở đến năm chuyến. Tôi mệt rũ ra đây. Ngày mai, ai đi thì đi, còn tôi đi Trấn Nam Bảo.

Ngày hôm sau, tôi chủ động đi xe của Hỉ.

Phía trong chuồng ngựa là một cái sân rộng hình vuông, từng chiếc xe ngựa cỡ lớn đỗ sát tường đất, còn ba phía kia là chuồng gia súc cũ nát, được chống bằng những cột xiêu vẹo vì gia súc cọ vào. Tôi cùng mấy công nhân khác vào trong sân, xắn tay áo, ngồi xổm dưới chân tường đợi các xà ích thắng  xe ngựa. Các xà ích dắt ngựa của mình ra khỏi chuồng. Khắp sân vang lên những tiếng “vrừ!”, “họ!”, các xà ích, người thì còn ngái ngủ, người thì ủ dột, ngơ ngác như mất hồn. Ngựa của họ thì cũng không muốn rời máng cỏ, dắt ra rồi vẫn không chịu đi, đứng như trời trồng giữa sân, cho đến lúc quất mỏi tay, chửi cạn nước bọt, chúng mới lê tấm thân đầy vết roi lùi vào giữa càng xe một cách miễn cưỡng.

Riêng Hỉ, với tư thế chững chạc giữa đám xà ích và bầy ngựa, dùng đầu roi khiển bầy ngựa in hệt diễn viên dạy thú trong rạp xiếc, nhẹ nhàng dồn mấy con ngựa vào đúng vị trí của chúng, không phải đánh roi nào đã thắng ngựa vào xe. Thắng xong, chưa cho xe chuyển bánh, anh ta ngồi xổm trên mặt tường, đưa cặp mắt xấc xược nhìn xuống đám người cùng nghề. Tôi không lạ gì điệu bộ ấy.

Các xà ích lần lượt đánh xe ra khỏi sân, các công nhân đều lên xe của mình. Còn lại chỉ có hai chúng tôi và ba con ngựa.

Bây giờ Hỉ mới đứng dậy, tay che nắng, từ trên cao nhìn một lượt khắp cánh đồng. Phía ngoài chuồng ngựa, cánh phụ nữ đang xúc phân, ríu rít như  bầy chim sẻ. Anh ta nhẹ nhàng nhảy xuống đất, sải bước về đống cỏ khô.

Lát sau, anh từ sau đống cỏ đi ra, tay xách một bao căng phồng, có lẽ đến bốn năm chục cân. Đến chỗ xe đỗ, anh ta chỉ khẽ rún chân đã nhét cái bao tải đay chìm dưới sàn xe, rồi phủi phủi tay áo, vung roi lên: “Đi, đi!” rồi đánh xe ra cổng lớn.

Xe đi ngang qua tôi, anh cũng không thèm chào. Tôi không cần vịn tay, nhảy vọt lên sàn xe. Tôi phải cho anh ta thấy là tôi không phải là con vịt lạch bạch leo lên xe của anh.

Tôi biết, cái bao mà anh đem từ sau đống cỏ lên xe là thức ăn cho ngựa, nếu không phải đậu vàng, đậu ván thì cũng cao lương. Tôi có thể thoả thuận ngầm với anh ta, không moi ra. Chuyện này tôi đã thấy nhiều ở nông trưởng lao cải. cái đồng hồ của tôi là đổi cho một tay xà ích. Tôi dán mắt vào tay xà ích lôi cái bao tải đay từ đáy ngầm dưới sàn xe, đổ ra một đống củ cải. Không có cân, hắn còn cãi nhau chán với tôi về cân lại. Củ cải từ đâu mà ra? Tuyệt nhiên không phải mọc từ sàn xe bằng gỗ, mà chỉ có thể từ ruộng củ cải của nông trường.Trở tay một cái, hắn lấy không của tôi cái đồng hồ Thuỵ Sĩ mạ vàng. Tôi không thể đi tố cáo hắn. nếu vi phạm luật đổi chác đã được thoả thuận ngầm, anh sẽ bị bỏ đói.

Hôm nay trời đẹp, chưa đến mười giờ sương sớm đã tan. Trên cỏ khô và tay vịn của xe còn lưu lại vết tích của sương, ươn ướt màu nâu nhạt. Trời trong xanh, đường khô cứng. Những đống phân đã đập tơi bốc hơi nghi ngút như vừa lấy trong chảo hấp ra. Hôm nay, tâm trạng của tôi  cũng khá, một tâm trạng háo hức khó hiểu, bắt nguồn từ sự chờ một sự việc không bình thường sắp xảy ra…

Theo thường lệ, xà ích điều khiển xe và cũng làm công việc xúc phân. Người đi theo xe chỉ là giúp việc. Nu hai người tốt với nhau thì ai làm hơn làm kém một chút, đều không đáng kể, phối hợp với nhau làm xong nhiệm vụ là được. Điều khiển xe không phải là chuyện biết từ thuở lọt lòng. Phải có thời gian đi theo xe. Khéo tay một chút, nhanh nhẹn một chút, giúp xà ích thắng xe, tháo xe, dọc đường cầm lấy roi đánh xe một đoạn, dần dà sẽ học được nghề. Đánh xe ngựa thì không cần bằng cấp, không cần cơ quan nào sát hạch. Con mắt của đội trưởng, tổ trưởng là  tiêu chuẩn. Họ thấy ai làm một mình được thì cho làm một mình. Điều khiển xe ngựa không khó, dễ hơn nhiều so với học lái xe hơi. Kỹ thuật cao hay thấp là ở sai khiến ngựa – điều này khó hơn việc làm quen với máy móc rất nhiều – và những khi xe bị sa lầy hoặc lúc nguy hiểm phải đối phó như thế nào. Lúc này, đầu óc sắc sảo và sự nhanh nhẹn của chân tay quan trọng hơn kinh nghiệm. Ở một nông trường chưa có cơ giới hoá khi đã điều khiển được xe, thì xà ích là tầng lớp lao động cao cấp.

Hỉ có kỹ thuật cao. Anh là người lao động cao cấp ở đây.

Anh ta đánh xe đến bên đống phân, sửa cho tròn cái quây đan bằng cỏ năn, rồi nhảy xuống, đến ngồi xổm dưới chân tường, giả vờ sửa lại đầu roi ngựa, không xúc phân. Cung cách ấy có nghĩa là bắt tôi làm tất, cả xúc lên lẫn gạt xuống.

Tôi cầm lấy chàng nạng bốn răng, bắt chước anh ta “phì, phì!” nhổ rõ kêu hai bãi nước bọt vào lòng bàn tay rồi vung chàng nạng xúc lia lịa. xúc đầy xe, tôi phóng chàng nạng vào đống phân trên xe rồi nhảy lên ngồi trên càng, rút bao thuốc lá Song Ngư ra hút, chân đung đưa.

–         Ngồi đằng sau! – anh ta cố tình đuổi tôi ra phía sau. Ở xe lớn, từ trục ra đàng trước coi như “ghế mềm”, từ trục trở về sau, sơ ý là bị ngã lộn cổ, cứng hơn “ghế cứng”. Sau khi xúc đầy xe phân, tôi càng tin vào thể lực của tôi. Người tôi nhơm nhớp mồ hôi, các lỗ chân lông mở ra, sức mạnh tiềm tàng của tôi được giải phóng không bị ngăn trở, và tôi vẫn cảm thấy tôi vẫn còn tiềm lực dự trữ. Phát hiện này làm tôi vui sướng, tôi thật sự đã là một thanh niên.

Tôi nhìn Hỉ, nhếch miệng cười độ lượng và khinh bỉ rồi nhảy xuống ngồi phía sau:

Ôi, tôi nhớ và tôi phải nhớ

Vân tay em giá đáng ngàn vàng!

Đến ruộng anh ta vẫn ngồi cầm roi, không chịu gạt phân xuống. Tôi gạt được một đống xong, anh ta lại cho xe tiến một đoạn. một xe phân gạt thành bốn đống. Anh điều khiển xe nhanh hơn người khác, chuyến thứ nhất trở về chúng tôi đã tách khỏi đội  xe, một mình đi đi về về.

Giờ đây, chỉ có một xe của chúng tôi bên đống phân. Đến chuyến thứ ba thì tất cả nam nữ công nhân và đội trưởng Tạ đang đảo phân, đều nhận thấy giữa Hỉ và tôi có khúc mắc. Hỉ cho xe vào đúng vị trí rồi ngồi xổm một bên, rất đàng hoàng, không hề giấu giếm chủ ý. Hắn không hút thuốc, tay vân vê cái nút đầu roi ngựa, làm như chuẩn bị vụt cho tôi một trận nếu tôi không làm cật lực. Các công nhân cười rúc rích, khẽ rỉ tai nhau. Tôi trở thành diễn viên. Lúc này, tôi càng xúc hăng, không phải vì chấp thuận sự thách thức của Hỉ,mà vì cảm thấy sức trai của tôi đang trỗi dậy. Tôi mở cúc áo bông, dưới ánh mặt trời tháng Chạp ấm áp, bụng tôi nổi múi như phím đàn gió. Quãng dừng tay giữa hai nhát xúc, tôi lại xoa xoa hai hàng phím đó. Chúng bóng nhẫy, nóng hầm hập nhưng đàn hồi, làm tôi nhớ lại điệu múa kiếm của đoàn văn công Liên Xô hồi sang biểu diễn ở Trung Quốc. chúng đang hoà tấu khúc khải hoàn mang phong cách Kazắc.

Phân ngựa, quá nửa là cỏ mục, không nặng, một chàng nạng là một ụ nhỏ. Cả xe  chỉ cần khoang một trăm nhát xúc là đủ. Khi nào đói thì lao động mới trở nên nặng nhọc. Lúc này, tôi càng xúc càng thành thạo, càng ung dung. Tôi bắt đầu áp dụng phương pháp sinh lý học trong lao động, tìm góc độ và điểm tì tốt nhất cho lưng, vai và chân, chia mỗi nhát từ chỗ xúc đến điểm rơi trên xe thành mấy bước. xác định rồi, động tác của tôi được trình thức hoá, không những không mất sức, mà còn rất đẹp mắt.

Xúc xong chuyến thứ tư, tôi hiểu rằng tôi đã đứng vững, tôi đã thắng. Tôi vẫn sung sức như lúc xúc chuyến thứ hai. Một nữ công nhân đứng bên đang trêu chọc tay Hỉ, gọi hắn là “quỷnh” không biết nên giải thích từ này như thế nào. Đội trưởng Tạ thì thái độ không rõràng, luôn miệng “phì..phì…” không hiểu bác mắng Hỉ hay mắng tôi. Hỉ ngượng, không ngồi bên xe nữa, lúc thì đi tiểu, lúc thì đứng rất xa. Lúc này, thoe một quy luật tâm lý rất phổ biến, khi mục tiêu cũ đã đạt, tôi vươn tới một mục tiêu mới mà vẫn cùng phương hướng: tôi đã đứng vững, tôi đã thắng trong cuộc đọ sức này và lập tức phải thách thức hắn. Giờ đây, không phải tôi bị hắn áp đảo, mà tôi phải áp đảo hắn.

Khi chúng tôi chở chuyến thứ năm, các xe khác chỉ mới được ba chuyến, xe của ông “Đồ chó chết” chỉ vẻn vẹn có hai chuyến. Đội trưởng Tạ ngẩng nhìn mặt trời, hô to “Nghỉ thôi!” Nhưng tôi còn hô to hơn:

–         Không! Tôi chưa đã thèm! Chúng tôi còn làm thêm một chuyến nữa!

Chuyến thứ sáu trở về, mặt trời mùa đông đã gác núi. Đỉnh núi không có mây, bầu trời không có ráng chiều. Những dãy núi trần trụi khoác lên màu tím sẫm. Từng đàn chim sẻ từ sân phơi, từ chuồng ngựa – ở đó chỉ có ít rơm rạ, cỏ khô – bay ào ào qua con đường đất, đến khoảng rừng cây giống như cây gai, thấp lè tè trụi lá, vừa bay vừa kêu rên ríu rít. Không khí như đã dịu, bụi bay lên từ dưới bánh xe lại từ từ rơi xuống. Từng làn hơi lạnh chốc chốc lại phả vào mặt. Hỉ ngồi phía trước, lưng hơi cúi – cái tư thế biểu thị một tâm trạng không vui, thậm chí đau khổ. Không hiểu vì sao, tôi cũng cảm thấy buồn, không còn hứng thú, niềm vui thắng lợi đã tan biến. Tôi như rơi xuống giếng sâu, lạnh như băng.

Cánh đồng vắng ngắt, sương chiều màu tím nhạt dâng lên, bao vây chúng tôi từ  bốn phía. Trên con đường đất vắng vẻ và đơn chiếc chỉ có hai chúng tôi.

 

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài