Có một người con gái của vùng đất Kẻ Bưởi vẫn đau đáu trong mình nỗi trăn trở mong hồi sinh lại những thước vải lĩnh vốn là linh hồn của kinh thành Thăng Long.
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lĩnh Bưởi được coi như một thứ vải sang trọng và “sành điệu” nhất của thời bấy giờ. Trong bài viết: “Huyền thoại về bà tổ thời trang hàng hiệu Việt Nam, chúng tôi đã giới thiệu đến bạn đọc sự ra đời thời kì đỉnh cao phát triển của thương hiệu vải thượng hạng ở kinh thành Thăng Long.
Năm tháng qua đi, những người thợ dệt lĩnh đã dần bỏ nghề, nghề dệt lĩnh dần bị mai một và dường như chỉ còn trong ký ức. Ngày nay rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ khi nhắc đến lĩnh Bưởi thì không biết hoặc không hiểu đó là gì.
Những tưởng rằng lĩnh Bưởi nay chỉ còn thấp thoáng trong những câu ca dao xưa: “The La, Lĩnh Bưởi, Chổi Phùng. Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên.”
Thế nhưng có một người con gái của vùng đất Kẻ Bưởi vẫn đau đáu trong mình nỗi trăn trở mong hồi sinh lại những thước vải lĩnh linh hồn của quê hương. Chị là Vũ Thị Minh Hoàng, con gái đời thứ 14 của dòng họ Vũ đất Bưởi. Chúng tôi gặp chị Hoàng trong cửa hàng Lụa Hà, địa chỉ số 538 Thụy Khuê. Đây cũng là địa chỉ duy nhất bán và giới thiệu lĩnh Bưởi truyền thống ở Hà Nội.
Gặp người phụ nữ có giọng nói nhẹ nhàng, khuôn mặt phúc hậu, cử chỉ toát lên vẻ thanh thoát của một cô gái Hà thành chia sẻ: Con đường mà chị đã lựa chọn để đi đến hết cuộc đời mình chính là nhằm khôi phục lĩnh Bưởi xưa kia.
Khi lĩnh Bưởi đang đứng trước bờ vực biến mất hoàn toàn, chị đã không bỏ cuộc, không quản vất vả, gian khổ đi khắp vùng Kẻ Bưởi tìm nghệ nhân dệt lĩnh, may sao chị đã gặp được cụ Phùng Văn Thiêm, nghệ nhân duy nhất còn lại ở Trích Sài.
Sau nhiều thời gian tìm tòi, năm 2007, chị đã ra mắt những mét lĩnh đầu tiên sau 60 năm vắng bóng. Hiện nay, chị đã cho xây dựng một cơ sở sản xuất lĩnh, chọn lựa những người thợ giỏi nhất để thực hiện công nghệ rất khó này. Sau đó, các sản phẩm được trưng bày và bán ở cửa hàng Lụa Hà.
Cô gái dệt lĩnh ở kinh thành Thăng Long xưa.
Đầu tháng 9-2012, chị đã mang sản phẩm lĩnh Bưởi sang tận Nhật Bản để trưng bầy, khách Nhật đã tỏ ra vô cùng thích thú và thán phục sự tài hoa của các nghệ nhân Việt Nam.
Thế nhưng, do biến mất trên thị trường một thời gian quá dài nên nhiều người không còn hiểu lĩnh Bưởi là gì. Lĩnh Bưởi truyền thống được chị bán xấp xỉ 400.000 đồng/mét, nhưng hầu như không có lãi.
Chị Hoàng đã cải tiến ra một loại lĩnh riêng, giá thành rẻ hơn để nhiều người có thể sử dụng, chị gọi đó là “lĩnh lụa Hà”. Thực tế nhu cầu xã hội ngày một cao hơn, người dân có tiền để sắm các loại hàng cao cấp như lĩnh Bưởi.
Một sản phẩm thời trang của lụa Hà
Lĩnh hoa chanh.
Cũng theo chị Hoàng, sản xuất chưa thể mở rộng hơn một phần nữa là do chưa được các cơ quan hữu quan quan tâm, khiến nhiều người biết đến giá trị lĩnh Bưởi, thậm chí, rất nhiều người chưa biết đến sản phẩm quý này đang hiện diện trên thị trường.
Tản bộ trong một số con ngõ quanh co của làng cổ Trích Sài. Làng bây giờ đã lên phố từ lâu nhưng dấu ấn làng cổ thì vẫn còn vương vấn đâu đây. Những bức tường cũ rêu phong, những cành cây cổ thụ như minh chứng cho dấu vết của một ngôi làng nghề giàu truyền thống xa xưa.
Nhưng khi hỏi đến lĩnh Bưởi, nói đến nghề dệt Trích Sài, nhiều người dân sống quanh đây đành lắc đầu không biết. Phải chăng những nẻo đường hồi sinh của lĩnh Bưởi vẫn còn lắm chông gai…?
Theo Lê Hằng – Ngày nay online