Trương Hiền Lượng

Nửa đêm, có lẽ tôi bị cảm lạnh, lên cơn sốt. Bên ngoài gió bấc thổi ù ù. Giấy dán cửa sổ kêu sột soạt từng chập, nghe như tiếng đệm của đàn phong cầm. Tôi bị choáng từng cơn. Từ khi bị suy nhược toàn thân, tôi phát hiện ra rằng các tiểu thuyết miêu tả cơn choáng đều là tả bậy. Nào là ngã vật xuống đánh “huỵch”, nào là từ từ đổ xuống đi văng, phịa tất! Tôi cảm thấy choáng ngay cả khi nằm im trong chăn, hơn nữa, cơn choáng không làm tôi mê man, mà lay tỉnh tôi khi đang ngủ say. Lúc này, hình như đầu tôi to hơn ngày thường rất nhiều, nhưng máu trong đầu lại hình như cực ít, cực loãng, y như một vài giọt nước nhỏ trong bồn.

Tất nhiên không ai lấy nước cho tôi uống. Tôi phải chịu đựng, và tôi chịu đựng đã quen. Có khi tôi rất xúc động vì sự chịu đựng của bản thân mình, và cũng là nói, tôi xúc động vì tôi. Vào lúc nửa đêm, tôi xúc động với chính tôi. sức chịu đựng không như sức kéo, không thể đo bằng máy móc, vả lại, nó còn bao gồm cả hai mặt, vật chất và tinh thần. Có người chịu được nỗi đau tinh thần, nhưng không chịu được sự bần cùng về vật chất. Có người chịu đựng được sự thiếu thốn vật chất, nhưng không chịu được nỗi dau tinh thần. Tôi nhận ra, sức chịu đựng của tôi cả về vật chất lẫn tinh thần đều mạnh, chỉ cái chết mới giới hạn được nó.

Trời đã phú cho tôi sức chịu đựng ghê gớm ấy, lẽ nào lại muốn tôi tham sống sợ chết trong một trạng thái tinh thần suy sụp. Lẽ nào tôi không thể chuẩn bị sau này làm một việc gì đấy cho xã hội? Lúc này, tôi bắt đầu tự dày vò, mình lại trách mình. Củ cải được rồi lại mất, tôi coi như một sự trừng phạt và báo ứng của cõi u minh. Người nông dân rất cơ cực, vùng này xưa nay vẫn gọi nông dân là “kẻ khốn cùng”. Đi ra đồng thì không gọi đi la1m, mà gọi là “đi chịu cực”. một đồng sáu một cân củ cải không đắt, ở gần nông trường lao cải, mở miệng nói giá ít nhất cũng phải từ một đồng tám đến hai đồng. Cái đồng hồ của tôi chỉ đổi được ba mươi cân củ cải và một bát bột cao lương đã ẩm mốc. vậy mà tôi đã đánh lừa bác nông dân thật thà, mặt đây vết nhăn. Mà lại còn cho là mưu cao, thắng lớn!

Máu trong đầu tôi không ngừng quanh quẩn, dòng hồi ức quên lãng từ lâu lại hiện lên mờ ảo màu sữa, y như hình ảnh nổi lên từ đáy cốc khúc xạ. Trong căn phòng rộng, tường bồi giấy xanh da trời, có rèm che cửa sổ vẽ cây phong vĩ thảo, bên chiếc lò sưởi kiểu Pháp, một ông bác tôi ngồi ghế sôpha bọc da màu cánh gián, tôi ngồi trên đệm gấm Thục mềm mại. Bác tôi huơ huơ ly cocktail mà ông tự pha lấy, kể chuyện xây dựng cơ nghiệp của dòng họ Morgan. Theo lời ông kể, Morgan từ quê hương châu Âu lưu lạc sang Bắc Mỹ, nghèo đến nỗi chỉ có một chiếc quần. Về sau, hai vợ chồng mở cửa hiệu bán tạp hoá. Khi bán trứng, không bao giờ lão mó tay vào, mà bảo vợ cầm cho khách xem. Bàn tay vợ lão nhỏ, nên trông quả trứng như to hơn. Cái kiểu tính toán của lão là như thế, nên lão mới lập ra được một đế quốc kim tiền Morgan.

– Nghe rõ chưa? Buôn bán là phải tinh vi như thế. Nghề nghiệp không thể không tinh – vị giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán cầm chiếc ly có chân rất cao, dạy tôi – Kẻ nào dồn kẻ khác vào thế bí thì sẽ làm nên, giỏi kiếm tiền mới là anh hùng!

…Dòng hồi ức cũng chìm xuống theo dòng máu trong đầu.

Tôi nghĩ rằng, những tính toán của tôi có liên quan đến nguồn gốc tư sản của gia đình, dòng họ. Lão Morgan lợi dụng lầm lẫn của thị giác con người, biến quả trứng từ nhỏ thành to, tôi biết lợi dụng lầm lẫn của thị giác biến cháo từ nhiều thành ít. Lão Morgan biết tính toán. Tôi cũng tính toán rất tinh vi, dùng đinh thay thế bột quả cỏ, ba cân đậu tương đổi lấy năm cân củ cải – giống như việc buôn bán nước bọt ở Sở giao dịch – tôi kiếm luôn được hai đồng. Cố nhiên, giành lấy sống còn là bản năng của con người, nhưng giành bằng cách nào là do khí chất và do được dạy dỗ như thế nào của mỗi con người, quyết định. di truyền của cơ thể con người là tự nhiên, nhưng những điều kiện có được sau khi chào đời cũng có thể di truyền. Khi nhận ra rằng tuy không còn tư bản, nhưng dòng máu mình đã nhiễm đủ các loại tập tính của giai cấp tư sản, tôi đâm hoảng. năm 1957, tôi từng bị phê phán, tôi chống chế, tôi nghi ngờ, tuy rằng sau đó tôi nhận tất, nhưng khi sang thời kỳ “hạ thấp tiêu chuẩn” thì tôi lại được dãn ra hoàn toàn. Vậy mà giờ đây tôi cho rằng phê phán như thế là đúng, thậm chí sự phê phán có ác ý của tay “Chủ nhiệm kinh doanh” cũng đúng. Một người thuở nhỏ đi ăn xin, chắc chắn không thể có cảm tình với một “cậu ấm” tư sản sung sướng từ nhỏ. Tuy không tự giác nhưng tôi đúng là “phái hữu tư sản”, sở dĩ nói là không tự giác, chính vì tiên thiên đã định như vậy.

Tôi khát, miệng cháy bỏng như ngậm lửa, nhưng không có cách nào khác, đó là sự trừng phạt! Tôi đọc thầm Thần Khúc của Dante:

Bước qua đây là cõi buồn thương

Bước qua đây là nơi tang tóc vĩnh hằng

Bước qua đây là thế giới

Của những người vô vọng.

Giai cấp tôi đã bị tiêu diệt. Tôi không xuống địa ngục thì ai xuống?

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài