Trương Hiền Lượng

Trấn Nam Bảo khác xa như tôi tưởng. Tôi hối hận vì đã đi mươi lăm cây số đgài, đến nỗi gót chân đau nhức.

Gọi là thị trấn chẳng qua chỉ là một cái trại nhà tranh vách đất do các chủ chăn nuôi xây dựng nên, nằm dưới chân núi đầy đá, củ đậu và sa thạch. Xung quanh thị trấn lơ thơ vài đám lau sậy. tường vây đắp bằng hoàng thổ, dân cư chưa đến mười hộ, người còn it hơn một đội của chúng tôi. Cổng ra vào đã bị lấy đi, ra vào phải chui qua một cái lỗ lởm chởm xấu xí. Nhưng ở đây có bưu điện, có tín dụng, có cửa hàng, có đồn công an, mỗi thứ chiếm một gian, đều bằng đất. Vì vậy, có thể coi như một trung tâm chính trị, kinh tế. Hôm nay là ngày có phiên chợ, người nhiều hơn ngày thường. Những tiếng ồn ào khiến tôi nhớ lại những phim do Haolaiđao quay về Trung Đông, thí dụ quay cảnh phiên chợ Ả Rập trong phim Bích huyết hoàng sa.

Trước hết tôi đến bưu điện bỏ thư cho mẹ tôi. nói với người rằng tôi đã hết hạn tù, bây giờ là một công nhân đúng với nghĩa của nó, trở thành người lao động “sống bằng sức lao động” của mình. Tôi ăn khoẻ, rất béo, dãi nắng đen nhẻm, ai cũng bảo tôi là một thanh niên khoẻ mạnh có cỡ, giống hệt tấm áp phích của Liên Xô vẽ một công nhân luyện thép “Anh đã đóng góp gì cho tổ quốc?”

Tôi không có tiền, nhưng có nhiều lời hay ý đẹp gửi cho mẹ tôi.

Các tổ viên của tôi, kể cả “Chủ nhiệm kinh doanh” đều nhờ tôi gửi thư. Thư của họ rất dầy, có lẽ lại kể khổ với gia đình, đòi người nhà xin giấy phép di chuyển chỗ ở càng nhanh càng tốt.

Cánh cửa nhà bưu điện có dán một tờ quảng cáo phim Liên Xô Cánh buồm đỏ thắm, phim chiếu cách đây hơn một tuần lễ. Tôi biết đó là chuyện phim cải biên từ truyện cổ Grim. A, cánh buồm đỏ! Mi có thể đem lại hạnh phúc cho tôi như Axonhi không?

Tôi ra phố. Cái “phố” này, chưa đầy mười phút tôi đã đi được hai lượt. Trong cửa hàng bách hoá có mấy xấp vải bông phủ bụi, vài cái thảm đay, tất nhiên có cả muối ăn. Trên tường đất cáu bẩn có ghi thông báo “Tin vui mới về, táo Irac hai đồng nửa kílôgram”. Giấy hồng điều đã ngả màu vàng xỉn. Hỏi thăm ông già đang sưởi bên bếp thì quả nhiên đó là chuyện cách đây nửa năm.

Chợ có khoảng hai chục nông dân bán hàng, quá nửa là những sọt đậu nành và củ cải vàng, có cả bánh cay trộn vỏ cao lương. Một lão nông dân dắt đến một con dê gầy nhỏ chỉ bằng con chó, lập tức bị đám công nhân xí nghiệp gầ đó mua luôn với giá rất cao là một trăm năm mươi đồng. Tôi ước lượng con dê đó chỉ được năm kílôgam thịt là cùng.

Tôi dõi theo mấy tay công nhân bế con dê đi ra, kỳ thật – họ không để con dê tự đi. Miệng tôi ứa nước bọt. Thịt là thứ tôi không bao giờ dám ngó ngàng tới.

Mục tiêu của tôi là củ cải. Đậu tương là loại thực phẩm cao cấp. Tôi đi tới một cái sọt củ cải còn tươi:

– Bao nhiêu tiền một cân hở bác?

– Một đồng và sáu hào – ông già vừa nói vừa giơ tay làm hiệu, sợ tôi không nghe rõ, hoặc sợ tôi giật mình.

Tôi không giật mình, bình tĩnh chỉ chỗ đậu tương bên cạnh:

– Đậu tương thì sao?

– Hai đồng.

– Sao lại có kiểu mua bán như thế? Đậu tương quá đắt – tôi bĩu môi.

– Đắt? Ông trẻ ơi, ông cứ ra đồng chịu cực vài hôm, chỉ sợ ông bán còn đắt hơn lão.

– Bác đừng có dẻo mồm! – Tôi tuôn ra câu thổ ngữ mà tôi hoặc được ở chị phụ nữ – Nỗi khổ mà tôi phải hứng chịu, tám đời nhà anh cũng chưa từng trải qua, bác có tin không? – tôi trừng mắt nhìn ông lão.

– Hề hề…

Bác cười gượng, hình như không tin.

– Nói để cho bác rõ – tôi cười nhạt – tôi vừa ra khỏi nông trường lao cải.

– A à, vậy thì..vậy thì… – bác nông dân tỏ vẻ sợ hãi.

– Thế nào? Đậu tương có hạ giá không? – tôi cố ý làm rối tung chuyện lên, chuyển giọng nói – Người ta đều đổi ba cân đậu tương lấy năm cân củ cải mà!

– Làm gì có giá đấy! – Nỗi sợ của bác nông dân chưa đến mức bán đậu tương cho tôi với giá hạ. Chính vì vậy bác lập tức chui vào cái bẫy tinh vi của tôi – Anh cứ đem ba cân đậu tương đến tôi sẽ đổi ngay cho anh năm cân củ cải.

– Thật không? – tôi bề ngoài làm ra vẻ bình tĩnh, nhưng trong bụng đã thấp thỏm, hỏi lại.

– Thật chứ! – bác nông dân tỏ ra kiên quyết, đáp với giọng khẳng định – Ba cân đậu tương lấy năm cân củ cải, sao lại không đổi.

– Được! – Tôi đặt gùi xuống – Bác cho tôi ba cân đậu tương.

Tôi lấy tiền trả luôn. Hôm qua chúng tôi mỗi người lĩnh mười tám đồng. Sau một ngày làm, được phát lương cả tháng, hay thật! Bác nông dân lôi cái cân tự làm ra. Chúng tôi lại giằng co một lúc về chuyện chọn lựa. Cân xong, bác trút vào gùi của tôi. Xong xuôi đâu đấy, tôi bảo:

– Này, ba cân đậu của tôi đổi lấy năm cân củ cải của bác.

Bác nông dân không chút đắn đo, cân năm cân củ cải cho tôi. Tôi trút đậu vào sọt của bác, rồi gùi củ cải ra về.

Tôi vênh váo vì sự xảo trá của mình đã thành công.

Khi ở nông trường lao cải, tôi thường làm quen với các nông dân đến mua bán đổi chác. Tôi nắm rất vững phương pháp tư tưởng của họ. Nhiều khi họ cố chấp đến kỳ lạ, khăng khăng đi vào ngõ cụt, chỉ nhớ một điểm mà không tính toán được toàn cục. Có lẽ điều đó khiến họ có ý thức quật cường không gì lay chuyển trong việc mưu cầu lợi ích cho bản thân họ, hoặc trong lao động. Nhưng hậu quả lớn nhất là họ có khả năng bị làm trò cười, bị xỏ mũi, khiến họ được cái nọ thì mất cái kia, dễ bị mắc lừa. Và tôi là một trong những người đã dùng sự láu cá để đùa bỡn họ.

Vậy tôi là loại người gì nhỉ?

 

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài