Từ trên con đê sông Bát Long, một đám đông đang đi tới, tất cả dân công làm đường đều dừng công việc, nheo mắt ngắm nhìn. Đấy là một đoàn trẻ con cao thấp lổn nhổn, quần áo rách rưới bẩn thỉu, dẫn đầu là một đứa cao nhất trong bọn, hai tay giương cao một cây cờ đỏ. Khi bắt đầu xuống bờ đê, thằng bé phất mạnh lá cờ để lộ trên lá cờ một hàng chữ màu vàng rồi hàng chữ ấy nhanh chóng ẩn vào trong những nếp gấp của lá cờ. Bọn trẻ theo sau đẩy đẩy kéo kéo, cười vang lên, chẳng khác nào một bầy chó con đang đùa giỡn với nhau.
Bọn trẻ sắp xếp đội ngũ trên một khoảnh đất trống bên cạnh bờ đê. Tiếng lao xao tranh giành vị trí của chúng vang đến tai những dân công làm dường.
– Đại Tỏa, Đại Tỏa! Cậu không được đứng trước mặt tớ!
– Vĩnh Lạc! Cậu không được dựa vào tớ!
Cuối cùng thì đội ngũ cũng đã chỉnh tề. Thằng bé cầm cờ hô:
– Nổi nhạc!
Tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng thanh la, tiếng chũm chọe đồng loạt vang lên. Thằng bé đầu đàn nhổ cán cờ đang cắm trên đất lên, cao giọng hét:
– Cứ thế cứ thế! Đi theo tôi!
Hai tay cầm cán cờ một cách trang trọng, nó đi trước dẫn đầu Khi sắp đến chỗ đang thi công, nó quay người lại, lùi một bước, cao giọng hô:
– Khẳng định quyết tâm! Một hai!
Những chiếc mồm đang ngứa ngáy đứng trong hàng nhất tề hét vang:
– Khẳng định quyết tâm! Chẳng ngại hy sinh! Vượt qua gian khó! Giành lấy thắng lợi! Khẳng định quyết tâm! Không sợ hy sinh! Vượt qua gian khó! Giành lấy thắng lợi!…
Cứ như thế, bọn chúng hô lặp đi lặp lại đến mấy mươi lần.
Đội ngũ trẻ con đi thẳng đến chỗ nền dường đã được nện cho bằng phẳng, giậm chân tại chỗ, tiếng trống tiếng thanh la vẫn cứ đều đặn, tiếng hô vẫn cứ đều tăm tắp. Trên mặt chúng mồ hôi chảy ròng ròng, gương mặt nào cũng bẩn thỉu một cách đáng yêu. Đứa cầm cờ hô lớn:
– Dừng!
Bọn trẻ chỉ mong có thế. Mệnh lệnh vừa phát, ngay lập tức tiếng trống tiếng hô im bặt, có đứa đưa ống tay áo lên lau mồ hôi, có đứa há miệng thở giốc. Con bé đánh chũm chọe đặt dụng cụ xuống đất, đưa tay nắn vết hằn rất sâu trên cổ tay do dây buộc chũm chọe thít chặt vào.
Thằng bé cầm cờ định cắm cây cờ xuống nền đường nhưng loay hoay một hồi lâu mà vẫn không cắm được. Có vẻ thất vọng, nó đưa mắt nhìn bốn phía, phát hiện ra một chỗ đất mềm cách đó không xa, bèn chạy tới cắm cờ xuống đó. Rồi thật trịnh trọng, nó bước đến bên cạnh những dân công đang đứng ngây như phỗng, nói rất nghiêm trang:
– Tôi là Cao Hướng Dương, phó chủ nhiệm Ủy ban cách mạng kiêm đội trưởng đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông trường tiểu học Mã Tang. Tôi muốn nói chuyện với người phụ trách ở đây.
Toàn bộ dân công làm đường bị khí thế và thái độ của Cao Hướng Dương làm cho sợ hãi, đưa mắt nhìn nhau, chẳng ai dám lên tiếng. Cao Hướng Dương có vẻ bực bội, nói to:
– Người phụ trách ở đây là ai?
Dân công làm đường chẳng ai lên tiếng. Thằng bé hắt xì hơi, hai dòng nước mũi xanh bắn ra. Nó dùng sức day day sống mũi rồi hít hơi thật mạnh, hai dòng nước mũi xanh thụt vào bên trong. Lúc này, một dân công vóc dáng bé nhỏ mới đánh bạo lên tiếng:
– Đội trưởng chúng tôi đang ngủ trong lán.
– Mau đi gọi anh ta lại đây! – Cao Hướng Dương quát.
Người dân công phóng vụt về phía chiếc lán.
Thằng bé đi thẳng về phía một người đàn ông thân thể cao lớn đang chạy một cách bấn loạn từ phía chiếc lán đến. Cả hai đứng đối diện nhau, cách khoảng một bước. Thằng bé đưa một tay ra, nói:
– Tôi là phó chủ nhiệm ủy ban cách mạng kiêm đội trưởng đội tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông trường tiểu học Mã Tang Cao Hướng Dương.
Người đàn ông cao lớn lặng đi hồi lâu, rồi như người vừa tỉnh khỏi cơn mộng, lão khom người, đưa cả hai bàn tay to bè ra nắm lấy bàn tay thằng bé, lắc lắc thật mạnh, gương mặt cố rặn một nụ cười tươi, nói:
– Cao chủ nhiệm, Cao đội trưởng! Thất lễ, thất lễ! Không kịp nghênh đón!
Cao Hướng Dương thọc hai tay vào túi quần, liếc xéo lão ta, hỏi:
– Ông là người phụ trách ở đây phải không?
– Đúng đúng đúng! Quách tư lệnh ủy nhiệm cho tôi làm đội trưởng tạm quyền ở đây.
– Quý danh? – Giọng thằng bé rất lạnh.
– Tệ danh Dương Lục Cửu!
– Đội trưởng Dương, tôi thay mặt cho ủy ban cách mạng trường tiểu học Mã Tang tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông đến với tất cả các đồng chí dân công cách mạng ở đây. Đề nghị đồng chí tập hợp mọi người để xem biểu diễn tuyên truyền!
Dương Lục Cửu lớn tiếng hô:
– Các đồng chí dân công cách mạng, tập trung lại đây để nghe tiểu tướng cách mạng biểu diễn tuyên truyền!
Cao Hướng Dương quay về đứng trước đội ngũ của mình, ra lệnh cho đội trống nhạc đánh rộ lên một hồi nữa rồi hít một hơi thật mạnh cho hai dòng nước mũi chui vào trong, mặt hướng về đám dân công bắt đầu nói:
– Lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch dạy chúng ta rằng: “Văn học nghệ thuật của chúng ta là nhằm phục vụ cho quần chúng nhân dân, trước tiên là phục vụ công nông binh, vì công nông binh mà sáng tác, vì công nông binh mà hành động”. Chương trình biểu diễn tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông bắt đầu! Tiết mục đầu tiên: “Hai ông bà già học Mao tuyển”!
Một bé gái rút một chiếc khăn trắng quấn lên đầu. Hình như chiếc khăn có sức nặng ghê gớm khiến lưng nó còng xuống giống hệt một bà già, mặt cũng tự nhiên biến thành một gương mặt dãi dầu sương gió trông thật thương tâm. Nó quay sang thằng bé mập mạp đứng bên cạnh mình, nhắc nhỏ:
– Đại Quý! Hóa trang mau lên! Đội trưởng đã giới thiệu tiết mục rồi!
Thằng bé này đỏ mặt, nói:
– Tớ không diễn đâu, chỉ làm cho người lớn cười thôi!
Mặt đội trưởng đội tuyên truyền Cao Hướng Dương đỏ rần lên. Nó chạy thẳng xuống giữa đội hình, khí giận ngút trời quát:
– Làm cái gì thế? Các cậu làm trò quỷ gì thế?
– Nó không chịu diễn, nó sợ xấu hố. – Con bé nói.
– Tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông mà lại xấu hổ ư, ông bà ngoại cậu là phú nông, tớ gọi cậu vào đội tuyên truyền chính là muốn đoàn kết với cậu đấy! – Cao Hướng Dương nói với Đại Quý.
Gương mặt Đại Quý trắng bệch, đứng nghiêm một cách chân thành như một kẻ thuộc “tứ loại phần tử” đang nghe bần cố nông đấu tố.
– Mau diễn đi! – Đội trưởng Cao quát.
– Nó chưa thắt khăn ở lưng! – Đứa con gái nói.
– Mau thắt đi! – Đội trưởng giục.
Một đứa con trai và một đứa con gái nắm hai đầu một đoạn dây thừng quấn quanh bụng Đại Quý rồi đồng loạt thắt lại. Đại Quý nhảy dựng lên; thắt thêm lần nữa, Đại Quý nhảy dựng lên lần nữa. Cuối cùng đứa con gái nắm hai đầu dây buộc lại thành chiếc nút trước bụng Đại Quý, nói:
– Còng lưng xuống, đi!
Thằng bé còng lưng, con bé cũng còng lưng loạng choạng bước ra khỏi đội ngũ, cách đám dân công khoảng bốn năm bước thì dừng lại. Đứa con gái hét to:
– Ông già! Ăn nhanh lên chứ! Ăn xong còn phải học “Mao tuyển”!
Mồ hôi túa ra đầy mặt thằng bé, nó lập cà lập cập nói:
– Bà nhà ơi, cả ngày nay tôi vác đá mệt muốn đứt hơi, thôi thì sáng sớm mai hãy học vậy!
– Không được, không được! – Đứa con gái nói. – Những lời của Mao Trạch Đông đều là bảo bối, bệnh gì trị cũng xong. Bây giờ ông có mệt một tí, nhưng học xong một đoạn, ông sẽ hết mệt ngay!
– Bà nhà ơi, đừng vội! – Thằng bé nói. – Chờ tôi tìm cọng cỏ xỉa hàm răng đã nào!
Thằng bé bắt đầu xỉa răng.
– Xỉa răng xong chưa? – Đứa con gái hỏi.
Thằng bé vẫn đang xỉa răng.
– Xỉa răng xong chưa? – Đứa con gái lại hỏi.
– Xong rồi! – Thằng bé trả lời.
Cả hai đứa vừa làm động tác vừa xướng lên: Công việc vừa xong, cơm nước cũng vừa xong, hai ông bà già ngồi bên cửa sổ, đối diện với ánh trăng học “Mao tuyển”…
Tiết mục thứ nhất kết thúc thành công, đám dân công vỗ tay hoan hô chúc mừng rôm rả.
Sau khi xem liên tiếp đến bẩy tám tiết mục, đám dân công đều cảm thấy đầu óc mơ mơ hồ hồ, cơn buồn ngủ ập đến. Một ông già lưng cong như cánh cung đi đến bên Dương Lục Cửu, nói:
– Đội trưởng Dương, đã đến giờ ăn cơm rồi!
Dương Lục Cửu nói với Cao Hướng Dương:
– Đội trưởng Cao, hay là chúng ta ăn cơm cái đã!
– Tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông là quan trọng hay ăn cơm quan trọng hơn? – Cao Hướng Dương hỏi gắt.
– Đương nhiên là tuyên truyền quan trọng hơn rồi. Nhưng cơm no xong thì việc tuyên truyền càng hữu hiệu hơn. Hai ông bà già học “Mao tuyển” vừa rồi không phải đã nói “công việc vừa xong, cơm nước cũng vừa xong” mới học đó sao?
– Thôi được! Buổi biểu diễn tuyên truyền đến đây kết thúc!
Dưới sự thỉ huy của Dương Lục Cửu, đám dân công nhất tề vỗ tay.
Đội ngũ trẻ con dưới sự thỉ huy của Cao Hướng Dương nhất tề hô vang khẩu hiệu:
– Hướng về dân công cách mạng học tập, hướng về dân công cách mạng thể hiện kính trọng, sửa cho xong con đường cách mạng của giai cấp vô sản!
Bọn trẻ con chỉnh đốn đội ngũ, tiếng trống nhạc nổi lên dồn dập. Chúng men theo con đường cũ ra về.
Nhà văn Mạc Ngôn
Nguồn: Isach.info
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài