Nhà của tác giả tại Huế hồi đầu thế kỷ 19 	 /// Ảnh: T.L

Nhà của tác giả tại Huế hồi đầu thế kỷ 19 Ảnh: T.L

Hai tuần sau lần diện kiến thứ nhất, vua Minh Mạng lại sai người truyền lệnh tôi vào bệ kiến. Nhưng lần này không phải ở cung Tịnh Tâm, đức vua chờ tôi ở ngôi nhà nổi được neo đậu trên sông, nơi mà ngài có thói quen cùng tắm với cung tần mỹ nữ.

Trong vòng thân mật, vua Gia Long rất thích hỏi han cha tôi về những định chế và tập quán ở đất nước Pháp. Vua Minh Mạng dè sẻn hơn trong những lần đàm đạo với cha tôi. Để bày tỏ những suy nghĩ và phê phán của bản thân, có lẽ đức vua cảm thấy thoải mái hơn trước một thiếu niên mười chín tuổi, đáng tiếc là người thiếu niên này lại không đủ kiến thức để đáp ứng tất cả những vấn đề đức vua nêu ra.

“Thế thì thật là loạn !”

Hôm đó, trời nóng bức và hình như đức vua vừa mới tắm mát, trên người vẫn khoác bộ đồ nhẹ còn ẩm ướt. Giọng phụ nữ đây đó ồn ào xuất phát từ nơi tắm của hoàng gia, hé lộ cho tôi biết sự có mặt của cung phi đang tắm đâu đó. Khi tôi bước vào thì vua Minh Mạng đang dùng trà, khác với lệ thường, ngài có diện mạo tươi cười, điều này làm tôi cảm thấy hết sức thoải mái. Vừa tiếp tục thưởng thức bữa ăn nhẹ, ngài vừa hỏi tôi có đi được nhiều không trong thời gian ở trên đất Pháp.

Đức vua ồ lên khi tôi nói là bà con thân thuộc ở rất xa nhau, gia đình đã phải đi năm sáu trăm dặm để thăm hết mọi người. Ngài nói: “Như thế thì khanh đã phải đi qua rất nhiều thị thành?”.
Rồi ngài hỏi tôi về phương tiện đi lại ở Pháp cũng như về các tầng lớp thành phần xã hội Pháp. Điều gây kinh ngạc rất nhiều cho vua Minh Mạng, và người An Nam nói chung, đó là sự chen lẫn nam giới nữ giới trong các buổi hội họp. Ngài bảo: “Sao, người ta để cho đàn ông đàn bà ở chung một chỗ với nhau sao? Đàn ông nói chuyện thoải mái với đàn bà, thanh niên nam nữ chuyện trò thoải mái với nhau sao? Làm thế thì thật là loạn! Thế phụ nữ có cùng với nam giới vào dự thiết triều với vua không?”. Tôi trả lời: “Bẩm tâu bệ hạ, dạ có”. Nhà vua thốt lên: “Ồ, thật không tin nổi”.

“Ta không thể nào hiểu nổi”

Đi từ câu hỏi này sang câu hỏi khác, tôi đúng là bị tra khảo. Nhà vua hỏi tôi có đúng như lời người báo lại cho ngài là ông Diard rút nọc độc từ côn trùng ông sưu tầm ở xứ Cochinchine (Nam kỳ). Tôi tâu là không, đức vua lại muốn biết tại sao ở châu Âu người ta bỏ công bỏ của rất nhiều cho chuyện thú nhồi rơm hay với các loại côn trùng khác. Tôi đáp là đúng như vậy, các thành phố lớn của nước Pháp có những cơ sở gọi là viện bảo tàng, nơi đây, tất cả những thứ trong thiên nhiên, đến từ tất cả các nước trên thế giới, được sắp xếp theo chủng loài: động vật, thực vật, khoáng sản… Và rằng những thứ ông Diard lượm lặt là nhằm gửi về viện bảo tàng của đức vua tại Paris, sẽ được xếp đặt bên cạnh những mẫu cùng loại đang trưng bày, vốn được tìm thấy ngay trên đất Pháp hay đến từ những nước khác.
Nhà vua lại hỏi tiếp: Xây nhà ra chỉ để cất giữ thú nhồi rơm và côn trùng ư?
– Tâu hoàng thượng, đó là những cung điện đúng nghĩa.
– Thật điên rồ trẻ con! Xây cung điện chỉ để côn trùng! Người Pháp chẳng có việc gì khác để làm hay sao, lại đi làm những chuyện nhảm nhí?
– Tâu hoàng thượng, những bảo tàng như thế có lợi ích của chúng: mục đích là để nghiên cứu về lịch sử tự nhiên, là một ngành trong nghiên cứu khoa học.
– Nếu thế thì ông Diard là một trong những con người uyên bác chuyên trách lãnh vực khoa học này à?
– Tâu hoàng thượng, đúng như vậy. Tuy nhiên, ngoài những kiến thức về lịch sử tự nhiên, ông còn am tường nhiều chủ đề khác nữa.
– Ta không thể nào hiểu nổi, làm sao một con người uyên bác có thể quỳ gối khom lưng trước một đống phân trâu hay phân voi rồi tự tay moi ra những côn trùng nhỏ nhung nhúc trong đó. Rồi lại chạy tung tăng như con trẻ đuổi bắt những con bướm và bọ hung, như thể là của quý của hiếm vậy.
Vua Minh Mạng đã nhiều lần đề cập với tôi về quân đội Pháp, ngài trở lui trở tới không ngừng về chủ đề này và ngài có vẻ rất quan tâm. Nhưng tôi lại chẳng có kinh nghiệm để trả lời ngài đến nơi đến chốn. Tôi bẩm với ngài vài chi tiết theo như những quan sát tôi ghi nhận trong thời gian ở Pháp, đức vua nói ngay nếu như thế thì cũng “chẳng đến nỗi nào”.
Có thể là sẽ quá dài dòng, dễ gây nhàm chán nên tôi sẽ không kể ra đây hết những câu hỏi đức vua nêu ra về nước Pháp trong những lần tiếp kiến. Dù những thông tin tôi cung cấp có phần không đầy đủ, nhà vua vẫn luôn tỏ vẻ hài lòng. Một hôm, vào lúc cho tôi lui ra, ngài hỏi tôi có vui vẻ trở thành quan viên phục vụ cho ngài hay không. Vì không thể nói thật lòng với ngài về chuyện này, khi mà nước Pháp đã lôi cuốn hấp dẫn tôi và lòng tôi đã hướng về quê cha (có thể có người sẽ nói là tôi vong ơn với xứ sở nơi tôi sinh thành), tôi chỉ tâu với hoàng thượng, với tôi, được phục vụ cho ngài là một vinh dự rất lớn, nhưng cha tôi là người quyết định tôi phải làm gì, rằng tôi hết sức yêu mến cha tôi nên sẽ luôn vâng theo ý nguyện của ông.

Michel Đức Chaigneau

Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau (Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 2016).

Exit mobile version