Kinh Dịch là một tinh hoa trong văn hóa phương Đông.
Nhà văn là một ánh lấp lánh trong đời sống cộng đồng.
Văn chương là bản sao của hành trình số phận.

Nhà văn cũng như tất cả mọi người sinh ra trong một thời điểm nào đó (gồm năm, tháng, ngày, giờ sinh) đều mang trong mình một cấu trúc Kinh Dịch có tác động xuyên suốt cả đời người, nó quyết định những bước đường đời, ranh giới và biên độ hành lang đường đời, những cảm xúc tự nhiên, thiên hướng con người, những vinh thăng và hiểm họa con người sẽ có thể trải qua. Tại sao có sự ứng nghiệm lạ lùng như thế? Còn nhiều điều huyền bí chưa làm sáng tỏ được. Chỉ biết rằng cái giờ khắc con người ra đời là thời điểm con người tiếp cận với trời đất, với tiết khí, ánh sáng, ngày đêm, nóng lạnh, không gian, không khí, từ trường giao thoa trong một trường sinh học, tạo ra một thế giới tâm linh, một đời sống tâm hồn… Tất cả những yếu tố đó xâm nhập mạnh mẽ vào cơ thể người, cùng với yếu tố di truyền học, tạo nên thể chất người, khí chất người, tính cách người, và những tính chất này sẽ đi với con người và chi phối con người đến tận cùng cuộc đời theo một nhịp điệu có tính chu kì, chung cho cả vũ trụ, trái đất và con người. Người đời đã sáng tạo ra một danh từ dùng trên khắp thế giới để thể hiện khái niệm trên: số phận con người.

Trong thế giới văn chương, cấu trúc Kinh Dịch và hiện thực văn chương dành cho mỗi nhà văn có mấy điểm đồng nhất sau đây. Nhờ vào cấu trúc Kinh Dịch mà nhận ra dấu ấn hành trình và hành lang văn chương của từng nhà văn. Hành trình ở đây là những bước thăng trầm, thời kì thăng hoa, thời kì xuống cấp trong lịch trình sáng tạo. Hành lang ở đây là thiên bẩm, thiên hướng, bản sắc, diện mạo, khí chất, tài năng văn chương, xu hướng tìm tòi đề tài, chủ đề, sự gắn bó với mảng thiên nhiên, cuộc sống, những đặc điểm yêu ghét, những thói quen miêu tả… Tóm lại văn chương chính là bản sao hành trình số phận của nhà văn, một khái niệm có tính tổng kết, mang dấu ấn khám phá của người viết bài này. Dấu ấn đầu tiên của bản sao thiêng liêng đó là cấu trúc Kinh Dịch, gồm hai quẻ Dịch. Một quẻ gọi là Tiên thiên, là quẻ giời cho khởi nguồn từ năm tháng ngày giờ sinh, bao trùm lên một số năm của đời người gọi là tiền vận. Quẻ thứ hai gọi là Hậu thiên thuộc về hậu vận nhờ luật Phản phục mà tìm ra, quẻ này tích hợp những năm tháng “giời cho” với sự trải nghiệm thực tế trong cuộc sống nhân gian tạo nên những năm tháng còn lại của đời người. Sự liên kết chặt chẽ và hài hòa của hai quẻ này tạo nên một cấu trúc đời người, đối với nhà văn cũng chính là cấu trúc văn chương, soi sáng và phản ánh toàn diện hành trình và hành lang văn chương của mỗi người. (Ngoài hai quẻ chính còn hai quẻ phụ hỗ trợ, tiềm ẩn soi sáng thêm cho hai quẻ chính). Đối với các nhà văn có mệnh quẻ Cấn, tượng là Núi, những hình ảnh về núi hoặc gần gũi với núi thường hiện diện trong tác phẩm của họ. Nhà văn Nguyễn Tuân là một trường hợp nổi bật. Nguyễn Tuân có mệnh Thuần Cấn. Những tác phẩm Trên đỉnh non Tản, Cô Dó, Sông Đà… để lại dấu ấn đẹp trong danh mục tác phẩm của ông. Nhưng với Nguyễn Thị Minh Thái cũng được quẻ Thuần Cấn thì khác. Nghĩa của quẻ Cấn là “ngừng”. Lời quẻ Thuần Cấn có câu: Ngừng ở cái lưng (tĩnh như cái lưng) không thấy được thân mình, đi ở trước sân, không thấy có người, không có lỗi. Tượng Núi dường như chưa xuất hiện một lần trong các tác phẩm của chị, nhưng dấu ấn người Thuần Cấn vẫn cứ hiển hiện trong cảm xúc, cảm nhận của chị về cái đẹp, cái “chí thiện” trong nghệ thuật sân khấu. Ta hãy xem chị tả Thế Lữ trong vai “ông Ký Cóp” trong vở kịch cùng tên: “Thế Lữ quay lưng ra phía khán giả, dùng bàn tay và lưng diễn tả ông Ký Cóp đang nát óc suy nghĩ, cứu vãn một tình huống đã cùng đường, cụt ngõ. Cái lưng còng, dáng đổ nghiêng về phía trước, bất động. Hai bàn tay bắt chéo sau lưng. Những ngón tay co duỗi đuổi nhau, tính kế. Im lặng, căng thẳng. Các nhân vật khác ngồi im, như hóa đá, chờ đợi. Cả sân khấu chỉ còn cái lưng chết lặng và những ngón tay cử động, vẽ nên một cảnh suy nghĩ rất lung…”. Tô Hoài được quẻ Trạch Phong Đại Quá. Tượng quẻ là Đầm nước và Gió (cũng là Cây). Khí chất thiên nhiên thấm nhuần vào cảm xúc văn chương Tô Hoài là chính cái đầm nước mà ông tả trong Dế Mèn phiêu lưu kí cùng những dân cư của nó sống trên bờ và dưới nước, những dế choắt, dế trũi, cò, sếu, vạc, cốc, le le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng két, những nhà trò, bọ muỗm, bọ ngựa, cào cào, châu chấu voi… Trong đó nhân vật Dế Mèn hiện lên với tính cách phi thường, “đại quá” (quá lớn). Không phải ngẫu nhiên mà các bậc cha mẹ đặt tên ông là Sen, Nguyễn Văn Sen, một loài cây mọc trong đầm. Ắt phải có gì xui khiến. Để rồi sau đấy ông lấy bút danh Tô Hoài, để nhớ dòng sông Tô, nhiều đoạn về sau đã thành đầm.

kinh dich


Dấu ấn thứ hai của cấu trúc Kinh Dịch nổi bật trong văn chương là tượng thiên nhiên trong các quẻ Dịch, gọi tắt là chữ Tượng. Người xưa đã mượn cái hữu hình là tượng thiên nhiên để làm sáng tỏ cái vô hình là khái niệm quẻ Dịch. Có 8 tượng thiên nhiên tiêu biểu được dùng cho 8 quẻ Dịch là Trời, Đất, Nước, Lửa, Núi, Sấm, Gió, Đầm (hồ), lại có 64 cấu trúc tượng thiên nhiên (ví dụ cấu trúc đất-trời, trời-đất, nước-lửa, lửa-nước). Mỗi tượng và cấu trúc tượng mang theo nghĩa lí, xu thế, bản sắc của từng mảng thiên nhiên và cuộc sống. Tượng và cấu trúc tượng thiên nhiên in dấu lên văn chương của nhà văn cho ta nhận ra cái bản sắc văn chương, thiên hướng văn chương, nguồn cảm xúc văn chương của mỗi người. Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn có quẻ giời cho Lôi Thiên Đại Tráng. Tượng quẻ là Sấm ở trên trời. Thơ anh tự nhiên hướng về những khoảng không thiên nhiên, giông bão, sấm chớp, trời xanh. Ta đã sống hồn nhiên như cây cỏ/ Mặc bao nhiêu giông tố nát thân mình/ Một ngày kia về trong lòng đất/ Hóa thân thành muôn đọt non xanh (Tự bạch).  Em bảo thơ anh khúc khuỷu gồ ghề/ Chân đất đầu trần dưới đám mây tích điện/ Sấm sét bão giông rồi sẽ đến/ Mình biết trốn vào đâu (Lời cuối cho em). Thơ Trần Đăng Khoa nổi bật với quẻ tiên thiên (tiền vận) là Phong Địa Quán, quẻ hậu thiên là Địa Thiên Thái. Tượng thiên nhiên của quẻ là Gió, Đất và Trời. Thơ anh nhuần thấm những vẻ đẹp và những khí chất thiên nhiên đó. Tập thơ đầu cũng là tác phẩm hay nhất của anh cho đến nay mang tên Góc sân và khoảng trời. Góc sân chính là Đất. Còn cái bầu trời sau này sẽ trùm lên trong hậu vận của anh (quẻ Địa Thiên Thái) thì ở tuổi thơ mới hiện lên lấp lánh trăng sao và xanh biếc. Góc sân nho nhỏ mới xây/ Chiều chiều em đứng nơi này em trông/ Thấy trời xanh biếc mênh mông/ Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy (Góc sân và khoảng trời). Mặt trời lặn xuống bờ ao/ Ngọn khói xanh lên lúng liếng/ Vườn sau gió chẳng đuổi nhau/ Lá vẫn bay vàng sân giếng/ Xóm ngoài nhà ai giã cốm/ Làn sương lam mỏng rung rinh/ Bạn nhỏ cưỡi trâu về ngõ/ Tự mình làm nên bức tranh (Khi mùa thu sang). Câu Tự mình làm nên bức tranh là câu thơ của định mệnh.

Một dấu ấn nữa cũng vô cùng quan thiết là chữ Thời trong sáng tác của nhà văn. Người xưa nói: toàn bộ Kinh Dịch suy cho cùng tóm lại chỉ một chữ Thời. Cấu trúc Kinh Dịch của mỗi người cho ta biết cái thời riêng của người ấy. Nhờ dấu ấn chữ Thời mà ta biết sứ mạng văn chương của nhà văn, sự hòa nhập hay xung khắc với cộng đồng, vai trò của văn chương trong thời thế chung. Có thời còn có vận. Vận là cái thời nhỏ trong cái thời lớn mang tên thời. Như thời Bĩ là thời bế tắc, không thông thuận, có 6 vận bĩ gắn với 6 hào quẻ Thiên Địa Bĩ. Hào 1 – bĩ về cơ hội; hào 2 – bĩ về thế lực; hào 3 – bĩ đến cùng cực; hào 4 – có cơ hội thoát bĩ; hào 5 – đến vận thoát bĩ; hào 6 – đánh đổ cái bĩ, bĩ sang thái. Có 64 thời lớn, 384 thời nhỏ, dấu ấn chữ Thời trong văn chương vô cùng phong phú. Nhờ chữ Thời còn biết quá trình sáng tác của nhà văn lúc lên lúc xuống, lúc thăng lúc trầm, thời điểm nào văn chương khởi sắc và ngược lại. Nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh giờ Dần ngày 11-9 năm Nhâm Tý (20-10-1912). Mệnh giời cho ông là quẻ Lôi Thủy Giải, quẻ thứ 40 trong 64 quẻ Dịch. Chúng tôi gọi là Thời Lôi Thủy Giải. Lôi là Sấm, Thủy là Nước, nước ở trên trời nên Thủy ở đây là Mưa. Giải là giải trừ hoạn nạn, giải quyết, giải tỏa. Như vậy, người quẻ Giải có một sứ mạng to lớn trước hết là giải trừ những tệ gây ra hoạn nạn trong nhân dân, sửa đổi phong tục, tập quán cho nhân dân, cho đất nước yên lành. Vũ Trọng Phụng được quẻ Giải đã đẹp, còn được chủ mệnh là hào 2 quẻ Giải cũng rất đẹp: Săn được ba con cáo, được mũi tên vàng, giữ chính bền thì tốt. Ý nói sẽ giải quyết làm tan biến những tệ nạn trong xã hội (tượng là ba con cáo), bản thân sẽ đạt tới vinh quang (tượng là mũi tên vàng, màu vàng là màu sang trọng nhất trong các màu), nhưng phải bền bỉ giữ gìn cho chính đáng (gọi tắt là chính bền) thì mới tốt. Sự nghiệp văn chương Vũ Trọng Phụng là như thế. Không biết giời đất đã xui khiến ông thế nào, toàn bộ tác phẩm trong cuộc đời ngắn ngủi của ông (ông từ trần năm 27 tuổi, năm 1939) tập trung phát hiện, khám phá, lấy ngòi bút làm mũi tên, bắn phá vào những tệ nạn xã hội, những hiện tượng văn hóa suy đồi trong một thời văn minh Âu hóa tràn vào nước ta với vai trò đồng tiền là chúa tể. Đó là những tiểu thuyết Giông tố, Vỡ đê, Làm đĩ, Số đỏ và nhiều phóng sự nổi tiếng. Người mệnh Lôi Thủy Giải phát tiết anh hoa giải cứu cho đời là một đặc điểm văn chương Vũ Trọng Phụng dưới ánh sáng Kinh Dịch. Nhà văn đã giải cứu cho đời bằng cách nào? Bằng tiếng cười. Giải cứu và khoan dung, không diệt trừ sát hại mà chỉ gây cười, để tháo cởi, buông bỏ.

Con người là động vật có linh. Số mệnh là thuộc về trời đất, là bản thể giời cho. Khác với những người bình thường, nhà văn (và nghệ sĩ, và nhiều học giả) còn biết lấy sức mạnh tinh thần vận dụng vào thực tế sáng tác và thực tế cuộc đời, làm hơn lên, làm hay lên, đổi mới và khám phá vượt lên tất cả, tạo ra một năng lượng mới, một trời đất mới, những giá trị mới trong bầu trời văn chương của chính mình. Đó là hai chữ Thể, Dụng. Có Thể còn có Dụng. Nhà văn là một ánh lấp lánh trong đời sống cộng đồng. Trong đời sống văn chương, nhiều nhà văn trở thành những gương sáng trong cái hành trình Thể và Dụng. Nhà thơ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được quẻ giời cho là Thủy Phong Tỉnh. Tỉnh là Tĩnh (an tĩnh), Tỉnh còn là cái Giếng. Làng đổi giếng không đổi, Kinh Dịch khái quát một câu về đạo Giếng như thế. Người làng có thể đi lập nghiệp nơi khác nhưng giếng thì ở lại. Giếng ở lại với những kỉ niệm sinh sôi, từ thời niên thiếu đến tuổi già. Vì thế, người quẻ Tỉnh đặc biệt gắn bó với quê hương, với cái gì yên tĩnh sâu thẳm trong lòng. Nguyễn Khuyến là như thế. Năm Tân Mùi (1871) ông đỗ đầu thi Hội và thi Đình. Vua Tự Đức ban hai chữ Tam nguyên (vì trước đây đã đỗ đầu thi Hương ở Hà Nội), ban cờ biển. Năm 1884, trước nguy cơ đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Khuyến cáo quan trở về làng quê Yên Đổ. Một bước ngoặt quyết định làm nên một nhà thơ lớn của dân tộc. Giữa những thất bại của giới sĩ phu trên con đường cứu nước (nhiều người hi sinh, tuẫn tiết) và sự khuất phục của triều đình, Nguyễn Khuyến lựa chọn con đường riêng của mình: trở về vườn Bùi với thân phận làm dân, làm người bình thường, với cái thú quê: Năm nay cày cấy vẫn chân thua/ Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa. Với không gian mùa thu đẫm màu sắc Việt và man mác cái buồn mất nước: Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Với cuộc thăm chùa trên núi: Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung với khói mây.

Cũng được quẻ giời cho Thủy Phong Tỉnh, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, một cách tự nhiên, lựa chọn cho mình một lối đi riêng. Là người Kinh theo cha mẹ lập nghiệp trên miền núi Lào Cai, hai chữ thủy phong nhập vào anh. Thủy là Nước. Phong là Gió, cũng hiểu là Cây. Tượng quẻ bây giờ là nguồn nước lan thấm trong cây. Văn anh tả con người hòa nhập với rừng, cây, cỏ, hoa biến thành truyện ngắn đặc sắc Cơn mưa hoa mận trắng. Bản thân cái tên truyện là hình ảnh “trên cây có nước”, “nước trong lòng cây”. Quả thật nhìn bên ngoài cây, rất ít người cảm thấy cái nguồn nuôi sống cây, là dòng nước trong thân cây. Người Thủy Phong Tỉnh có cái nhìn tinh xảo về những bí ẩn bên trong ấy. Nên mới có cái truyện ngắn tả hai giáo viên cắm bản trên vùng cao, một nam một nữ nằm hai giường cách nhau một lối đi nhỏ, mà không một lần hai cơ thể quấn lấy nhau. Chỉ có “cơn mưa hoa mận trắng” mới kể lại cái bí ẩn bên trong của mỗi người một cách thuyết phục, để tác phẩm chiếm giải nhất trong một cuộc thi. Các truyện ngắn khác của Phạm Duy Nghĩa cũng thấm đẫm cái góc nhìn Thủy Phong Tỉnh ấy và tạo nên một phong cách riêng. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ được quẻ Thiên Địa Bĩ. Bĩ là bế tắc. Bĩ cũng là cái Thể của nhà văn, nhưng cái Dụng thì khác hẳn. Đọc những truyện ngắn như Mi-nu xinh đẹp, Hình bóng cuộc đời, Cát đợi, Còn lại một vầng trăng, Những đêm thắp sáng, Kí ức, ta sẽ thấy văn chương Nguyễn Thị Thu Huệ là tiếng nói, là niềm an ủi lớn cho những thân phận bĩ. Như thể giời đất trao cho nhà văn cái quẻ Thiên Địa Bĩ ấy là để gánh lấy sứ mạng đi sâu vào những thân phận bĩ, an ủi họ và vạch cho họ con đường thoát bĩ, đánh đổ cái bĩ, để cho bĩ cực thái lai.

Bốn điểm đồng nhất giữa số phận và hiện thực văn chương trên đây (văn chương bản sao của hành trình số phận, chữ Tượng, chữ Thời, chữ Thể và Dụng) cũng là bốn tiêu chí để nhận biết một tác phẩm của nhà văn dưới ánh sáng Kinh Dịch. Tác phẩm nào hội đủ bốn tiêu chí trên có thể gọi là tác phẩm mệnh mang tên nhà văn. Số phận hình thành từ lúc con người lọt lòng mẹ. Số phận chi phối từng đường đi nước bước của con người cho đến phút chót cuộc đời. Nhưng không phải nhà văn nào cũng biết số phận mình. Vậy mà tại sao số phận vẫn có tiếng nói của nó trên khắp các nẻo đường văn chương của một nhà văn? Là vì Văn tức là Người. Đời sống văn chương, nghệ thuật trước hết là đời sống tinh thần, đời sống tâm hồn của mỗi nhà văn (hay nghệ sĩ). Hơn ai hết họ rất nhạy cảm trước mỗi làn hơi thở của số phận. Có thể nói câu này mà không sợ quá lời: Tất cả các tác phẩm của một nhà văn đều mang dấu ấn của số phận, nói cách khác là dấu ấn của mệnh. Nhưng không phải tất cả các tác phẩm ấy đều được gọi là tác phẩm mệnh. Bởi, công bằng mà xem xét, có những tác phẩm chỉ mang dấu ấn nhạt nhòa, có chữ Tượng mà không có chữ Thời, hoặc có Thể mà không có Dụng, hoặc quá lạm dụng mà làm mờ mất cái bản thể. Nói một cách khoa học là không đủ tiêu chí cho một tác phẩm được gọi là tác phẩm mệnh. Và như vậy số lượng và tỉ lệ tác phẩm mệnh của mỗi nhà văn tùy thuộc vào từng người, đây cũng chính là một dấu ấn trên hành trình văn chương. Ngôi thứ trong chiếu làng văn là ở đây.

Theo Xuân Cang – Văn nghệ quân đội

Exit mobile version