Nhân đọc “Kiếp người”, tiểu thuyết của Hữu Ước, NXB Văn học, 2016
Tôi đọc đi đọc lại hai tập tiểu thuyết “Kiếp người” của nhà văn Hữu Ước mà trong lòng cứ nôn nao về cuộc sống và mối quan hệ đan xen nhau của từng nhân vật chừng như quen thuộc khuôn mặt nhưng lại xa lạ về tính cách. Cấp trên có, cấp dưới có, bạn bè có và “đối thủ” cũng có, họ va chạm với nhau hằng ngày trong công việc tưởng chừng như suôn sẻ, vậy mà sao lắm hành động cơ mưu đầy ắp vụ lợi hoặc ganh ghét và có cả tấm lòng vị tha, giúp đỡ, sự chịu đựng gắng gượng, bươn chải để vươn lên…
Trong bài viết ngắn này, tôi không muốn miêu tả lại những tên ông này bà kia, cô nọ ở cuốn tiểu thuyết của Hữu Ước mà chỉ muốn nêu ra cái nhuần nhuyễn, tài tình của nhà văn biết đưa hầu hết những mẫu người đã từng sống, cộng tác với nhà văn mà chủ thể là chính tác giả với nhân vật “HẮN”.
Vâng, hắn tức hắn ta là tác giả, song ở trường đời hắn luôn đóng vai khách quan và đấy cũng là cái đích ngắm của mọi nhân vật đối trọng trong không gian “chật hẹp” của một cơ quan ngôn luận, rồi từ đấy nó lan tỏa ra không biết bao nhiêu là sự kiện ngoài đời.
Nội dung tiểu thuyết chứa đựng nhiều tư liệu sống động rất thật nhưng lại như không thật. Tất cả nhân vật hiện lên xoay quanh “hắn” như một chiếc đèn cù. Ra oai có, thủ đoạn có, nịnh hót có, mưu mô có, tốt bụng có, may mắn có, cơ hội có và oan khuất có. Những nhân vật ấy như xếp thành từng thang bậc mà “hắn” hằng giờ, hằng ngày phải bước qua chúng để đối mặt và giao tiếp.
“Kiếp người” tác giả dự kiến sẽ viết và in làm 3 tập. Tập 1 là “Sống”, tập 2 là “Lửa”; tập 3 là “Lạnh”. Hiện 2 tập đầu với hơn 1.200 trang đã ra mắt độc giả.
Cuốn tiểu thuyết dày dặn song hoàn toàn không ngại đọc khi mà các bạn đã mạnh dạn giở sách ra rồi. Mỗi trang mỗi lớp đều sôi động. Mỗi một sự kiện xảy ra, mỗi một hành động của nhân vật đều gắn với nhau theo thứ tự thời gian, song theo mô tả của tác giả, mỗi sự kiện đều hiện lên với cái triết lý của cuộc sống là ở giai đoạn ấy nó phải như thế và sự mưu cầu cuộc sống nó phải như thế.
Từ cái lầm lũi tìm kế sinh nhai của vợ chồng, rồi cái bức bối, khốn khó của “hắn” trong bước đường “tù tội oan uổng” hoặc sự giằng co, đối phó với những vấn đề nan giải đều được tác giả đưa hết ra để “trình diện” trước bạn đọc.
Cái hay của “Kiếp người” là văn phong không cầu kỳ, không sắp đặt hoặc làm duyên. Giọng văn cứ tưng tửng thế đấy mà lại đau đời, nhưng không thù đời. Ai đã từng tiếp xúc với Hữu Ước nhiều lần thì nhận thấy cách nói và cách viết của ông rất đời thường, vậy mà khi lắng đọng lại trong từng trang tiểu thuyết thì thấy cái sức nặng “búa bổ” của nó.
Từng trang văn của Hữu Ước không thấy bóng dáng sự hằn học hay cay cú trả thù đời mặc dù “hắn” đã nếm đủ cái cay đắng của đời.
Tôi cho rằng “Kiếp người” của Hữu Ước là một cuốn phim với một chặng đường sống và làm việc của ông nhưng không phải là hồi ký. Các nhân vật đã được đổi tên và chỉ lấy lại cái hành động và cả suy tư của họ, nhưng trong mỗi hành động ấy, bạn đọc lại nhận được cái âm hưởng của cuộc sống trần trụi, cho ta tự nhận thức “hắn” và “họ” là thế nào: Ác hay thiện, tốt hay xấu…vv và vv…
Có một chuyện vui ngẫu nhiên thế này: Một sớm nọ tôi đi mua vải may chiếc áo ở phố Phùng Khắc Khoan, vô tình nhìn thấy cuốn “Kiếp người” trên sạp vải, tôi hỏi cô chủ sạp: “Chị đọc sách này à?”. “Vâng” – Cô chủ quán nói ráo hoảnh. “Có hay không, chị?”. “Ôi dào – Chị ta kêu to – Không kém gì truyện trinh thám, lôi cuốn lắm. Có ông bạn quen cho em cuốn này, em cũng nghe kể nhiều tên ông Hữu Ước lâu lâu, em ít chữ nhưng hay đọc sách, đọc báo, vừa đây đọc được cuốn này rất dễ hiểu nhưng đọc xong cứ thấy ấm ức thế nào ấy!”.
Tôi không có thời gian để trao đổi với chị ta, song quả thật cái người kẻ chợ kia mà nhận xét như thế thì thật ngạc nhiên, vì có thể đúng như vậy. Bất chợt tôi hiểu thêm về cuốn “Kiếp người” có dáng dấp của truyện trinh thám và gieo vào lòng bạn đọc một cái gì “ấm ức” bởi cốt truyện nêu ra khi cuộc đời chưa thể giải mã được, chính vì thế mà độc giả còn “ấm ức” chăng?
Thôi ta tạm bỏ qua cái sự “ấm ức” ấy, để nghĩ ngợi thêm về cái “chất liệu” chứ không phải tư liệu mà Hữu Ước tạo ra cuốn tiểu thuyết này. Ông nói vui: “Chẳng hiểu sao mình viết nhanh và trôi chảy đến vậy”. Nói vậy mà đâu phải vậy, trăn trở và nhọc nhằn lắm chứ. Ông có một “thúng tư liệu” để tạo ra một thùng “chất liệu”.
Tư liệu chỉ là “quặng” thôi còn chất liệu đã là thành phẩm rồi. Ông lại nói: “Mình viết cứ như có người “phù hộ” ấy, có lẽ “cô” ấy về bảo mình viết nên ngòi bút trơn tru không hề vấp váp”. Ừ, có lẽ thế thật! Khi tâm linh nhập vào tâm hồn thì rất có thể nhà văn viết như lên đồng vậy.
Mấy lần tôi và nhà văn Đỗ Chu đến chơi với Hữu Ước. Sau khi Hữu Ước mời chúng tôi làm ly rượu ngon, ông liền mở cuốn bản thảo “Kiếp người” ra khoe và đọc liền mấy trang mà ông tâm đắc.
Đọc “Kiếp người” mỗi chương, mỗi lớp đều có những sự kiện cao trào, tạo ra sự va đập cần thiết để người đọc hưng phấn.
Nhưng thực sự cái hồn cốt xuyên suốt của “Kiếp người” là cái gì, đọc thật kỹ chúng ta sẽ thấy ở trang nào cũng thấy bóng dáng một người đàn bà luôn ám ảnh và như là một đấng cứu tinh ở lẩn khuất, quanh quẩn nơi nhân vật “hắn” để phù trợ anh ta, chính người đàn bà ấy là cô Tấm tần tảo và đầy sắc sảo, bình tĩnh để dẫn dắt “hắn” luôn luôn đi đúng quỹ đạo của cuộc đời. Cuốn tiểu thuyết này, với Hữu Ước có thể là món quà tinh thần quí giá để tạ ơn người vợ đầy dũng cảm và chịu thương, chịu khó đã đi cùng ông suốt một chặng đường nằm gai nếm mật.
Hữu Ước bình dân, nhẹ nhàng và thân ái. Người ta bảo ông tài hoa bởi ông có “bảy nhà trong một nhà”, nhưng tôi nhận ra ông là một người làm việc gì cũng nhiệt huyết, “máu lửa”. Có lẽ phải đến cuốn tiểu thuyết “Kiếp người” mới làm nên một nhà văn chững chạc mang tên Hữu Ước?
Chúc mừng nhà văn – Trung tướng Hữu Ước đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết có sức nặng và truyền cảm.
Lễ ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết “Kiếp người” của Trung tướng – nhà văn Hữu ƯớcChiều 8-11, tại Trung tâm Nghệ thuật LACA (24-26 Lý Quốc Sư) đã trang trọng diễn ra buổi ra mắt tập 2 tiểu thuyết “Kiếp người” của Trung tướng – nhà văn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, nguyên Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân. Các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Bùi Thế Đức, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện chính trị CAND; Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, bạn bè thân hữu đã đến dự, chúc mừng nhà văn Hữu Ước. |
Trung tướng – nhà văn Hữu Ước (ngoài cùng bên trái) cùng ca sĩ Tùng Dương biểu diễn văn nghệ tại lễ ra mắt sách. |
Buổi ra mắt sách đã trở thành một sinh hoạt văn nghệ đặc sắc khi độc giả là những người bạn thân thiết của nhà văn Hữu Ước đã được đọc tác phẩm của ông từ những trang bản thảo đầu tiên, tụ họp bên nhau để bàn luận với tác giả về cuốn sách.
Gây được tiếng vang trong dư luận từ tập 1 của cuốn tiểu thuyết “Kiếp người” có tên “Sống”, tập 2 của “Kiếp người” có tên là “Lửa” vẫn tiếp tục với hành trình “Sống” ở tập 1 của nhân vật “hắn” trong một hoàn cảnh mới phải đối mặt với nhiều gian lao, thử thách.
Cái tài của Hữu Ước là ông đã khai thác câu chuyện đời sống thực làm nền để cho văn chương tha hồ tung tẩy. Hữu Ước khai thác đời mình ở khía cạnh văn chương, và trong đó có không ít nhân vật được ông nửa đùa nửa thật là “từ nguyên mẫu bước vào tiểu thuyết”, nên “Lửa” có sức thu hút đặc biệt ở những chi tiết và tư liệu sống.
Ở tập 2 “Lửa”, độc giả được chia sẻ và sống cùng với nhà văn Hữu Ước qua những thăng trầm đời người, qua những câu chuyện đời đắng đót với cái nhìn nhân hậu. Đọc sách của ông mới thấy hết được cái đời sống nhiều ghềnh thác ông đã trải qua với một tâm thế an nhiên, tự tại.
Dù cuộc sống có khi phải đối mặt với hiểm họa, bi kịch, song tác giả đã giải quyết và đi qua lò lửa cuộc đời bằng một trái tim nhân văn và chan chứa niềm lạc quan, tình yêu cuộc sống. Nhiều nhà văn nhà thơ đã bày tỏ sự ngạc nhiên, thán phục đối với nhà văn Hữu Ước khi trong một thời gian ngắn với nhiều trăn trở dồn nén đã hoàn thiện 400 trang viết ngồn ngộn chất liệu sống, đồng thời chứa đựng nhiều nỗi niềm tâm cảm.
Quý Ban
Trần Trương – Văn nghê công an