Vũ Minh Nguyệt

Mưa có hai ngày mà nước từ phía thượng nguồn đổ về cuồn cuộn. Lục bình, rong rêu, que củi, lềnh bềnh từng đám theo dòng nước chảy ra cửa biển. Ngao ngán, sợ hãi và cả bồn chồn. Lúa trong đồng vừa ngậm sữa. Mấy hôm trước xanh bát ngát chạy dài đến vô tận, hôm nay đứng trên đê chỉ thấy phất phơ. Vậy là mất mùa, vậy là đói.

Ảnh minh họa- nguồn: Internet

Xuân đi mãi chưa về, đơn vị anh đến vùng này đắp cơi đê cao lên nữa. Con đê chạy vòng lên vùng Me và Rịa, Xuân cũng xa dần, ba tháng nay, Thắm không thấy hành kinh,  một mầm sống đang cựa quậy. Xuân sẽ vui lắm khi biết mình sắp có con. Con gái, không con trai. Anh thích con gái, con gái sẽ giống em, sẽ xinh đẹp, sẽ cấy nhanh nhất làng. Xuân hôn Thắm đến ngạt thở và dứt khoát phải là con gái. Thắm lại cười, tiếng cười lan đến tận cuối bãi ngô non.

Sao mãi chưa thấy Xuân về? Chắc anh đi chống bão lụt, kỳ này anh về vùng Nho Quan, quê Xuân ở gần đấy. Nhiều lần anh nói với Thắm: “Anh thích vùng bãi sông quê Thắm lắm, nó như lá phổi của làng”. Thắm không hiểu mấy, nhưng thấy vui vui.  Những ngày còn ở đây, chiều nào Xuân cũng theo Thắm ra bãi sông, cắt cỏ cho trâu, rồi hái rau tập tàng. Thắm nũng nịu: “Anh mê đĩa rau tập tàng luộc hơn em”. Xuân cốc nhẹ vào đầu Thắm: “Vì em luộc món rau này ngon nhất quả đất”. “Đừng có xạo ông tướng”…

Sáng hôm sau  mưa tạnh, nước vẫn xối xả đổ về.  Nghe người ta kháo nhau, trên mạn ngược, thiệt hại nhiều lắm, trâu bò, nhà cửa rồi cả người nữa. Tối qua, dân quân làng bên cạnh vớt được xác một người đàn bà trôi về. Chôn xong mới biết là một cô giáo đến lợp lại nhà cho học sinh bị lũ cuốn. Họ chôn cô ngay mố cầu, chỗ cao nhất, quay mặt về phía biển.

Một đám đông xúm lại trên bờ đê, dưới kia là con đường mòn dẫn ra bãi ngô, những buổi chiều muộn, Thắm hay hái rau tập tàng ở lối mòn ấy. Xuân bạt đất thành bậc để mọi người đi lại cho đỡ trơn. Vậy mà cái lối mòn ấy, bãi ngô, mướt mát xanh của lạc, của đậu tương và những luống khoai lang um tùm giờ chỉ còn mênh mông là nước. Những con nước đục ngầu đỏ quạch với xơ xác bao nhiêu rác rưởi trôi lềnh bềnh. Đâu là sông, đâu là bờ bãi, đâu là những cánh đồng đất cát xốp xộp nuôi sống bao con người, và Xuân nữa? Giờ này anh đang ở đâu, mưa bão thế này?

Bước gần tới đám đông  trên bờ đê Thắm loáng thoáng nghe  dân làng bàn tán “Bộ đội đây mà, chắc cứu dân rồi lũ cuốn trôi, tội nghiệp trên người độc một cái quần đùi. Ở  đâu mà trôi về tận đây? Đám con trai đã đắp chiếu thắp hương cho người xấu số. Vòng người dãn ra, đám con gái sợ quá dúm vào nhau, có mấy đứa chạy về làng, nấu cơm và luộc quả trứng, Thắm thấy người chống chếnh, ruột gan như lửa đốt. Là bộ đội à, chắc không biết bơi, mà lũ mạnh, con nước to thế này bơi giỏi cũng chết.

Chỉ có Thắm nhận ra người lính xấu số kia? Nhưng…. biết nói cùng ai? Trưa nay ngồi ăn cơm gảy gót mãi mới hết lưng bát, lại thấy cồn cào như có ai đốt trong bụng. Nước mắt cứ trào ra . Đến lúc đơn vị về nhận xác và liệm cho người bộ đội, họ làm lễ truy điệu ngay tại bờ đê: “Đồng chí Vi Văn Xuân… Sinh ngày… Quê quán… Đơn vị…” Thắm cúi nhìn xuống bụng mình rồi gục vào vai Mẫn, ngất xỉu.

Ôi, con bé bị cảm rồi, người ta xoa dầu vào chân tay và thái dương cho Thắm, người ta cõng cô về nhà, mẹ cô lật đật pha nước gừng đổ vào miệng đứa con gái. Bà lật áo, cạo gió và xoa nước gừng đặc cho con. Thắm tỉnh, nhưng mắt cứ nhắm nghiền lại, cô  khóc mà không thể để nước mắt trào ra, cô phải câm nín để bảo vệ  tình yêu của cô. Xuân đã rất vui khi biết anh sắp có con.

– Hết tháng ngâu, anh sẽ đón em về, cố gắng lên, về rừng với anh.

Xuân vẽ ra bao nhiêu viễn cảnh, rồi anh lại động viên Thắm, anh bảo “người miền rừng thật thà như đếm, em sẽ không lo bị ai bắt nạt đâu”. Xuân kể: Quê anh nghèo lắm, quanh năm cơm độn sắn, chỉ được mỗi ưu điểm là nhiều củi đun, không phải đun bếp rạ như quê Thắm. Nếu mẹ mà biết Xuân sắp có con, mẹ sẽ mừng lắm. Xuân là con một, cha anh mất từ ngày anh còn nhỏ, mẹ ở vậy nuôi anh. Trước đây, Xuân còn nhỏ, mẹ vất vả lắm. Từ ngày Xuân lớn, mới đỡ đần mẹ được vài năm thì Xuân nhập ngũ, may đơn vị anh đóng quân gần nhà. Thỉnh thoảng chiều chủ nhật lại kéo bạn bè về chặt củi, dỡ sắn, dọn dẹp cho mẹ, cả lũ luộc một nồi sắn, ăn xong rồi về đơn vị. Sắp tới có Thắm về, mẹ sẽ vui lắm.

Không biết anh đã kịp nói với mẹ chưa? Thế là hết ! Nếu mẹ anh chưa biết thì mãi mãi câu chuyện tình của cô sẽ nằm trong nấm mồ câm nín của kí ức. Thắm cứ ngồi hóa đá như vậy, mẹ Thắm sợ quá, hết xoa tay, xoa chân, xoa bụng, xoa lưng mà con bà vẫn im như thóc.

Hôm sau, Thắm sốt, sốt li bì, mẹ cho Thắm uống nước rau má, nhưng Thắm nôn ra hết. Rồi dần dần cũng khỏi sốt, nhưng Thắm không bình thường được nữa, cô cứ thơ thẩn suốt ngày. Nước rút, Thắm chạy ra bờ đê, chạy xuống con đường mòn dẫn ra bãi sông, người ta không biết cô tìm gì ở đấy. Quần áo găm đầy hoa cỏ may, hôm sau lại ngồi nhặt từng cái. Rồi cái bụng lùm lùm ngày một to lên.

Dân làng đồn, Thắm bị ma làm, nên mới bị cấm khẩu! Thắm hay đi vật vờ nên bị ma trai trẻ nào hãm hiếp! Chưa biết chừng lại sinh ra cái gì không bình thường! Mà có thể là điềm lành của làng, có khi sắp sinh ra một vĩ nhân, hay một người con gái đẹp, chả biết được. Câu chuyện cứ thêu dệt mãi, khắp làng trên xóm dưới, họ kéo đến xem cô Thắm, chỉ mấy hôm trước thôi còn chăm chỉ cấy cày, cắt cỏ gánh phân. Nay là Thánh cô chứ không phải bình thường. Họ nấp ngoài đường, ngoài ngõ, bên cầu ao, họ trèo lên cây… chỉ để nhìn thấy Thắm rồi về. Có người còn mang quà bánh đến cho Thắm, có người gặp ngoài đường còn chắp tay vái Thắm lia lịa, miệng lẩm bẩm : “Lạy cô, xin cô …”. Họ sợ hơn khi Thắm chả nói năng gì, cô cứ hiên ngang bước, mắt nhìn tận đâu đâu, cô chỉ đi ra bờ đê, vòng xuống con đường mòn. Nước rút, ngô, khoai, đậu, thối gốc, họ nhổ hết rồi. Thắm ngơ ngẩn tìm bãi ngô, ngơ ngẩn tìm luống khoai, tìm mãi đến khi mặt trời lặn hẳn, bãi sông thẫm lại. Mẹ và mấy đứa bạn gọi rồi nịnh mãi mới chịu về.

Một buổi chiều hè, mưa như trút nước. Trong ngôi nhà mái gianh dột nát, đứa bé  cất tiếng khóc chào đời thì Thánh cô trút hơi thở cuối cùng. Người ta đồn ông trời mang đứa bé gửi xuống trần gian, sẽ là điềm lành cho một vùng quê nghèo. Bà ngoại đặt tên đứa cháu côi cút là Lấm, để nhắc nhở về cuộc đời lấm láp vất vả của bà và mẹ. Đứa con gái mang họ mẹ Phan Thị Lấm. Đứa bé càng lớn càng xinh. Mặt nó đẹp, sáng  như mặt trăng, hai mắt to tròn đen lay láy. Đặc biệt dưới đùi đứa trẻ có cái bớt đỏ nằm trên cái nốt ruồi đen mới nhìn như một nụ hoa hồng nhỏ xinh xinh.

*

Mười lăm năm sau….

Đấy là buổi sáng  một ngày tháng bảy âm lịch, hạ giới im ắng để nhường lại tất cả cho cuộc tình của  chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ. Cả tháng trời người ta kiêng đình đám cưới xin, mưa gió sậm sùi, con người buồn bã chán nản mà sinh cáu bẳn. Sáng nào ngủ dậy, sửa sang áo quần, trang điểm nhẹ nhàng xong, bà Thu Anh cũng lên tầng thượng đốt một nén nhang, vừa ấm áp cửa nhà vừa giải tỏa tâm lý công việc. Sáng nay cũng vậy, bà cẩn thận đặt lên bàn thờ gia tiên một đĩa hồng mọng đỏ, đốt nén hương trầm rồi bà mới đến bệnh viện. Khác mọi ngày, sáng nay, phòng đình sản vắng hẳn, từ sáng chỉ có một vài ca.

Cả tháng âm u, nay mới tạnh ráo nhưng thời tiết ong ong đến là khó chịu, gần hết cả buổi sáng rồi, bà bác sĩ thở phào, như vừa trút khỏi vai một gánh nặng. Bà vặn lưng bên phải, bên trái cho thoải mái. Định tháo giăng thì  cô y tá đưa vào một cô bé, người nhà của ai đó. Cô bé mặt búng ra sữa, da trắng, mặt hiền.  Đôi mắt to, tròn, đầy lòng đen, đôi mắt con bé đẹp mê hồn. Bà chưa bao giờ thấy đứa con gái nào có khuôn mặt đẹp như vậy.  Có lẽ không phải cô bé mà gọi là thiên thần mới đúng. Bà bảo cô y tá đóng cửa lại rồi nhắc cô bé, cởi quần lên bàn. Một bà cụ nhỏ thó, da mặt nhăn nhúm, tưởng như túm cả dúm những nếp nhăn lôi ra khỏi khuôn mặt, bà ló đầu vào, khẩn khoản.

– Bác sĩ ơi, bác thương bà cháu tôi. Nó côi cút, tôi già rồi, mình tôi nuôi nó còn khó, giờ tôi nuôi con nó sao được.  Bác sĩ làm ơn thương bà cháu tôi.

Rồi cụ chấm chấm mắt, Hai giọt nước lờ lờ đục chảy xuống gò má nhăn nheo của cụ.

Thiên thần hồn nhiên để cả quần leo ngay lên chiếc bàn lạnh ngắt. Thiên thần tưởng cứ đến phòng sản là những mảnh tình tự nhiên rời ra từng mảng vô hồn. Chúng mọc cánh bay vào không trung, thiên thần lại tròn trĩnh, gọn gàng, nhí nhảnh, chơi ô ăn quan, nhảy dây, nhẩy nụ với chúng, với bạn ngoài kia. Không dễ dàng như thế đâu cô bé ạ.

– Nào, cởi hết quần trong, quần ngoài ra cháu?

Bà bác sĩ nhắc đến ba lần, cô bé vẫn im lặng. Bà bực mình quá, nhưng nhìn cái mặt tái nhợt, đôi mắt đẹp vẫn trong veo, đen lay láy, bà tưởng cô bé bị câm, điếc bẩm sinh.

Cô y tá dọa:

– Em lấy dao rạch quần nó ra nhé.

– Cháu xin cô, cháu chỉ có mỗi cái quần.

Giờ thì bà Thu Anh không dịu dàng được nữa, bà nói gằn giọng:

– Cháu cởi quần ra, bác khám nào.

Trong ánh nắng hiếm hoi của những ngày mưa bão, chiếu vào cửa sổ, khuôn mặt cô bé bớt nhợt nhạt đôi chút, đôi mắt đen láy của nó giờ  mơ màng y hệt như lúc người ta sung sướng nhất. Nó đang nhớ lại buổi chiều buồn cách đây mấy tháng. Hôm ấy mưa bay bay, chứ không rả rích như bây giờ. Ăn tết xong, đứa nào cũng ngại đi học, buổi sáng học ở lớp, còn lại buổi chiều, mấy đứa lang thang tìm thứ ăn vặt. Khi thì nắm ngô rang, lúc lại củ khoai nướng, có khi là mấy quả sung chấm muối. Quà nhà quê, đơn giản vậy thôi, nhưng vui lắm. Chiều nay, nó đang học bài cùng nhóm bạn, Hoàng đến, Hoàng học lớp mười hai, cuối năm nay, Hoàng đi du học rồi. Mẹ Hoàng là bác sĩ, Hoàng bảo: “Hoàng đi học nghề y, sau này về làm giám đốc bệnh viện huyện”. Hoàng thích Lấm lắm mà chưa dám nói chuyện bao giờ, vì Hoàng là con trai phố huyện, ai lại nói chuyện với con gái nhà quê, nhưng Lấm đẹp nhất trường. Nhà quê thì đã sao, cứ yêu rồi thôi cũng được, đằng nào Hoàng cũng không ở nhà. Hoàng vừa được bố mẹ cho đi du lịch Sài Gòn ra, Hoàng kể về Sài Gòn như thiên đường, mà cái Lấm đã lên thiên đường bao giờ đâu mà biết, “Thiên đường là sao?”, “Ngốc thế, có vậy mà cũng không biết, thiên đường là nơi sung sướng nhất, không phải học bài, không phải làm gì, chỉ việc ăn ngon rồi ngắm cảnh đẹp thôi…”. Ôi, thiên đường là sao nữa nhỉ? Giống y chang Sài Gòn chỗ Hoàng vừa về, cái gì cũng lấp lánh.  Những đứa bằng tuổi Lấm toàn mặc  váy hồng, ăn kẹo và đạp những chiếc xe thật đẹp vi vu khắp thành phố.

Hoàng  chia quà cho tất cả, nó dành cho Lấm lọ nước hoa nhỏ xíu như quả ớt và thỏi son cũng nhỏ xíu như viên kẹo. Hoàng kéo Lấm ra chỗ khác, tô son làm mẫu cho Lấm, rồi nó xịt thử nước hoa lên người Lấm: “Ôi thơm quá, thích thế?”. Chẳng biết thiên đường ở đâu nhưng Lấm đã nằm gọn trong lòng Hoàng, hai đứa trẻ chơi trò chơi của người lớn, Lấm thấy thật thích thú. Nó chỉ sợ vài tháng nữa thi xong, Hoàng nghỉ học, nó không còn được gặp Hoàng nữa.

Chiếc quần bò bó khít vừa tụt xuống đến gối, cả bà Thu Anh và cô y tá sững người, cô bé quấn bụng bằng một cái khăn len hàng hiệu mầu ghi đá, cái khăn có giá mấy tấn thóc. Cái khăn này bà được một người tặng cho ông chủ tịch huyện nhà bà năm trước. Không hiểu sao, giờ nó lại ở đây, để làm cái việc không ai nghĩ tới. Chẳng lẽ thằng con trai bà lấy tặng cho cô bé? Có thể lắm chứ, thằng bé rất thích những đứa bạn xinh đẹp, mà cô bé này thì quá xinh đẹp. Nghĩ đến thế thôi, bà bác sĩ rùng mình. Bác sĩ kinh hoàng khi chiếc đai được tháo bỏ, một ngấn bụng sổ ra:

– Thai to quá rồi – bà quay lại nói với cô y tá.

– Sao đến nông nỗi này? Cháu tắt kinh từ bao giờ?

– ….

– Sạch kinh từ tháng mấy?

Bác sĩ hỏi mãi, cô bé mới nói lí nhí.

– Không biết.

Bà Thu Anh thấy bức bối trong người, lúc này xung quanh bà là mấy bác sĩ và cả những cô y tá  dán mắt vào nửa thân hình không giống ai đang nằm chềnh ềnh trên cái bàn nhựa trắng lâu năm đã ngả mầu. Bà bác sĩ biết thừa, mọi người không sửng sốt, chỉ trỏ vì cái bụng méo mó, bị nhiễm sắc tố da đen ngòm kia, họ quen rồi. Hàng chục đôi mắt đang dồn vào cái bớt mầu đỏ thắm trên đùi non trắng mịn màng của cô bé. Cái bớt giống y chang bông hoa hồng e ấp nằm trên cái dài bụ bẫm là hai nốt rồi đen nhánh, thoạt nhìn lại tưởng là hình xăm tinh xảo và nghệ thuật. Cô bé tụt xuống khỏi bàn cũng nhanh nhẹn như lúc leo lên. Lúc nó quay lại, ai cũng nhìn thấy lỗ xoáy sâu tròn ở cột sống, ngay chỗ ngang thắt lưng. Nghe bảo đất nước Trung Hoa rộng lớn, mình bà Dương Quý Phi có cái lỗ xoáy ở thắt lưng như thế. Trong cuộc đời làm nghề y của bà, chưa bao giờ bà thấy một bệnh nhân nào lại có những điểm khác lạ lùng như vậy. Nếu nó không hỗn hào trả lời nhát gừng và lì lợm, có lẽ bà sẽ thương xót biết bao nhiêu. Tội nghiệp quá, nó không được dạy dỗ tử tế, bà bảo với các đồng nghiệp: “Siêu âm lại, để đẻ thôi”.

– Mặc quần vào cháu, sang phòng bên cô siêu âm cho.

– Cô lôi nó ra cho cháu!

– Trời đất, lôi nó ra ư, thiên thần ơi, “nó” có phải là sợi chỉ hay bông hoa, cái kẹo đâu, nó là một khối tình đang bám dai dẳng vào thân xác mẹ nó.

Thiên thần vội vàng mặc quần  rồi bước ra hành lang, giờ không còn thắt nữa nên không thể kéo được quần bò lên cao, nó khạng nạng bước. Bà cụ tưởng nó đã xong, liền lập cập đứng dậy níu tay bà bác sĩ:

– Phúc đức cho bà cháu tôi, đội ơn bác sĩ…

– Bà ơi, chưa làm được đâu, thai to rồi, nó thắt bụng, có khi phải để đẻ thôi.

Tức thì bà cụ luống cuống, dậm chân xuống đất, bà cụ hờ thành tiếng như người khóc thuê trong đám ma:

– Giời cao đất dày ơi, tôi ăn ở vô phúc hay sao mà đến nông nỗi này? Con ơi, sống khôn chết thiêng sao không phù hộ độ trì, dẫn đường dắt lối cho nó mà nên nông nỗi này. Giời ơi là giời…

Trong phòng siêu âm, bà Thu Anh đang di di con chuột máy trên bụng cô bé, mặt bà tái dại, bà biết rằng đây là một vấn đề khó khăn nhất mà bà gặp phải. Con bé vẫn nằm im, mắt nó nhìn lên trần nhà, vẫn trong veo. May mà nó nhìn lên trần nhà, chứ nếu nó nhìn được vào màn hình thì có khi nó cũng ngất xỉu. Lúc này bà bác sĩ mới thủ thỉ hỏi chuyện nó.

– Cháu tên là gì?

–  Nấm

– Ừ Nấm, hay là Lấm, L cao hay L thấp?

– Phan Thị Nấm

– Bố mẹ cháu ở đâu?

– Chết hết rồi.

– Cháu học lớp mấy rồi,

– Mười.

Lớp mười, con bé chỉ mới mười lăm tuổi. Mười lăm tuổi, sao cuộc đời lại đổ lên đầu nó sự bất công thế này? Bằng tuổi Lấm, giờ này con gái bà đang học tiết tư, hôm nay thứ năm, con gái còn một giờ giáo dục công dân nữa. Sáng trước khi đi làm, bà đã để sẵn đồ ăn trưa và dán mảnh giấy nhớ trên bàn học dặn con: “Chiều nay nhớ đến lớp cô Vàng Anh luyện nghe và học thêm môn tiếng Anh”.

Nghĩ đến con gái, bà bác sĩ, nhìn xuống cái bụng đang xổ ra, xệ xuống. Nó méo mó và đen sạm lại, huyết sắc tố của nó bị rối loạn, nhưng kinh khủng hơn, cái thai trong bụng nó là một thiên thần cung nỏ. Đầu to như cái bóng đèn, cũng méo mó, có mắt nhưng không có mũi. Đứa bé  chỉ có một bên chân và một bên tay so le nhau. Lỗi tại cái đai vừa được cởi bỏ kia?

Bà bác sĩ sợ hãi mà không thể đối thoại với những câu cộc lốc chưa có chủ ngữ của nó.  Bà bấm điện thoại gọi mấy bác sĩ trong khoa lại hội chẩn nhanh. Cô bé được đưa vào làm cô vắc.

Bà Thu Anh thầm nghĩ, ta sẽ nhẹ nhàng, ta sẽ nâng niu, nó chỉ bằng tuổi con gái của ta. Giá nó là đứa ngoan ngoãn, biết đâu nó sẽ thành con dâu của ta. Thật là tàn nhẫn, tình yêu nào đã sinh ra nó mà sớm bắt nó phải chịu nỗi đau quá lớn thế này?

*

Thời gian thấm thoát trôi đi, con trai bé bỏng của bác sĩ Thu Anh cũng đã thành bác sĩ, Hoàng làm ở bệnh viện thành phố. Cậu điện thoại về thông báo với mẹ:

– Mẹ ơi, mẹ sắp có cháu nội. Con đã tìm cho mẹ một nàng dâu tuyệt vời.

– Con trai mẹ giỏi lắm, cuối tuần này, con mang cô ấy về ra mắt gia đình chứ?

– Tất nhiên rồi mẹ ạ. Mẹ sẽ rất tự hào cho mà xem.

– Được rồi, mẹ biết con trai mẹ rất giỏi mà.

– Mẹ ơi, nhưng gia đình cô ấy…

– Sao hả con? Gia đình cô ấy không đồng ý con trai mẹ à?

– Mẹ ơi, cô ấy rất hoàn cảnh, cô ấy mồ côi….

– Vậy phải thương cô ấy nhiều hơn chứ sao..

Hoàng cười, chào mẹ rồi cúp máy, quý tử đã trút được gánh nặng. Từ ngày gặp lại Lấm, cậu đã rất vất vả, từ việc đổi tên cho đến luyện cho Lấm không nói ngọng. Cậu lo bố mẹ không đồng ý vì Lấm chẳng có ai là người thân thích. Lấm được người ta thuê  coi mấy đứa trẻ trong khu tập thể của cơ quan Hoàng. Giờ thì Phan Lâm đã là cô giáo mầm non.

Cả tuần ấy, nhà bà bác sĩ Thu Anh như có hội. Bà cho người dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa, trang hoàng mọi thứ cho sáng choang để chuẩn bị đón nàng dâu xinh đẹp mà theo lời con trai bà là rất tuyệt vời. Bà hớn hở khoe với chồng: “Thằng Hoàng nhà mình giỏi giang quá, nó kể người yêu nó đẹp nhất nhì thành phố này”. Ông chủ tịch huyện vốn chín chắn nên buông một câu:

– Biết thế nào được, bọn trẻ bây giờ sống khó hiểu lắm.

– Kìa anh, con trai  mình đẹp trai, lại học giỏi, lẽ nào nó không kiếm được cô vợ như vậy?

Sáng chủ nhật, nắng nhảy nhót trên thềm nhà, những chậu dạ thảo vừa được  tưới hôm trước nở rực rỡ. Mấy gốc hồng Pháp đâm bông tua tủa, hiên nhà như lột xác. Bà Thu Anh thật tinh tế, đón người yêu của con trai, mà như một sự kiện lớn, cũng phải, cậu quý tử năm nay gần ba mươi tuổi, ngoan ngoãn, giỏi giang. Ông bà cưng cậu như trứng mỏng. Bà Thu Anh dặn con gái: “Chị chỉ bằng tuổi con nhưng là chị, nên con cư xử đúng mực, sau này về chị khỏi ngại”. Cô bé vâng dạ rồi cùng mẹ chuẩn bị bánh trái để tiếp khách. Hôm nay bà bác sĩ mặc  váy mầu cát cháy rất hợp với độ tuổi của bà, tóc vấn cao, làm cho gương mặt của bà thêm đoan trang, điềm đạm. Bình thường bà không trang điểm nhưng hôm nay, bà phớt nhẹ chút son mầu nâu đỏ. Bà yên tâm đón khách quý. Cậu quý tử điện thoại “Con đã về đến đầu phố”.

Hoàng lái xe đưa người yêu vào tận trong sân, cậu vừa vòng lại mở cánh cửa xe đón người yêu, vừa huýt sáo theo điệu nhạc Braxin rộn rã. Cậu dắt người yêu vào hiên rồi quay ra khuân đồ đạc. Xong đâu đấy cậu đứng ngắm người yêu một lần nữa xem có còn điều gì chưa ổn, rồi cậu gọi thật to:

– Bố mẹ ơi, chúng con về rồi ạ.

– Không thèm gọi em à? Minh Anh chạy ra nũng nịu với anh trai, bà Thu Anh vừa bước ra, vừa mắng yêu con gái: “Minh Anh, lớn rồi, đừng bắt nạt anh nữa”.

Hoàng dắt tay người yêu đến trước mặt mẹ:

– Thưa mẹ, đây là Phan Lâm, vợ sắp cưới của con.

Bà Thu Anh ngẩng lên nhìn người yêu của con trai mình, rồi khựng lại, bà nheo nheo mắt, nhíu mày quay đi. Một chút ngỡ ngàng bà quay lại xởi lởi: “Bác chào con, xinh đẹp quá, con vào nhà đi”, rồi bà lại nhăn trán nghĩ: Gương mặt đẹp này mình đã gặp ở đâu, quen lắm. Ở đâu nhỉ, phải lâu lắm rồi. Quen lắm, ở đâu nhỉ? Đôi mắt nhiều tròng đen lấp lánh. Xa xôi lắm rồi, như mơ hồ, như chốc lát, nhưng rõ ràng khuôn mặt này đã ám ảnh mình. Cô bé xinh đẹp đáng yêu kia, sắp làm con dâu của bà ư? Trong lòng bà Thu Anh cồn lên một lớp sóng như bất an, như giá lạnh? Hoàng mải vui không nhận ra thái độ của mẹ, cậu cầm cái điều khiển bật lại điều hòa rồi quay lại, tắt vô tuyến đang chiếu phim. Minh Anh xách giỏ trái cây lên phòng khách. Bà Thu Anh nói với con gái: Để mẹ lấy thêm dao, hai chị em cùng gọt nhé.  Ông chủ tịch từ trên gác xuống, vừa đi vừa cười, ông bảo: “Đâu nào, con dâu của bố đâu nào?”. Lâm đi bên Hoàng, cúi đầu lễ phép chào bố. Bà Thu Anh chưa đến mức quá già để quên lẫn. Bà xuống bếp, gõ gõ vào trán và nhớ ra gương mặt thiên thần tám năm trước. Giờ thì bà bình tĩnh đi lên. Bà giục Hoàng: “Con dẫn bạn ra rửa chân tay rồi vào cho mát, nước mưa ở bể nhà mình trong lắm.” Bà muốn con bé vén váy lên rửa chân, để nhìn cái nốt ruồi như bông hồng của nó, ngay trên gối phải. Hoàng quay lại bảo mẹ: “Sao lại bạn? Vợ sắp cưới của con chứ ma ma”.

Người đẹp Phan Lâm cũng đã nhận ra bà bác sĩ của tám năm về trước, cô run lên bần bật, mồ hôi túa ra, luống cuống vấp chân vào váy, ngã sóng xoài, một dòng máu đỏ chảy ra, ướt đầm chiếc maxi trắng. Hoàng cuống cuồng, bế người yêu vào nhà, bà Thu Anh bình tĩnh mở cửa xe.

Trên chiếc bàn khoa sản của bệnh viện huyện, bà Thu Anh và một vài người lại được chiêm ngưỡng bông hoa hồng nhỏ xíu, đỏ thắm ở đùi trái của thiên thần. Hoàng đứng ngoài sốt ruột đi đi lại lại. Gió xào xạc thổi ngoài sân bệnh viện cuốn theo những chiếc lá bay bay thành từng lớp. Bà Thu Anh nghẹn ngào không nói được câu nào, tiếng cậu bác sĩ trẻ là học trò của bà  ù ù bên tai: “Thưa cô, có tiêm thuốc giữ thai không ạ?”. Bà bác sĩ già ngơ ngẩn xua tay “Các cô các cậu tự quyết định đi. Tôi mệt mỏi lắm rồi !”.

Ngoài kia con trai bà vẫn đang thổn thức.

Nguồn Văn nghệ số 29/2017

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version