Việc xác định các dòng chảy chính trong văn xuôi đương đại quân đội thập niên đầu thế kỷ XXI, ở mặt nào đó phác thảo nét căn bản biện chứng trong mối quan hệ với khuynh hướng sáng tác. Thường thì, dòng chảy văn học chịu sự chi phối của khuynh hướng sáng tác. Song, từ khuynh hướng sáng tác tới sự hình thành dòng chảy văn học là quá trình chọn lọc và hệ thống hoá của bút pháp sáng tạo. Mặt khác, từ dòng chảy văn học đã định hình, đời sống văn học sẽ nảy sinh những khuynh hướng sáng tác mới trong tư duy người viết. Và rồi, như một vòng tròn biện chứng, khuynh hướng sáng tác lại mở ra các dòng chảy kế tiếp sẽ định hình trong tương lai văn học.
Việc xem xét khuynh hướng sáng tác trong văn xuôi đương đại quân đội, phản ánh bản chất của quá trình vừa tổng kết, vừa dự báo các dòng chảy văn học đã, đang và sẽ xuất hiện. Tôi nói, việc xem xét các khuynh hướng sáng tạo trong văn xuôi đương đại quân đội là quá trình tổng kết, vì, các khuynh hướng ấy đã được chúng tôi cụ thể thành các dòng chảy trong Đi tìm dòng chảy văn xuôi quân đội trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại. Đồng thời, từ những dòng chảy ấy, người viết cũng dự báo các huynh hướng kế cận có thể nảy sinh trong môi trường văn xuôi quân đội.
Trên cơ sở nhận định trên, chúng tôi phác thảo một số khuynh hướng sáng tác cơ bản của văn xuôi đương đại quân đội như sau:
Khuynh hướng chuyển đổi hệ hình tư duy: từ phản ánh sang đánh giá về hiện thực chiến tranh.
Nếu các nhà văn quân đội trong lối viết truyền thống đặt nhiệm vụ sáng tác vào phản ánh hiện thực đời sống người lính trên các mặt trận: quân sự, chính trị – tư tưởng, xã hội; thì các nhà văn đương đại quân đội hướng ngòi bút của mình không chỉ phản ánh, mà còn đánh giá hiện thực đời sống ấy. Điều này cho thấy tính chất chuyển di trong tư duy sáng tạo các nhà văn, phù hợp với tình hình mới của đất nước, đánh giá đúng bản chất chiến tranh, cùng những mặt trái phi-nhân của nó, kêu gọi thiện chí con người: sống vì hoà bình. Việc đặt tư duy sáng tạo vào sự đánh giá các góc cạnh khác nhau của đời sống người lính, nhà văn quân đội khẳng định tính chất dân sự trong đặc tính trưng quân sự. Khuynh hướng sáng tác này giúp các nhà văn có thể khái quát rộng khắp các mặt của đời sống, các lĩnh vực xã hội, đưa văn học từ đời thường vào quân ngũ; đồng thời giúp các nhà văn – chiến sĩ mở ngòi bút của mình, quan tâm tới những vấn đề nổi cộm của đất nước trong thời kỳ mở cửa: nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Với tiểu thuyết Hồ đồ, Phùng Văn Khai đã nhìn sâu vào bản chất chiến tranh, cùng di chứng mà nó đem lại cho con người. Tác phẩm là hồi chuông cảnh tỉnh về sự “trôi tuột” nhân tính, vì lợi ích riêng của các thế lực reo giắc chiến tranh, không phân biệt chính – tà. Chiến tranh qua đi, mọi lý tưởng thu về một mối, chỉ còn lại nỗi đau từng ngày hành hạ trên thân thể tội lỗi, không một lí do, không một khúc nhạc tráng kiện giúp con người có thể ru mình vượt qua hiện thực sống. Nhắm mắt lại là ám ảnh. Mở mắt ra là phế tích vọng lại của thời gian. Tác phẩm thức tỉnh lương tri con người, kêu gọi thiện chí chung tay chống chiến tranh, cảnh tỉnh về sự hồ đồ của các thế lực nhân danh lý tưởng. Con người có thể sẽ rơi vào vòng tội lỗi, đánh rơi nhân tính của mình vì tư lợi.
Khuynh hướng chuyển dần từ vai trò người lính sang vai trò nhà văn – chiến sĩ trong nhận thức văn học
Các nhà văn đương đại quân đội đặt nhận thức của mình trong tính kép của thực tiễn sáng tạo. Họ vừa đảm nhiệm nhiệm vụ, vai trò của người lính sẵn sàng chiến đấu trên các lĩnh vực, đồng thời đặt mình vào vai trò người nghệ sĩ phát hiện, khám phá giá trị thẩm mỹ thông qua tác phẩm. Điều ấy mở ra cho văn xuôi quân đội khả năng phong phú trong việc miêu tả giá trị tươi đẹp cuộc sống, hướng người đọc đến hiệu ứng thẩm mỹ mà họ mong chờ, khơi dậy ở con người trách nhiệm công dân với đất nước. Nguyễn Xuân Thuỷ không chỉ phản ánh cuộc sống gian khổ, thô ráp của người lính biển khi đối mặt với sóng dữ. Anh đi sâu vào những chi tiết đời tư của người lính sau lúc tan ca trực chiến, khám phá vẻ đẹp tâm hồn họ trong ứng xử, trong tương quan đồng chí, đồng bào với các biến cố, khúc ngoặt khác nhau của đời sống. Nguyễn Đình Tú với Bên dòng sầu diện đã nhìn trực diện vào sự thực chiến tranh, khai thác mặt trái của nó. Là Nguyên Bình, vì lợi ích cá nhân đã đánh rơi vẻ đẹp người lính trong mình, khi đứng trước những giá trị vật chất đời thường. Người lính trong Bên dòng sầu diện không còn là hình ảnh được huyền thoại hoá về sự cao cả; trái lại, sự hủ hoá của chiến tranh đã in hằn trên vị thế con người, biến con người thành nhân thể sa đoạ. Tác phẩm khép lại bằng hành động tự phán lương tâm của Nguyên Bình. Nguyễn Đình Tú khá thành công khi xây dựng bản chất con người trong chiến tranh và hoà bình, bằng lối kể giản dị, nhẹ nhàng, anh đã lột tả những náu ẩn tâm lí nhân vật, gợi lên xúc cảm thẩm mỹ đa chiều có sức ám ảnh độc giả.
Khuynh hướng chuyển đồi từ chủ nghĩa đề tài sang chủ nghĩa phi – đề tài
Văn xuôi đương đại quân đội có khuynh hướng chuyển đổi từ đề tài chiến tranh sang khai thác đề tài gắn chặt với đời sống con người. Nếu như đề tài chiến tranh là đề tài truyền thống của văn học quân đội, góp phần làm nên phong cách và thương hiệu riêng, thì, trong mười năm đầu của thế kỷ này, các nhà văn quân đội mở dần biên độ sáng tạo ở nhiều lĩnh vực, với sự thể nghiệm đa đề tài. Nhiều nhà văn đã, đang khẳng định phong cách viết trên các bình diện của đời sống văn học. Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thuý, Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Phú rất thành công khi viết về đề tài đời sống nông thôn, đời sống con người vùng cao Tây bắc; Nguyễn Xuân Thuỷ, Uông Triều, Nguyễn Đình Tú, Trần Đức Tĩnh với đề tài viết về đời sống của một bộ phận, một lớp người trẻ trong xã hội; Nguyễn Bình Phương với đề tài về người công chức trong xã hội Việt Nam hiện đại…
Với Cơn mưa hoa mận trắng, Phạm Duy Nghĩa đi sâu khai thác vẻ đẹp con người và vùng đất Tây Bắc, cũng như khát vọng sống gắn bó với mảnh đất “hoa mận trắng” này. Bằng lối kể giản dị, suy nghiệm sâu sắc về cuộc đời, Phạm Duy Nghĩa đưa cái nhìn văn hoá vào trong văn học, khai thác giá trị phong tục tập quán, lối sống, cách ứng xử của đồng bào miền núi phía bắc, gợi những xúc cảm miên man, tò mò nơi độc giả. Cũng viết về đề tài miền núi, Đỗ Bích Thuý với Tiếng đàn môi sau bờ rào đá lại là tông nhịp lạ trong bản đàn văn xuôi viết về tài này. Nhân vật của Đỗ Bích Thuý lưu giữ giá trị đặc trưng của con người vùng sơn cước, với nếp sống, nếp nghĩ quen thuộc biểu hiện “hằng số” văn hoá khu biệt: tiếng hát Gầu Plềnh trong lễ hội Gầu tào; khói nghi ngút bốc lên từ chảo Thắng cố; những chàng trai thổi đàn môi quyến rũ bạn tình… phác thảo đặc trưng bản sắc văn hoá của người H’Mông vùng cao Hà Giang. Tác phẩm đi sâu khai thác quá trình chuyển dịch nội tại trong đời sống người miền cao, giai đoạn công hiệp hoá, hiện đại hoá đất nước khi lối sống miền xuôi dần len lỏi vào không gian bình dị của vùng sơn cước. Câu chuyện của Pao là câu chuyện chung của những con người chất phác đang đối mặt với mặt trái lối sống thành thị, xa dần các giá trị văn hoá truyền thống. Vì vậy, truyện ngắn của Đỗ Bích Thuý có tính dự báo về khả năng mai một, biến mất các giá trị làm nên bản sắc văn hoá Việt của vùng đất dẻo cao Tây Bắc.
Bên cạnh đề tài viết về đời sống nông thôn, miền núi, các tác giả văn xuôi quân đội cũng xây dựng cho mình đặc trưng phong cách riêng khi hướng ngòi bút tới những mảng sáng tối của hiện thực trong các đô thị, khai thác mặt trái đẩy con người vào giới hạn tha hoá của nó. Với Hoang tàn[1], Uông Triều đã phác thảo bản tường trình về nhân tính trong thời hiện đại. Chàng ngồi trên xe lăn. Đọc những cuốn sách vô vị. Đọc mà như không đọc, vì nơi chứa đựng giá trị sống của tri thức bị thay thế bởi giấc mơ về chốn xưa của ám ảnh, hoài niệm. Đôi mắt chàng như cánh cửa hoang sơ mở ra trong buổi hoang tàn tình người, ngắm nghía những gương mặt biến dạng vì sức ì bản năng, vì những phóng chiếu lí tính, mà đời sống vật hoá đang hoành hành đâu đó trong suy tư họ. Đôi mắt mở mà như không mở, vì sự phóng chiếu hiện tại của thời gian không ngăn nổi hoài niệm quá khứ đánh cắp những hình ảnh đương thời, thay vào đó là khoảng không man dại của ám ảnh mở dần ra theo các cuộc truy hoan tình ái vô cảm, một món ăn nhanh, qua đường. Trái tim chàng mở mà như không mở. Nó khép lại trong hiện thực u ám con người, đồng thời mở ra theo những gương mặt vừa quen vừa lạ, ùa đến như muốn lôi kéo, gạ gẫm nhân tính đi vào hố thẳm xói mòn từ các cuộc tình tưởng tượng. Để rồi, kết thúc văn bản chỉ còn lại những dãy số như thách thức, khiêu khích độc giả kiếm tìm mã giải ý nghĩa từ các “chân trời” sự hiểu. Văn bản kết thúc như thế – một kết thúc lạnh lẽo như phản ứng của tác giả với lối sống hiện đại, tiên liệu cho tương lai nhân tính bị phá sản.
Với Ngồi, Nguyễn Bình Phương làm bước chuyển ngoặt trong lối tự sự văn bản. Anh đi thẳng khai thác sự xuống cấp đạo đức của bộ phận công chức, đảng viên, mà ý nghĩa của cuốn sách nằm ngay trong nhận định của tác giả: “Cuốn sách này, tôi viết về sự giãy dụa của người công chức trong việc giữ gìn mô hình sống mẫu mực trước những cám dỗ của một xã hội đang phát triển. Có những cốt lõi mà họ không được vi phạm. Tuy nhiên, họ vẫn đang phải đối mặt với cái đám lùng nhùng ấy. Tóm lại, tôi muốn phản ánh tình trạng dở dở, ương ương của công chức đương thời”[2] (Nguyễn Bình Phương). Với Ngồi, có thể nói, Nguyễn Bình Phương đã thành công trong việc phác thảo quá trình tha hoá, xuống cấp của bộ phận công chức trong xã hội.
Khuynh hướng chuyển dần từ lối tự sự truyền thống sang lối tự sự hậu hiện đại
Đặc trưng nổi bật trong khuynh hướng văn xuôi đương đại là khả năng chuyển dần từ lối tự sự truyền thống sang lối tự sự hậu hiện đại của các tác giả. Khuynh hướng này biểu hiện tất yếu của quá trình giao lưu văn hoá, hội nhập tri thức, khẳng định bản chất của văn chương: phản ánh và đánh giá đúng quy luật của đời sống con người. Nếu như, lối tự sự truyền thống đặt nền tảng nhận thức luận vào trật tự tuyến tính của hành động truyện, hướng trọng tâm khai thác tính cách điển hình, hành động điển hình…; thì, lối tự sự theo khuynh hướng hậu hiện đại, hướng nhận thức luận vào việc phá vỡ cấu trúc truyện kể, đặt các hành động chuyện theo trục ngang đồng đại, không chú trọng khai thác tính cách điển hình, nhân vật điển hình, là quá trình giải-nhân cách nhân vật, giải diễn ngôn văn bản, dịch chuyển điểm nhìn trần thuật theo hướng đa trung tâm hoá… có thể kể đến lối tự sự theo khuynh hướng hậu hiện đại trong Thoạt kỳ thuỷ, Trí nhớ suy tàn của Nguyễn Bình Phương; Nháp, Kín của Nguyễn Đình Tú, Hoang tàn của Uông Triều, Báo ứng của Trần Đức Tĩnh… Đặc trưng chuyển dịch trong lối viết này của các nhà văn quân đội mở ra hướng nghiên cứu đa dạng, khẳng định sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của văn xuôi quân đội trong nguồn chung văn xuôi đương đại Việt Nam.
Với Kín, Nguyễn Đình Tú đã giải – nhân tính và giải – huyền thoại triệt để qua lối tự sự đa điểm nhìn, giễu nhại những gì thuộc về thánh thiện và thiêng liêng. Là Quỳnh với lý lẽ tình dục như là sự bất toàn, nó “không bù đắp thêm phù sa cho tâm hồn Quỳnh mà ngược lại, sa mạc hoá, truy nát và bức tử nó” (tr.11). Với những gì được cho là thiêng liêng, lý tưởng, huyền thoại… cáo lui về chung cuộc vắng mặt bản chất, niềm tin, giá trị thực: “Ti vi thì kênh nào cũng vớ vẩn, chả có gì để xem” (tr.170) (giải-thông tin (Deinformation)), “Chính quyền cũng vừa thôi, cái nghĩ, cái tin, cái tư tưởng của con người ta không chính quyền nào bao cấp được đâu” (tr.188) (giải-xã hội (Desociety)) “sau này khi lôi được thầy lên giường rồi, Quỳnh bảo, mùi mồ hôi của thầy thật tuyệt, đủ sức gây nghiện bọn con gái chúng em đấy” (tr.166) (Giải huyền thoại (Demythicalness)… Tất cả tạo nên dư chấn nổi trội (Dominant) cho nghi hoặc thực tại, và về chính con người. Nguyễn Đình Tú bước đầu đã in dấu ấn của mình trên hành trình tìm đến khám phá nhân bản hậu hiện đại.
Cũng là chuyển di bản chất của lối viết từ hiện đại sang hậu hiện đại, nhưng Nguyễn Bình Phương lại là “chìa khoá” khác (otherkey) trong việc giải mã bất tín nhận thức trước thực tại con người. Với Trí nhớ suy tàn, độc giả dễ nhận thấy tính chất dân dủ trong lối kể của nhà văn. Các nhân vật (20 nhân vật) được đặt cạnh nhau trên lát cắt đồng đại của thời gian, gợi mở những tham chiếu đa diện diện về các lớp nghĩa mà Nguyễn Bình Phương muốn thông tin. Con người trong Trí nhớ suy tàn trở thành động vật vọng tưởng, với những gì được xem là hiện hữu quanh mình. Một cái nhìn, cách đánh giá trôi tuột của trí nhớ. Trí nhớ bị quy hồi về độ không của dư ảnh, không đam mê, không hạnh phúc, không khám phá… tất cả chạy theo hành động hờ hững, lửng thửng của nhân vật về tồn tại. Với Thoạt kỳ thuỷ lại là góc cạnh khác từ nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả. Nhân vật bị biến dạng, bị quy hồi về trạng thái thiếu sức sống tinh thần, phản ánh bản chất hoang tưởng, giả dối của y về cuộc sống. Nhân vật của Nguyễn Bình Phương gợi lên kết thúc mờ nhạt về hiện hữu nhân bản trong cuộc đời, như thể, con người đang biến mất giống như đám mây “nhân tính” đang dần tan loãng trước làn gió chiều hoang tàn của xúc cảm yêu thương. Con người trong tác phẩm của anh tìm chốn vào nơi xa xăm huyền diệu, chơi vơi tìm về thời gian đã mất, hoặc lùi vào ngã vị của người điên, đam mê các giá trị rùng rợn: thích màu đỏ của máu, thích trò chơi giết người, thích cách mơ tưởng mông lung của người điên, mà Tính đã xây dựng trong “ngôi đền” ảo tưởng của mình…
*
Việc phác thảo những khuynh hướng trong văn xuôi quân đội, không phải là bản tường trình tri thức về hiện thực đời sống văn nghệ, mà là căn bản tư tưởng quy chiếu cho nhận thức sáng lạn hơn đối với thực tiễn văn học Việt Nam. Từ đó, người viết có tham vọng đặt mục tiêu của mình về phía những “chân trời hiểu” (possible horizon) kế tiếp, khai thác sâu, kỹ hơn các lớp nghĩa, mà trong dung lượng bài viết nhỏ chưa thể chuyển tải hết.
Ngô Hương Giang
[1] Tiểu thuyết của Uông Triều. Mặc dù, tác phẩm sẽ xuất bản trong thời gian tới, nhưng chúng tôi có dịp được đọc bản thảo của anh gửi. Vì vậy, những diễn giải về tác phẩm của chúng tôi, dựa trên bản thảo mà anh cung cấp
[2] Dẫn theo http://vietbao.vn/Van-hoa/Xon-xao-voi-Ngoi-cua-Nguyen-Binh-Phuong/70071875/181/
Nguồn: Toquoc