Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (ảnh: internet)
Bữa cơm cháy với dưa chua xào đã không hội đủ được năm người. Nói là để ăn bữa trưa ở quán ngoài trời số 2 Lê Thạch, kỳ thực để thưởng ngoạn cái u ẩn của tiết cuối Thu. Ông Thiệp đành phải lỡ hẹn. Phải vào Sài Gòn đưa đám người anh ruột, một sỹ quan quân đội cao cấp trong ngành Hải quân. Nghe nói là khuôn mẫu thật của Tướng về hưu 1987. Khi ông Thiệp trở ra Hà Nội, có người muốn dựng lại cái lỡ hẹn hôm trước. Ông Thiệp bảo tôi qua điện thoại xuống nhà ở Khương Hạ dùng bữa trưa nhạt cho vui.
Cái thời buổi taxi vào chỗ nào cũng được bây giờ thật tiện ích. Một loài ngựa chạy nhanh không cần ăn cỏ ở thành phố còn xen lẫn đầy những làng là làng. ấy vậy mà đi hết đường Khương Hạ, dọc con sông Tô Lịch nước lúc nào cũng đen kịt như nước điếu, mới thoát được vào phố Bùi Xương Trạch ngoắt ngoéo và đầy bất ngờ hơn cả những lối ngõ cổ xưa. Ông Thiệp đầu trần, áo cộc tay kẻ ca rô nhạt sọc lớn, quần soóc, tất tả ra đầu ngõ đón khách. Tư gia của ông lọt thỏm trong chi chít những ngõ là ngõ. Ngõ to, ngõ nhỏ chẳng ra hàng lối gì cả. Cờ quạt, quán xá mở ra nhiều vô kể. Trời tối vào đây lạc là cái chắc. Không phải là phố, chẳng phải là làng, thỉnh thoảng lại có cổng gạch cửa gỗ cũ kỹ như ngõ vào của chốn thưở xưa. Không biết có bao nhiêu làng như thế giữa lòng Hà Nội để níu kéo cái phong vị của quá khứ và đằng sau cái cổng gạch rêu phong ấy, có bao nhân tài không gặp thời ở đây!? Không hiểu cái ngõ như đường đi trên trần thế này có in dấu má riêng gì trong văn chương của ông ấy hay không?
Giữa khoảng sân rộng trước nhà đặt một pho tượng Phật ngồi màu xám, làm bằng chất liệu không mấy xa hoa. Trên bệ trần trước Tượng, một vòng hương đang lặng lẽ cháy dở chia sẻ sự tĩnh mịch của buổi áp trưa nắng không ra nắng, trầm không ra trầm của làng Hà Nội.
Chia ngôi chủ khách theo lối xuề xòa, ấm trà nhạt pha nước sôi đã nguội chừng hơn một nửa. Ông Thiệp hiền hậu và khiêm nhường khác xa những gì trong văn chương ông viết. Hàng râu con kiến vừa thưa vừa bạc trào lộng trên khuôn mặt của ông. Đã dăm lần gặp Thiệp, tôi không thể đọc được thần sắc đặc biệt trên khuôn mặt ấy. Có lần ông nói gốc gác xa xưa của tổ tiên là người Chăm. Họ theo quan quân nhà Trần về lập nghiệp vùng Khương Hạ bây giờ. Có vẻ huyền thoại lắm. Giọng ông thi thoảng lắp bắp chân thành đến mức tội nghiệp. Khách tự nhiên thương cảm.
Có thời kỳ người ta dị ứng với ông. Không chỉ do ông lấy cái nọ cái kia dí vào thi ca mà dường như còn cả sự nhẫn tâm lạnh lùng của ông trong văn phẩm nữa. Ví như ông miêu tả cái chợ phân ở chốn ngoại thành xót xa đến rợn người. Cử chỉ của người có tên là Móng cầm cái đũa cái ngoáy thùng đưa lên mũi ngửi và màn đập nhặng đầy phóng dụ nữa. Dù nhà văn có gắn việc ngửi ấy với nghiệp chướng tình ái của anh lính Móng chăng nữa cũng không xua hết mặc cảm của người đọc.
Thực ra, chìm sâu dưới những dòng chữ tưởng như nhẫn tâm kia là tấm lòng vật vã và đau đớn của nhà văn với sự khổ sở cùng cực của con người. Có lúc ông bảo: Tôi chỉ mới đứng ngoài bậc cửa các tác phẩm của ông. Vào hẳn trong ngôi nhà ấy mới cảm hết cái trăn trở sâu xa của đời người, khi mà xã hội bước qua những nhầm lẫn đau đớn để nhận thức lại giá trị chân thực của thời đại.
Nhìn ra ngoài sân qua khung cửa sổ, pho tượng Phật trầm ngâm từ nãy đến giờ trước nén hương vòng cháy dở, hỏi ông Thiệp: Thiền là thế nào? Ông cười thành thật, một nụ cười bàng bạc khó tả, rồi ông đọc cho khách nghe mấy câu lục bát nửa thanh nửa tục của Nguyễn Bảo Sinh, người mà thiên hạ bảo là Săngxô Păngsa của ông. Ông biết điều đó sâu sắc hơn nhiều. Ông không muốn khách đau đầu với những giáo lý cao siêu khi mà người ta đã ngoại lục tuần. Cánh nhà văn, nhất là những người thâm trầm như Thiệp, khó mà đó được sự nông sâu, rộng hẹp của cái bề kiến văn nhiều ánh lên sự bỡn cợt chua cay của tạo hóa dưới con mắt người đời.
Hết một tuần trà, ông Thiệp dẫn khách đến bên trái ban thờ treo hai tấm bằng chứng nhận trên tường. Một của Bộ Văn hóa thông tin Cộng hòa Pháp về Huân chương hiệp sĩ. Một chứng thực giải thưởng văn chương Nonino nước ý cho ông. Tủ sách bằng gỗ tốt đóng theo lối cổ đặt ở sát tường bên đối diện với hai giải văn chương. Một hàng sách mỏng, chủ yếu in ở nước ngoài tác phẩm của Thiệp vừa dàn đủ ở ngăn chính giữa. Ngoài ra không còn một tác phẩm nào của ông được cất giữ. Thực là niềm hạnh phúc của nhà văn. Ông phải ôm sách ế của mình trong nhà mình. Việc đó nó vừa tủi thân, vừa thách thức, vừa giễu cợt, vừa cảm thông… Có nhà văn khá nổi tiếng được giải hẳn hoi mà văn không bán được chất đầy gầm bàn, gầm ghế. Một nữ sĩ già nghẹn ngào nói: Thơ làm ra chỉ đem biếu. Vẫn còn một đống đắp chiếu trong buồng. Chao ôi! Nhà văn là nhà văn! Họ sinh hạ ra những đứa con tinh thần trong sự rằn vặt, đau đớn rụng cả tóc. Họ chỉ mong chúng đi đó, đi đây khắp thiên hạ, quanh quẩn trong xó nhà thì phỏng có ích gì?
Ông Thiệp bán được nhiều sách nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Tài sản của ông chẳng có gì đáng giá, ngoài bức tượng ngồi giữa sân. Đám đất của tổ tiên đã bán để làm nhà cho con trai ở Khương Hạ rồi. Ông bảo: Vừa nhận được lương hưu cách đây một hai năm. Hỏi bao nhiêu, ông khoe được một triệu ba trăm nghìn đồng. Số tiền gần bằng hoặc nhỉnh hơn mức lương tối thiểu của người làm công ăn lương thời bây giờ. Mức thu nhập ấy, chính thức đưa nhà văn gia nhập đội ngũ đông đảo những người cần lao của đất nước này. Ông nói tới sự tri ân của bà Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Khôi Nguyên, vốn là Bộ trưởng Môi trường giúp ông cấp lại cái khoản lương hưu. Họ là những yếu nhân của nền chính trị đất nước đã biết và yêu mến truyện ngắn của Thiệp. Văn của ông đã “tải” ông tới được cửa chốn cao sang quyền quý giữa lúc khó khăn.
Việc cấp lương hưu làm người ta nhớ lại sau khi ông sinh hạ Tướng về hưu nổi tiếng được khoảng gần bốn năm, năm 1990 ông bước chân ra khỏi Cục đồ bản, một cơ quan nhà nước. Từ bỏ con đường “Vinh thân phì gia”. Tự khoác cho mình cái nghề “cơm áo không đùa với khách thơ” đến mức cái khoản lương hưu còm tí tuột khỏi tay. Chả trách ai được. Bây giờ nhìn bộ dạng của Thiệp, không mấy ai bảo ông có tiền. Mà làm nghề văn, cái nghề tự mài tâm can khí huyết của mình ra chữ ở nước ta đã mấy ai có tiền. Ông cũng như họ. Trong sạch và tinh khiết như nước từ trong núi ra.
Đối với văn của Thiệp, đôi khi giống như bóng chiều, cái bóng chiều đầy bí ẩn như có lần ông viết “Chiều đánh rỗng nội tâm của ai hy vọng lý giải điều gì có ý nghĩa”. Ai định dùng kinh viện sách vở cao siêu để mổ sẻ thì thật uổng công. Chẳng khác gì dùng vảy rồng để gạch xóa một linh vật không có trong tự nhiên; vừa giống chuột cống, vừa giống lợn lòi, vừa giống con nghê… chỉ có hai con mắt của nó là giống với muôn loài, trong đó có cả loài người thượng đẳng ở ngôi bậc cao nhất của chọn lọc tự nhiên. Cái linh vật đó thoát lên từ những mạch nguồn bất hạnh và niềm đam mê vô tận, nỗi đắng cay và hy vọng tràn trề của đời sống trần gian để bày tỏ ước mơ ràn rụa ánh sáng mặt trời. Ông viết văn không lấy xuất phát điểm từ một triết lý cao cả, siêu hình nào. Ông cầm bút do sự thúc giục đầy trắc ẩn của nhân sinh. Mặc dù chịu sự thúc giục quyết liệt ấy, văn Thiệp giữ được vẻ đẹp thật lạnh lùng, có khi đến mức thật dửng dưng. Rất ít có màn diễn thuyết. Ngoại trừ có một vài trường hợp mà rõ nhất là “Tội ác và trừng phạt”. Ông không thể cầm lòng mình được nữa. Ông lúng túng tự mình nhảy ra bày biện, kể cả khi viết về bài tụng mơ mơ hồ hồ ở cuối truyện này. Thiệp nói: Nhà văn phải thét lên trong lòng họ thì họa may văn mới có cái cho thiên hạ để tâm. Có lúc Thiệp nói: Người nghệ sĩ thường cô đơn và hoài vọng, lắm khi chỉ biết lặng yên, không nói thành lời. Cô đơn lắm. Có lần Thiệp đã tự hỏi: “Có đôi mắt nào mở to trong tim ta, mỗi cái chớp mắt đều khiến ta nhói lòng”.
Ngòi bút của Thiệp không câu nệ những chi tiết xác thực của lịch sử. Mà làm gì có được chi tiết xác thực đầy đủ, khi lịch sử đã lẩn khuất đi qua hàng nghìn, hàng trăm năm, trong khi Tư Mã Thiên lại chỉ có một vài người thôi. Lịch sử đi qua chỉ để lại những nét đại lược nhất. Thiệp đã thực hiện cái quyền của nhà văn mà nhà sử học không có. Ông đã cho các chi tiết để vẽ nhân vật lịch sử, nhiều khi trong sự bỡn cợt từ cái bóng hắt của mũ cánh chuồn xuống đất khiến lịch sử sinh động hẳn lên. Các vĩ nhân lịch sử không trần thùi lụi giống như những củ khoai tây trên cánh đồng của văn chương ước lệ. Sâu thẳm trong lòng mình, ông không hề nghĩ đến dùng thủ pháp “đạp đổ thần tượng” để kinh doanh. Điều ông làm thật đơn giản. Ông coi họ như những người thường. Đã có bao nhiêu truyện viết về cụ Đề Thám, nhưng chỉ có ông xem cụ Đề như một người thường cưỡi ngựa ô phi dưới trời mưa Nhã Nam, khóc nức nở, thật như là có thật, để người anh hùng thêm một lần nữa in dấu vào trí nhớ của lịch sử. Đề Thám khóc vì một chút lỡ làng của bổn phận khiến người ta lại nhớ đến và thương một đời con hùm thiêng Yên Thế trong văn chương. Nguyên Hồng cả một đời cặm cụi viết, cả một đời xốc xếch trong cái áo cộc tay nâu gụ màu nhạt mùa hạ đến cái áo mền bông vỏ vải xanh Trung Quốc mùa đông, lã chã khóc cho số phận những nhân vật văn chương của mình. Lúc ấy Nguyên Hồng không phải là một nhà văn mà là một người thường.
Có người bảo trong truyện Sang Sông, Thiệp là thằng cướp đập vỡ cái bình. Chừng vài năm gần đây, người ta không bàn đến Thiệp nhiều như những năm trước. Năm 2012, Thiệp cho ra mắt công chúng hai vở chèo: Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua. Có ai đó chép miệng bảo, nếu hai cái cốt ấy vào tay nhà viết truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thì thiên hạ lại được một phen cuốn hút như vòi rồng…
Nếu thế thì lại chẳng là Nguyễn Huy Thiệp mất rồi! Cũng nghịch lý như câu chuyện thi ca. Thiệp là người công nhiên chế nhạo thi ca không chỉ một lần trong tác phẩm của ông. Nhưng ở Việt Nam không ai lại xen vào nhiều đoạn Thơ trong Truyện như Thiệp. Nếu bây giờ tách những đoạn Thơ ấy ra in thành một tập, nhiều bài cũng được lắm, ví như bài Cánh đồng trong Thương nhơ đồng quê.
Thiệp có thể đóng vai trò tên cướp đập vỡ cái bình để giải thoát cho đứa trẻ mắc tay vào miệng bình, giống như vỡ ra một lối viết mới được không ít người thừa nhận trong văn chương. Gần đây người Trung Quốc làm phim lịch sử của họ cũng có cách tư duy như Thiệp, trong những thiên truyện ngắn của ông xuất hiện vào thập kỷ 80, 90.
Đưa khách qua khoảng sân rộng lát gạch bát sang nhà bên của hai cậu con trai. Đang tập nghề vẽ. Không ngờ ông Thiệp còn vẽ được trên đĩa, trên bình sứ rất có nghề. Cảnh minh họa phần nhiều lấy tích từ Tam quốc diễn nghĩa: Lưu Quan Trương đến Ngọa Long Cương, Quan Vân Trường đứng gác cho hai bà chị dâu, vợ của Lưu Bị ngủ. Ai oán một câu nguyệch ngoạc trên chiếc bình sứ to lùn về thân phận sách của Hoa Đà… Đang mải mê câu chuyện, bà Thiệp ở dưới nhà dóng dả gọi với lên mời cơm trưa. Rượu không uống, thuốc hút không hay; bữa cơm đạm bạc của gia đình nhà văn, một tài văn trong số không nhiều được bạn đọc yêu quý, khiến khách ngậm ngùi và đồng cảm với ông. Ông đã bỏ đi bao nhiêu cái vui thú ở đời này để ngập lụt trong cõi văn chương, để rồi bao nhiêu trang sách viết đầm đìa tâm sự nhân thế bỗng trở nên xa xôi, không can dự gì vào bữa cơm trưa dưa muối này.
Dắt tay khách tiễn ra hết cái ngõ 77 dài với bao ngõ nhỏ châu đầu vào nhau như minh họa đầy sinh động cho sự đan xen của đời sống cộng sinh, ông Thiệp vẫn cái bộ dạng của bác bán cháo lòng thân ái, khiêm nhường. Chợt thoáng trong đầu, nếu một lúc nào đó ông triệu tập những người ông đã sinh hạ ra về cái ngõ 77 để đưa đón khách thì chắc hẳn lại ách tắc như giao thông Hà Thành vào lúc tan tầm. Họ sẽ đứng chật ở các đầu ngõ.
Nguồn: Vanvn.net