Nhụy khúc đã lôi kéo người đọc vào chốn mê cung của những ký ức buồn, những dấu tích đã phôi phai theo năm tháng. Với cái nhìn rất mới, Đinh Phương đã soi rọi vào quá khứ bằng những ký ức xa xăm trong những câu chuyện huyền thoại, để nhận ra những đổi thay của thời cuộc. Đọc Nhụy khúc tư duy của người đọc sẽ phải tự phán xét theo từng góc nhìn khác nhau của mỗi người trước những dấu tích tàn phai của lịch sử, trước những trăn trở, suy tư về cuộc sống hôm nay. Cảm nhận được điều này chẳng dễ chút nào, nó còn phụ thuộc vào nhận thức, vào sở trưởng sở đoản của từng người.

Với tôi Nhụy khúc như một bông hoa đẹp trong rừng hoa tiểu thuyết Việt nhiều năm qua. Đây là tác phẩm tiểu thuyết đầu tay của tác giả trẻ Đinh Phương, tác giả đã dũng cảm dám mở ra cho mình một lối viết riêng biệt có sức hút bởi sự khác lạ ở phong cách độc đáo, ngôn từ súc tích, đặt câu ngắn gọn. Văn phong bình dị ấm áp mà tinh tế, cuốn hút ta vào chốn mê cung của những mối quan hệ mơ hồ gữa các nhân vật.

Cách viết của Đinh Phương gợi cho ta những ảo giác mơ màng bởi các nhân vật trong tác phẩm Nhụy khúc thường lúc ẩn lúc hiện và biến mất một cách bất ngờ. Sự biến mất và xuất hiện cũng rất lạ ở bất kỳ không gian, thời gian, trường đoạn nào của tác phẩm. Nhụy khúc như một giấc mơ dài cứ lặp đi lặp lại bằng những chuỗi chi tiết đặc sắc được gắn kết bằng những tiếng ngân lên của ngôn từ, lúc như gió rít, lúc mờ ảo như khói sương, lúc lại rực lên như lửa cháy. Với lối viết ẩn, rất sở trường ấy của Đinh Phương người đọc không thể hiểu rõ ngay được cốt truyện mà trái tim vẫn cứ rung động xốn xang lạ kỳ. Nó rung ở điều gì đó không nói thành lời. Cũng giống như thể ta đang nghe một bản nhạc không lời vậy. Đinh Phương đã rất tâm huyết chắt chiu để viết lên khúc tình ca về Nhụy khúc.

Nhụy khúc chính là tiếng lòng của người cầm bút cũng là tiếng lòng của các nhân vật, trước mọi biến thái của cuộc đời. Câu chuyện nho nhỏ về mối tình không trọn vẹn của Trang và Vũ. Với những biến cố bất ngờ. Vũ tự vẫn. Cái chết đầy bí ẩn của Vũ để lại lời nhắn gửi khiến cho Trang lao vào một cuộc kiếm tìm. Càng lao vào tìm kiếm Trang càng thấy như mình đang đi vào lối ngõ sâu hun hút. Tất cả cứ hằn lên những dấu ấn không xóa nhòa bới lối viết vừa hiện thực vừa huyền ảo. Chỉ với những chi tiết rất nhỏ, những dấu tích tàn phai, những góc khuất u hoài của đời thường với những nhân vật có cái tên ngồ ngộ như Choi Choi, và câu chuyện bí ẩn về bố mẹ đang sống trong ngôi nhà nhỏ ỏ một thị trấn nhỏ, về Phố Chìa, cảng Chìa, vậy mà Nhụy khúc đã khiến ta day dứt đến đớn đau, đến khắc khoải.

Nỗi khắc khoải của người viết lẫn với nỗi khắc khoải của nhân vật. Trang và Vũ, hai con tim của một cuộc tình chất chứa bao ký ức buồn, mỗi khi Trang soi vào quá khứ, vào lịch sử. Nhụy khúc là cả một chuỗi giấc mơ đầy thách thức đi kiếm tìm dĩ vãng, kiếm tìm cái đẹp, soi rọi niềm tin, phán xét lịch sử ở phía sau các dữ kiện, phía sau các biến cố của dân tộc. Đinh Phương cảm nhận lịch sử bằng văn chương, bằng trái tim nhân hậu, bằng ánh mắt nhân văn của người cầm bút. Đọc Nhụy khúc, ta nhận ra nỗi khát khao đi kiếm tìm Nhụy khúc của nhân vật Trang – Đi tìm Nhụy khúc, đi tìm sự trống vắng cô đơn của chính mình. Trang đi tìm Nhụy khúc, đi tìm sự bí mật của mẹ và của cả người nằm dưới ngôi mộ đá trên núi.

Đọc Nhụy khúc ta không hi vọng tìm ra cốt truyện ly kỳ hấp dẫn nào trong đó, ta không thể nhận biết được tường tận rõ ràng số phận của các nhân vật. Không ai đọc Nhụy khúc lại có thể kể lại một cách rõ ràng. Đinh Phương đã khéo dẫn dụ người đọc bằng một loạt chi tiết rất ấn tượng mở đầu cho tác phẩm gây sức tò mò ngay từ trang đầu tiên. Dưới con mắt một đứa trẻ, nó tò mò nhìn trộm vào gương mặt căng thẳng của cả bố và mẹ, hai người ngồi đối diện nhau trước chiếc bàn, ở giữa bàn là tờ giấy. Nó không rõ trong tờ giấy viết gì. Sự bí ẩn về nội dung trong tờ giấy ấy được lặp đi lặp lại ở các chương sau, cứ ám ảnh mãi trong tâm trí người đọc. Tiếp tới chương “Hai”, “Ba”… các nhân vật bí ẩn lần lượt xuất hiện. Nhân vật người nằm dưới ngôi mộ đá trên núi là ai? Câu hỏi cứ vang lên. Một nhân vật không tên và câu hỏi được lặp đi lặp lại trong suốt chiều dài của tác phẩm. Lối viết “Cao tay” này Nhụy khúc mang lại ấn tượng mạnh với những chi tiết ám ảnh cứ bám riết người đọc gây được chất men say khiến ta không thể ngưng nghỉ giữa chừng. Chỉ với một vài đoạn văn ngắn Đinh Phương đã khắc họa cảnh hai mẹ con tìm đến ngôi mộ bí ẩn không tên vào ngày đầu thu.

“… Mình hỏi ai dưới mộ?


Phải là con dao thật sắc để cắt đứt gẫy gọn làm biến mất khoảng xanh xao mình và mẹ tham dự vào. Khoảng xanh xao này vốn chẳng bao giờ nên có. Đáng ra chúng phải biến mất giữa các tầng ký ức dày mình chạm vào từng ngày. Giữa ăn uống nói chuyện, đi lại duy trì các mối quan hệ mới cũ. Đáng ra mình phải làm chủ các tình huống của trí nhớ. Vậy mà không tài nào làm chủ nổi khoảng xanh mình và mẹ đã từng đến vào mỗi đầu thu quanh ngôi mộ…”

“… Phía ngoài da trời xanh ngắt. Ngoài da trời là gì? Chắc là nơi ít người đến, thế giới chẳng dễ chạm vào. Vẻ chờ đợi của da trời lẫn với vẻ chờ đợi của mẹ. Khắc khoải đến ngậm ngùi. Vậy ngoài da trời có ai đợi ai? Mình chẳng biết. Một đứa trẻ hỏi câu hỏi mà rồi hai bảy tuổi vẫn cần mẫn đi tìm đáp án…” (Trang 22-23)

Tôi thực sự bị Đinh Phương chinh phục bới lối viết biến hóa khéo léo đưa những ngôn từ mang hình ảnh vừa chân thực vừa hư ảo. Như cái cảnh người mẹ phát cỏ nhụy khúc trên ngôi mộ. Cho dù con dao trên tay người mẹ có sắc đến mấy, cho dù người mẹ đã bỏ hết cả tâm trí, sức lực ra nhưng vẫn bất lực, người mẹ và đứa con không sao chiến thắng được sự xanh thẫm và sức hoang dại của loài cỏ nhụy khúc mọc trên nấm mộ của nhân vật bí ẩn này.

Tới trang 120 những câu văn đọc lên nghe u uất như thơ, còn hơn cả thơ: Lại một câu hỏi nữa vang lên.

“Người nằm dưới mộ là ai? Mẹ không trả lời. Mẹ vẫn tỷ mẩn bứt những cây nhụy khúc lên, bẻ từng chiếc lá, vứt thân ra một chỗ. Mắt mấu nhìn chòng chọc vào các kiếp người đang tuần tự thay nhau di chuyển về phía cái chết. Trên đường dẫn đến cái chết còn qua các trạm cô đơn, bí mật, giấu kín, lừa dối, giấc mơ, cảm giác…

… Mẹ ơi đừng bứt nữa. Mẹ không nghe. Mẹ vẫn bứt. Tháng ngày qua mẹ cũng bứt hết đi các niềm vui, chỉ còn nỗi buồn xa ngái. Nỗi buồn nào cũng xanh thẫm. Mẹ giấu mầu xanh thẫm dưới gối. Nước mắt mẹ không trắng đục mà xanh. Mình ngửi thấy mùi cỏ cây trong nước mắt của mẹ. Mẹ hóa thành nhụy khúc bay lên từ lúc nào, đống lá, đống thân nhụy khúc cũng bay lên. Mình đứng chôn chân trên triền núi nhìn về phía chân trời”.

Đinh Phương đã dùng lối viết biến ảo với những biến cố của gia đình, của thời cuộc. Cuộc di cư 1954 của những người miền Bắc cuộc ra đi của quân viễn chinh Pháp ở phố Chìa, ở cảng Chìa. Rồi sự biến mất một cách bí ẩn của những người lính Pháp trong các ngõ nhỏ sâu hun hút chật hẹp của phố phường. Rồi cả những cái chết cũng vậy. Sự khác biệt của những cái chết ở mỗi người cứ khiến ta không thể ngẫm ngợi. Tất cả mọi diễn biến của quá khứ xen lẫn hiện tại, vừa sáng rõ vừa mông lung huyền ảo. Trong dữ kiện đốt sách cũng đầy sinh động khiến ta cứ rưng rưng uất nghẹn. Dữ kiện này ta chợt giật mình bừng tỉnh nhận ra cái bi ai đau đớn của thân phận người cầm bút trước cường quyền. Đọc Nhụy khúc điều quan trọng nhất ta nhận ra được ở tác giả trẻ Đinh Phương về vai trò lớn lao và ý thức trách nhiệm của người viết trước cuộc sống mong manh của con người. Đinh Phương đã hòa mình hóa thân vào nhân vật bằng cả tài năng và sức lực. Nói tới đây sẽ có người đặt câu hỏi: Vậy nội dung của tác phẩm Nhụy khúc là gì? Phải chăng Nhụy khúc chứa đựng nỗi khát khao đi tìm và giải mã những điều còn bí ẩn mơ hồ của cả thời hiện tại và quá khứ. Cụ thể là nhân vật Trang của thời hiện tại muốn đi tìm và giải mã những bí ẩn ở ngay trong gia đình mình – đó là bố mẹ và cả người nằm dưới ngôi mộ đá trên núi. Còn những bí mật của quá khứ lại là bí mật của thời cuộc. Cuộc di cư 1954 và những người lính Pháp bỗng nhiên biến mất. Bí mật ấy nằm trong những trang sách của một quán sách mà Vũ đã gửi gắm vào Trang để giải mã…

Đọc Nhụy khúc ta thấy rõ được sức trẻ của Đinh Phương ở cái mới lạ của tác phẩm, sự tinh tế sâu sắc cô đọng. Đọc Nhụy khúc thấy thấp thoáng chút tài hoa ở kỹ năng viết. Tôi hi vọng Đinh Phương sẽ còn vươn xa trong cái sự viết của mình.

Theo Dương Hướng – Văn nghệ Việt Nam