Lần đầu tiên, 67 bài thơ trong “Khúc đệm trữ tình” của nhà thơ nổi tiếng Đức Heinrich Heine được dịch ra tiếng Việt từ tiếng Đức. Người kỳ công làm việc này không phải là dịch giả chuyên nghiệp. Chị là Chu Thu Phương, một cán bộ ngoại giao yêu văn chương.

Dịch giả Chu Thu Phương và cuốn “Khúc đệm trữ tình”. Ảnh: An Thành Đạt

Dịch giả Chu Thu Phương và cuốn “Khúc đệm trữ tình”. Ảnh: An Thành Đạt

Cách đây nửa thế kỷ, các bài thơ của nhà thơ nổi tiếng bậc nhất nước Đức Heinrich Heine từng được biết đến qua các bản dịch tiếng Việt rất ấn tượng của các nhà thơ Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh… Nhưng phần lớn các bản dịch từ tiếng Pháp, tiếng Nga. Trước đây, dịch giả Quang Chiến và Trần Đương cũng đã từng thành công trong việc dịch một số bài thơ của Heine từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, tập thơ được dịch đầy đủ sang tiếng Việt.

“Đây là bản dịch của một nữ dịch giả nên nó có giọng điệu khác, nữ tính hơn. Tôi nghĩ Chu Thu Phương đã khá dụng công cho việc dịch, có nhiều bài thành công như “Đóa hoa sen sợ hãi”, “Họ ngồi quanh bàn uống nước”, “Nào hoa hồng, nào hoa huệ, nào bồ câu, nào mặt trời”, “Sao những bông hồng lại nhợt nhạt đến thế?”…”


TS ngữ văn Trương Hồng Quang, hiện đang sống ở Đức

Dịch để giải đáp tranh cãi

Phương kể, chị dịch thơ Heine sau cuộc tranh luận văn chương giữa một nhóm nhỏ những người bạn vào năm 2013, khi còn đang làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Trong những lúc rảnh rỗi, nhóm hay bàn luận về văn chương trên mạng. Tại một cuộc tranh luận về thơ Heine, có những điều Phương cảm thấy mà không thể diễn đạt bằng lời bởi thiếu bản dịch để diễn giải. Một câu hỏi của một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã chấm dứt những tranh luận đó đơn giản bằng một câu “Vậy em hiểu thế nào về Heine?”. Để trả lời câu hỏi giản dị ấy, cô đã mất hơn một năm trời.

Phương chia sẻ: “Tôi chọn cuốn nổi tiếng nhất của ông – “Sách của những bài ca”. Lúc đầu, tôi chỉ dịch một vài bài thơ trong đó, xong cảm thấy không đủ để chứng minh, không lột tả được cái mình cảm nhận được từ Heine: một giọng thơ bình dị, dân dã và rất dễ đi vào lòng người. Thế rồi để chứng minh, tôi cứ dịch ngày càng nhiều lên, và những bản dịch dần dần tập trung vào chùm thơ “Khúc đệm trữ tình””.

Trong một tuần liền, cứ hết giờ làm việc là Phương dịch “Khúc đệm trữ tình”. “Dịch thô hết tập thấy như hụt hơi, cảm tưởng dịch thêm 1 ngày nữa chắc là mình chết mất”  – Phương cười kể lại. Thời gian đầu, cứ dịch được bài nào, Phương lại đăng lên group cho mọi người cùng tranh luận. Quá trình hoàn thiện tập thơ kéo dài đến hơn một năm. Phương cho biết, trong chùm 67 bài thơ của Heine, bài đầu tiên là dành tặng cho ông chú, người có công với Heine, bài “Khúc dạo đầu” và 65 bài đánh số từ 1-65. Heine quan niệm, đã là thơ thì không bao giờ là một bài, mà thường là cả chùm, bởi cùng nhau, các bài thơ sẽ kể nên một câu chuyện.

Cuốn thơ được Hội hữu nghị Việt – CHLB Đức và Viện Goethe tại Việt Nam hỗ trợ in ấn và vừa ra mắt tại Heritage Space, Hà Nội tối 15/8.

Tới quê hương Heine để hiểu Heine

Dịch thô xong tập thơ, để hiểu rõ hơn về con người Heine, Phương đã tới thành phố Marburg tìm gặp giáo sư dạy văn học Đức Guenter Giesenfeld (ông cũng là chủ tịch Hội hữu nghị với Việt Nam) và bà Marian Ngo. Đây cũng là hai dịch giả dịch văn học Việt Nam ra tiếng Đức. Suốt hai ngày trời, họ không lúc nào ngừng bàn luận về Heine. Ông bà vừa dẫn Phương đi tham quan ngôi làng, vừa kể chuyện cho Phương về những bài thơ của Heine. Khi ngồi xuống ăn, họ vừa ăn vừa giở từng bài thơ ra bình luận, xem biện pháp nghệ thuật mà nhà thơ sử dụng là gì… Rồi ông Guenter Giesenfeld mời Phương về nhà ông, lục tìm trong thư viện các cuốn sách của Heine ra xem, lấy từ điển để tra cho chính xác. Lúc đó, Phương mới ngớ ra, một số dấu chấm, dấu phẩy trong bản thơ online mà Phương tải về khác so với bản in. Dù chỉ là dấu chấm hay dấu phẩy, nhưng tất cả đều là dụng ý của Heine, ý nghĩa sẽ khác, thế là Phương phải xem lại bản dịch.

Phương còn tới thành phố Duesseldorf, quê hương của Heine để tìm hiểu về ông. Ở đó, Phương được gặp gỡ với Thạc sỹ Christian Liedtke, nhà nghiên cứu về Heine hiện làm việc tại Vụ lưu trữ bản thảo viết tay II, Viện Heinrich Heine thành phố Duesseldorf. Chính tại đây, Phương đã vỡ ra nhiều điều và dịch được cụm từ “Khúc đệm trữ tình”.

Một cơ may nữa, Phương có duyên được làm việc với Tiến sỹ âm nhạc Nguyễn Văn Nam. Anh Nam đã hướng dẫn Phương tỉ mỉ về nhạc tính đậm nét trong thơ Heine. Mỗi lần gặp anh hằng tuần, là một lần Phương trăn trở dịch lại từng bài thơ. Phương thổ lộ: “Nếu không gặp anh Nam, tôi không thể nào dịch theo đúng nhịp điệu thơ, nhạc tính của câu thơ sẽ không được để ý tới. Ví dụ như ở bài số 3, nhịp 3/3/3, là nhịp chủ đạo của bài thơ”. Rồi Phương cất giọng đọc bài thơ bằng cả tiếng Đức và tiếng Việt: Nào hoa hồng, nào hoa huệ, nào bồ câu, nào mặt trời/Lòng tôi bao nhiêu thứ từng say đắm cả một thời/Giờ tôi không còn yêu, lòng chỉ còn có một/Một nhỏ nhắn, một nhã nhặn, một trong trắng, một duy nhất/Nàng là ngọn nguồn bao say đắm tuyệt vời/ Cả hoa hồng, cả hoa huệ, cả bồ câu, cả mặt trời.

Vốn yêu văn thơ, trước đây Phương cũng đã từng thử sức với việc dịch một số bài thơ Đức của Goethe, Heine, hay Brecht… Trước kia, bố Phương, một nhà ngoại giao kỳ cựu, thông thạo tiếng Đức và yêu văn học Đức, cũng đã từng thách Phương dịch một bài thơ của Heine. Gần 20 năm sau, giờ cuốn sách đã hoàn thành, Phương mới có thể “trả bài cho bố”.

Theo Lan Anh – Tiền phong online

Exit mobile version