Có những người viết văn loé sáng ngay từ khi còn trẻ cầm bút viết tác phẩm đầu tiên và “cứ thế bước ào vào văn chương”, nhưng cũng có người “chầm chậm tới mình”. Với Thiên Sơn, tôi nghĩ, anh thuộc kiểu sau. Khi đang là sinh viên khoa Văn học (trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội), Thiên Sơn (tên thật là Nguyễn Xuân Hoàng) là một người trầm lặng, chưa phát lộ năng khiếu văn chương như một số trường hợp khác (như Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo…). Thiên Sơn, trong hình dung của tôi, như mạch nước ngầm, lặng lẽ âm thầm chu chuyển để đến một ngày phát lộ và khi phát lộ thì dồn dập, mạnh mẽ, trào dâng. Bây giờ thì anh đã giàu nội lực văn chương, viết cùng lúc cả tiểu thuyết, cả truyện ngắn, cả phê bình (mạnh hơn vẫn là phê bình thơ).
Người bên lề là một cuốn sách truyện ngắn “nặng kí” cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này ( 22 truyện trong 573 trang in khổ 14,5 X 20,5). Nếu với tác giả khác đã có thâm niên viết văn thì kiểu sách này thuộc dạng Tác phẩm chọn lọc (kiểu như nhà xuất bản Phụ nữ năm 2011 vừa in Bảo Ninh tác phẩm chọn lọc, gồm 33 truyện ngắn trong 473 trang in khổ 14 x 20,5). Nhưng độ dày của sách chỉ mới là hình thức, tôi muốn nói đến cái tạo nên “kí nặng” của tập truyện ngắn đầu tay của Thiên Sơn: đó là sự dũng cảm của tác giả khi sục sâu vào một hiện thực đời sống ở mặt hoang hoá, hoang phế, hoang dại và đầy chết chóc của những “người bên lề”, ngang qua cuộc đời chúng ta, mà do thói vô cảm, thói “máu cá” (từ dùng của nhà văn Nguyễn Minh Châu) nên chúng ta cố tình lảng tránh, cố tình quên đi. Những lúc như thế, ai đó trong số chúng ta chặc lưỡi “chao ôi, lo cho mình còn chả xong huống lo cho người”. Ai đó nói chí lí rằng nhà văn như là người thám hiểm những miền đất mới, thường có sức mời gọi bởi cái kì bí và khắc nghiệt của nó. Thám hiểm đi đôi với phiêu lưu, mạo hiểm và tâm thế luôn phải sẵn sàng đón nhận những rủi ro, bất trắc bất kì. Ở bìa 4 cuốn sách tôi đọc thấy lời tự bạch của tác giả “Hơn mười năm qua tôi đã mạo hiểm làm một cuộc hành trình xuyên sâu vào những nghịch lí khó lường, những bí mật câm lặng. Tôi như người mò mẫm trong bóng tối dựng lại những hình hài dẫu chẳng còn nguyên vẹn, cố tìm trong phế hoang những cái đẹp nguyên thủy tưởng chừng không thể phá hủy. Nhưng cũng có khi chỉ tìm thấy sự băng hoại, những vết thương rớm máu và sự quằn quại truyền kiếp”. Đọc 22 truyện của Thiên sơn, nhiều lúc có cái cảm giác như ngộp thở vì không khí truyện lúc nào cũng căng như dây đàn với đầy bóng tối ma mị, những hình hài người xệch xạc, những cảnh huống trớ trêu đau lòng, những kết cục đau thương bi phẫn… Đặc biệt ám ảnh là cái chết với “mỗi người mỗi vẻ” trong hàng loạt truyện như Người đàn bà điên, Chuyện buồn của chị, Đồi đá trắng, Bức chân dung tình yêu, Hoa trên mộ, Hai cuộc đời, Mộ hoang, Cuộc hạnh ngộ… Đã có lúc tôi buột thốt lên “sao chết nhiều người thế, Thiên Sơn ơi!”. Hình như chết cũng là một cách giải thoát của những phận người mỏng, vì thế mà đau đớn như cái chết của người đàn bà điên trong truyện ngắn cùng tên. Sau khi người đàn bà điên chết trong túp lều hoang nơi trước đó chị ta thường náu mình, một cảnh tượng kì lạ bày ra trước mắt mọi người “Trong lều có một tấm chiếu cũ. Một con búp bê được gói trong chiếc áo cánh phụ nữ màu đen đặt nằm ngửa. Phía dưới gối có một cuốn nhật kí đã nhòe chữ…Phía sau – trong lều không khí như đang cuộn thành hình người đi lại, nói năng. Âm thanh man mác ngấm dần vào họ thành buốt nhói, rồi râm ran…”.
Đọc 22 truyện của Thiên sơn, tôi thấy tác giả nghiêng viết về cái nghịch dị (grotesque), chất nghịch dị dường như thấm đậm từ trong ý thức cấu tứ truyện, hình tượng trung tâm và thậm chí đến từng tình tiết, chi tiết, ngôn từ, giọng điệu. Căn nhà có ma là một truyện tiêu biểu cho ý thức viết về cái nghịch dị trong truyện của Thiên Sơn. Vì nghiêng về thể hiện cái nghịch dị nên tác giả thường cố gắng tạo cho truyện một không khí thực – hư (hay nói cách khác tác giả có ý thức kết hợp cái nghịch dị với cái kỳ ảo trong tái hiện đời sống) đôi khi ma quái rùng rợn, có tác dụng đánh mạnh vào cân não và cảm xúc của độc giả. Nhân vật ông Hiền trong truyện này đúng là một người kì dị vì “Thời chiến tranh, có lần vì một nhiệm vụ đặc biệt đành phải ém mình suốt một tuần lễ trong chiếc hầm bí mật tại nghĩa địa hoang vu nhưng ông không sợ. Những ngày đó, sống bên cạnh những nấm mồ yên lặng, ông có dịp nghĩ về cuộc đời, về sự chết… Ông bỗng cảm thấy người chết không có gì xa lạ cả”. Vì thế mà mô-tip người sống đối thoại với người chết xuất hiện khá nhiều trong truyện của Thiên Sơn. Hai thế giới âm – dương (thế giới của những người sống và thế giới của những người chết) trong truyện của Thiên Sơn được dựng nên một cách có ý thức khiến cho cái không gian nghệ thuật – dù bị o ép trong dung lượng một truyện ngắn – cũng có cơ được nới rộng kích tấc. Vì lẽ đó mà yếu tố tâm linh phảng phất khắp mọi câu chuyện được tác giả kể ra, đôi khi bằng một hình thức huyễn hoặc, huyền kì. Truyện của Thiên Sơn, nếu có thể nói, được viết theo lối “truyền kì hiện đại”.
Tôi muốn nói rõ hơn về kĩ thuật viết truyện ngắn của Thiên Sơn qua tập Người bên lề. Một số truyện của Thiên Sơn bị tãi ra do độ dài như Kiếp tha hương (50 trang), Bí mật hoang đảo (40 trang), Dưới đáy (40 trang), đặc biệt là Kiếp tàn (170 trang). Nhập thân vào thế giới của “người bên lề”, tôi có cảm giác như tác giả quá say sưa, đôi khi vồ vập trước cái chất liệu bề bộn thậm chí trở thành “mê lộ”. Tác giả có thể chưa có được cái khả năng tiết chế (kiểm soát) ngòi bút của mình khi viết. Kiếp tàn có dáng vóc một tiểu thuyết, khi mà một truyện ngắn được tác giả thiết kế trong 30 khúc (đánh dấu từ I đến XXX). Viết truyện ngắn, muốn ngắn (tức cô đúc, cô đọng) phụ thuộc rất nhiều vào cách kể chuyện của tác giả. Tôi nhớ khắc ghi chỉ dẫn nghề nghiệp của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 -1977), được rút ra từ sách Đời viết văn của tôi (1971): “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt chẽ và bằng thái độ với cách đặt câu dùng tiếng có cân nhắc (…). Muốn truyện nấy là truyện ngắn chỉ nên xoay quanh chủ đề ấy thôi”. Hiểu một cách giản dị thì vấn đề chính là cái giá đỡ cho một truyện ngắn. Đọc Kiếp tàn, một truyện ngắn dài đến 170 trang của Thiên Sơn, tôi chợt muốn so sánh – nhưng lại sợ bất kì so sánh nào cũng khập khiễng – với truyện ngắn Thảo nguyên (gần 160 trang) cũng được coi là kỉ lục về số trang của nhà văn Nga thế kỉ XIX A. Tsêkhôp. Kĩ thuật viết truyện ngắn cũng đã chỉ ra cái yêu cầu khắt khe đối với nhà văn là, ngay khi viết dòng đầu tiên anh đã phải nhìn thấy cái đích (tức đoạn kết thúc). Người viết truyện ngắn giống như vận động viên chạy cự li 100 m (phải bứt lên ngay lập tức, phải nhìn tới đích ngay sau khi tiếng còi lệnh xuất phát), khác hoàn toàn với người viết tiểu thuyết giống như vận động viên chạy maratông với chặng đường dài đến hơn 40 km (cái đích đến còn rất xa, nên chặng đầu phải giữ sức). Cái tâm thế của người viết tiểu thuyết với tâm thế người viết truyện ngắn trong một tác giả Thiên Sơn, theo tôi nghĩ, nhiều khi không rạch ròi, thậm chí đôi khi tỏ ra mù mờ, lẫn lộn. Rất có thể Thiên Sơn ảnh hưởng một nhà văn tiền bối nào đó (Nguyên Hồng chẳng hạn), với lối viết “rậm rạp”, nghiêng về tình cảm, nên thường muốn kể hết, nói hết. Nhưng lại có một chỉ dẫn nghề nghiệp khác theo tôi rất đáng suy nghĩ “Điều dở nhất trong tình yêu cũng như trong nghệ thuật là nói hết ra”. Thiên Sơn quá say sưa nên đã không kiểm soát được ngòi bút của mình khi viết truyện ngắn, nên nếu truyện của anh có dài ra cũng dễ hiểu!
Truyện ngắn Thiên Sơn có những đoạn kết ám ảnh độc giả, đó là “những cái chết được báo trước”, như một định mệnn của số phận, tiêu biểu như Chuyện buồn của chị. Ngay đầu truyện, khi nhân vật Chị chuyển đến ở trong một căn nhà mới thuê, chị đã nói với người hàng xóm (nhân vật Tôi – người kể chuyện) một câu “Căn nhà lạnh lẽo làm chị sợ quá”. Sau nhiều lần bị những người đàn ông tuyệt tình, chị trở về căn nhà lạnh lẽo của mình như một cái hang ổ cuối cùng và “Đêm đêm toàn thấy ác mộng. Hầu như đêm nào chị cũng thấy ma quỷ, yêu tinh quấy phá (…). Tâm thần chị luôn hoảng loạn (…). Nghe nói chị bị chứng trầm cảm nặng. Một buổi tối chị đã tự treo cổ khi chỉ có một mình”.
Tôi nghĩ, truyện ngắn của Thiên Sơn, trong tính chất mở rộng biên độ nghệ thuật của nó, là “mầm mống của những tiểu thuyết” trong tương lai gần.
Nguồn: Vanvn.net