Nhà văn Lê Minh Khuê là một người thành công với thể loại truyện ngắn. Cả sự nghiệp văn chương của mình, bà dường như chỉ dành toàn tâm toàn ý để theo đuổi truyện ngắn và đã đạt được những kết quả đáng nể. Truyện ngắn của Lê Minh Khuê đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, được trao các giải thưởng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó bà còn có thời gian dài làm biên tập sách văn học tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Có lẽ vì thế mà bà thường được mời đến các lớp tập huấn để giúp các học viên thẩm định chính những gì họ viết ra, gần đây nhất là lớp sáng tác, thẩm bình truyện ngắn do Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức. Bà đã có những chia sẻ với Văn nghệ Trẻ những câu chuyện của người viết truyện ngắn.


Nhà văn Lê Minh Khuê.

PV: Trước đây những lớp tập huấn sáng tác thường chung chung chứ chưa đi sâu vào một thể loại, gần đây Khoa Viết văn – Báo chí, thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội, đã mở một lớp chuyên về sáng tác, thẩm bình truyện ngắn, bà thấy việc làm này mang lại điều gì?

Nhà văn Lê Minh Khuê: Việc khoa Viết văn – Báo chí đi sâu vào sáng tác, thẩm bình truyện ngắn là rất tốt. Tôi thấy ở Mỹ vào mùa Hè người ta cũng  hay mở các lớp như thế này ở trường đại học. Sâu vào một chuyên đề tập hợp những người cùng sở thích viết xong có thể trao đổi cho nhau cùng đọc… Vừa là giải trí vừa là việc có lợi cho ý thích của mỗi người. Truyện ngắn là thể loại mà người mới viết thường sử dụng. Tập huấn để có thể gợi mở cho người viết cách nắm bắt đề tài, cách kể một câu chuyện và cái chính là khơi gợi sự say mê một loại hình chia sẻ với nhau vấn đề cùng quan tâm. Một việc làm rất hay đấy.

– Vì sao bà nhận lời giảng cho lớp?

+ Tôi không giảng bài đâu. Nói là giảng thì quan trọng quá. Tôi chỉ nhận lời đọc của các tác giả – đọc xong thì trả bài cho họ với tư cách người biên tập. Trong khi trả tác phẩm tôi nói với họ đôi điều mình quan niệm về công việc. Vậy thôi.

– Bà có cảm nhận gì về những học viên tham gia lớp học?

+ Tháng trước tôi có trả bài cho các học viên ở lớp tập huấn Hội Nhà văn tổ chức tại Yên Bái. Tôi thấy hai lớp này giống nhau vì trong khi trả bài tôi nhìn những người ngồi bàn đầu ghi chép, chăm chú nghe nghiêm túc và tôi rất cảm động. Khi tìm hiểu ra tôi biết họ hầu hết là những người có học vị trong các ngành nghề, có người là chức sắc đầu ngành, có các tiến sĩ khoa học hiệu trưởng các trường học, có giám đốc lâm trường, kỹ sư… Họ nghỉ hưu, đi học viết văn với thái độ trân trọng công việc và tôi không được phép “qua loa” khi đọc khi nhận xét truyện của họ. Lớp này không đông bằng lớp của HNV nhưng tôi đã gặp lại không khí học tập “đáng nể” ở Yên Bái. Tôi cũng bắt mình phải nghiêm túc có kinh nghiệm gì hãy trao đổi và họ cũng cho tôi nhiều ý kiến hay.

Các học viên lớp sáng tác, thẩm bình truyện ngắn, Khoa Viết văn – Báo chí nhận chứng chỉ tại lễ bế mạc lớp học.

– Năng khiếu bẩm sinh và kỹ năng có được do đào tạo, bà thấy cái nào quan trọng hơn?

+ Năng khiếu bẩm sinh rất quan trọng – nhất là khi viết truyện ngắn, như làm thơ vậy, không có năng khiếu không thể có tác phẩm hay. Nhưng nên được tập trung như thế này để có thể biết thế nào là một truyện ngắn hay, và biết cả cách kể một câu chuyện. Năng khiếu và đào tạo quan trọng như nhau.

– Bà có nghĩ một người thành công với truyện ngắn thì sẽ giảng dạy tốt về lý thuyết truyện ngắn?

+ Cũng tùy. Trong làng văn có nhiều người viết hay và giảng dạy cũng hay về lý thuyết. Tôi thì không. Tôi không có lý thuyết gì mà tôi nói cũng không tốt. Tôi chỉ có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm. Còn lý thuyết truyện ngắn? Tôi nghĩ cũng chả có lý thuyết đâu. Cứ cảm nhận và viết theo ý thích của mình cộng với sự đọc sự học trên sách vở. Lý thuyết thường thuộc về các nhà phê bình nghiên cứu. Người sáng tác không khoái lý thuyết lắm.

– Một người viết mới chập chững vào nghề và muốn theo đuổi thể loại truyện ngắn, nếu họ cần một lời khuyên thì bà sẽ nói với họ những gì?

+ Viết là công việc cực nhọc. Truyện ngắn khó viết, không phải ngắn mà dễ dàng, viết truyện ngắn phải rèn luyện kĩ năng. Những lớp như thế này rất tốt ngoài ra cần đọc để xem người ta viết như thế nào. Gặp gỡ những người cùng sở thích để trò chuyện và gợi mở các vấn đề mình quan tâm. Điều quan trọng là phải có cá tính trong viết truyện ngắn. Cẩn thận từ cách dùng dấu chấm dấu phẩy, tránh ẩu trong cách dùng từ ngữ. Cứ kể câu chuyện mà ta biết đi, kể theo cách của người viết truyện ngắn… biết đâu ta “bắt” được một cái gì, như người làm thơ được trời cho một câu thơ hay…

– Cám ơn bà đã chia sẻ!

Nguyễn Xuân Thủy thực hiện

Bài đã in ở báo Văn nghệ trẻ