Đã ai gọi Tây Ninh mình là đất thơ chưa vậy?- Chưa nghe, mà chắc “hổng” có đâu!

Nghe đoạn đối thoại của hai bạn trẻ về dự Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XI, ngày 24/2/2013 tại sân Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; chợt lại nhớ về những miền đất thơ đã từng nổi tiếng. Như Bình Định với Trường thơ Bình Định có những tên tuổi các nhà thơ lớn như Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Như miền đất cố đô xưa, mà chỉ cái tên Huế đọc lên đã đậm chất thơ. Để hầu như tất cả các nhà thơ nổi tiếng trong nước đều có thơ về Huế. Hay miền đất Thăng Long Hà Nội. Và cả ở miền đất cực Nam xa xôi là trấn Hà Tiên xưa cũng có một “Tao đàn” Chiêu Anh Các v.v… và v.v.

 


Gian thơ huyện biên giới Bến Cầu

Vậy mà Tây Ninh vẫn dạt dào thơ, thưa các bạn! Dạt dào như sóng nước Vàm Cỏ Đông, luôn luôn “Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng” trong thơ Hoài Vũ. Vậy mới có cảnh tượng các gian sắp đặt trưng bày Thơ của các huyện đều đầy ắp thơ, hay lả tả thơ bay. Từ huyện xa, biên giới như Bến Cầu mà bên này thì sông, bên kia là nước bạn Campuchia. Thơ về cùng những đó, đăng, lưới cá của dân chài cùng những rạ rơm của một miền đất quê trù phú đầy ắp những bắp lai và thuốc lá vàng. Rất nhiều thúng, mủng, nong nia, dần sàng, dụng cụ nhà nông đã thành những trang thơ tuyệt sắc. Thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu và nhiều nhà thơ lớn được trang trọng trình bày trên những hình tròn, hình quạt, những banner. Thăm gian thơ Bến Cầu, ngoài thưởng thức thơ người xem còn được mời ăn những món quà quê đậm đà hương vị quê kiểng như bắp luộc, đậu rang hay một chén chè, một miếng xoài thanh vàng ươm chấm với muối ớt Tây Ninh. Càng thêm đậm đà hương vị một miền Thơ.

Cũng là nơi được hưởng trực tiếp cái dạt dào và mát rượi phù sa sông Vàm Cỏ, còn là huyện Gò Dầu, nơi có một chi hội VHNT giàu truyền thống về thơ nhờ có những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu làm nòng cốt như Trần Hoàng Vy, Nguyệt Quế. Nay đã có thêm một làn thơ trẻ, mỏng manh và mới mẻ như một loài hoa lạ: Trần Nhã My. Cô vừa được tặng giải Trẻ năm 2012 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập thơ Dỗi, Nxb Hội Nhà văn in năm 2012.

Kế bên còn là gian thơ của CLB thơ Tân Châu, của Chi hội Dương Minh Châu, của CLB thơ Ninh Thạnh tuy ít hơn về lượng, nhưng được bố trí thật gợi cảm và sáng tạo. Ấn tượng và lạ nhất có lẽ vẫn là của CLB thơ trẻ do Nhã My, Trương Thứ Bảy và Bùi Bảo Kỳ phụ trách. Nhóm trẻ lần này có cả 1.000 vỏ lon bia kết thành hình con rắn Quý Tỵ vắt ngang cổng thơ; lại có cả hai thùng chứa những điều “bí mật” định gây bất ngờ cho tất cả khách của Ngày Thơ. Thế nhưng giật dây mãi mà thùng không mở, đành gỡ xuống coi sao! Thì một thùng toàn những bông hoa dầu, nếu rơi là xoay tròn như chong chóng. Còn thùng kia là cả ngàn con hạc giấy. Cô “Trưởng tràng” thì vận bộ áo tứ thân xinh như một “chị hai” Quan Họ. Hình tượng các bạn trẻ tạo nên đã thật thơ rồi.

Cũng xin kể thêm. Vài tháng trước có nhiều ý kiến của các nhà văn về việc xây dựng một vườn thơ Việt. Thì ở Tây Ninh quê tôi đã có một vườn thơ như vậy rồi, từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Đấy là vườn thơ tạc vào đá núi trên một đồi Thơ, sát bờ hồ Dầu Tiếng mênh mông 24.000 ha mặt nước. Ở đây có thơ hay của tất cả các nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, từ thời đại Lý Trần cho tới thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ. Cũng ở Tây Ninh, sát ngay Tòa thánh còn có một nghĩa trang với hàng chục ngàn ngôi mộ, mà hầu như ngôi nào cũng có thơ khắc trên bia đá… Vậy tại sao Tây Ninh còn chưa phải là một miền thơ?

Góc thư pháp trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XI tại Tây Ninh

Nguồn: vanvn.net