Thiên Điểu thực hiện

Là tổng đạo diễn của chương trình nghệ thuật khai mạc SEA Games 31, NSƯT Trần Ly Ly – quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn – đang không ngừng thử thách bản thân ở những vai trò mới.

Các diễn viên miệt mài tập dượt cho lễ khai mạc SEA Games 31 vào tối 12-5 – Ảnh: CNTBD

Ngay trên sân Mỹ Đình, chị Trần Ly Ly vừa chỉ đạo công việc vừa dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện về chương trình khai mạc SEA Games 31, về “chương trình hành động” của chị với vai trò tân quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Làm đẹp nhất cái mà chúng ta có

* Chị đã đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật lớn, nhiều vở nhạc kịch ăn khách khi còn làm giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nhưng chương trình nghệ thuật khai mạc SEA Games 31 lần này có lẽ là chương trình lớn nhất từ trước đến nay của chị?

– Đây là chương trình rất lớn, lớn nhất mà tôi từng đảm nhiệm với vai trò tổng đạo diễn, một chương trình có tầm quốc tế. Vì vậy trách nhiệm và áp lực đặt lên vai chúng tôi rất lớn, cũng là cơ hội cho chúng tôi trải nghiệm, học hỏi thêm rất nhiều điều trong một thời gian rất ngắn.

Chỉ gần 2 tháng từ khi tôi nhận nhiệm vụ tới nay, chúng tôi phải hoàn thành mọi khâu từ kịch bản đến sản xuất, tập hợp cả ngàn con người trong những đại cảnh lớn. Rất căng thẳng, áp lực. Nhưng may mắn của tôi là tập hợp được những người tài năng cùng tham gia với mình. Tôi vẫn thường nói vui rằng tài năng của tôi chính là tập hợp được những người tài làm việc cùng mình.

Đạo diễn âm nhạc Huy Tuấn rất chuyên nghiệp nên có thể đáp ứng được áp lực về thời gian và thích ứng được với sự thay đổi liên tục khi làm chương trình này. Âm nhạc của anh kết hợp được cả tính dân tộc và tính nhân loại, tiết tấu cũng rất thể thao, phù hợp với sự kiện SEA Games 31.

Đạo diễn sân khấu Hoàng Công Cường là một người trẻ rất tài năng, sáng tạo về hình ảnh. Hai đạo diễn múa là NSND Hồng Phong và NSND Kiều Lê đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với những tiết mục đại cảnh hàng trăm diễn viên tham gia.

Tôi lại có 2 người cố vấn tâm huyết là PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái và PGS.TS Trần Đức Cường, những người hiểu, yêu văn hóa lịch sử dân tộc.

Chương trình khai mạc SEA Games 31 đòi hỏi lồng ghép được những câu chuyện văn hóa, để nói lên được tinh thần của người Việt, về đất nước Việt Nam nên tôi rất cần sự cố vấn, lời khuyên của những cố vấn tâm huyết với văn hóa này.

Tôi hy vọng tạo được điểm trùng sóng giữa toàn bộ êkip để tạo ra cảm xúc lớn cho công chúng.

* Trong chương trình khai mạc SEA Games 31 sẽ có những hình ảnh như cây tre, nón lá, hoa sen… Người ta có thể nghĩ nó khá cũ mòn?

– Cái gì đã là văn hóa thì không bao giờ cũ mòn. Ta không bao giờ cũ mòn khi làm những thứ thực sự là cái cốt lõi, cái bản chất của ta. Nếu chúng ta làm đẹp nhất cái mà chúng ta có thì chúng ta hoàn toàn có thể tự hào.

Cây tre, hoa sen hay nón lá, bông lúa… mãi là biểu tượng cho vẻ đẹp, sự thanh khiết và mềm mại, dẻo dai, kiên cường, sức sống mãnh liệt của người Việt Nam.

NSƯT Trần Ly Ly

Một cục trưởng có nghề sẽ khác

* Chị theo đuổi hình mẫu nhà quản lý đồng thời giỏi chuyên môn?

– Thực ra thì Cục Nghệ thuật biểu diễn là cục cần nhất một cục trưởng làm nghề để vừa hiểu nghề vừa hiểu quản lý nhà nước. Một cục trưởng có nghề sẽ khác những nhà quản lý không hiểu nghề.

Phải từng là nghệ sĩ mới hiểu được nghệ sĩ để làm quản lý tốt hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Hiểu công việc, suy nghĩ của nghệ sĩ, đứng ở vai của nghệ sĩ sẽ biết tính toán những chế độ chính sách, xây dựng nghị định không để nghệ sĩ phải thiệt thòi. Chúng tôi sắp xây dựng nghị định về chế độ chính sách với diễn viên, nghệ sĩ. Chúng tôi rất cần hiểu họ.

Sau khi tập trung vào công tác quản lý nhà nước một thời gian, có thể tôi không làm nghề trực tiếp nhưng sẽ đóng góp gián tiếp bằng cách có định hướng cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Tôi đang nhìn thấy rõ tiềm năng của công nghiệp biểu diễn trong tình hình mới. Tôi mong muốn được đóng góp vào xây dựng công nghiệp biểu diễn Việt Nam vừa làm ra giá trị nghệ thuật vừa làm ra giá trị kinh tế.

* Chị có tham vọng tạo sự khác biệt với vai trò là quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn không?

– Đương nhiên khi làm việc luôn luôn phải có ước mơ. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ đánh giá tổng thể nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam và xác định cục phải làm chức năng nhiệm vụ của mình thế nào.

Phải sâu sát với địa phương để đưa ra định hướng, cách làm thúc đẩy những sáng tạo có giá trị đối với cộng đồng và với sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong tương lai.

Các chính sách mà chúng tôi sắp xây dựng sẽ rất hỗ trợ nghệ sĩ phát triển, sáng tạo, cách tiếp cận tác phẩm nghệ thuật sắp tới đây phải có cái nhìn rất khác.

Có thể chúng tôi sẽ tổ chức một số hội thảo trong nước và quốc tế để có thể nhìn ra cách tiếp cận mới của nghệ thuật Việt Nam trong tương lai. Nhưng đây là công việc dài hơi, mà trước hết cần đầu tư về con người. Trong sáng tạo thì con người là yếu tố quan trọng nhất, mà phải là tập hợp những con người tài năng.

Theo tuoitre.vn