(Nhà văn Ngô Tất Tố – Ảnh: Internet)

 

Trong một tuần lễ trước đây, hội đồng Phòng bệnh hoa liễu  có họp một kỳ hội nghị bàn việc dự định thể lệ cho nghề mãi dâm.  Những thể lệ ấy đã khởi thảo rồi, ở báo hàng ngày đã có đăng rõ,  mục đích của nó không gì khác hơn là chỉnh đốn cho nghiêm cái  nghề “bán dâm” để bài trừ những bệnh hoa liễu. Một việc rất nên  làm và rất hợp thời. Hiện nay bệnh hoa liễu mỗi ngày một bành  trướng lạ thường, nếu không tìm được cách gì ngăn ngừa thì một  ngày kia, không khéo khắp trong dân tộc An Nam sẽ khó mà kiếm  một người không mắc bệnh khốn nạn ấy. Điều nên nói là trong  bản thể lệ ấy, hội đồng Phòng bệnh hoa liễu mới nhìn bệnh hoa  liễu bằng cái nguyên nhân thứ hai, còn bỏ sót cái nguyên nhân thứ  nhất của nó. Bệnh hoa liễu cũng như một vài bệnh khác, ngoài cái  nguyên nhân thứ hai là nạn mãi dâm còn có nguyên nhân thứ  nhất gây ra mầm bệnh mà không phải là loại vi trùng.


Nếu không trừ được nguyên nhân thứ nhất của bệnh, không  thể cấm bệnh không được lan ra. Nguyên nhân thứ nhất là gì? Các  ngài sẽ đổ cho sự gay go trong cuộc sinh hoạt. Cố nhiên, với sự  bành trướng đáng ghê như bệnh hoa liễu, hiện tượng sinh hoạt  vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Nhưng một phần thôi, còn  một phần khác, là trách nhiệm của bọn văn sĩ. Tôi muốn nói mấy  ông văn sĩ thiếu lương tâm, quen dùng văn chương khiêu dâm để  quyến rũ bạn đọc phụ nữ. Nói cho phải, văn chương của ta hồi này  cũng có tiến bộ hơn trước, nhất là nghề viết tiểu thuyết. Nhưng  trong khi tiến bộ về phương diện nghệ thuật, đồng thời nó cũng  tiến bộ luôn về phương diện khiêu dâm. Hãy giở những cuốn tiểu  thuyết tình xuất bản gần đây mà coi, các ngài sẽ thấy lời nói ấy  không sai sự thực. Tác giả những áng văn chương ấy vẫn là nhà  văn có tài, cái tài cổ động chủ nghĩa khoái lạc về nhục dục mà  người ta gọi tránh đi là “vui vẻ trẻ trung”. Họ phá hủy nền liêm sỉ  của trai gái bằng những ngòi bút mạnh bạo. Họ mô tả trần truồng  cái chân tướng ái tình bằng giọng văn hay hớm và lả lơi. Họ làm  được cảnh tượng của dục tính ở mặt giấy cũng hoạt động như ở  màn ảnh. Đừng nói những hạng trai trẻ, giả sử các cụ sáu bảy mươi tuổi nghe văn của họ có khi cũng thấy dậm dựt trong mình.  Nhờ vậy, họ đã đi được tới đích, hầu hết phụ nữ ở thành thị đều  đua nhau làm độc giả của họ.


Trong vài năm nay, tâm hồn phụ nữ thành thị đã bị họ cám  dỗ…; người ta đã nói bằng giọng của họ, người ta đã nghĩ bằng tư  tưởng của họ, rồi người ta muốn làm như những nhân vật trong  tiểu thuyết của họ. Cái ảnh hưởng ấy, nó đưa chị em phụ nữ đến  đâu? Bước thứ nhất là đến một cuộc đời lãng mạn. Trong vài năm  nay, đối với phụ nữ -nhất là phụ nữ tân thời -liêm sỉ chỉ là tính  hèn nhát, dư luận chỉ là lời hủ bại, biết bao nhiêu người đã ngang  nhiên đem thân thể thờ thần nhục dục một cách tự do, không e lệ,  cũng không hối hận. Tại các thành thị, tiệm nhảy và phòng ngủ  mở ra mỗi ngày mỗi nhiều, đó là bằng chứng rất rõ rệt về phong  trào lãng mạn của phụ nữ. Ai nấy chắc đều nhận rằng: từ lãng  mạn đến mãi dâm không xa, và từ mãi dâm đến bệnh hoa liễu  càng không xa nữa. Đi ngược trở lại, chúng ta có thể nói rằng: bao  nhiêu nữ tướng trong việc truyền bệnh hoa liễu đều là tín đồ của  chủ nghĩa lãng mạn; mà bao nhiêu nữ tín đồ của chủ nghĩa lãng  mạn đều là độc giả của những văn sĩ kia. Vậy thì những người mắc  bệnh hoa liễu đều là người đã phải bùa mê của bọn văn sĩ khiêu  dâm, chính bọn văn sĩ khiêu dâm đã đưa người ta lên giường bệnh  hoa liễu.


Nói vậy không phải quá đáng. Nếu vào nhà thương mà hỏi  những chị em bệnh hoa liễu có đọc tiểu thuyết của bọn văn sĩ kia  không, quyết rằng trong số trăm người đều trả lời rằng có. Đối với  pháp luật, văn chương khiêu dâm vẫn thuộc về tội đáng trừng phạt. Nhưng cái điều kiện của pháp luật về những khoản đó hình  như không rõ ràng, cho nên bọn văn sĩ khiêu dâm vẫn có đường  trốn. Họ trốn ra đường nghệ thuật. Họ viện vào thuyết “nghệ thuật” để bênh vực cho nghề nghiệp của họ. Nếu những tác phẩm  của họ cứ được tự do đầu độc phụ nữ thì nghề mãi dâm còn thịnh  hành và bệnh hoa liễu còn bành trướng.

 

Ngô Tất Tố –