Cánh diều 2015 đã “chốt sổ” nhận 19 phim truyện, 22 phim truyền hình, 37 phim tài liệu… BGK phim truyền hình đã làm việc trước cách đây 1 tháng để chấm 500 tập phim truyền hình. Diều sẽ “bay” vào 20/4/2016.
Mọi năm Giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải vào ngày 15/3 (Ngày thành lập Điện ảnh Cách mạng Việt Nam). Việc dời thời điểm đến ngày 20/4 cũng tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất phim Tết có thể tham gia.
Dời ngày trao giải, không nhận phim “lai”
Sau nhiều năm tổ chức, Hội Điện ảnh nhận thấy thời điểm này không còn phù hợp do vào tháng 11, tháng 12 năm trước đó có LHP Quốc tế Hà Nội, LHP Việt Nam tổ chức. Ngay sau đó là vụ phim Tết, thời điểm các nhà sản xuất bận rộn, đến hạn chót mới gửi phim tham dự Cánh diều, gây khó khăn cho việc tổ chức vào ngày 15/3.
Đặt câu hỏi, liệu năm nay Cánh diều 2015 có học tập LHP Việt Nam lần thứ 19 (diễn ra vào tháng 12/2015) tổ chức tuyển phim, thay vì nhận tất cả các tác phẩm gửi đến dự thi như mọi năm không.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chánh Văn phòng Hội Điện ảnh cho biết: “Cũng từng có ý kiến sao giải không tổ chức tuyển chọn phim, nhưng xin nhắc lại Cánh diều chỉ là một giải mang tính chất nghề nghiệp, không phải một LHP mang tầm vóc quốc gia, không nên khoác cho giải một chiếc áo quá rộng. Lễ trao giải Cánh diều mang tính chất lễ tổng kết sau 1 năm, ghi nhận thành tích của các hội viên, vinh danh những bộ phim có sự sáng tạo về mặt nghệ thuật, thông qua đó quảng bá cho điện ảnh Việt, nên tất các tác phẩm gửi về dự thi đều được trân trọng”.
Cũng do tính chất giải thưởng của Hội nghề nghiệp, đề cao tính sáng tạo trong sáng tác điện ảnh, nên Cánh diều sẽ không nhận những phim điện ảnh, truyền hình sử dụng kịch bản nước ngoài, đơn cử như trường hợp Em là bà nội của anh.
Hấp lực từ Cánh diều có lớn?
Năm 2015 lượng phim sản xuất lên tới gần 40 phim, nhiều nhất từ trước tới nay, nhưng lượng phim gửi về dự thi Cánh diều 2015 chỉ chiếm khoảng một nửa, cho thấy hấp lực của Cánh diều với các nhà sản xuất không còn lớn.
Bản thân nhà tổ chức là Hội Điện ảnh Việt Nam dù có lượng hội viên khá đông (1.780 hội viên), từng muốn khuếch trương giải Cánh diều. Nhưng khi điện ảnh trong nước trồi sụt liên tục, mấy năm gần đây Hội đã đưa Cánh diều trở về đúng với tính chất giải của Hội nghề nghiệp.
Gần như mỗi mùa giải, Hội này đều cố gắng tổ chức một đêm trao giải hoặc ở Hà Nội, hoặc ở TP. HCM, được tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, với kinh phí nhà nước cấp và một phần xã hội hóa cũng là một cố gắng lớn. Nên những kì vọng của xã hội vào một “Oscar của Việt Nam” dường như là một ước mơ thiếu thực tế.
Một điều đáng mừng cho Cánh diều 2015, là dù chỉ có một nửa số phim sản xuất trong năm 2015 tham dự, nhưng những phim tốt đều đã có mặt.
19 phim dự thi năm nay gồm: Trên đỉnh bình yên, 49 ngày, Bộ ba rắc rối, Ngày nảy ngày nay, Trúng số, Trót yêu, Nhà tiên tri, Bảo mẫu siêu quậy, Cầu vồng không sắc, Cuộc đời của Yến, Người trở về, Mỹ nhân, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Đường xuyên rừng, Quyên, Đời như ý, Gái già lắm chiêu, Ám ảnh, Siêu trộm.
Phần lớn là phim của các hãng phim tư nhân gửi tới dự thi, sau đó là các hãng phim nhà nước. Năm nay 2015 đã có một vài phim độc lập được sản xuất, đơn cử như trường hợp Cha, con và… (đạo diễn Phan Đăng Di), Một thành phố khác (nhà làm phim Phạm Ngọc Lân). Những phim này đã dự thi tại LHP danh tiếng như LHP Berlinale, tuy nhiên đều không tham gia Cánh diều.
Những năm trước đó, Ban tổ chức Cánh diều cũng đã chia sẻ tâm tư, rất muốn có sự góp mặt của các phim độc lập để danh mục phim dự thi thêm nhiều màu sắc, phong phú. Nhưng vì một lý do nào đó, đến nay, các phim độc lập vẫn chưa thực sự quan tâm đến giải thưởng nội địa này.
Lễ trao giải Cánh diều 2015 sẽ diễn ra vào ngày 20/4 tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội.
Theo Ngọc Diệp – Thể thao & Văn hóa