Từ những năm 30-40 của thế kỷ XX, trong khi nền văn học Việt Nam đang diễn ra cuộc thay đổi dữ dội theo xu hướng Tây hóa từ đề tài đến ngôn ngữ và hình thức nghệ thuật… thì trên thi đàn Việt Nam đã hình thành một dòng thơ viết về những nét đẹp nơi làng quê với tên tuổi của nhiều thi nhân như: Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ…


Nhà thơ Anh Thơ (1918-2005)


Bằng các sáng tác của mình, nữ sĩ Anh Thơ đã tạo dựng được những bức tranh làng quê thân yêu với những mảng không gian văn hóa, với những màu sắc phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này cắt nghĩa một cách thuyết phục rằng thiên nhiên – văn hóa và con người nơi vùng quê Kinh Bắc với những bản sắc riêng biệt luôn là một dòng chảy ngầm không hề đứt đoạn trong sáng tác của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ… Cùng với các tác giả nêu trên, Anh Thơ đã thể hiện trong các sáng tác của mình một không gian chứa đựng bản sắc văn hóa đặc trưng vùng Kinh Bắc rất đa dạng, phong phú và sinh động. Trên tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống thơ ca dân tộc, góp phần làm sống lại những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Anh Thơ nói đến làng quê như sự trở về với ngọn nguồn, đặc biệt nữ sĩ đã nói đến vùng Kinh Bắc với một nền văn hóa, văn minh lâu đời của dân tộc qua tập thơ Bức tranh quê.


Bức tranh quê của nữ sĩ Anh Thơ là sự thể hiện không gian văn hóa, với bao hình ảnh mang đậm màu sắc văn hóa của một vùng quê vốn giàu truyền thống văn hiến, văn minh của dân tộc.


Đó là không gian của những ngày tết cổ truyền. Người Việt Nam có những phong tục đón tết thật đa dạng với những đặc điểm, hình thức có ý nghĩa riêng biệt: tết Thượng nguyên, tết Thanh minh, tết Hàn thực, tết Đoan ngọ, tết Trung nguyên, tết Trung thu, tết Hạ nguyên, tết ông Công ông Táo… mỗi một hình thức tết lại có một nghi thức thờ cúng và phong tục sinh hoạt riêng. Những ngày tết là mốc đánh dấu cho sự luân chuyển thời tiết bốn mùa trong năm của người Việt Thường. Song quan trọng nhất là ngày tết Nguyên đán. Đây là tết mở đầu cho một năm với hàng loạt các nghi lễ, phong tục của người dân trong việc tống cựu nghênh tân với cái lõi ý nghĩa cơ bản là cầu may, cầu hạnh phúc nhiều hơn năm cũ. Đó là một sự kiện trọng đại đối với cư dân nông nghiệp. Tết là dịp nghỉ ngơi dài ngày duy nhất trong năm đối với họ. Bao lo toan cho cuộc sống thường ngày giờ tạm gác lại để hưởng thú vui xuân cho đủ đầy. Cảnh xuân tưng bừng nơi thôn xóm, pháo xuân hồng các ngõ, mưa xuân phơi phới lưng trời… Có mấy ai làm ngơ trước không khí của mùa xuân, trước sắc màu của tết? Lòng người tràn ngập niềm hạnh phúc, nồng nàn vui đón mùa xuân về từ những phiên chợ tết, nhộn nhịp hát ca, hội hè trong đình ngoài đám, cùng nhau chuẩn bị nhà cửa thật sạch sẽ, trang hoàng lộng lẫy thể hiện sự nâng niu trân trọng… thật ấm cúng làm sao. Nhà nhà đều đã trồng cây nêu, cây khánh, vẽ cung vôi trừ ma quỷ với hy vọng ngăn trừ điều ác, dán giấy điều để đón đợi điều lành, điều tốt sẽ tới:


Những cung vôi trong sân như mờ xóa,

Những giấy điều trước cửa dán đen thâm

Trong nhà đỏ bàn thờ nghi ngút khói,

Bên ông già hương nến quá chuyên tâm

(Ngày tết)


Trong tâm thức của người Việt Nam, đêm 30 tết với nồi bánh chưng sùng sục sôi bao giờ cũng là một đêm thật đáng nhớ. Bởi đó là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đầy thiêng liêng, người ta gọi đó là đêm giao thừa. Nữ sĩ Anh Thơ thật tinh tế khi phát hiện ra những tâm trạng khác nhau nhưng rất điển hình của người dân quê trong đêm ấy:


Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục

Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn

Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen nhức

Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.


Đó là những tâm trạng rất quen thuộc, điển hình trong các gia đình ở mỗi làng quê. Đến thời khắc giao thừa, vớt bánh chưng ra để ráo nước, đặt lên bàn thờ vẫn còn nghi ngút hơi nóng, sắp bánh cạnh câu đối tết còn nguyên màu mực đỏ, một vài tờ tranh Đông Hồ treo kèm càng tạo nên vẻ ấm áp, uy nghiêm, trang trọng nơi thờ cúng. Thắp vài tuần hương đang tỏa khói, lầm rầm những lời cúng thành tâm cầu mong sự may mắn, khỏe mạnh, hạnh phúc… Trong Tết quê bà, Đoàn Văn Cừ cũng miêu tả rất sinh động nét văn hóa này khi ngày xuân đến với những thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng…


Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng

Cá đêm cuối chạp nướng than hồng

Quần đào áo đỏ tranh gà lợn

Cơm tám dưa hành thịt mỡ đông


Nữ sĩ Anh Thơ có nhiều bài viết về Tết Nguyên đán: Chiều ba mươi tết, Đêm ba mươi tết, Ngày tết… Ở mỗi bài thơ là sự thể hiện tình cảm khác nhau trong cùng một không gian. Chiều ba mươi tết là một sự chuẩn bị khá chu đáo cho từng việc trong khi sắc xuân đang tới:


Trong vườn đào đã nhiều bông nở đỏ

Và đã nhiều nêu khánh dựng khua vang

Và rất nhiều ông già ngồi lau quét

Trước bàn thờ thành kính thắp tuần nhang


Ngày hết, tết đến, phong tục của ta là hay vẽ những vạch vôi trong sân giống như hình chiếc cung tên, dựng cây nêu bằng tre có treo những chiếc khánh, gió xuân về, khánh kêu leng keng, suốt cả ngày đêm với quan niệm để bắn đuổi ma quỷ ra khỏi nhà. Trước cửa nhà thường hay dán những tờ giấy điều đỏ trên có ghi chữ: Phúc, Cát, Lộc, Tài, Tâm, Thọ… vừa là để học, đồng thời để cầu may. Nét văn hóa phong tục ấy được bắt nguồn từ các câu chuyện cổ dân gian mang màu sắc tín ngưỡng trong đời sống tâm linh, giàu giá trị nhân văn của người cư dân nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ. Anh Thơ đã dựng lại tâm lý đón tết chung của nhân dân ta, quan trọng hơn, nhà thơ đã thể hiện sâu sắc phong tục đón tết cổ truyền, qua đó làm nổi bật nét văn hóa đặc trưng nơi làng quê Kinh Bắc. Nhà thơ Nguyễn Bính cũng có những câu thơ rất hay khi viết về phong tục này:


Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên

Bút lông dầm mực viết lên trên

Trên những gì gì tôi chẳng biết

Giữa đề năm tháng, dưới đề tên

(Tết của mẹ tôi)


Ngày tết chỉ được nói chuyện vui, mọi việc đã chuẩn bị xong, thời khắc quan trọng đã tới: “Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ báo/ Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa/ Cả nhà vội giật mình không ai bảo/ Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa?”. Những đứa trẻ được mặc bộ quần áo mới nhất, đi ra đình xem các bô lão cúng giao thừa. Ngày tết còn là dịp để mỗi cá nhân thể hiện sự mặn mà của tình người, của tinh thần cộng đồng một cách đầy đủ nhất. Họ mong cho nhau cùng hạnh phúc, sung túc hơn trong cuộc sống qua tục mừng tuổi của Ngày tết: Lũ trẻ con vui mừng thay áo mới…/ Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua.


Đời sống tinh thần của người nông dân một nắng hai sương là rất vất vả. Do vậy, vào mỗi dịp lễ, tết họ tạm dừng hết mọi công việc lao động đồng ruộng để tập trung cho “ngày tết”, ta hay gọi là “tết nhất” – vui sướng, nhàn hạ, ăn uống no đủ đều dồn vào ngày tết. Mỗi loại tết khác nhau, họ đều có những dạng sinh hoạt văn hóa và phong tục khác nhau. Nhưng độc đáo hơn cả vẫn là những lễ hội cổ truyền. Đây là một hoạt động văn hóa tinh thần quan trọng ở làng quê Việt Nam từ ngàn xưa.

Có một điều đáng tiếc là theo thời gian, sự biến thiên của lịch sử, xã hội… mà không gian của những lễ hội cổ truyền đã dần dần bị mất đi, hoặc mờ nhạt sắc thái văn hóa theo. Ngày nay, có những lễ hội, phong tục, tín ngưỡng ta chỉ còn được biết qua những câu truyện dân gian, qua hồi ức, truyền thuyết và trong những sáng tác văn học.


***


Ở Kinh Bắc làng nào cũng có chùa, do vậy việc thờ cúng, thắp hương, đốt vàng mã, hội hè luôn diễn ra vào mỗi độ xuân thu nhị kỳ. Hội được mở ra trên nền tảng của tín ngưỡng thành Hoàng làng, thần bản mệnh của cả cộng đồng và trên nền của tín ngưỡng nông nghiệp với các nghi lễ và trò diễn. Mục đích cơ bản cuối cùng là cầu mong được cho nhân khang vật thịnh, phong đăng hòa cốc, là dịp để tạ thần linh và cầu mong thần linh phù trợ. Mỗi khi chùa làng mở hội là dịp để các tăng ni phật tử cùng các khách thập phương nô nức tới dự: Chùa mở hội người làng nô nức tới/ Trong khói trầm trong ánh nến xôn xao” (Đêm rằm tháng giêng).


Hội đến, từ các cụ già, nam thanh nữ tú rồi con trẻ đều lên chùa lễ phật, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, thọ… cho gia đình, thân thuộc. Thanh niên lên chùa trước là lễ Phật sau là cầu duyên. Do vậy hội chùa trở thành một ngày hội lớn ở mỗi làng quê. Các bà lão mặc yếm hồng, các cô gái mặc yếm thắm, đeo khuyên bạc, những trẻ con, trai thanh gái lịch đang độ xuân xanh xấp xỉ… đó là đội ngũ đông đảo và sôi động nhất. Ở đây ta hiểu thêm rất nhiều về nếp sống, sinh hoạt, những phong tục đẹp của dân tộc: từ những nét hội họa điêu khắc, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật ẩm thực, phong tục cúng lễ, trò diễn… Trong Bức tranh quê của mình, nữ sĩ Anh Thơ đã làm sống lại những nếp sinh hoạt văn hóa ấy của người dân Kinh Bắc, bà xứng đáng được xem là nhà thơ của văn hóa phong tục.


Nói đến các lễ hội, ngày tết, nữ sĩ muốn nói đến một quan niệm sống chứ không đơn thuần chỉ là một sự mô phỏng. Điều đó không tách rời khỏi những giá trị văn hóa dân tộc. Vùng đất Kinh Bắc không chỉ góp phần làm phong phú thêm những phong tục, tạo nên những nền tảng giá trị văn hóa, mà còn xác lập ranh giới của một bản sắc văn hóa với một không gian rộng. Đó là không gian văn hóa miền Kinh Bắc. Cùng với thời gian, khi đời sống hiện đại của thế kỷ XXI đang đổi thay hàng ngày hàng giờ, nó lấn dần nông thôn, làm thay đổi sắc diện nông thôn đến mức làm mất dần những phiên chợ tết, nó xóa dần đi những nét thân thuộc của phong cảnh quê hương, những tập tục cổ xưa, thì những bức tranh hiện thực trong Bức tranh quê càng trở nên quý giá. Thành công của nữ sĩ trong khi dựng lại Bức tranh quê phải chăng do bà đã từng có những dịp được đắm mình trong cái rộn ràng, náo nức, nhộn nhịp, thơ mộng của những hội hè, chợ búa, thiên nhiên nơi làng quê Kinh Bắc?


Không gian Kinh Bắc trong Bức tranh quê còn chứa đựng một cái tình nhẹ nhàng, kín đáo với mỗi cảnh sắc, con người chốn làng quê. Thơ Anh Thơ có biết bao những nhân vật không tên không tuổi, từ những cụ già, bà lão, trẻ con, đến cả bọn trai làng đi tắm, nhưng nhiều hơn cả là những cô gái thôn nữ quan họ như trong Ngày xuân:


Lũ con gái rộn ràng cười nói, nói

Khoe hàm răng đen nhánh mắt đa tình.


Với cô gái quan họ thì Đêm xuân thực sự là những ngày hội. Các “cô nàng yếm thắm” cùng chiếc nón quai thao duyên dáng tụ họp với nhau nơi bờ sông – một không gian lý tưởng cho các cuộc đối đáp quan họ. Trong những ngày nông nhàn ở các làng quan họ, việc luyện tập ca hát và việc “đặt câu, bẻ giọng” diễn ra rất sôi nổi, nhất là vào ban đêm. Đây là một đặc điểm tâm lý đã được hình thành có tính truyền thống ở đây. Đó vừa là niềm tự hào, vừa thể hiện sự quý mến, trân trọng đối với tiếng hát và hoạt động văn hóa quê hương. Mọi người ai cũng nghĩ rằng tiếng hát quan họ là tiếng hát cầu duyên, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu may và có thể cũng là cái cầu nối với đất trời, thần phật để thỉnh cầu, cầu mưa, cầu nắng, cầu giải hạn… Tâm lý ấy đã dần dần xây dựng nên những thói quen, thành phong tục đẹp của làng xã, do đó góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát triển nghệ thuật quan họ được lâu dài, bền vững.


Quan họ là linh hồn văn hóa đất Kinh Bắc. Nói đến Kinh Bắc không thể không nhắc đến những làn điệu quan họ tình tứ mượt mà. Quan họ được hát ở nhiều không gian khác nhau: hát ở đám xẩm, ngày xuân, hát cả trong Chợ ngày xuân với “Những cô gái lưng điều bay phấp phới”, “Các cô nàng lơ lẳng nón quai thao”. Ta còn gặp những tiếng hát ấy cất lên từ “Những cô gái thuốc nhuộm răng đen nháy” trên triền đê, trong những buổi Chiều hè thật vui nhộn với “Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió”.


Đằng sau những bức tranh cảnh và người ấy, chúng ta còn thấy thế giới bên trong của hồn quê đất Việt. Đó là nét văn hóa làng quê toát lên từ đời sống tinh thần phong phú, con người sống với nhau trong nghĩa trong tình. Chính tình yêu quê hương nơi làng quê Kinh Bắc ấy đã đưa lại cho thơ Anh Thơ nói riêng, cho Thơ Mới nói chung một phong vị riêng, làm cho Thơ Mới khác hẳn thơ cũ. Cái phong vị đậm đà của cảnh sắc và phong tục quê hương Kinh Bắc này, chúng ta có thể tìm thấy ở một số nhà Thơ Mói khác, có người có một vài bài, có người có một vài câu. Song có lẽ nữ sĩ Anh Thơ là người làm nhiều nhất và cũng là nổi nhất.


Làng quê Kinh Bắc đã đi vào cảm xúc thơ của nữ sĩ Anh Thơ với tư cách như những yếu tố tự sự – nhưng dưới góc độ thẩm mỹ, trong cái nhìn nhận ấy đã hàm chứa sự ưu ái của nữ sĩ dành cho cuộc sống nơi quê mình. Tuy nhiên trong thời điểm lịch sử đầy biến động trước Cách mạng Tháng Tám, nhiều giá trị tốt đẹp của nền văn hóa đã bị lung lay, thì tâm tình của nữ sĩ không chỉ là cái nhìn ưu ái, nâng niu, trân trọng đối với nền văn hóa truyền thống nữa, mà quan trọng hơn nó còn là tâm trạng lo âu, trong sự mong mỏi giữ lại vẻ đẹp văn hóa dân tộc đang bị phôi phai. Điều ấy cắt nghĩa vì sao nữ sĩ đã miêu tả vẻ đẹp của những cô gái quê làng ấy gắn kết với những công việc lao động như chăn tằm, làm ruộng, tát nước, nhuộm răng, lái đò, đi chợ… với không khí tưng bừng của những ngày lễ hội, tết, đình đám, những đêm trăng trong vắt tâm hồn thôn quê. Trên cơ sở ấy nữ sĩ muốn làm sống dậy cùng hy vọng về không gian văn hóa vùng quê Kinh Bắc đẹp đẽ, đáng yêu trong truyền thống văn hiến, những nỗi niềm gắn bó tha thiết với dân tộc.


Trong khi xã hội Việt Nam đầy biến động về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, trong khi giai đoạn thi ca tìm mọi cách để phiêu du, thoát tục… thì cái tình của nữ sĩ Anh Thơ viết về làng quê Kinh Bắc thực sự có giá trị như lời cảnh tỉnh. Thể hiện một không gian văn hóa Kinh Bắc với những sắc thái thiên nhiên, phong tục tập quán với những lễ hội, lễ tiết, cùng vẻ đẹp tâm hồn những người dân vùng quê Kinh Bắc,… chọn một con đường nghệ thuật riêng như thế, nữ sĩ Anh Thơ đã góp phần không nhỏ vào việc “cân bằng sinh thái” cho mặt bằng thi ca 1932-1945. Trong lớp các nhà thơ nữ trước Cách mạng Tháng Tám Anh Thơ nổi lên rõ rệt hơn cả… Anh Thơ thật gần gũi với cuộc đời với những bức tranh quê chân thực. Những trang thơ cũng mềm mại cảm xúc của một tấm lòng với quê hương…


Theo Tạp chí Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam

Exit mobile version