Trên 50 năm cầm bút, nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nobel 1996, Wislawa Szymborska, sáng tác không nhiều, nhưng mấy trăm bài thơ của bà là những tinh hoa đã vượt qua sự chọn lọc khắt khe của tác giả.

Đặc biệt, sau trên nửa thế kỷ tồn tại, bài thơ Không có gì hai lần của bà đã ăn sâu vào tiềm thức, đi vào cuộc sống thường nhật của công chúng Ba Lan và những người yêu thơ trên thế giới, không chỉ với tư cách một bài thơ hay, mà còn là ca khúc được nhiều người mến mộ.

Trong đời, cái gì cũng chỉ xảy ra một lần. Triết gia Heraclite (520 – 450 trước công nguyên) cho rằng, toàn bộ thực tại đều không ngừng biến đổi, không có gì vững bền. Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Không có gì giống hệt nhau cả. Xét cho cùng, nói giống nhau như hai giọt nước cũng chỉ là tương đối, so sánh vẻ bề ngoài. Khoa học đã chứng minh rằng, thành phần hóa học của hai giọt nước không bao giờ y chang nhau. Bài thơ Không có gì hai lần cũng có ý như vậy. Ngay trong khổ thơ đầu tiên, khổ thơ được xây dựng theo nguyên lý phản đề cho ta thấy rõ điều này:

Không có gì xảy ra hai lần
Sẽ chẳng bao giờ là như vậy
Mới hay đó là nguyên nhân
Khi sinh ra ta không thuần thục
Ta không lão luyện lúc từ trần

Không có gì xẩy ra hai lần phản ánh đúng thực tế cuộc sống. Mỗi người chúng ta đều nằm trong quy luật vật đổi sao dời, mỗi người chỉ sống có một lần và chỉ có vậy, số phận con người không lặp lại. “Thuần thục” và “lão luyện” là những khái niệm xác định sự tinh thông của hành động và ý nghĩ của con người. Rất tiếc không thể có chuyện đó trong “trường đời”, vốn dĩ là một chuỗi dài những chuyện vui buồn không lặp lại, không lường trước được, kể cả chuyện sinh tử. Chúng ta chẳng thể thạo đời, dù là nhờ trải nghiệm bản thân, hay trải nghiệm của người khác. Thời gian trôi đi và cùng với thời gian niềm vui và nỗi buồn rồi cũng trôi đi. Một câu hỏi được đặt ra, có chặn đứng thời gian được hay không? Tại sao chúng ta lại phải chết? Không có câu trả lời, tại vì chúng ta phải chấp nhận, phải học bằng lòng với những gì ta đang có.

Khổ thơ thứ hai khẳng định luận đề đã nêu. Chúng ta đành cam chịu mình là “những học trò tột cùng dốt đặc” chứ làm sao chúng ta làm được cái việc “tái lập, dù một mùa đông hay hè”. Cuộc sống của chúng ta trôi qua và trôi qua, không thể trở về với quá khứ. Chẳng thể quay lại với những gì ta từng nếm trải. Mỗi người chúng ta đều khác nhau. Cái đẹp của sự khác nhau và sự đa dạng của con người là một hiện tượng không lặp lại. Thế giới này sẽ buồn tẻ và đơn điệu biết nhường nào khi cái gì cũng giống nhau như đúc.

Không có ngày nào lập lại
Không có hai đêm như nhau
Không có hai nụ hôn giống hệt
Không có hai ánh mắt nhìn lại y như một.

Người nói trong thơ đã có cảm xúc mạnh mẽ khi nghe nhắc đến tên người yêu của mình, người này cảm thấy như được ban một bông hồng, mà hoa hồng là biểu tượng của tình yêu.

Hôm qua bên em
có người nhắc tên anh
em như được một bông hồng
bay qua cửa sổ mở vào phòng

Đó là hôm qua. Nhưng một ngày sau, tức ngày hôm nay, khi hai người bên nhau, người này khổ đau vì bị ruồng bỏ, bị phản bội, đau như thể bị ném đá vào người. Mới hay, thật khó nắm bắt thực chất tình cảm của con người. Họ ở bên nhau, nhưng họ đâu có sung sướng. Bông hồng ư? Bông hồng ra sao?/ Đó là bông hoa? Hay là cục đá? Hôm qua một đằng, hôm nay một nẻo.

Nhà thơ Wislawa Szymborska.

Không có gì hai lần cũng là một bài thơ nói về nỗi cô đơn. Szymborska cố gắng chỉ ra rằng, thậm chí mối thâm tình cũng không đảm bảo cho hai con người gắn bó thực sự với nhau. Trong bài thơ chúng ta thấy một bức tường vô hình đã mọc lên giữa hai người yêu nhau, tại vì trong dòng sông Heraclite không có hai giọt nước giống hệt nhau đang chảy, còn con người khác biệt nhau như hai giọt nước trong lành. Dưới câu hỏi về bông hồng, chủ ngữ của bài thơ suy ngẫm, tình yêu là gì, nghĩ về quy luật vật đổi sao dời.

Mặc dầu đượm chút buồn, Không có gì hai lần là một bài thơ kết cục lạc quan. Thời gian có thể gây lo ngại, nhưng không sao, thời gian sẽ trôi đi, và lo ngại cũng sẽ trôi đi. Chủ ngữ của bài thơ nhận ra, Mi đang hiện hữu – rồi mi trôi qua/ Mi sẽ trôi qua – thế là tuyệt đẹp. Điều này cho hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn, một ngày mai miệng cười, tay ôm nhau. Cho nên, thế giới không ảm đạm, trái lại thế giới là bất ngờ, là thú vị, ẩn chứa nhiều khoảnh khắc đẹp mà rồi ra sẽ xuất hiện.

Các nhân vật trong bài thơ là những ai? Có lẽ chúng ta đã biết rõ, đó là người đàn bà phát ngôn ở ngôi thứ nhất, số ít (“bên em”, “em như được”, “em quay mặt”). Đôi khi chủ ngữ của bài thơ phát ngôn ở ngôi thứ nhất, số nhiều (“khi sinh ra ta không”, “ta không lão luyện”, “chúng ta chẳng thể nào”, “chúng ta cố tìm”…). Thay mặt tất cả chúng ta, chủ ngữ của bài thơ nêu lên những vấn đề liên quan đến tất cả mọi người. Chủ ngữ của bài thơ, qua từng câu thơ, chuyển tải những nghĩ suy, những suy ngẫm về cuộc sống, về những cảm xúc, về sự gắn bó giữa con người với con người. Bài thơ đề cập những vấn đề triết lý như thế này được xem là bài thơ trữ tình suy ngẫm. Bảy khổ thơ hay, ắp đầy nhạc điệu, đã lọt vào mắt xanh của nhiều nhạc sĩ, và đó cũng là nguyên do của sự ra đời những giai điệu và ca khúc làm say lòng người.

Trong khổ thơ cuối cùng, tác giả sử dụng lối so sánh lạ, rất độc đáo và cũng rất thú vị. Đây là sự so sánh hai người rất giống nhau, chứ không phải khác nhau. Chúng ta khác nhau, nhưng khác nhau như hai giọt nước, mà hai giọt nước thì giống nhau như ta vẫn thường ví, rốt cuộc, nói vậy mà không phải vậy, chúng ta giống nhau đấy chứ, một khi như vậy thì chúng ta phải đến với nhau và nhất định sẽ tìm được sự hòa thuận. Lật ngược ý nghĩa của câu giống nhau như hai giọt nước là yếu tố bất ngờ, tưởng chừng là một nghịch lý, gây thích thú cho người đọc, khiến người đọc sau khi đọc xong bài thơ vẫn còn nhâm nhi, vẫn còn suy ngẫm. 

Miệng cười, tay ôm nhau
Chúng ta cố tìm hòa thuận
Cho dù chúng ta khác biệt
Như hai giọt nước trong lành.

Khổ thơ cuối cùng của bài thơ cho thấy, hai người yêu nhau đã hòa thuận, mọi sự hiểu nhầm đã được giải tỏa. Như đã nói trên, mỗi người chúng ta đều chịu sự chi phối của quy luật vật đổi sao dời. Đời người, niềm vui và hạnh phúc rồi sẽ trôi qua, nhưng cũng sẽ trôi qua cái xấu, nỗi buồn và bất hạnh. Vấn đề là ở đó. Chúng ta phải biết vui, phải biết hài lòng với những gì ta đang có, phải yêu người, yêu đời, phải sống với thực tại, nắm bắt từng cơ hội mang tới cho ta niềm vui và hạnh phúc. Đó cũng chính là thông điệp của bài thơ. Xin lưu ý: bài thơ nói về cuộc sống và tình yêu, nhưng từ đầu đến cuối tác giả không hề nhắc một lần nào hai từ “tình yêu”, mặc dầu đó là chủ đề của bài thơ. Sự tinh tế này càng làm tăng thêm cái hay, cái đẹp của bài thơ và cả cái tài của nhà thơ nữa. Đã có rất nhiều người bình và phân tích bài thơ này, lời bình và cách tiếp cận tác phẩm có thể có những điểm khác nhau, nhưng tựu trung, tất cả đều khẳng định, đây là một bài thơ hay, thậm chí là bài thơ hay nhất của bà Wislawa Szymborska.

Tháng 8/1965, tại Liên hoan ca nhạc Sopot, liên hoan ca nhạc hàng năm lớn nhất Ba Lan thời đó, với sự tham dự của đông đảo ca sĩ lừng danh của Ba Lan và thế giới, ca khúc “Không có gì hai lần”, do nhạc sĩ Andrzej Mundkowski phổ nhạc bài thơ cùng tên của W. Szymborska, đã được nữ ca sĩ Lucja Prus (1942 – 2002) thể hiện rất thành công. Tôi và các bạn đồng môn của tôi, vừa mới sang Ba Lan học tập được một năm, đã có cơ hội thưởng thức ca khúc này, trong chương trình truyền hình trực tiếp từ Sopot. Có một điều đặc biệt, toàn bộ bảy khổ thơ của bài thơ được nhạc sĩ sử dụng y chang làm ca từ. Ca khúc kết thúc bằng việc nhắc lại hai lần câu thơ “Khi sinh ra ta không thành thạo/ Ta không lão luyện lúc từ trần”.

Ngày 9/2 vừa qua, ngày cử hành trọng thể tang lễ nữ nhà thơ, đúng 12 giờ trưa, khi bình tro hài cốt của bà được đưa từ nhà tang lễ tới khu mộ gia đình, thì trên tháp nhà thờ Mariacki ở trung tâm cố đô Krakow, nhà thờ cổ kính bậc nhất châu Âu (thế kỷ XIV – XV), thay vì tiếng kèn hiệu vào giờ này hàng ngày, ngân vang giai điệu phổ thơ của bà – bài Không có gì hai lần, do nghệ sĩ kèn trumpet tài danh trình tấu. Tiếng kèn da diết tiễn biệt nữ nhà thơ tài hoa về cõi vĩnh hằng vang vọng khắp cố đô và được truyền thanh trực tiếp ra toàn cõi Ba Lan, gây xúc động lòng người, phố đông nín lặng, nhiều người không cầm nổi nước mắt. Đó là tiếng kèn vô tiền khoáng hậu. Vinh dự này, sự tôn vinh này, chỉ dành cho nữ nhà thơ Wislawa Szymborska mà thôi.

Lê Bá Thự

Không có gì hai lần

Không có gì xẩy ra hai lần
Sẽ chẳng bao giờ là như vậy
Mới hay đó là nguyên nhân
Khi sinh ra ta không thuần thục
Ta không lão luyện lúc từ trần.

Cho dù là những học trò tột cùng dốt đặc
dưới mái trường thế gian,
chúng ta chẳng thể nào tái lập
dù một mùa đông hay hè.

Không có ngày nào lặp lại,
Không có hai đêm như nhau,
Không có hai nụ hôn giống hệt,
Không có hai ánh mắt nhìn lại y như một.

Hôm qua bên em
có người nhắc tên anh
em như được một bông hồng
bay qua cửa sổ mở vào phòng.

Hôm nay chúng mình bên nhau,
Em quay mặt vào tường.
Bông hồng ư? Bông hồng ra sao?
Đó là bông hoa? Hay là cục đá?

Hỡi cái giờ tệ hại
sao mi gây lo ngại
chẳng đâu vào đâu?
Mi đang hiện hữu – rồi mi trôi qua.
Mi sẽ trôi qua – thế là tuyệt đẹp.

Miệng cười, tay ôm nhau
Chúng ta cố tìm hòa thuận
Cho dù chúng ta khác biệt
Như hai giọt nước trong lành.

Lê Bá Thự dịch (Từ nguyên bản tiếng Ba Lan)

Nguồn: eVan.