Aleksandr Mikhailovich Sholokhov là cháu nội của nhà văn Nga Xô viết Mikhail Sholokhov (1905-1984), tác giả bộ tiểu thuyết vĩ đại “Sông Đông êm đềm”, Giải thưởng Nobel văn học năm 1965. Ông sinh năm 1962 ở Moskva; tốt nghiệp Khoa Sinh vật, Trường Đại học quốc gia Rostov năm 1984. Năm 1989, ông bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Đại học quốc gia Moskva. Từ đó, ông làm việc tại Bảo tàng quốc gia M.A. Sholokhov và sống ở làng Vyoshenskaya.

Năm 2001, Aleksandr Sholokhov được bổ nhiệm giám đốc bảo tàng. Dưới sự lãnh đạo của ông, Bảo tàng Sholokhov đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý trong và ngoài nước. Aleksandr Sholokhov là ủy viên đoàn chủ tịch của Hội đồng Văn hóa và nghệ thuật trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga, Ủy viên Viện Xã hội Liên bang Nga, Phó chủ tịch Hội đồng Bảo tàng quốc tế, Ủy viên đoàn chủ tịch Hiệp hội Bảo tàng Nga. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà văn Mikhail Sholokhov,  xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài trả lời phỏng vấn của ông.

– Đã hơn 30 năm trôi qua, kể từ ngày Mikhail Sholokhov từ giã cõi đời, nhưng những cuộc tranh luận về nhà văn và tác phẩm của ông vẫn chưa chấm dứt. Ông có tham gia vào những cuộc đấu khẩu này, bảo vệ ông mình khỏi sự công kích hay không?

– Rất ít khi và không hào hứng. Thứ nhất, Sholokhov tự bảo vệ được mình – tác phẩm hơn tên tuổi của những kẻ “hạ bệ” ông. Thứ hai, là người có một số kinh nghiệm nghiên cứu khoa học nhất định, tôi không muốn tham gia vào những cuộc tranh luận, được tổ chức trên cơ sở những phỏng đoán, tin đồn và đánh giá chủ quan. Thật vô nghĩa khi bạn tìm cách thuyết phục những người mà luận chứng chính của họ là sự thù hằn cá nhân. Thứ ba, tôi vốn thích một công việc có nội dung phong phú và sáng tạo. Vì vậy, tôi coi Bảo tàng Sholokhov với uy tín ngày càng cao, số lượng khách tham quan và bạn bè ngày càng đông là một luận cứ tốt nhất, còn hàng vạn người viếng thăm làng Vyoshenskaya hôm nay là chỉ số tình cảm đối với nhà văn. Phần thưởng lớn nhất đối với một bảo tàng văn học là trước khi ra về, khách tham quan của chúng tôi nói rằng, từ nay anh ta sẽ đọc lại (hoặc bắt đầu đọc) Sholokhov.

Aleksandr Sholokhov – cháu nội của văn hào Nga Mikhail Sholokhov.

– Ông không chỉ là người phụ trách bảo tàng, mà còn tổ chức các cuộc triển lãm khắp thế giới. Xin ông cho biết, ở nước ngoài, người ta đánh giá Sholokhov như thế nào? Cũng trân trọng như với Dostoyevsky, Tolstoy, Chekhov hay ít hơn?

+ Tôi nghĩ rằng ở châu Âu, người ta biết Dostoyevsky nhiều hơn các nhà văn khác. Còn đối với Trung Quốc và Mỹ La tinh, có lẽ Sholokhov gần gũi hơn – ở đây đề tài về sự đồng thuận xã hội hết sức cấp thiết. Những người am hiểu cuộc nội chiến đọc Sholokhov với một tình cảm đặc biệt. Vâng, ngay cả các tác phẩm của cùng một nhà văn cũng nhận được sự yêu thích khác nhau của độc giả. Chẳng hạn, nước Đức xuất bản “Đất vỡ hoang” nhiều hơn, còn Nhật – “Số phận con người”.

– Cho đến nay, người ta vẫn chỉ trích Sholokhov vì ông đã ký tên vào những bức thư tập thể nào đó, ví dụ, phản đối Solzhenitsyn và Sakharov. Nhưng ta thấy trong danh sách những người ký tên có nhiều nhà văn và nhà hoạt động văn hóa “tiến bộ” khác. Tuy thế, họ không bị buộc tội… Tại sao vậy?

+ Đây là một câu hỏi hay, nó không chỉ liên quan tới thái độ đối với Sholokhov                                                                                                                                                                                                                      Bạn hãy lưu ý rằng, nhiệt tình nhất trong những lời phát biểu tương tự là những người tự xưng theo chủ nghĩa tự do và kêu gọi tự do ngôn luận và đa nguyên ý kiến. Có thể, tốt nhất hãy hỏi họ – tại sao việc phát biểu một cách trung thực ý kiến cá nhân trong trường hợp này lại khiến họ tức giận? Khác với những người bạn vừa nêu trên, Sholokhov có chính kiến của mình và không ngần ngại phát biểu một cách thẳng thắn.

– Về bí mật trong sáng tác “Sông Đông êm đềm” người ta viết còn nhiều hơn cả về cuốn tiểu thuyết. Vậy, Sholokhov phản ứng thế nào trước tin đồn về việc  đạo văn? Nhà văn có bình luận, giải thích, biện minh, giận dữ gì không?

+ Nói chung, không có bí mật nào cả… Sholokhov luôn tỏ ra bình tĩnh và rất hiếm khi phản ứng. Mặc dù, một lần, nhà văn trả lời bằng câu châm ngôn phương Đông nổi tiếng: “Chó cứ sủa và đoàn người cứ tiến”. Lần khác, khi người ta cho ông xem cuốn sách của Medvedeva-Tomashevskaya (cuốn sách có nội dung buộc tội Solzhenitsyn đạo văn – ND), ông tỏ ra ngạc nhiên: “Thế cái này để làm gì?”.

– Nhiều người băn khoăn, không hiểu sao những năm cuối đời Sholokhov lại ngừng viết? Do khủng hoảng trong sáng tạo, mệt mỏi, thất vọng về văn chương?

+ Trong một bài báo không thể trả lời thấu đáo câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi cũng xin trao đổi về hai vấn đề. Thứ nhất, Sholokhov không ngừng viết, các tác phẩm chính luận của ông những năm cuối đời vẫn mang đậm phong cách Sholokhov rất độc đáo. Thứ hai, cần lưu ý tới hoàn cảnh sáng tác tiểu thuyết “Họ chiến đấu vì tổ quốc”.

Sholokhov dự định viết ba tập, nhân vật chính là một người đã tham gia cuộc nội chiến, trở thành nhà chỉ huy quân sự, đã vào tù ra tội, nhưng không gì có thể lung lay được ý chí của ông. Còn nguyên mẫu của nhân vật này, giống như trong trường hợp Grigory Melekhov, là tướng Lukin huyền thoại. Tuy nhiên, vào những năm 60, khi Sholokhov đưa in những chương đầu kể về giai đoạn trước chiến tranh, trong đó có nói về nạn nhân các vụ đàn áp, thì được lệnh dừng in và chuyển bản thảo cho cấp trên duyệt. Thế rồi, bản thảo cũng không được duyệt, và sau gần một tháng chờ đợi ở Moskva, trước lúc trở về, Sholokhov viết cho Brezhnev (Tổng Bí thư BCH Đảng Cộng sản Liên Xô -ND) một bức thư khá gay gắt. Thử hỏi, liệu có thể sáng tác được nhiều sau sự “giải thích những nhiệm vụ sáng tạo” như vậy?

– Xin ông cho biết ý nghĩa của Sholokhov đối với văn học Nga?

+ Cũng là một câu hỏi đáng để viết một luận án tiến sĩ. Trước Sholokhov, không ai viết về nhân dân từ bên trong. Ông thể hiện quan điểm của nhân dân về những vấn đề lớn lao nhất của thời đại, đến mức, dường như, bằng tiếng nói của ông, nhân dân tự thể hiện mình một cách đầy đủ nhất. Sholokhov ủy thác việc giải quyết những vấn đề vĩnh cửu không phải cho một nhà triết học chuyên nghiệp hay một trí thức lão luyện, mà là cho một người xuất thân từ quần chúng nhân dân.

Không phải vô cớ mà ở Nga cũng như nước ngoài, nhân vật trung tâm của ông, Grigory Melekhov, được mệnh danh là “Hamlet Ca-dắc”. Và nếu như Hamlet thể hiện những xung đột của cuộc sống khiến ông dằn vặt trong câu nói nổi tiếng “Tồn tại hay không tồn tại?”, thì Melekhov cũng vật vã trên con đường tìm kiếm “sự thật, dưới đôi cánh của nó mỗi người có thể  tự sưởi ấm”. Hơn nữa, các nhân vật của Sholokhov tìm kiếm câu trả lời trong một thế giới bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Họ nhận thức được và đôi khi phải trả giá bằng sinh mạng để bảo vệ những giá trị tinh thần có khả năng cứu vớt con người và cả dân tộc trong những hoàn cảnh đầy bi thảm. Điều này cho đến nay vẫn mang tính cấp thiết đối với nước Nga đương đại và cả thế giới.

Tiếc rằng chúng ta chóng quên đi bài học lịch sử của mình, bởi đối với thế giới đương đại, trong đó có nước Nga, hòa hợp dân tộc vẫn là một trong những vấn đề chủ yếu. Trong những năm 60, ông nội tôi đã đặt ra cho bố tôi (giảng viên triết học) một câu hỏi cấm kỵ thời đó: “Bao giờ cuộc nội chiến kết thúc trong sách giáo khoa của các anh?”.  Thật dễ hiểu là những đám cháy âm ỉ của nó đến nay vẫn chưa tắt hẳn. Và nền văn học Nga vĩ đại phải trả lời tất cả các câu hỏi, vì văn học không giáo huấn, mà bắt chúng ta suy nghĩ, không kê đơn thuốc, mà giúp nhận thức bản thân.  Xin hãy đọc các nhà văn một cách chăm chú và với trái tim trong sáng, chứ không phải về những “bí mật” vốn không tồn tại của họ.

Vượt qua những thử thách vô cùng khắc nghiệt, nhân vật của ông bị số phận dồn tới ranh giới giữa cái thiện và cái ác, đứng trước sự lựa chọn – hoặc làm Người, hoặc căm ghét tất cả, sống xu thời, thù hận, kéo những người xung quanh vào vòng tội lỗi của mình. Sự lựa chọn của Sholokhov là rõ ràng – từ Grigory Melekhov tới Andrey Sokolov. Còn nữa: Sholokhov chỉ cho chúng ta thấy chính bản thân chúng ta, không phải bằng sự phán xét, mà bằng tình yêu.

– Cách đây không lâu, với tư cách là hậu duệ của Sholokhov, ông đã tham dự cuộc gặp gỡ của Tổng thống Putin với các nhà văn Nga. Theo ông, hoạt động này có nên được tiếp tục không? Liệu có thể xây dựng được một cơ cấu đáp ứng quyền lợi của nền văn học Nga? Nó có cần thiết không và ông có tham gia vào công việc của nó không?

+ Ngay việc diễn ra cuộc gặp gỡ như vậy – vấn đề không phải có sự tham dự của tổng thống, mà ở chỗ lần đầu tiên,  các đại diện của rất nhiều khuynh hướng gặp gỡ nhau dưới một mái nhà, chứng minh sự cần thiết đã chín muồi của nó, đối với chính các nhà văn, cũng như xã hội. Vì vậy, tôi hy vọng nó sẽ tiếp tục, và tất nhiên, sẽ ủng hộ bằng mọi cách.

Theo Trần Hậu (Văn nghệ công an)