Nằm trong phòng của bệnh viện, ông không thể tĩnh tâm nghỉ ngơi. Ông không thể hiểu được lớp trẻ bây giờ. Chúng sống thực dụng quá. Không lo cống hiến mà chỉ lo sao có lợi nhất. Điều này khác hẳn với thế hệ ông…

Ảnh minh họa: Internet

– Này, anh đừng có cản tôi. Việc anh, anh làm, việc tôi, tôi làm. Tôi nuôi anh lớn bằng đấy, chẳng nhẽ tôi không biết thế nào là phải, trái, thế nào là lợi, hại hay sao?

Nói xong, ông Bộ ho xù xụ một tràng dài.

– Ông bớt nóng giữ sức khỏe cho qua cái đợt này. Kìa con, xin lỗi bố đi.

Hướng mặt về phía Hùng, bà Bộ nhẹ nhàng.

– Bố ạ! Con rất lo sức khỏe của bố. Bố đừng nói thế. Nhìn thấy bố thế này con xót ruột lắm.

– Anh mà cũng biết xót ruột à? Nếu xót ruột thì anh và những người ấy đã không làm thế. Anh giải thích như thế nào về việc hạ chiều dày bê tông mặt đường với tôi đây?

Hùng, con trai ông Bộ mặt méo mó như khỉ ăn ớt:

– Khổ quá, con đã giải thích với bố rồi, đó là do vấn đề kỹ thuật. Nền đường cứng, giảm chiều dày bê tông cục bộ sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu và khả năng chịu lực. Rồi bố xem.

– Thôi, anh đi đi. Tôi không bao giờ tin. Giảm chiều dày bê tông, các anh có giảm kinh phí đầu tư không? Tôi mà không phát hiện ra thì thế nào?

– Thôi, con ra ngoài đi để bố nghỉ.

Bà Bộ nhẹ nhàng khuyên con trai.

Chuyện là ông Bộ được người dân trong thôn bầu làm tổ trưởng tổ giám sát thi công đường nông thôn mới của xã. Anh vợ của con trai ông Bộ trúng thầu và giao cho Hùng phụ trách thi công con đường này. Quá trình thi công, ông Bộ luôn có mặt để theo dõi sát sao. Hôm ông đi gặp mặt đồng ngũ trên Hà Nội mấy ngày, ở nhà, Hùng huy động thợ tối đa, tăng ca, đổ bê tông mặt đường cho “kịp tiến độ”. Khi về, ông Hùng ngờ ngợ. Đi kiểm tra thì phát hiện ra “cái đuôi”. Ông đã gặp trực tiếp anh vợ của Hùng trao đổi. Lúc đầu anh ta còn chối quanh, đổ cho đủ các lý do và không chấp nhận việc giảm phí đầu tư theo thực tế. Anh ta lý luận:

– Bác ạ! Cháu nói thật nhé. Để thắng thầu, chúng cháu phải mất phí “bôi trơn”. Nếu cháu làm đúng thì sẽ không có lãi. Hùng cũng chẳng có tiền. Có ai đi làm không công bao giờ đâu? Cháu biếu bác 5 triệu, bác lờ lớ lơ đi cho chúng cháu là xong. Thời nay mà “vác tù và hàng tổng” chỉ có là người hâm thôi phải không bác?

– À, anh giỏi thật. Anh dám nói thế sao? Chúng tôi đã hết lòng vì dân, vì nước bao năm nay, thậm chí còn bỏ xương, bỏ máu ngoài chiến trường để đất nước được độc lập, hòa bình. Người dân của mình còn nghèo, họ hiến đất, đóng góp để làm đường, để quê hương đẹp hơn thế mà các anh lại… Tôi đồng ý làm kinh tế là phải có lãi, nhưng không thể làm bằng mọi thủ đoạn. Anh coi giá trị con người tôi chỉ 5 triệu à? Anh cút ngay ra khỏi nhà tôi.

Anh vợ của Hùng chẳng mảy may nhận thấy “điều không hay”, cậu ta lẳng lặng đi ra cửa, miệng lẩm bẩm: Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, chẳng nhẽ bác quên?

Tối đó, ông Bộ cấm Hùng không được làm “cai đầu cách” cho anh rể nữa. Ông khuyên Hùng tìm việc khác để làm. Phải lo tu thân và cống hiến; cần cù, chịu khó làm việc sẽ giàu có; đừng làm việc xấu, tâm sẽ thanh thản. Hùng chẳng những không nghe còn gắt gỏng.

– Thời bố khác, thời con khác. Con đã trưởng thành, đủ trí khôn để tồn tại và sống. Thời nay, cống hiến chỉ là bình phong thôi bố ạ. Bố không thấy đấy à. Nhiều người là quan chức mấy năm đã xây nhà to, xe đẹp, vợ con sung sướng, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Bố xem bao nhiêu năm bố cống hiến, nhà mình có gì nào? Vẫn thế, nghèo. Muốn mua cái gì cũng phải tính lên tính xuống.

– Anh im đi. Cút đi cho khuất mắt tôi. Cái loại vô giáo dục!

Sau đấy ít giờ, vết thương trong đầu tái phát, ông Bộ được đưa đi bệnh viện điều trị. Nằm trong phòng của bệnh viện, ông không thể tĩnh tâm nghỉ ngơi. Ông không thể hiểu được lớp trẻ bây giờ. Chúng sống thực dụng quá. Không lo cống hiến mà chỉ lo sao có lợi nhất. Điều này khác hẳn với thế hệ ông. Ngày ấy, dù là con một, dù không thuộc diện nhập ngũ, song ông vẫn viết đơn tình nguyện tòng quân để vào Nam chiến đấu, cho thỏa chí làm trai. Lúc đó, nhiều người khuyên ông nên ở nhà, tiếp tục học để xây dựng đất nước. Đó cũng là cách cống hiến, nhưng ông bảo: Guồng máy hoạt động sôi nổi nhất của cả dân tộc là ở chiến trường. Ông không muốn đứng phía sau guồng máy ấy để vỗ tay, hưởng ứng mà phải trực tiếp góp sức vào chiến công của guồng máy ấy mới hả lòng, hả dạ. Ông đem suy nghĩ này bộc bạch với bà Bộ. Bà nói:

– Tôi biết ông đúng, nhưng con nó chưa hiểu được vì thực tế trong xã hội đang tác động vào lớp trẻ rất mạnh. Điều này khiến chúng u mê. Ông cứ nghỉ cho khỏe, mình phân tích dần dần, chắc chắn con sẽ hiểu.

Đúng lúc ấy, vợ chồng ông thông gia đến thăm. Sau những lời động viên, ông thông gia chia sẻ:

– Tôi đã khuyên bảo và các cháu đã hiểu ra vấn đề rồi. Ông cứ yên tâm mà điều trị cho khỏi bệnh, không phải lo lắng gì nữa. Chuyện đâu có đó.

– Tôi bực quá ông ạ! Nó là con ông và cũng giống như con tôi. Mình hy sinh, nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi chúng nó khôn lớn, thành người và chỉ mong chúng đem tài năng cống hiến cho nước nhà, cho quê hương. Thế mà nó lại mang tiền ra để đổi lấy sự im lặng của tôi. Điều này khác nào sỉ nhục tôi hả ông. Chúng nó không thể hiểu được nhân cách của những người lính đã qua trận mạc ông ạ. Tôi với ông cùng trở về từ chiến trường sau khi đã cống hiến tuổi thanh xuân và xương máu cho độc lập dân tộc. Điều ấy hạnh phúc hơn vô vàn những chiến sĩ vẫn còn nằm đâu đó ở trong cánh rừng, con suối lạnh lẽo hả ông?

– Tôi biết! Các cháu nó lớn, nhưng còn dại lắm! Ngày nay, nhiều người nghĩ thiển cận nên làm giàu bằng mọi giá. Chỉ đơn cử như việc giáo dục trẻ em thôi đã thấy “không thoát” rồi. Họ bắt con học thêm và định hướng thi vào các ngành dễ kiếm tiền nhất để nhanh giàu. Những người làm từ thiện, lo vận động gây dựng phong trào xã hội hoặc đấu tranh với tiêu cực… thì bị coi là “trật đường ray”, khác người. Tôi nghĩ, thời nào cũng vậy, cống hiến và hưởng thụ là hai vấn đề song hành và cần được Nhà nước luật hóa thành quyền lợi và nghĩa vụ để mọi người hiểu. Cũng cần phải giáo dục lịch sử một cách chu đáo hơn để thế hệ trẻ nhận thức rõ ràng, tìm ra con đường tương lai, không được đi ngược lại quyền lợi của quốc gia, dân tộc.

– Ông nói vậy cũng phải. Có lẽ tôi hơi cứng nhắc trong vấn đề này nên đưa ra các quyết định nóng vội. Tôi cũng phải điều chỉnh cách nghĩa, cách làm cho phù hợp thôi ông ạ.

Ông Bộ thổ lộ chân thành.

– Đấy! Vấn đề là ở đó ông ạ. Mình không vào hùa với việc làm xấu của con cháu. Chúng nó tuổi còn trẻ, háu ăn, háu nói, nhìn thấy lợi ích là hoa mắt. Lúc chúng đã quyết thì trời cản. Cách tốt nhất là dùng mưu để trị ông ạ.

Bà Dự nói chêm vào: Ấy bác! Nhà em tái phát vết thương cũng là một cách để trị lại những kẻ trẻ tuổi, hám làm giàu đấy bác ạ.

Sau nằm viện nửa tháng, con đường bê-tông của xã cũng hoàn thành. Ngày khánh thành, Hưng, anh vợ của Hùng phát biểu trước nhân dân rằng, thực tế trừ chi phí vật liệu, thi công và các khoản khác, doanh nghiệp của Hưng còn được gần 100 triệu. Anh ta đề nghị địa phương tạo quỹ đất để xây dựng sân bóng cho thanh niên. Anh ta sẽ chi toàn bộ số tiền lãi để xây dựng công trình ý nghĩa này. Anh ta bộc bạch thêm:

– Trong quá trình thi công con đường này, bác tổ trưởng tổ giám sát đã cho tôi hiểu sâu sắc thêm bài học về làm người. Đó là sự trung thực.

Anh ta khẳng định, trong kinh doanh, chỉ có trung thực mới làm cho cái danh của doanh nghiệp và cá nhân đứng vững và phát triển. Ngồi bên dưới, mắt ông Dự đỏ hoe. Ông hiểu, cống hiến của mình với quê hương đã có kết quả khả quan.

 

Nguồn QDND