Vanvn.net – Nhà thơ Trần Khắc Tám, sinh năm 1954 tại Nam Đàn – Nghệ An; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT Đà Nẵng; Trưởng chi nhánh NXB Kim Đồng tại miền Trung, Phó giám đốc Công ty Phát hành sách Quảng Nam – Đà Nẵng… Ông đã đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông ngày 19-12-2002 (tức 16-11 Nhâm Ngọ), hưởng dương 49 năm. Nhà thơ Trần Khắc Tám thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1975, xuất hiện như một tài năng trẻ. Giọng thơ chiêm nghiệm suy tư nhưng giản dị, ấm áp với những đời thường ông hằng gắn bó. Nhân ngày giỗ lần thứ 15 của nhà thơ Trần Khắc Tám, vanvn.net xin giới bài viết “Không ai được quyền tước đi nỗi buồn của thơ” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, từ miền Trung vừa gửi cho BBT.

Nhà thơ Trần Khắc Tám (ngồi phía trong, bìa trái) và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, ảnh chụp năm 1995

HOÀNG VŨ THUẬT 

Trong các nhà thơ miền trung, Trần Khắc Tám mang tới độc giả cảm thức riêng, giản dị, mộc mà sâu lắng. Không lớn tiếng, không cường điệu trái lại rất đằm, nhẹ nhàng như anh sống. Những gì thường đến, thường thấy dễ dàng người ta bỏ qua, đôi lúc mờ nhạt vô hình. Người làm thơ có nghề, không ít đã đi tìm cái gì đó cao hơn, xa hơn, triết lý hơn, như thế mới chiêm nghiệm khám phá. Chưa hẳn, chân lý thơ  được đúc kết từ cuộc sống bình dị diễn ra hàng ngày, một cuộc sống chính nó, trong nó, không xa lạ gì cả.

Qua hai tập thơ Những đời thường yêu mến (NĐTYM) và Tim tím (TT), Trần Khắc Tám đã liên lạc được với người đọc bằng cái lẽ thường tình ấy.

Từ tâm xuất phát:

                        Chúng mình quen nhau từ giọng nói
                         Giọng nói Miền Trung gặp giọng nói Miền Trung
(Giọng nói – NĐTYM)

Đến cảm hoá:

                         Làm sao dửng dưng ơi mùa thu
                         Cây thả lá xôn xao ngoài cửa sổ
                         Ai nói ai cười trên phố
                         Ai vuốt nhẹ tóc mình
                         Mùa thu!
(Cửa sổ mùa thu – TT)

Không đà điệu, phô bày, với cách nói đằm kín, anh tạo ra những mạch thơ day dứt. Ở anh kể cả những bài thơ viết riêng cho mình, cho người mình yêu vẫn thể hiện cái tâm chân thật của một người rất thiết tha với cuộc sống. Sức chiếm lĩnh độc giả nhờ vào cái tình như chính anh sống và viết nên.

Đọc Trần Khắc Tám dễ nhận ra âm sắc những đồng quê quen thuộc, chốn Bình yên những con bò gặm cỏ, Lối nhỏ, Đụn rơm vàng chim sẻ đậu, với: người mẹ bóng đi như chạy giữa cánh đồng / người chị hát cười răng đen hạt na / nơi bên cầu tre bóng ai ngồi giặt áo / những trái dưa trên cát ngủ no tròn. Đó là nơi mẹ sinh ra anh:

Mẹ đi ra chợ mua trầu
                         Chị tôi gánh lúa qua cầu gió bay…
                              Đường làng như thể chỉ tay
                         Thoắt cong thoắt thẳng mọc dày làng tôi

Mạch cảm xúc ấy tiếp sức, khi đến với miền quê khác lòng anh vẫn phập phồng, xao xuyến:

                         đồng quê ơi đồng quê
                         … Những bầu trời chiến tranh
                         những cánh đồng đỏ máu
                         những hoàng hôn lơ lửng tiếng chuông chiều
(Đồng quê – TT)

Thiên nhiên trong thơ Trần Khắc Tám  là thiên nhiên có thực, lay động, giao hoà giữa cảnh và tình. Trong sự đẩy tới của thơ, anh vẫn còn giữ lại cho mình bài ca mà nhiều người lãng quên: Mùa thu vẫn mùa thu những chiếc lá rơi chầm chậm / Có một người lặng lẽ bỏ đi. Cái hồn nhiên của thời nằm trên cỏ, khói đồng bay lang thang đã nhường lại:

Em hồn nhiên hơn tôi
                         Em yêu hơn tôi yêu
                         Tôi vụng dại đủ điều
                         Để em buồn không nói
                         Em đi tôi không gọi  
                         Em đứng tôi không nhìn
                         Chiều tim tím màu sim

(Tim tím – TT)

Nên chi:

                        Em như thiên nhiên, anh đi mãi không cùng
(Anh yêu em – TT)

Gắn bó với thiên nhiên, với đời thường, bao giờ thơ cũng mang ý tưởng nhân văn, ý tưởng xã hội. Mỗi số phận, mỗi con người hiện ra bằng cái giá trị riêng. Trần Khắc Tám đã hướng mạch cảm xúc thứ hai đi về phía ấy. Anh tìm tới nỗi trống trải, cô đơn của con người, tìm tới để nhìn cho tận ngọn nguồn, có điều như đã nói, đó không phải là một thế giới xa vời:

                         Thiếu mẹ nhiều khi con lúng túng
                         Nhìn về đâu cũng thấy thiếu một người

Giữa buổi chợ quê nhà Miền Trung, anh bàng hoàng hẫng hụt với: Hàng trầu thấp thoáng áo nâu / Những mẹ già ngồi nhai trầu móm mém / Muốn nán lại nơi hàng trầu một chút / Chỗ mẹ ngồi đất còn ấm dưới bàn chân. (Đi chợ chiều nhớ mẹ – NĐTYM).

Không ai có quyền tước đi nỗi buồn của con người. Bởi vì nỗi buồn cũng là tài sản vô giá của đời sống tinh thần. Nó chỉ nổi lên, thoát ra khi người ta thật sự sống đúng với mình. Câu thơ chở theo tâm trạng:

                        Bây giờ nơi này hôm ấy
                        Anh về tìm lại những giọt nước mắt xưa
(Tìm hoài – TT)

Con người luôn muốn thoát ra khỏi hoài nghi và sợ hãi. Nhưng nhà thơ không thể không nói ra hoài nghi và sợ hãi: Tôi nghe buồn bên ấy / Chầm chậm sang nhà mình (Hàng xóm – TT). Chạm vào cõi vô cùng và ý thức được  nỗi cô đơn, lẽ dĩ nhiên con người phải tìm cách chống lại nó, vươn đến khát vọng sống trong sáng:

Nhờ cửa sổ mở anh thấy được
                         Một bông hoa di động giữa phố chiều
(Có một bông hoa – NĐTYM)

Dù cho:

                         Dẫu khi tận cùng số phận
                         Mong bên tôi luôn có một người

(Bên tôi -TT)

Thơ hay chỉ xảy ra khi người ta không dụng ý làm thơ, viết để ghi cho kỳ được nỗi mình trước cảnh vật, con người. Cái phút hoà cảm đi qua tâm tưởng thật quý vô cùng, nhà thơ phải biết nắm bắt kịp thời. Bởi vậy độc giả tìm đến thơ đâu hẳn mong tìm một lượng thông tin, một thời báo, mà để thấy con người của thơ anh, tìm ở anh sự giao thoa, phát hiện nơi anh cái cốt cách.

Hai mạch cảm xúc trong thơ Trần Khắc Tám đã gọi thành tên chất thơ của mình, đó là cái tâm của tác giả, cái cần có của nhà thơ.

Trần Khắc Tám có lúc hơi tỉnh, nhất là tập trước. Tôi nhận ra mỗi khi anh tìm cách đổi mới cho thơ mình thì lại thiếu sức lay động cần thiết, dù bài thơ được cấu tứ chắc tay. Thí dụ các bài: Bên bờ sông Thu Bồn, Như ánh sáng, Đối thoại, Một bước…câu thơ bị bóc trần, còn lại cái lõi cứng nhắc thì không chở nổi hồn thơ.

Trần Khắc Tám ý thức được mình khi sáng tạo. Anh đã bắt đầu có những hạt giống tốt để gieo vãi trên mảnh đất của chính mình. Nhưng thật đáng tiếc, nhà thơ đột ngột giã từ chúng ta, giã từ bạn bè người thân trên quê hương khi đang ở cái tuổi đầy khát vọng, sức viết còn mạnh mẽ và trẻ trung./.

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài