Tôi có dịp gặp nhà thơ Mai Văn Phấn cách đây chừng hai mươi năm ở một Hội nghị Viết văn trẻ tại Hà Nội. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ nụ cười hiền lành, cùng ánh mắt rụt rè và giọng nói nhỏ nhẹ của anh. Thời gian trôi qua. Độ mươi năm gần đây hình ảnh nhà thơ hiện lên với ánh nhìn thâm sâu, u lạnh, trên các bìa sách và những phỏng vấn đây đó làm tôi sửng sốt với những quan niệm mới lạ. Nhất là khi anh tự nhận “Tôi đã làm vua những con chữ”. Thế là tôi lần mò đọc anh và ngẫm…
Chân dung nhà thơ Mai Văn Phấn (ảnh Fb)
Kẻ giang hồ biết im lặng
Tôi nói vậy bởi suối nguồn thơ ca đã nảy sinh trong tâm hồn cậu bé Mai Văn Phấn ở miệt Kim Sơn, Ninh Bình tự bao giờ không rõ nữa. Chính vì thế, tuy là một học sinh giỏi, nhưng Phấn bỏ qua những cơ hội học hành để thăng tiến mà đã khoác áo lính vào năm 1974, khi vừa thi tốt nghiệp cấp 3 tại trường huyện. Chắc cha mẹ và mọi người trong nhà không ai biết cái mộng văn chương đã ấp ủ trong tâm hồn anh bấy lâu nay. Vào bộ đội chả mấy chốc, Phấn đã có bài thơ đầu tiên in trên báo Phụ nữ Việt Nam. Đến nay bài thơ “Hoa xoan” ấy đã trở thành kỷ niệm. Nhưng chính từ đây, không hiểu sao Phấn lại muốn xóa đi tất cả những điều đã từng nhận biết về thơ ca, và đã khoanh tay ngừng cuộc chơi. Đời lính đầy trải nghiệm trên những tuyến đường sau tay lái cũng đã dừng chân. Một kẻ giang hồ vặt đây đó đã thôi hát những khúc ca lãng tử để tìm lại mình. Lý gì vậy?
Phấn đã lao vào học và đọc nhiều. Anh trăn trở nhiều về đường thơ của mình và bạn bè. Khác với mọi người làm thơ trẻ ngày đó, Phấn không hồ hởi say mê viết tiếp những gì mình đã sống một cách hồn nhiên, theo mẫu cánh “Hoa xoan” nữa. Cần phải đổi mới, không thể mãi mãi là một thứ vần điệu lãng tử mộng mơ. Không biết bao đêm lận đận với những suy tư, Phấn mơ về những ánh sáng màu được khúc xạ, từ một miền kỳ ảo nào đó phát quang. Từ đó anh ngừng viết. Một kẻ giang hồ biết dừng chân không dễ. Đó là một bản lĩnh của một thi nhân. Điềm tĩnh để xác tín lại những cung bậc nào sẽ ngân lên trong bản hòa tấu thi ca. Một giọng lĩnh xướng vút lên trong bản thánh ca mà Phấn đang trên con đường đi tìm mình. Phát hiện ra mình là ai? Tồn tại hay không tồn tại!? Đâu có dễ. Khó mấy ai làm được như anh, khi im lặng đến 16 năm mới cầm bút trở lại.
Đó là câu chuyện bắt đầu từ khi Mai Văn Phấn đã bước qua tuổi hạn 37. Nhưng phải nói vía anh cũng lạ, mới xuất hiện đã bị dư luận đánh cho tơi tả khi bị vu là có vấn để thế sự trong bài thơ “Thuốc đắng” sau bao năm im hơi lặng tiếng. Họ tập trung vào khổ thơ kết để luận bàn và suy diễn. Bây giờ đọc lại mới thấy cái độ tinh tế, cái thần ám ảnh đúng chất Mai Văn Phấn. Bài thơ chỉ là chuyện cho con uống thuốc khi bị sốt thôi nhưng quả có sức dư ba lạ lùng: “Con đang ăn gì trong mơ. Cha để chén lên cửa sổ. Khi lớn bằng cha bây giờ. Đáy chén chắc còn bão tố”. Nhưng đến khi chùm thơ của Mai Văn Phấn, trong đó có bài “Thuốc đắng” được Hội Văn nghệ Hải Phòng trao giải nhất, thì mới coi là tai qua nạn khỏi.
Từ đó có thể nói thơ Mai Văn Phấn có một giọng thơ tinh tế với những cảm xúc rất sâu lắng, và vẻ đẹp của ngôn từ ở những câu kết. Nếu ta đọc phần thơ từ khởi đầu cho đến năm 1995 đều có thể nhận biết, thơ anh hiển hiện một gam màu thuần nhất dòng hiện thực lãng mạn. Nhất là bài “Nghi lễ cuối cùng”, chất lãng mạn dồn nén trong khổ kết: “Chạm bờ ánh sáng. Anh quỳ xuống. Em hiện thân trong chiếc áo thiên thần. Lấy một ít nước gọi lên máu và sữa cỏ. Em dịu dàng rửa tội cho anh”. Nhưng rồi có thể nói đây cũng là một điểm dừng của một Mai Văn Phấn hiện thực tài hoa. Có điều lạ ở anh, nói cho cùng là rất dễ chán mình, vì anh không muốn làm mệt người đọc ở những gì đã qua. Không còn mới nữa. Cho dù, sau Giải nhất thơ Hải Phòng, nhà thơ Mai Văn Phấn còn đoạt hai Giải nhì thơ của báo Văn nghệ và Người Hà Nội, vào năm 1995. Anh quyết từ giã hình ảnh: “Ghé môi vào miệng thời gian. Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non” (Tản mạn về cỏ). Lại một hành trình mới khám phá tự nơi mình, mà anh hay nói đến sự “vong thân”; Giang hồ trong chính bản ngã mình.
Không gian thơ huyền ảo Rubic
Người ta nói có tới hàng ngàn cách để lập lại trật tự của khối Rubic. Trong vô vàn sự hỗn loạn của những dấu chấm mầu trong thế giới Rubic, nhưng để tìm được con đường nhanh nhất để thu về sáu mặt đồng mầu không dễ. Đó là bài toán hình học không gian hóc búa đối với cả thế giới. Có những cuộc thi xem ai có thể giải quyết sự hỗn độn ấy trong thời gian nhanh nhất. Đã xuất hiện một kỷ lục 30 giây. Tôi bất ngờ liên tưởng, để tạo dựng phong cách thơ của mình, Mai Văn Phấn phải mất tới những 30 năm. Nghĩa là từ khi anh bỏ bẵng một thời gian hơn mười năm, đến năm 2010, tập thơ “Bầu trời không mái che” của anh được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng không gian thơ của anh đã trở nên huyền ảo và dày đặc những cảm quan triết lý. Tất nhiên anh vấp không ít những khó khăn trong sự khẳng định của mình. Nhiều người không bắt kịp một ngôn ngữ thơ được coi là hậu hiện đại như anh. Họ đã phản ứng, chê bai và thậm chí có người đã hoang mang khi đọc thơ anh.
Nhiều nhà thơ và các nhà lý luận phê bình đã và đang muốn xếp thơ Mai Văn Phấn vào chủ nghĩa này nọ. Trừu tượng ư?. Hay siêu thực?. Hoặc suy tưởng triết lý?. Hay chủ nghĩa tượng trưng? Hậu hiện đại!? Cổ điển mới!?… Thật ra anh đều nghiên cứu và đã trải nghiệm. Mỗi tập thơ là một sự vượt thoát, hay “vong thân”, mà anh thường đầy hứng khởi sáng tạo. Nhưng cuối cùng anh đã gọi được hồn mình, trong 36 giá đồng trong thế giới tâm linh, và tìm ra ánh sáng thơ của riêng mình. Có lẽ tôi thú vị nhất với những luận bàn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi viết về Phấn: “Chỉ khi ta lùi sâu vào trong sự tĩnh lặng của tâm hồn và sự suy tưởng ta mới nghe thấy giọng nói của anh. Lúc đó, từng chữ từng câu của anh dần dần vọng đến. Lúc đó, ta mới quay lại để nhìn kỹ gương mặt của thi sĩ. Thời đại chúng ta đang sống quá ồn ào và chúng ta nhiều lúc quên đi những giọng nói tĩnh lặng của tâm hồn và sự suy tưởng”. Sự lắng đọng và ấn tượng sau những con chữ và hình tượng chồng nhau đó là bí ẩn trong thơ Mai Văn Phấn. Tôi nghĩ thế và chính Mai Văn Phấn cũng đã từng nói: “Tôi đã làm vua những con chữ”.
Anh đã đúng. Trong cuộc chơi những con chữ này quả là biến ảo giống như trò chơi đậm chất phù thủy Rubic. Trong cái mê cung của một không gian thơ những con chữ dồn nén, lập lại một trật tự mới và hướng người đọc nhận biết ra mình, và lôi kéo họ đồng hành. Tham gia trò chơi chữ với tác giả. Mai Văn Phấn đã chia sẻ với người đọc bằng những con chữ huyền diệu. Tôi nghĩ đó là sự thành công của một gương mặt thi sĩ, theo đuổi một ngôn ngữ nghệ thuật thơ ca, đầy khách quan. Đúng như cố thi sĩ Lê Đạt đã tuyên ngôn “Chữ bầu lên nhà thơ”. Và, Mai Văn Phấn đã tìm ra một dòng thơ Việt hiện đại khi nhận được sự tương tác giữa tác giả và người đọc.
Ta có thể bắt gặp ở bất cứ bài thơ nào, trong giai đoạn từ 2000 đến 2010 của tuyển tập thơ của Mai Văn Phấn, cũng thể hiện sắc mầu duy lý hiện đại phương Tây hòa nhập nét huyền thoại tâm linh phương Đông. Nếu ta có thể giật mình vì những câu thơ “Em gối lên anh kè đá chắn sóng. Làm hàng cây ngăn giông bão đi qua” (Những bông hoa mùa thu), hay tôi đoan chắc ai cũng sẵn sàng sáng tạo cùng khi anh viết về tình yêu: “Con sâu đo em đu lên người anh, thì thầm gặm hết những xanh non” (Gió thổi), hay đây đó ta có sự đồng cảm với: “Búi tóc em đan trong ngực anh thành tổ chim ấm áp. Bầy chim non nở ra ríu rít những hừng đông”. Và độc đáo biết bao khi tác giả viết: “Luôn tin có em trong miệng anh. Nơi không chiến tranh, dịch hạch. Mũi tên tẩm thuốc độc. Thị phi, cạm bẫy, lọc lừa. Lối em đi không còn gai nhọn. Bão tràn qua anh dựng tường ngăn…”. Có thể nói bắt đầu từ tập thơ “Vách nước” (NXB Hội Nhà văn năm 2003) cho đến tập thơ mới “Vừa sinh ra ở đó” (NXB Hội Nhà văn-2013) đã nổi bật một phong cách ngôn ngữ thơ hiện đại đổi mới. Mai Văn Phấn ít chú trọng vào nhịp điệu, tu từ, đặc biệt tránh dùng mỹ từ. Đáng chú ý anh đã tạo một “từ trường thơ” có sức mạnh dụ người đọc suy tư và tưởng tượng cùng với những hình tượng thơ ca.
Hai trong một
Mới đây tôi gặp anh tại Hải Phòng, quê hương thứ hai tạo dựng sự nghiệp thơ của anh trong hơn hai mươi năm qua. Tôi bất ngờ gặp lại nụ cười hiền lành đậm chất “Tràng An”, một xứ sở tuyệt đẹp ở quê anh Ninh Bình. Đôi mắt anh cũng cười theo câu chuyện vui, khi anh thoát khỏi thơ. Tôi bỗng dưng nghĩ anh có hai khuôn mặt. Một là hình ảnh mơ màng của đồng quê và một là hiền triết bí ẩn, và cũng đầy cồn cào của sóng biển. Tôi yêu cả hai gương mặt đó. Một gương mặt thơ từ đầu cho đến 1995 và một chân dung hiện thực huyền ảo Mai Văn Phấn từ đó đến nay. Bởi đó là hai mốc của một chặng đường dài kiếm tìm và vượt thoát khỏi bản ngã mình trong quá trình sáng tạo thơ ca. Và anh đã thành công. Khối huyền ảo Rubic thơ anh hút hồn tôi và bao bạn đọc với những con chữ đậm đặc hình ảnh chuyển động bất ngờ từ những nút mầu ngỡ như bấn loạn. Nhưng cuối cùng sáu mặt phẳng mầu hiện lên một hiện thực đầy sự lay động và ám ảnh, được hình thành bởi những đường chéo của một ngôn ngữ bí ẩn, trong không gian huyền ảo mang danh hiệu của thi sĩ họ Mai.
Vương Tâm
(Trích tập “Nước mắt thời gian”)
(Nguồn: Văn học quê nhà)