Sáu thành viên trong nhóm thơ Facebach vừa trình làng tập thơ “Từ khóa”. Đây là cuộc hội ngộ của những cây bút trưởng thành từ phong trào thơ sinh viên trong giai đoạn 1980-1990, góp phần khơi lại một thời sôi nổi của những nhóm bút, hội bút, mà nhiều người trong số họ ngày nay đã có vị thế trên văn đàn nước nhà.

Nhớ thuở hoàng kim


Những năm trước và sau 1998, ở Hà Nội, ngoài CLB thơ sinh viên chung của thành phố, tại các trường đại học như: Bách khoa, Sư phạm, Tổng hợp, Kinh tế quốc dân… đều có các CLB, nhóm thơ. Cùng với nhóm “Hương đầu mùa” của Báo Hoa Học trò, “Vòm me xanh” của Báo Mực tím, các CLB thơ sinh viên tại các trường đại học là sân chơi bổ ích cho những cây viết và người yêu văn chương. Không có sự phân biệt ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, không có giới hạn về tuổi tác, đông đảo sinh viên và giảng viên đã đến với sân chơi thi ca trong niềm hân hoan và cả sự say mê nghệ thuật.

Nhóm Vòm me xanh của Báo Mực tím từng là sân chơi bổ ích cho những cây viết trẻ và người yêu văn chương.


Nhà thơ, nhà giáo Lê Hồng Quang, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, người đã đồng hành cùng CLB thơ Bách khoa từ những năm 1980-1990 nhớ lại: “Đó là những năm tháng mà phong trào thơ Hà Nội phát triển rầm rộ, dường như không ngày nào là không có những đêm thơ…”. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu ví von rằng, những đêm thơ ngày ấy luôn là ngày hội của sinh viên. Đêm thơ nào thì hội trường cũng chật kín người nghe. Người đọc, phần lớn là giới trẻ, luôn thể hiện sự say sưa, tự hào. Nhiều nhà thơ tên tuổi như Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy… được mời đến đọc thơ, hòa theo niềm say mê của các bạn trẻ.

Những CLB, những hội bút, nhóm bút đã tạo ra bầu không khí thơ ca vừa sôi động, vừa trong trẻo, góp thêm chất xúc tác cho sự thăng hoa của nghệ thuật ngôn từ. Biết bao cây viết đã trưởng thành từ những “vườn ươm” thi ca ấy, như “Tác phẩm tuổi xanh”, “Tầm nhìn thế kỷ” (Báo Tiền phong), “Văn học tuổi 20” (NXB Trẻ)…. Và tới nay, nhiều người trong số đó đã trở thành nhà văn, nhà thơ tên tuổi.


Tái lập mối duyên thơ

Sau thời kỳ hoàng kim, trong quãng thời gian từ năm 2000 trở lại đây, các CLB thơ sinh viên dần thu hẹp, các hội bút, hội nhóm cũng không còn nữa. Tại các trường đại học thành lập nhiều CLB mới như nhiếp ảnh, khiêu vũ, âm nhạc… nhưng số CLB thơ dần thưa vắng. Những cây bút một thời hăm hở với thơ ca, rời giảng đường đều phải lao vào mưu sinh, ít nhiều có sự chững lại.

Cứ ngỡ dòng chảy của thơ trôi vào quên lãng thì bất ngờ, vào tháng 1-2015, Facebach (tên ghép của Facebook + Bách khoa) “ra đời”. Nhà thơ Trần Hưng, Chủ nhiệm CLB thơ Facebach cho biết: Nhóm thơ tập hợp những cây bút thuộc CLB thơ sinh viên Bách khoa những năm trước/sau 1990 và các bạn viết cùng thời, mong muốn xây dựng một sân chơi thơ ca theo tiêu chí “mới – mở – trẻ”, hỗ trợ cho các cây bút năng khiếu và góp phần kiến tạo “thi quyển” mới. Kể từ khi thành lập đến nay, Facebach đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị như: Phát hành thơ, bán đấu giá các kỷ vật liên quan đến thơ, dùng 100% số tiền thu được để gây quỹ từ thiện nhằm giúp học sinh người Mông ở Trấn Yên – Yên Bái.

“Từ khóa” – tập thơ in chung đầu tiên của Facebach, có sự góp mặt của 6 tác giả đều là “tinh hoa” của những CLB thơ sinh viên từ hơn 20 năm trước, đánh dấu một sự trở lại đầy ý nghĩa của thế hệ trưởng thành từ những năm 1980-1990. Qua thời gian, vượt lên nỗi lo toan thường nhật, họ vẫn giữ được tâm hồn thi sĩ với những nét duyên riêng. Một Đỗ Huy Chí tinh tế và đằm sâu với những câu thơ lục bát nhuần nhị, một Nguyễn Đức Hạnh lãng tử, một Đỗ Mạnh Hùng da diết, một Trần Hưng hào hoa, một Minh Trí phiêu lãng, một Hoàng Liên Sơn đầy ưu tư, trăn trở…


Hứa hẹn từ lứa quả đầu mùa

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, “Từ khóa” là lứa quả đầu mùa của Facebach, tuy chín muộn nhưng rất đáng trân trọng. Bởi lẽ “Từ khóa” khiến cho những “tinh hoa” một thời không chìm vào quên lãng, nó cũng cho thấy thơ vẫn có đất sống và sự truyền cảm của thơ vẫn đến được với công chúng. Nhà phê bình La Khắc Hòa chia sẻ: Ở tập thơ này, ông vẫn cảm nhận được tinh thần lãng mạn của những cây viết trẻ một thời. Và với ông, “Từ khóa” đã làm sống lại tinh thần thơ ca của một thời kỳ sôi nổi.

Một dòng chảy thơ ca mạnh mẽ vẫn âm thầm bền bỉ trôi, đó là điều mà bạn bè văn chương cảm nhận được từ Facebach. Sự ra đời của nhóm thơ nhen nhóm hy vọng cho sự trở lại của những nhóm bút, hội bút một thời, để từ đó khuấy động phong trào thi ca trong giới trẻ. Theo nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn: Sự xuất hiện của nhóm thơ Facebach là một khởi đầu ý nghĩa, góp phần lan tỏa tinh thần thi ca trong giới trẻ, tạo đà cho nhiều tập thơ, nhóm thơ khác ra đời.

Không còn nghi ngờ gì nữa, như lời của nhà phê bình Chu Văn Sơn, “Từ khóa” sẽ là động lực để các tác giả mang tác phẩm đến với độc giả nhiều hơn, làm phong phú đời sống thi ca đương đại.

Theo Gia Phú – Hà Nội mới